Giảng dạy hành chính công trong bối cảnh đại dịch Covid 19 – Bài học kinh nghiệm từ Ca-na-đa

(Quanlynhanuoc.vn) – Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 như hiện nay đang buộc các ngành nghề trong xã hội trên phạm vi toàn cầu cũng phải thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh. Trong lĩnh vực giảng dạy cũng vậy, cần thiết phải chuyển từ giảng dạy trực tiếp trên lớp sang dạy học trực tuyến. Bài viết nêu nên những kinh nghiệm của Ca-na-đa trong công tác giảng dạy bồi dưỡng hành chính.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Sự chuyển đổi từ giảng dạy hành chính công trên lớp sang dạy học trực tuyến ở Ca-na-đa

Vào tháng 3/2020, do tác động của đại dịch Covid-19, các trường quản lý công và chính sách công của Ca-na-đa đã phải chuyển việc giảng dạy từ dạy và học trên lớp sang học trực tuyến như nhiều trường đại học khác trên thế giới. Ban đầu các trường đại học đều cho rằng, sự gián đoạn này chỉ là tạm thời và sẽ nhanh chóng kết thúc đến kỳ học mùa xuân. Tuy nhiên, hầu hết các trường đại học ở Ca-na-đa đã phải kéo dài việc học trực tuyến sang hết kỳ học mùa xuân và mùa thu năm 2020, thậm chí, còn kéo dài đến hết năm học 2020 – 2021. Điều này đã đặt ra câu hỏi, liệu đại dịch Covid-19 có kéo dài và nghiêm trọng tương tự như tác động của Dịch hạch đen đối với giáo dục đại học không? Cụ thể hơn, biện pháp cô lập, ngăn chặn và cách ly xã hội để chống lại sự lây lan của đại dịch Covid-19 có tác động thế nàp đến giáo dục đại học, đặc biệt trong giáo dục hành chính công (HCC) nhằm tạo cú hích cho đổi mới cách thức hoạt động của nó.

Để trả lời một phần câu hỏi này, vào ngày 02/6/2020, Hiệp hội các Chương trình HCC Ca-na-đa (CAPPA) đã tổ chức hội thảo trực tuyến nhằm tạo cơ hội cho học giả, nhà thực hành chính sách công và HCC thảo luận về ý nghĩa của những biến cố bất ngờ và những tác động của đại dịch Covid-19 đối với việc giảng dạy. Qua đó, các ý kiến phát biểu tham gia hội thảo đã đánh giá, nhìn nhận và đặt câu hỏi: Liệu chúng ta đang chứng kiến ​​một biến cố hay đang tạo ra một sự thay đổi?

Hội thảo trực tuyến tập trung thảo luận về ba chủ đề: (1) Trải nghiệm về sự thay đổi nhanh chóng từ giảng dạy trên lớp sang giảng dạy trực tuyến; (2) Một số quan điểm lệch lạc về giảng dạy trực tuyến; (3) Giới thiệu một số kỹ thuậmới trong giảng dạy trực tuyến. Mục tiêu của Hội thảo không phải là thúc đẩy học tập trực tuyến mà là cung cấp khái niệm và kỹ thuật cho những người tham gia giảng dạy, học tập trực tuyến trong lĩnh vực HCC về:(1) Phương pháp giảng dạy; (2) Thay đổi suy nghĩ về giảng dạy trực tuyến; (3) Tiếp cận các nguồn lực sử dụng trong dạy học trực tuyến.

Phương pháp giảng dạy

Có nhiều mô hình sư phạm trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến, tập trung chủ yếu vào phương pháp giảng dạy, tuy nhiên, các mô hình sư phạm không phản ánh được thực tế của việc giảng dạy đại học trong ngành HCC – nơi đối tượng tham gia học tập phần đông là người lớn. Điều quan trọng là phải tạo ra môi trường học tập thúc đẩy tự học dựa trên kinh nghiệm của người học chứ không chỉ dựa trên kinh nghiệm của người dạy.

