Thừa Thiên Huế: Xây dựng và phát triển thành phố Huế xứng tầm là đô thị hạt nhân của tỉnh

(Quanlynhanuoc.vn)Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đề ra chỉ tiêu: “Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hoá đặc sắc và đô thị di sản. Hoàn thành việc mở rộng thành phố Huế theo quy hoạch trước năm 2022”. Để thực hiện được mục tiêu nói trên, thành phố Huế được chọn để xây dựng và phát triển, trở thành đô thị hạt nhân – xứng tầm là “đầu tàu” cho sự phát triển của toàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với việc mở rộng gấp gần 4 lần và ưu tiên nguồn lực phát triển để thành phố Huế trở thành đô thị hạt nhân – xứng tầm là “đầu tàu” cho sự phát triển của toàn tỉnh là mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, thành phố Huế cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, có bản sắc riêng trở thành động lực cho sự phát triển là yêu cầu cấp thiết, phải làm trong giai đoạn tới.

Sáp nhập, ổn định bộ máy

Qua gần 2 tháng tổ chức thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (có hiệu lực từ ngày 01/7/2021), thành phố Huế đã tập trung thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phát triển kinh tế – xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cho 13 xã, phường vừa sáp nhập vào thành phố Huế. Mặc dù,tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại địa phương đang khá phức tạp, người lao động từ TP. Hồ Chí Minh về địa phương khá nhiều, số lượng người bị nhiễm F0 trong các khu cách ly tăng cao, tuy nhiên, bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự nỗ lực, thống nhất cao của hệ thống chính trị và Nhân dân toàn thành phố nên đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đồng chí Phan Thiên Định – UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Huế báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế về các mặt hoạt động của thành phố, ngày 06/8/2021. Ảnh: thuathienhue.gov.vn.

Theo báo cáo của đồng chí Phan Thiên Định – Bí thư Thành ủy thành phố Huế tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 06/8/2021, 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 50%; giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 49%; thu ngân sách ước đạt 70% và hỗ trợ giải quyết việc làm cho hơn 5.900 lao động so với kế hoạch đề ra của năm. Về giải ngân vốn đầu tư công, tổng số kế hoạch vốn giao đầu năm 2021 của thành phố là 155 tỷ đồng cho 61 danh mục công trình, dự án, trong đó có 19 công trình, dự án hoàn thành, chuyển tiếp; 41 công trình, dự án khởi công mới; 1 công trình dự án chuẩn bị đầu tư. Giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt 120/190,7 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Công tác trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an ninh – quốc phòng được giữ vững, cải cách hành chính có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thành phố Huế triển khai mạnh mẽ, kịp thời.

Thời gian qua, các đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế, dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế, chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương, nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội, tuyến đường dọc bờ sông Hương, cầu chui đường sắt Bắc Nam, chỉnh trang tuyến đường xung quanh Hoàng Thành, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ khu vực 3, 4, 5, 6, 7, 8.

Thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành các quyết định sáp nhập 6 đảng bộ phường để thành lập 3 đảng bộ phường mới, gồm: Đông Ba, Gia Hội và Thuận Lộc; giải thể và sáp nhập tổ chức đảng, đảng viên đối với Đảng bộ phường Phú Thuận nhập vào Đảng bộ phường Thuận Hòa và Đảng bộ phường Tây Lộc (từ 27 đảng bộ phường còn lại 23 đảng bộ phường). Tiếp nhận 18 tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Không gian đô thị thành phố Huế. Ảnh: thuathienhue.gov.vn.
Phát triển phần lõi thành phố Huế thành đô thị di sản đặc thù

Triển khai các nhiệm vụ và định hướng phát triển thành phố thời gian tới, Thành ủy thành phố Huế tiếp tục ưu tiên công tác phòng, chống và ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch Covid-19 theo phương châm: giảm thiểu các sinh hoạt không thiết yếu, ưu tiên bảo đảm an toàn và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của Nhân dân.

