Kinh tế tuần hoàn – Hướng phát triển bền vững cho Vùng đồng bằng sông Cửu Long

(Quanlynhanuoc.vn) – Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, nơi đây cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hạn mặn, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, khan hiếm; quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh, làm cho quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp dần… Vì vậy, phát triển kinh tế tuần hoàn được xem là giải pháp tiềm năng để sử dụng tốt hơn các nguồn lực, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường cho vùng đồng bằng sông Cửu Long hướng tới một mô hình kinh tế bền vững, một nền kinh tế xanh và phúc lợi cho xã hội; góp phần giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.
Ảnh: baodautu.vn.
Những tiền đề cho kinh tế tuần hoàn phát triển tại Việt Nam

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình kinh tế đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Mô hình này hướng đến tái sử dụng những gì có thể, tái chế những gì không thể tái sử dụng, sửa chữa những gì hỏng hóc, tái sản xuất những gì không thể sửa chữa. Mô hình KTTH là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình kinh tế truyền thống. KTTH được đánh giá là một mô hình ưu việt, bởi vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra công ăn việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh. KTTH là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nền KTTH vận hành theo một chu trình khép kín, trong đó tận dụng tất cả những gì phát sinh trong quá trình sản xuất.

Tại Việt Nam, nhiều yếu tố của KTTH đã được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, như: Chỉ thị số 36/1998/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành luật và các chính sách có liên quan tới mô hình KTTH, như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn năm 2018; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, ngày 13/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025… Các văn bản đều đề cập những khía cạnh của mô hình KTTH, như: khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững, chuỗi cung ứng xanh, tiêu dùng xanh…

Thực trạng mô hình kinh tế tuần hoàn tại đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí địa – kinh tế, địa – chiến lược quan trọng; với diện tích gần 4 triệu ha, dân số hơn 17 triệu người, khoảng 700 km bờ biển và trên 360 nghìn km2vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, hằng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mêkông1… Đây còn là vùng có vị trí chiến lược về an ninh – quốc phòng, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo, có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, giao thương quốc tế…

Với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ĐBSCL phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đây là vùng đất “mẫn cảm” với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm… đã gây ra những tác động xấu đối với môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước. Hằng năm, các trang trại nuôi cá tra ở ĐBSCL thải ra hơn 10 tỷ mét khối nước thải có chứa khoảng 51.336 tấn ni-tơ và 16.070 tấn phốt-pho không qua xử lý; mỗi năm có khoảng 1.790 tấn hoạt chất thuốc diệt ốc, 210 tấn hoạt chất thuốc diệt cỏ, 1.224 tấn hoạt chất thuốc trừ sâu và 4.245 tấn hoạt chất thuốc diệt nấm được sử dụng dư thừa trong sản xuất nông nghiệp2. Hằng năm, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và các hóa chất độc hại trong khu vực thải ra môi trường khá cao. Vì vậy, chỉ có phát triển mô hình KTTH mới có thể giúp ĐBSCL dần khắc phục sự ô nhiễm, hướng đến nền kinh tế xanh.

Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo mô hình KTTH, áp dụng sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường. Ðiển hình như, mô hình vườn – ao – chuồng (VAC), vườn – ao – chuồng – rừng (VACR), hay vườn – ao – chuồng – biogas (VACB) giúp khắc phục việc quản lý phế thải, sử dụng được phụ phẩm nông nghiệp để trả lại độ phì nhiêu cho đất, xử lý an toàn chất thải động vật, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, góp phần giảm rác thải. Hiện tại, đã có một số tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL bước đầu thực hiện thành công mô hình KTTH, như: tỉnh Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu.

Hạ tầng đô thị TP Cần Thơ, trung tâm kinh tế – văn hóa vùng ĐBSCL. Ảnh: zingnews.vn.