Phương pháp phi logic có thể được vận dụng khi thiết kế một khóa học trực tuyến dựa vào sự tham gia chủ động của người học. Khi thiết kế, không chỉ tập trung vào tài liệu để truyền đạt mà cần giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng các ví dụ trong bối cảnh thực tế. Cũng cần nhấn mạnh đến việc sử dụng các phương pháp và công cụ đồng bộ hoặc không đồng bộ để bảo đảm sự cân bằng một cách hợp lý giữa suy luận quy nạp và diễn dịch, tạo động lực cho người học.

Thay đổi suy nghĩ khi chuyển sang giảng dạy trực tuyến

Khi có sự thay đổi nhanh chóng từ giảng dạy trên lớp sang giảng dạy trực tuyến, bản năng tự nhiên của mỗi chúng ta luôn đặt ra câu hỏi “Làm thế nào để có thể chuyển các khóa học trên lớp sang trực tuyến?”. Nếu chỉ xác định đây là công việc mới hay chỉ để tâm tới việc sử dụng công nghệ này hoặc công nghệ khác vào công tác giảng dạy thì quả là một khiếm khuyết. Trên thực tế, hai yếu tố thiết yếu cần phải đặt ra khi thiết kế khóa học trực tuyến là:mục tiêu bạn muốn đạt được và kỹ năng bạn muốn phát triển được là gì? Và điều quan trọng là cũng cần xem người học sẽ tiếp thu thế nào? Giảng viên cần lưu ý rằng các phương pháp khuyến khích người học làm bài tập và thảo luận khi học trực tiếp trên lớp không thể dễ dàng và nhanh chóng được sao chép sang hình thức học trực tuyến, bởi vì đối với hình thức học trực tuyến, phương pháp thảo luận cần phải rất đa dạng và linh hoạt mới có thể mang lại kết quả tốt. Ngoài ra, vai trò là người hướng dẫn khi học trên lớp thường phải được chuyển sang hình thức là người hỗ trợ khi học trực tuyến. Về bản chất, toàn bộ hình thức giảng dạy phải được xem xét kỹ lưỡng với các phương pháp tiếp cận phi logic sao cho phù hợp. Quan trọng nhất là làm việc trong không gian trực tuyến đòi hỏi phải lập kế hoạch chi tiết cho từng mục, tiểu mục của bài giảng.

Như vậy, các khóa học trực tuyến phải được cấu trúc xoay quanh những ý tưởng chủ đạo trên, đồng thời bảo đảm phù hợp với chương trình của môn học. Về nội dung này, một trong các biện pháp được áp dụng trong giảng dạy trực tuyến là cần nắm vững chín quy tắc sau:

(1) Hiểu người học là ai;

(2) Xác định rõ mục tiêu mà khoá học cần đáp ứng;

(3) Tuân thủ thời lượng cho phép;

(4) Xác định được vai trò của người dạy trong môi trường học tập;

(5) Xác định được vai trò của người học trong môi trường học tập

(6) Đề ra chiến lược thu hút và phát huy động lực học tập của người học;

(7) Vận dụng những công cụ có sẵn và liên kết chúng với mục tiêu khóa học và phong cách học tập của người học;

(8) Đánh giá được công cụ nào phù hợp với kết quả học tập.

Có thể tóm tắt những quy tắc trên, bao gồm: đưa ra những lựa chọn rõ ràng; biết vì sao cần tiếp cận kết quả học tập theo một cách nhất định và hiểu được thứ tự của hoạt động theo mục tiêu của khóa học và năng lực nào cần phát triển. Điều này có nghĩa là giảng viên nên thử nghiệm cấu trúc của khóa học, trình tự các hoạt động và các công nghệ theo ý của họ. Thông qua những trải nghiệm này, người ta có thể có được kiến ​​thức về cách thiết lập một khóa học trực tuyến, hiểu biết về lĩnh vực này và có được sự hiểu biết thực sự về cách kết hợp hiệu quả với mục tiêu khóa học, phong cách học tập của người học và công nghệ giảng dạy. Đồng thời, thông qua những trải nghiệm, người hướng dẫn có thể mở rộng thêm các phương pháp tiếp cận phi logic, phát triển trí tuệ cảm xúc và làm giàu thêm kho công cụ giảng dạy để làm việc trực tuyến với người học. Tuy nhiên, việc thử nghiệm trong học thuật phải đi kèm với sự linh hoạt của người học và ban quản trị đại học, tất cả đều phải cởi mở, linh hoạt. Thử nghiệm ở đây có nghĩa là ngay cả người thiết kế chương trình, người hướng dẫn cũng có thể mắc lỗi trong quá trình giảng dạy.

Tính linh hoạt cũng có nghĩa là suy nghĩ lại về khái niệm thời gian trong cấu trúc của một khóa học trực tuyến. Trong một khóa học được thiết kế đồng bộ và không đồng bộ, thời gian không còn được xác định theo cách của một khóa học trên lớp. Phải tính toán lại thời gian khi thiết kế khóa học, đặc biệt là các yếu tố đồng bộ. Ví dụ, một người có thể lập kế hoạch cho một khóa học trực tuyến trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng.

Khái niệm “thử nghiệm” ở đây cũng nói đến thử nghiệm về các loại hình sư phạm, thử nghiệm công cụ và công nghệ khác nhau cũng như phương thức thực hiện trong thực hành giảng dạy của mỗi cá nhân. Các nhà sư phạm có thể lựa chọn nhiều tài liệu khác nhau để thu hút người học và bảo đảm những tài liệu này có thể giúp họ đạt được mục tiêu giảng dạy của mình. Do đó, họ có thể điều chỉnh tài liệu sao cho phù hợp khi thiết kế khóa học theo kiểu không đồng bộ (điều mà nhiều người không quen làm), sau đó, tạo cơ hội cho người học phát triển kế hoạch học tập của riêng mình.

Thử nghiệm cũng giúp chúng ta có thể suy nghĩ lại về các phương pháp học tập, điều này cũng liên quan đến việc khơi dậy các “nguồn lực” thường bị lãng quên. Đầu tiên, học trực tuyến tạo cơ hội thu hút người học từ mọi nơi trên đất nước. Thực tế hiện nay, trong bối cảnh một khóa học trên lớp được thiết kế với ba giờ trong mỗi tuần (vào buổi sáng hoặc buổi chiều), trong 12 – 15 tuần thật khó thu hút các học viên HCC (những người thường thực hiện các chức năng chính của họ vào những giờ này và tại văn phòng của họ). Tuy nhiên, học trực tuyến phá vỡ những rào cản vật lý và thời gian, bởi nó cho phép người học tham gia các khóa đào tạo quản lý nhà nước thông qua việc sử dụng các công nghệ khác nhau và trên hết là thông qua một cấu trúc không đồng bộ, trong đó thời gian của khóa học không còn được xác định theo cùng một cách. Người ta có thể tạo ra buổi học bằng cách ghi âm hoặc có thể gợi mở các chủ đề cụ thể của khóa học để học viên tự tìm hiểu. Cũng có thể thu hút người học theo cấu trúc đồng bộ như tổ chức thảo luận trực tuyến.

Cũng cần lưu ý, việc thu hút các nguồn lực như Twitter và các trang tin như Podcast thường bị bỏ qua hoặc bị coi là công cụ học tập không hiệu quả đối với hình thức học trên lớp nhưng những công cụ này lạicó thể là một phần không thể thiếu trong giảng dạy trực tuyến. Vì chúng ta cần đào tạo đội ngũ công chức cho hôm nay và mai sau nên khi tích hợp những công cụ này vào phương pháp học tập của mình để hướng dẫn học viên cách sử dụng chúng một cách có trách nhiệm và hiệu quả.

