Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong 5 năm (từ năm 2016 – 2020), Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức triển khai thực hiện thành công 332 nhiệm vụ khoa học – công nghệ, nhiều chương trình, giáo trình đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ và tài liệu bồi dưỡng do Học viện được giao chủ trì biên soạn đã được thẩm định, nghiệm thu và phê duyệt. Bên cạnh những kết quả đạt được, một số hoạt động nghiên cứu khoa học còn hạn chế, bất cập. Bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia.

 

ghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu mô hình kiểm định chất lượng đầu vào công chức của một số quốc gia trên thế giới”, ngày 14/02/2020.
Những kết quả đạt được trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia

Trong 5 năm (từ năm 2016 – 2020), Học viện Hành chính Quốc gia (viết tắt là Học viện) đã tổ chức triển khai thực hiện thành công 332 nhiệm vụ khoa học – công nghệ, trong đó: 3 đề tài khoa học cấp quốc gia; 21 đề tài, đề án cấp bộ; 4 đề tài cấp tỉnh; 237 đề tài cấp cơ sở; 13 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH); 7 hội thảo khoa học quốc tế; 1 hội thảo khoa học quốc gia; 31 hội thảo khoa học cấp Học viện; 18 hội thảo khoa học, tọa đàm cấp khoa. Các hội nghị, hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế do Học viện chủ trì đều đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực ở trong nước và quốc tế.

Về chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD), gồm: nhiều chương trình, giáo trình đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ và tài liệu bồi dưỡng do Học viện được giao chủ trì biên soạn đã được thẩm định, nghiệm thu và phê duyệt: 174 giáo trình đào tạo trình độ đại học; 55 đề cương chi tiết giáo trình đào tạo trình độ thạc sỹ chuyên ngành quản lý kinh tế; 51 giáo trình đào tạo trình độ thạc sỹ chuyên ngành Quản lý công, Chính sách công, Luật Hiến pháp, Luật Hành chính và thạc sỹ quản lý kinh tế; 1 giáo trình phương pháp NCKH cho đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Chủ trì biên soạn, tổ chức nghiệm thu và trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành các chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế – xã hội chuyên sâu cho chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; chương trình, tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, huyện và tương đương; chương trình, tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; chương trình, tài liệu bồi dưỡng thứ trưởng và tương đương; chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước dành cho giảng viên; chương trình, tài liệu bồi dưỡng phương pháp sư phạm dành cho giảng viên. Bên cạnh đó, chỉ tính riêng năm 2018 – 2019, giảng viên, viên chức của Học viện đã xuất bản 95 giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo, đăng 408 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế có uy tín.

Các quy định về quản lý hoạt động NCKH của Học viện thường xuyên được cập nhật sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, phù hợp với chủ trương và chiến lược phát triển. Ngày 22/3/2021, Giám đốc Học viện đã ban hành 3 quy chế đó là: Quy chế Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN); Quy chế Biên soạn, thẩm định, lựa chọn, duyệt và sử dụng giáo trình, tài liệu; Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Khoa học và Đào tạo. Nhờ đó, công tác quản lý hoạt động NCKH của Học viện đã có những chuyển biến tích cực, chuyên nghiệp và hiệu quả; định hướng nghiên cứu và cơ chế tuyển chọn được đổi mới theo hướng thu hút, bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ của Học viện và nguồn kinh phí xã hội hóa.

Để góp phần nâng cao chất lượng NCKH, Học viện đã phối hợp có hiệu quả với nhiều tổ chức nghiên cứu, đào tạo, như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ)… bên cạnh đó, Học viện đã ký kết văn bản hợp tác khoa học và tổ chức thực hiện nhiều hoạt động hợp tác NCKH với các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức trên thế giới như: Học viện Hành chính công Ca-na-đa, Trường Công vụ của Xinh-ga-po; Trường Hành chính Quốc gia của Cộng hòa Pháp; Trường Đại học Anh quốc và một số tổ chức quốc tế… tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm về ĐTBD và NCKH ở một số nước trên thế giới, đồng thời, đón các đoàn chuyên gia nước ngoài vào trao đổi, hợp tác với Học viện.

Những hạn chế, bất cập trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số hoạt động NCKH của Học viện còn hạn chế, bất cập sau:

Thứ nhất, hiện nay số lượng các nhà khoa học của Học viện hiện đang giữ ngạch nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp chiếm tỷ lệ không nhiều. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên theo quy định phải đồng thời thực hiện tốt cả 2 nhiệm vụ giảng dạy và NCKH thì nay có nguy cơ thiếu giờ giảng do Học viện ngừng tuyển sinh đại học, ít có cơ hội được giao làm chủ nhiệm đề tài hoặc tham gia đề tài khoa học cấp cơ sở. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực KHCN của Học viện.

Thứ hai, cơ chế xét chọn, tuyển chọn đề tài nghiên cứu vẫn chưa được cải thiện. Hằng năm, Học viện chưa xây dựng được danh mục các nhiệm vụ KHCN có tính cấp thiết, cấp bách về lý luận, pháp lý cũng như thực tiễn xét và tổ chức chọn, tuyển chọn theo hình thức đấu thầu. Việc tổ chức xét chọn, thẩm định đề tài nghiên cứu chưa căn cứ vào các tiêu chí và thang điểm. Một số đề tài còn thiếu cụ thể, chưa rõ ràng trong xác định mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu… Hoạt động tổ chức đánh giá, nghiệm thu các kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học ở cả cấp khoa và cấp Học viện vẫn còn chậm được đổi mới, chưa đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Hội đồng khoa học và đào tạo Học viện.

Thứ ba, giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của các kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học cấp cơ sở hầu hết chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung của những tiêu chí đánh giá đề ra. Thời gian qua, việc tham gia xây dựng các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước do cấp thẩm quyền giao không nhiều. Vì vậy, các kết quả nghiên cứu chưa thực sự bám sát yêu cầu phục vụ công tác giảng dạy của Học viện; chưa cung cấp được nhiều luận cứ khoa học về cải cách hành chính, cải cách công vụ có chất lượng cao.

Thứ tư, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở vào thực tiễn còn hạn chế và chưa hiệu quả. Công tác tuyên truyền, quảng bá các kết quả nghiên cứu nhằm truyền tải, nhân rộng tri thức khoa học đến đội ngũ giảng viên, viên chức trong và ngoài Học viện vẫn còn là khâu thiếu và yếu.

Thứ năm, kinh phí đầu tư cho thực hiện các nhiệm vụ NCKH còn khiêm tốn, số lượng các đề tài cấp cơ sở được phê duyệt hằng năm còn ít so với nhu cầu nghiên cứu phục vụ giảng dạy và yêu cầu NCKH đối với mỗi giảng viên. Kinh phí dành cho những đề tài khoa học trọng điểm cũng chưa được triển khai mở rộng.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện

Một là, năng lực, trách nhiệm, tâm huyết của chủ nhiệm nhiệm vụ KHCN nói chung, của đề tài khoa học cấp cơ sở nói riêng còn chưa thực sự đồng đều. Việc khuyến khích các nhà khoa học trẻ có cơ hội được rèn luyện, trau dồi tri thức và tích lũy kinh nghiệm trong NCKH, song lại thiếu vắng sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành, có kiến thức chuyên sâu, giàu kinh nghiệm NCKH giữ vai trò định hướng, chỉ dẫn và bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Hai là, nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa sống còn của hoạt động NCKH đối với việc thực hiện Chiến lược phát triển Học viện trong một bộ phận giảng viên, nghiên cứu viên còn hạn chế.

Ba là, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tư vấn về mục tiêu, phương hướng NCKH, trong sinh hoạt khoa học để thảo luận, tư vấn về đề cương, nội dung, hình thức các đề tài khoa học của một số Hội đồng khoa học cấp khoa còn hạn chế. Trách nhiệm của một số thành viên Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài khoa học chưa được thực sự đề cao.

Bốn là, theo khoản 8 Điều 2 Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia có quy định 3 nhiệm vụ NCKH. Đây là 3 nhiệm vụ có nội dung, nội hàm rất rộng và phức tạp đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về nguồn lực và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện.

Năm là, Học viện là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, song hằng năm chưa được quan tâm đầu tư nguồn ngân sách bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ NCKH phù hợp với vị trí, vai trò của một trung tâm quốc gia về ĐTBD và NCKH hành chính, quản lý nhà nước và khoa học chính sách.

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia

Thứ nhất, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học. Học viện cần xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển nguồn nhân lực KHCN nhằm tạo ra một đội ngũ các nhà khoa học đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu trên các lĩnh vực thuộc khoa học hành chính, quản lý nhà nước và khoa học chính sách. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; nghiên cứu, đổi mới cơ bản, toàn diện hoạt động ĐTBD; nâng cao năng lực NCKH và tư vấn chính sách. Trên cơ sở kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức của Học viện, tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể và phát triển nguồn nhân lực khoa học trong toàn hệ thống Học viện và của từng đơn vị.

Thứ hai, đổi mới công tác tuyển dụng, tạo nguồn, ĐTBD, đánh giá, bố trí, sử dụng và chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực khoa học. Cần xác định lại nguồn nhân lực khoa học phù hợp với thực trạng và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Về ĐTBD, cần tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả ĐTBD, trong đó tập trung giải quyết tốt một số vấn đề như: đa dạng hóa nguồn lực cho công tác ĐTBD; việc ĐTBD phải tuân theo quy hoạch và nhu cầu về vị trí việc làm; xây dựng và thống nhất thực hiện quy trình ĐTBD đối với từng đối tượng cán bộ NCKH.

Trong đánh giá đội ngũ cán bộ khoa học, cần bảo đảm khách quan, toàn diện, như: xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn và khung năng lực đối với từng chức danh, từng vị trí việc làm của cán bộ khoa học; bên cạnh việc tự đánh giá của cá nhân nhà khoa học và đơn vị công tác, cần coi trọng đánh giá của học viên, sinh viên và các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện hoạt động NCKH.

Việc bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ NCKH, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả nhằm phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện. Tổ chức sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ giảng dạy và NCKH hợp lý, tăng cường đầu tư cho các đơn vị được coi là có thế mạnh KHCN của Học viện. Thực hiện luân chuyển, sắp xếp lại đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên cho phù hợp với chuyên ngành đào tạo; tăng cường sử dụng đội ngũ giảng viên kiêm chức, nghiên cứu viên kiêm chức và chú ý mời các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, sinh hoạt khoa học.

Về chế độ, chính sách, trước hết cần khắc phục hiện tượng bình quân trong thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng; nâng lương sớm đối với các nhà khoa học đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động NCKH; khuyến khích thu nhập chính đáng bằng khai thác, phát huy lao động chất xám. Tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ có nhiều cơ hội được tham gia NCKH và dự hội thảo ở nước ngoài. Nghiên cứu thành lập Quỹ giải thưởng khoa học và quỹ hỗ trợ tài năng trẻ nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động NCKH.

Thứ ba, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế quản lý hoạt động KHCN của Học viện được ban hành ngày 22/3/2021, đây chính là cơ sở pháp lý cho hoạt động KHCN của Học viên. Để thực hiện có hiệu quả Quy chế này, Viện NCKH Hành chính cần xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện quy chế, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Quy chế đến từng đơn vị, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp trong việc công bố kết quả, quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng các quy định về quyền sở hữu, quyền sử dụng và khai thác tối đa các giá trị khoa học, giá trị thực tiễn của các kết quả nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ chính trị của Học viện. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài Học viện triển khai các NCKH, tổ chức tốt các tọa đàm, hội thảo, hội nghị, diễn đàn khoa học cấp khoa, cấp Học viện, cấp quốc gia và quốc tế.

Thứ tư, cần đa dạng hóa các nguồn lực tài chính đầu tư cho hoạt động NCKH. Đây là chủ trương lớn đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện quan tâm và chỉ đạo sát sao nhằm khai thác tốt nhất hiệu quả của KHCN phục vụ mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ phát triển Học viện. Trong thời gian tới, Học viện cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động NCKH, chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính NCKH theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng để tăng cường thu hút các nguồn lực ngoài xã hội; tăng cường sự gắn kết khoa học với thực tiễn và đẩy nhanh quá trình ứng dụng các kết quả NCKH vào thực tế; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội cho NCKH.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế về NCKH. Cần gắn chặt hơn nữa giữa hoạt động hợp tác quốc tế với các định hướng nghiên cứu và nội dung giảng dạy của Học viện; tăng cường tìm kiếm và lựa chọn các đối tác quốc tế có uy tín, có tiềm lực khoa học và năng lực tài chính; đa dạng hóa các hình thức hợp tác, coi trọng hợp tác thông qua trao đổi các đoàn nghiên cứu dưới dạng ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác theo lĩnh vực, chủ đề nghiên cứu mà hai bên cùng quan tâm; hợp tác thông qua phương thức trao đổi ĐTBD; hợp tác tổ chức các hoạt động NCKH trong khuôn khổ, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, thông tin khoa học giữa các nhà khoa học của Học viện với các cơ sở đào tạo, NCKH hàng đầu quốc tế…

Tài liệu tham khảo:
1. Hội đồng Lý luận Trung ương. Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
3. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ 5 năm (2016 – 2020) và phương hướng triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2021 của Học viện Hành chính Quốc gia.
4. Quyết định số 372/QĐ-BNV ngày 02/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TS. Nguyễn Minh Sản
Học viện Hành chính Quốc gia