Đồng Tháp là một tỉnh điển hình của mô hình này, với quan điểm từng bước chuyển từ kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức, KTTH… đã thu hút, phát huy hiệu quả, đa dạng các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của Nhân dân. Với nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN), cùng với việc thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chính sách phát triển KTTH, bước đầu tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm đạt 6,44%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 19,93%, thương mại – dịch vụ chiếm 45,53%, nông – lâm – thủy sản chiếm 34,54%3. Thực tiễn cho thấy, Đồng Tháp có một số mô hình KTTH được thực hiện có hiệu quả, như: mô hình thu chất thải làm phân bón của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn tại phường 11, thành phố Cao Lãnh với mô hình “sông trong ao” để có thể thu các chất thải về phục vụ trồng trọt.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường sau khi thu hoạch lúa, nguồn rơm rạ trên đồng ruộng được nhiều người dân thực hiện tái tạo thành nhiều sản phẩm có giá trị, như: phân vi sinh, than sinh học, nguyên liệu sản xuất nấm… Cách làm này chấm dứt chuỗi thời gian nửa thế kỷ canh tác nông nghiệp quá kỳ vọng vào hóa chất, làm cho môi trường sống bị hủy hoại, nguồn thu nhập của nhà nông giảm dần. Công ty Cỏ May đã tạo ra bất ngờ khi trình làng sản phẩm mới là nấm rơm hữu cơ trồng trong nhà kín, không dùng bất kỳ loại hóa chất nào. Giá trị của rơm còn được nâng cao gấp nhiều lần khi nấm rơm được chế biến thành bột dinh dưỡng, nước mắm chay, nấm sấy, nấm tươi4.

Những năm gần đây, thành phố Cần Thơ đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang giá trị nền tảng ban đầu cho việc hình thành và phát triển KTTH. Chẳng hạn, tại 3 phường: Long Hòa, Long Tuyền, Thới An Đông của Quận Bình Thủy đang nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những hiệu quả tích cực, như: làng nghề hoa kiểng Bà Bộ; hợp tác xã rau an toàn tại phường Long Tuyền; tổ hợp tác trồng nấm bào ngư và một số DN có mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại… Đặc biệt, thành phố Cần Thơ là 1 trong 3 tỉnh, thành phố của cả nước được lựa chọn để phát triển “Mô hình khu công nghiệp sinh thái”. Theo đó, Cần Thơ đã lựa chọn Khu công nghiệp Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 để tham gia dự án. Mục tiêu của dự án là giúp cho các DN tại đây tiết kiệm điện, tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ, phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước, quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp… Cần Thơ đang từng bước thay đổi tư duy tiêu dùng của người dân, hướng đến tiêu dùng xanh, sử dụng những sản phẩm thân thiện môi trường như túi tự phân hủy; xây dựng hành lang pháp lý trong thực hiện KTTH theo lộ trình; đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình mang xu hướng phát triển theo hình thức KTTH; phát huy vai trò DN là động lực để thúc đẩy KTTH.

Tỉnh Bạc Liêu tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nghề nuôi tôm để nâng cao năng suất, chất lượng nuôi tôm. Ở địa phương này, ngày càng có nhiều DN, hộ nuôi tôm chú trọng ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ tiên tiến nhất thế giới trong nghệ nuôi tôm, tạo nên vòng nuôi tuần hoàn khép kín, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội được Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định từ giữa nhiệm kỳ 2015 – 20205.

Tuy nhiên, trong phát triển các mô hình KTTH, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện tại, vẫn chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho phát triển KTTH, ngoài những nội dung quy định trong Luật Bảo vệ môi trường chưa có bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và phân loại chính xác nên các tỉnh, thành phố không thể đo lường sự phát triển kinh tế đã tiếp cận tới mức độ phát triển nào của KTTH. Nhận thức về bản chất KTTH của DN, người dân và lãnh đạo, quản lý ở một số tỉnh, thành chưa đầy đủ. KTTH gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình, đòi hỏi phải có chuyên gia giỏi, giải quyết được từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng là tái sử dụng, tái chế chất thải, nhưng phần lớn các DN ở ĐBSCL là các DN nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. KTTH đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, trong khi đó ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân chưa được hình thành…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: baodongkhoi.vn.
Một số giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới

Để thúc đẩy phát triển mô hình KTTH ở đồng bằng sông Cửu Long, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho sự hình thành, phát triển mô hình KTTH từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời sản phẩm, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực. Tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn. Xây dựng chiến lược truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và xã hội về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng.