Tiếp cận các nguồn lực trong dạy học trực tuyến 

Một số giảng viên và người học bày tỏ sự bất lực trong dạy và học vào giữa học kỳ mùa đông năm 2020, khi họ đột nhiên phải xâm nhập vào không gian ảo để giảng dạy. Đó là khoảng thời gian mà mỗi người trong chúng ta đều mất công tìm kiếm trợ giúp và nguồn lực. Phần lớn những công cụ hỗ trợ và nguồn lực này đã có sẵn trong các trường đại học và trường quản lý công. Tuy nhiên, trách nhiệm khai thác các công cụ và nguồn lực phục vụ giảng dạy không chỉ thuộc về người dạy. Các đơn vị, bộ phận Hành chính trong các trường đại học cũng phải hỗ trợ những người tham gia giảng dạy tìm kiếm nguồn lực sẵn có phù hợp với chương trình giảng dạy của họ để thực hiện chuyển đổi sang loại hình giảng dạy trực tuyến. Về vấn đề này, một số trường đại học đã phát triển các “ngân hàng nguồn lực”, các chương trình hỗ trợ và đào tạo cho các giảng viên khi giảng dạy trực tuyến.

Tuy nhiên, một trong những đặc thù của ngành học HCC là những nguồn lực này cũng có thể được tìm thấy bên ngoài các trường đại học (tức là trợ giúp từ đồng nghiệp, người thực hành, các công cụ có sẵn trên trang web). Nhiều giảng viên đã có sự trợ giúp của những người làm việc cùng lĩnh vực chuyên môn cũng như làm việc trong lĩnh vực quản lý HCC. Việc chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm có thể trở thành “một mỏ vàng thực sự” và các bộ phận quản lý hành chính trong các trường đại học có cơ hội hỗ trợ giảng viên trong quá trình chuyển đổi này. Ngược lại, giảng viên cũng không nên ngần ngại nêu nhu cầu với bộ phận quản lý hành chính của nhà trường để có thể được giúp đỡ khi tìm kiếm và khai thác nguồn lực cần thiết.

Kết luận

Từ kinh nghiệm giảng dạy HCC của Ca-na-đa trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, chúng ta cần nắm rõ một số phương pháp giảng dạy và áp dụng trong thực tiễn giảng dạy trực tuyến như sau:

Một là, cần năng động, hòa nhập, hạn chế lấy giáo viên làm trung tâm trong giảng dạy.

Hai là, đồng cảm hơn với nhu cầu của người học, cần ít kiểm soát hơn theo cách đã áp dụng với các phương pháp tiếp cận phi logic trong giảng dạy;

Ba là, cần áp dụng thử nghiệm công cụ học tập mới và sẵn sàng tích cực thu hút người học tham gia học tập.

Bốn là, chúng ta đang đào tạo những học viên là công chức hiện đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị, tổ chức, ban, ngành trung ương và địa phương, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, do đó, mỗi giảng viên cần có trách nhiệm bảo đảm rằng người học có các công cụ, kỹ năng và tư duy phản biện cần thiết để đối mặt với bối cảnh khác nhau.

Như đã đề cập trong phần giới thiệu, với những gì đang diễn ra, chúng ta phải đặt ra giả thiết rằng liệu các biện pháp cô lập, ngăn chặn và cách ly xã hội để chống lại sự lây lan của Covid-19 có khiến việc giảng dạy đại học, đặc biệt là trong lĩnh vực HCC, phải xác định lại sứ mệnh và phương thức tiến hành không? Những kết quả thảo luận từ các hội thảo của Ca-na-đa cho thấy, chúng ta cần đối phó với những tác động từ thực tế mới này và điều chỉnh với chương trình giảng dạy một cách thích hợp.

Tài liệu tham khảo:
1. Teaching public administration in the Covid-19 era: Preliminary lessons learned. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/capa.12387
ThS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh
Học viện Hành chính Quốc gia