Điều chỉnh định hướng phát triển. Chỉnh trang, định hướng phát triển phần lõi thành phố Huế thành đô thị di sản đặc thù. Khai thác, phát huy các giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử đặc trưng Huế. Trong đó, mở rộng không gian phát triển đô thị Huế về hướng Đông (Thuận An, Hải Dương, Hương Phong) và khu vực An Vân Dương; coi trọng khai thác, kết nối phát triển đô thị và dịch vụ cửa ngõ phía Đông – hướng biển. Chú trọng đầu tư hạ tầng cho 13 xã, phường mới sáp nhập vào thành phố Huế. Để hoàn thiện hạ tầng giao thông góp phần kết nối trung tâm thành phố với các xã, phường mới sáp nhập, Hội đồng nhân dân thành phố vừa thông qua Nghị quyết bổ sung Danh mục dự án dự kiến đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021- 2025 và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án điện chiếu sáng các tuyến đường liên phường, xã thuộc thành phố Huế mở rộng, bao gồm các tuyến đường dọc sông Hương từ xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu về đến cầu Diên Trường, ngược lên xã Hương Vinh đến trung tâm thành phố. Riêng xã Hải Dương sẽ đầu tư hệ thống điện chiếu sáng cả tuyến trung tâm đoạn từ giáp ranh xã Quảng Công đến cửa biển Thuận An và một số tuyến đường kết nối với các phường Hương An, Hương Hồ và các xã Hương Thọ, Thuỷ Bằng… với tổng mức đầu tư khoảng 18 tỷ đồng.

Đồng thời, xây dựng các thiết chế để gắn kết hữu cơ thành phố với các trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế, trung tâm nghiên cứu đang có trên địa bàn, khai thác tối đa lợi thế này vào việc xây dựng thành phố thành một đô thị phát triển trên nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo ngoài lợi thế du lịch là truyền thống từ trước đến nay.

Đồng chí Nguyễn Văn Phương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc trực tuyến với cán bộ chủ chốt thành phố Huế, ngày 12/8/2021. Ảnh: thuathienhue.gov.vn.
Tạo bước đột phá trong phát triển

Để xứng tầm là đô thị hạt nhân, là “đầu tàu”, động lực trung tâm cho sự phát triển chung của toàn tỉnh, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Huế cần tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng sau thực hiện Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sớm ổn định bộ máy, các tổ chức chính trị – xã hội ở những nơi mới sáp nhập, mở rộng. Nghiên cứu phương án biệt phái để tăng cường, bảo đảm lực lượng cho công tác thực hiện chuyên môn ở các đơn vị vừa sáp nhập. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Ba là, xây dựng, quy hoạch thành phố cụ thể để có định hướng tổng quan trong tương lai nhằm có kế hoạch phát triển căn cơ, bài bản, hài hòa. Trong đó, cần khẩn trương đánh giá, rà soát lại toàn bộ các quy hoạch; việc lập quy hoạch chung thành phố Huế cần làm sớm, tạo tiền đề xây dựng toàn tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tập trung quản lý tốt đô thị các vùng mới xác lập vào thành phố, tập trung triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn đúng tiến độ.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xứng tầm là trung tâm kinh tế của tỉnh. Trong đó tập trung khai thác tối đa các nguồn lực tạo điều kiện sản xuất – kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp kích cầu du lịch nhất là sau khi dịch bệnh được khống chế. Ưu tiên các giải pháp triển khai đề án sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh nhằm tạo sinh kế cho người dân, đề án thí điểm chợ đêm Đông Ba, đề án phố đêm Lê Huân…

Năm là, nghiên cứu, khai thác, phát triển các ngành, lĩnh vực, yếu tố kinh tế mới của thành phố phát sinh sau quá trình mở rộng địa giới hành chính. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội, trong đó tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp, phát huy sức mạnh tổng hợp các tầng lớp nhân dân trong xây dựng thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Sáu là, tiếp tục nỗ lực hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, có bản sắc riêng trở thành động lực cho sự phát triển là yêu cầu cấp thiết, phải làm trong giai đoạn tới. Trong đó, cân đối nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại theo thứ tự ưu tiên; chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông; chỉnh trang, nâng cấp đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hành động, phục vụ. Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; từng bước xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
2. Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
3. Thành phố Huế: Ưu tiên nguồn lực hoàn thiện hạ tầng trung tâm đô thị Huế, đầu tư các địa phương vừa sáp nhập. https://huecity.gov, ngày 17/8/2021.
4. Ổn định bộ máy chính quyền phát triển thành phố Huế xứng tầm là đô thị hạt nhân. https://thuathienhue.gov.vn, ngày 06/8/2021.
                                                                        ThS. Nguyễn Đình Quý
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Huế