Thứ hai, cần có những cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào khâu sản xuất nguyên liệu, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ các ngành cùng phát triển. Có cơ chế khuyến khích DN đầu tư, phát triển công nghiệp tái chế, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, đầu tư vào công nghệ sạch; đặc biệt là chính sách thuế, khuyến khích tài trợ hoặc giảm lãi suất ngân hàng cho các DN thực hiện mô mình KTTH. Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần lồng ghép nội dung KTTH vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025 và lồng ghép vào các quy hoạch để tổ chức thực hiện sâu rộng phát triển các mô hình KTTH trong cộng đồng dựa vào lợi thế và nguồn tài nguyên bản địa của từng địa phương.

Thứ ba, có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển KTTH trong lĩnh vực xử lý nước thải dùng lại cho sản xuất; tái chế sử dụng lại vật liệu xây dựng thay thế việc khai thác cát dưới lòng sông; nghiên cứu tái chế rác thải thành nguyên vật liệu có ích có thể dùng cho chôn lấp tại các điểm sạt lở, xây dựng đê bao theo công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường. Cần có cơ chế liên kết vùng trong mua bán sử dụng tái chế rác thải đã được phân loại tập trung quy mô lớn tại một tỉnh, thành làm đầu mối điều phối, sản xuất tập trung. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KTTH. Các dữ liệu về KTTH không chỉ là tập hợp thông tin về các điển hình hoặc sáng kiến tuần hoàn tốt để xem xét và nhân rộng, mà còn bao gồm các dữ liệu quan trọng, giúp theo dõi mức độ tuần hoàn của nền kinh tế như tỷ lệ tái chế chất thải rắn, tỷ lệ tái sử dụng chất thải, hiệu suất tuần hoàn tài nguyên…

Thứ tư, hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, nhất là công nghiệp tái chế. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, quản lý dự án theo vòng đời, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ – tái chế – tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong chu trình sản xuất mới. Để làm được điều này cần phân loại rác tại nguồn, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và thúc đẩy các thị trường mới phát triển bao gồm thị trường thu hồi và tái chế nhựa, giấy, kim loại và thị trường cung cấp các sản phẩm tái chế.

Thứ năm, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công mô hình KTTH, từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của vùng ĐBSCL. Việc phát triển các mô hình KTTH cần gắn với thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phục vụ mô hình KTTH. Đồng thời, đẩy mạnh thu hồi vật liệu và hạn chế rác thải khó tái chế, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và thúc đẩy các thị trường mới phát triển bao gồm thị trường thu hồi và tái chế nhựa, giấy, kim loại và thị trường cung cấp các sản phẩm tái chế.

Chú thích:
1Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Trần Việt Trường. Báo cáo đề dẫn hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phía Nam – Vấn đề và giải pháp. Kỷ yếu Hội thảo khoa học do Tạp chí Cộng sản và Thành ủy Cần Thơ đồng tổ chức, Cần Thơ, tháng 11/2020, tr.4.
3. Tỉnh ủy Đồng Tháp. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI2020, tr. 35.
4. Phạm Ngọc Hòa. Kinh tế tuần hoàn – xu hướng phát triển tất yếu. Báo Đồng Tháp, số 3914, ngày 09/7/2021, tr.9.
5. Minh Đạt. Bạc Liêu nuôi tôm công nghệ cao theo hướng tuần hoàn, khép kín. Hồ sơ và Sự kiện (Chuyên san của Tạp chí Cộng sản), ngày 25/6/2020, tr.29.
Phạm Ngọc Hòa
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp