Số hóa dịch vụ hành chính công ở E-xtô-ni-a và kinh nghiệm cho Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn)- Chính phủ E-xtô-ni-a xác định lấy công nghệ thông tin như một công cụ và làm nền tảng để tăng năng lực quản trị; đồng thời, bảo đảm một sự đổi mới, tạo môi trường sống thuận tiện cho công dân cũng như phát triển kinh tế – xã hội theo kịp với các quốc gia trong khu vực. Nhìn chung, sự thành công trong số hóa dịch vụ hành chính công ở E-xtô-ni-a xứng đáng được nhiều quốc gia trên thế giới học tập.

 

Tallinn – thủ đô Estonia. Nguồn: Guardian.
Nền tảng để số hóa dịch vụ hành chính công ở E-xtô-ni-a

Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, E-xtô-ni-a là một nước nghèo trong khu vực với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 2.800 USD1. Cùng với việc đất nước không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, Chính phủ E-xtô-ni-a đã xác định lấy công nghệ thông tin như một công cụ và làm nền tảng để tăng năng lực quản trị; đồng thời, bảo đảm một sự đổi mới, tạo môi trường sống thuận tiện cho công dân cũng như phát triển kinh tế – xã hội theo kịp với các quốc gia trong khu vực.

Đến nay, có trên 99% các dịch vụ của Chính phủ phần lớn là các dịch vụ hành chính công (DVHCC) đã được cung ứng cho người dân dưới hình thức hoàn toàn trực tuyến, có 99% người dân đã kê khai thu nhập của họ bằng điện tử và 99% dữ liệu sức khỏe người dân được lưu trữ bởi bệnh viện và bác sỹ gia đình là kỹ thuật số… Người dân E-xtô-ni-a có thể hoàn thành DVHCC chỉ với thời gian vài phút và chi phí vô cùng rẻ2. Nhìn chung, sự thành công trong số hóa DVHCC ở E-xtô-ni-a xứng đáng được nhiều quốc gia trên thế giới học tập.

Lộ trình chuyển đổi số của E-xtô-ni-a

Một là, xây dựng hạ tầng cơ sở dữ liệu (CSDL), hình thành dữ liệu lớn.

Năm 2007, Chính phủ E-xtô-ni-a đã đưa ra lệnh cấm thiết lập các CSDL riêng biệt chỉ để thu thập cùng một dữ liệu (Đạo luật Thông tin công cộng E-xtô-ni-a năm 2007), đến năm 2014, quy định cấm các cơ quan nhà nước yêu cầu người sử dụng DVHCC phải gửi lại những hồ sơ minh chứng mà trước đó họ đã cung cấp hoặc đã có trong CSDL của một trong các cơ quan nhà nước (Bộ Luật Hoạt động kinh tế năm 2014). Những yêu cầu này ngày càng được đẩy mạnh và đồng bộ hơn ở các năm tiếp theo. Cùng với đó, E-xtô-ni-a đã đưa ra các nguyên tắc trong quản trị dữ liệu làm nền tảng cho cung ứng DVHCC và nhiều dịch vụ khác, đó là: phân quyền; liên kết; toàn vẹn; nền tảng mở; dữ liệu chỉ thu thập một lần và minh bạch.

Một trong những giải pháp đặc trưng của E-xtô-ni-a là dựa trên nền tảng của X-Road và Đám mây chính phủ (Government Cloud) để giảm bớt số lượng các CSDL tập trung từ 100 ở những năm trước đó xuống còn 4 cơ sở dữ liệu tập trung vào năm 2012, hiện nay E-xtô-ni-a đang điều chỉnh xuống còn 2 trung tâm dữ liệu, với diện tích của mỗi trung tâm khoảng 2.000m2. Vì thế, các trung tâm dữ liệu trở nên an toàn hơn, sẵn sàng cho truy cập và linh hoạt hơn trong việc cung cấp các dịch vụ lưu trữ và tư vấn. Hình thức phân tán dữ liệu và đẩy mạnh phương thức trao đổi dữ liệu M2M giữa các cơ quan, tổ chức ở cả khu vực công và khu vực tư trên nền tảng X-Road đã giúp cho các ứng dụng hoạt động nhanh hơn 30% và giảm 60% chi phí lưu trữ và tránh tình trạng trùng lặp dữ liệu3.

Hai là, tăng cường sự an toàn và bảo mật dữ liệu dựa trên nền tảng điện toán đám mây và công nghệ blockchain.

Năm 2015, E-xtô-ni-a đã thiết lập sao lưu các CSDL và dịch vụ quan trọng trong một trung tâm dữ liệu bảo mật cao ở một quốc gia Tây Âu là Lúc-xem-bua4. Các tài nguyên dữ liệu ở Lúc-xem-bua nằm dưới sự bảo hộ của Nhà nước E-xtô-ni-a, được bảo mật trước các cuộc tấn công mạng hoặc các tình huống khủng hoảng bằng công nghệ chuỗi khối KSI và có khả năng không chỉ cung cấp bản sao lưu dữ liệu mà còn vận hành các dịch vụ quan trọng nhất.

Việc bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu trong trường hợp hệ thống bị xâm phạm là việc làm mang tính sống còn bắt buộc phải thực hiện đối với các DVHCC được số hóa. Từ năm 2008, các trao đổi dữ liệu, giao tiếp M2M, dữ liệu ở trạng thái nghỉ và tệp nhật ký đều độc lập được công nghệ blockchain hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tất cả sổ đăng ký dân cư, hồ sơ y tế, hồ sơ tài sản và tòa án, hồ sơ thuế và lương hưu cũng đều được bảo mật bởi blockchain.

Ba là, định danh và xác thực điện tử.

Năm 2002, E-xtô-ni-a đã triển khai nền tảng định danh điện tử và chữ ký điện tử, điều này là bắt buộc với mọi công dân của E-xtô-ni-a. Ban đầu là các thẻ có gắn chíp, sau đó được tích hợp trong thẻ sim của điện thoại di động (mobile-ID)5. Để khắc phục những điểm hạn chế trong việc sử dụng thẻ e-ID hoặc mobile-ID, E-xtô-ni-a đã triển khai định danh bằng Smart-ID. Từ tháng 11/2018, Smart-ID được công nhận là thiết bị tạo chữ ký đủ điều kiện với cấp độ công nhận cao nhất ở châu Âu6. Tại thời điểm tháng 3/2021, E-xtô-ni-a có 463.559 người dùng smart-ID và 230.000 người dùng mobile-ID, có 99% người dân E-xtô-ni-a đã sử dụng định danh điện tử của họ để giao dịch và chỉ riêng trong năm 2020 có 1 tỷ lượt chữ ký số đã được sử dụng trong giao dịch7.

Bốn là, xây dựng trục liên kết, trao đổi, xử lý thông tin, dữ liệu phục vụ cung ứng DVHCC (X-Road).

Để Chính phủ E-xtô-ni-a có thể cung ứng hầu hết các DVHCC bằng phương thức hoàn toàn trực tuyến thì ngoài CSDL, hệ thống định danh điện tử thì hệ thống liên kết, trao đổi, xử lý thông tin, dữ liệu được ví như trục xương sống của hệ thống thông tin số. Vì thế, dựa trên những nền tảng công nghệ tiên tiến, E-xtô-ni-a đã xây dựng X-Road với vai trò là một lớp giữa phân tán với tính năng dữ liệu được trao đổi trực tiếp giữa các tổ chức mà không cần tới trung gian; X-Road cũng không thay đổi quyền sở hữu dữ liệu, đồng thời nhà cung cấp dịch vụ kiểm soát được việc một ai đó có thể có quyền truy cập các dịch vụ. X-Road hướng tới việc chuẩn hóa giao thức trao đổi giữa các tổ chức, điều này cho phép các tổ chức kết nối với mọi nhà cung cấp dịch vụ mà không cần triển khai thêm các giao thức khác.

Như vậy, với X-Road đã cho phép các cơ sở dữ liệu dịch vụ trực tuyến ở khu vực công và tư nhân khác nhau của E-xtô-ni-a liên kết làm việc cùng nhau để giúp cho người sử dụng DVHCC không phải cung cấp thông tin minh chứng đến lần thứ hai. X-Road giúp cho việc sử dụng việc định danh điện tử được tối ưu trong môi trường trực tuyến, điều này đã giúp cho thời gian cung ứng DVHCC từ nhiều ngày rút xuốngchỉ còn vài phút, mang lại những lợi ích rất to lớn cho người dân và doanh nghiệp, chẳng hạn, X-Road đã tiết kiệm hơn 1.000 năm làm việc cho người dân và Chính phủ E-xtô-ni-a8.

Năm là, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cung ứng DVHCC.

AI là một trong số các yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhận thức rõ những lợi ích của AI, tháng 5/2019, Bộ Kinh tế và Truyền thông E-xtô-ni-a và Văn phòng Chính phủ E-xtô-ni-a đã đề xuất Chiến lược AI quốc gia của E-xtô-ni-a (AI – “kratt”) và Chiến lược này đã được Chính phủ E-xtô-ni-a thông qua ngày 25/7/2019.

Chiến lược AI- ‘kratts’ dựa trên bốn trụ cột chính, đó là: (1) Thúc đẩy AI trong chính phủ; (2) AI trong nền kinh tế; (3) Kỹ năng nghiên cứu và phát triển; (4) Môi trường pháp lý. Mục tiêu của kế hoạch hành động của AI- “kratts” trong khu vực công của E-xtô-ni-a là đưa nhà nước điện tử lên cấp độ cao hơn – sử dụng nhiều AI hơn, cung cấp các công cụ thiết thực để tạo ra nhiều sự sáng tạo trong việc phục vụ hoạt động cung ứng dịch vụ của Chính phủ. Ngoài ra, AI- “Kratt”sẽ bao gồm nhiều tác nhân ảo (virtual agent), các tác nhân ảo sẽ được hỗ trợ bởi các bộ não AI và xử lý điện toán đám mây tập trung ở máy chủ của Chính phủ để kết nối với thông tin, dữ liệu người dùng dịch vụ để có thể tự động đàm thoại hướng dẫn người dùng sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ người dùng nhập liệu chính xác, hoặc chuyển giọng nói thành văn bản, đối soát thông tin trong các hồ sơ minh chứng để khẳng định tính chính xác trong trong quá trình ra quyết định cung ứng DVHCC.

Sáu là, xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia.

Một trong những điểm tiến bộ vượt bậc của E-xtô-ni-a là các cơ quan của chính phủ chủ động cung ứng dịch vụ công cho công dân, tổ chức mà không cần chờ đợi yêu cầu từ phía người dùng, đây cũng là mong muốn của người dân đối với một chính phủ phục vụ và kiến tạo phát triển. Ví dụ như khi một người phụ nữ sinh con, thông qua việc trao đổi dữ liệu tự động với các cơ sở y tế, ngay lập tức hệ thống thông tin của Chính phủ E-xtô-ni-a sẽ chủ động cung cấp giấy khai sinh, hoàn thiện các thủ tục bảo hiểm, các chế độ thai sản… mà không cần chờ đợi người dân gửi đơn đề nghị đến chính quyền. Dịch vụ tự động này đã được cung cấp từ cuối năm 2019 ở E-xtô-ni-a.

Những học kinh nghiệm về số hóa dịch vụ hành chính công cho Việt Nam

Với những thành công trong lộ trình số hóa DVHCC đã giúp E-xtô-ni-a là quốc gia duy nhất hiện nay cung ứng trên 99% dịch vụ công trực tuyến với những nền tảng công nghệ ưu việt đã mang lại nhiều giá trị to lớn cho người dân và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do vậy, với mong muốn xây dựng chính phủ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm của E-xtô-ni-a để số hóa thành công DVHCC.

Thứ nhất, để số hóa DVHCC, các cơ quan nhà nước cần tập trung xây dựng các CSDL quan trọng, thiết yếu và đủ lớn để hình thành các trung tâm dữ liệu quốc gia tạo nền tảng cho kết nối và liên thông đến tất các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và cả các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu. Xây dựng chuẩn kết nối và trục kết nối để liên thông, trao đổi dữ liệu đến các CSDL chuyên ngành, các CSDL của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tạo điều kiện cho người dân được thuận lợi trong việc truy cập và cập nhật thông tin trên các CSDL quốc gia.

Thứ hai, dữ liệu là tài nguyên của quốc gia, là nền tảng để số hóa, với những thành công của E-xtô-ni-a trong việc bảo đảm an toàn, bảo mật và chống thao túng dữ liệu. Việt Nam cần tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ blockchain với mô hình mạng phân tán, tạo ra sự bền vững và không thay đổi của dữ liệu, đồng thời, tối ưu các quy trình, loại bỏ trung gian để các CSDL phân tán có thể kết nối ngang hàng (mô hình Peer to Peer). Có thể ưu tiên nghiên cứu ứng dụng blockchain cho các CSDL văn bằng, chứng chỉ; CSDL đất đai, hồ sơ bệnh án điện tử và hồ sơ theo dõi sức khỏe điện tử…

Thứ ba, hiện tại Việt Nam đang đẩy mạnh hoàn thành việc cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử để định danh điện tử cho khoảng 50 triệu công dân, nhưng việc số hóa DVHCC thì không thể thiếu nền tảng chữ ký số, với hàng tỷ lượt chữ ký số được dùng hằng năm ở E-xtô-ni-a thì với dân số Việt Nam gấp khoảng 70 lần chắc chắn nhu cầu sử dụng chữ ký số trong giao dịch sẽ là rất lớn và rất cấp thiết. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách đẩy mạnh xây dựng hạ tầng xác thực điện tử và chữ ký số cho hầu hết công dân trong thời gian ngắn nhất có thể.

Thứ tư, để cung ứng DVHCC theo một phương thức mới, tạo nên giá trị hoàn toàn mới, Việt Nam rất cần đưa AI trở thành công nghệ cốt lõi của quá trình cung ứng dịch vụ. Việc nghiên cứu để ứng dụng AI vào hoạt động cung ứng từng dịch vụ cụ thể có nhiều người dân, doanh nghiệp sử dụng giống như E-xtô-ni-a là việc cần làm càng nhanh càng tốt. Từ đó, tạo nền tảng để tiếp tục mở rộng cho hầu hết DVHCC còn lại, giúp các cơ quan nhà nước tự động hóa việc xử lý hồ sơ, tự động hỗ trợ ra quyết định, tự động cung ứng dịch vụ bất cứ khi nào có thể.

Thứ năm, trong lộ trình số hóa, DVHCC phải luôn đặt công dân và các quyền của công dân là trung tâm của sự phục vụ. Nếu làm được điều này thì việc số hóa sẽ đạt được kết quả tối ưu mang đến sự thuận lợi của người dân và quản lý hiệu quả của Chính phủ dựa trên những nền tảng công nghệ hiện đại.

Thứ sáu, xây dựng các hệ thống thông tin dựa trên các công nghệ tiêu biểu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, AI, điện toán đám mây, blockchain… Các hệ thống thông tin này không nhất thiết chỉ do các cơ quan nhà nước xây dựng mà cần phát huy khu vực ngoài nhà nước tham gia xây dựng và vận hành.

Thứ bảy, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho giao dịch điện tử và huy động sức mạnh tổng hợp của khu vực ngoài nhà nước tham gia cung ứng DVHCC. Cần xem xét để sớm quy định người dân có quyền từ chối cung cấp thông tin, hồ sơ minh chứng đến lần thứ hai cho cơ quan nhà nước trong sử dụng DVHCC, nếu thực hiện được điều này thì sẽ mang lại sự thuận lợi to lớn cho người dân, giảm tối đa chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, đồng thời sẽ làm cho các CSDL của các cơ quan nhà nước sẽ luôn được liên thông, liên kết với nhau và sẽ không có sự chồng chéo dữ liệu hoặc sai lệch hồ sơ dữ liệu.

Thứ tám, có chiến lược quốc gia để hình thành cho người dân những kỹ năng cần thiết để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và có khả năng tiếp cận và sử dụng được dịch vụ trực tuyến của Chính phủ một cách hiệu quả.

Chú thích:
1, 6. Toomas Hendrick Ilves. Digitizinga a nation – a personal acccount of how it was done, why and what and can be learnded from the process. Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2020. http://www.worldbank.org, ngày 29/9/2020.
2. Estonians using internet voting. http://e-estonia.com
3. Trần Đức Long, Đặng Quốc Cường. Mô hình X-Road trong chính phủ điện tử tại E-xtô-ni-a. http://antoanthongtin.vn. ngày 21/10/2019.
4. Miguel Goede. The e-government cases of Estonia, Singapore and Curacao. Archives of Business Research. No.7/2019.
5. Phạm Văn Nghĩa. Chặng đường phát triển chính phủ điện tử số Estonia. Tạp chí Thông tin và Truyền thông, số 17+18, 2020.
6. Mobie-ID. http://e-estonia.com
7. Case Study Report: e-estonia, European Commission, 2018.
NCS. Dương Quốc Chính
Học viện Hành chính Quốc gia