Hồ Chí Minh – Sáng tạo và đổi mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Cuốn sách: Hồ Chí Minh – Sáng tạo, đổi mới của PGS.TS. Bùi Đình Phong, nhằm góp một tiếng nói, một cách tiếp cận vào việc nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh. Với bề dày nghiên cứu và giảng dạy về di sản Hồ Chí Minh, tác giả đã làm rõ quan điểm và hoạt động tiêu biểu của Hồ Chí Minh, một nhà mácxít sáng tạo, sớm có tư duy đổi mới và phát triển.

 

Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Tổng kết kinh nghiệm thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Người chỉ rõ: Chúng ta giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng, chúng ta giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác – Lênin.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp giữa truyền thống văn hóa Việt Nam và tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây với chủ nghĩa Mác – Lênin; lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng lý luận, phương pháp luận. Tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong hệ tư tưởng Mác – Lênin và chủ nghĩa Mác – Lênin là nguồn gốc chủ yếu nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo Hồ Chí Minh, lý luận Mác – Lênin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước. Nói đến phong trào công nhân chủ yếu là nói đến châu Âu, mà châu Âu thì chưa phải là toàn thể nhân loại. Chủ nghĩa Mác – Lênin có giá trị phổ biến toàn nhân loại nhưng chủ yếu vẫn là đối với thế giới phương Tây, nơi có phong trào công nhân hình thành sớm và phát triển mạnh.

Đối với Mác và Ăngghen, so với vấn đề giai cấp vô sản thì vấn đề dân tộc chỉ là một vấn đề thứ yếu. Các ông vẫn tập trung nhiều hơn vào vấn đề giai cấp, vẫn “đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản”. Điều đó hoàn toàn đúng với đòi hỏi của thực tiễn Tây Âu khi mà lúc bấy giờ, xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản và về cơ bản vấn đề dân tộc đã được giải quyết trong cách mạng tư sản.

Thời Mác – Ăngghen, các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc chưa phát triển mạnh, chưa có điều kiện làm rung chuyển chủ nghĩa tư bản. Trung tâm cách mạng thế giới vẫn ở châu Âu, vận mệnh loài người vẫn được coi là phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở các nước tư bản chủ nghĩa. Cách mạng thuộc địa vẫn chưa tìm được lối đi cho mình.

Bước sang thời đại Lênin, chủ nghĩa đế quốc đã trở thành một hệ thống thế giới, cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Vấn đề dân tộc thuộc địa được Lênin nghiên cứu và chính ông đã đặt tiền đề cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa bằng hệ thống lý luận được coi là học thuyết về cách mạng thuộc địa.

Tuy nhiên, do nhiều lý do mà chủ yếu xuất phát từ thực tiễn. Lênin không có nhiều điều kiện và cơ hội khám phá, mổ xẻ mảng thế giới thuộc địa, nơi mà chủ nghĩa thực dân – con đẻ của chủ nghĩa đế quốc – đặt ách thống trị tàn bạo lên các dân tộc bị áp bức; nơi mà mâu thuẫn chủ yếu không phải là mâu thuẫn giai cấp mà là mâu thuẫn dân tộc. Vì vậy, những luận điểm hết sức có giá trị của Lênin như cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở chính quốc sẽ không thể giành được thắng lợi nếu nó không liên minh với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa, chủ yếu vẫn mang ý nghĩa định hướng chiến lược. Ngay cả khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!” cũng được ghi nhận như một quan điểm vạch thời đại.

Hồ Chí Minh sinh ra thì đất nước đã nằm trọn trong ách thống trị, nô dịch của chủ nghĩa thực dân Pháp. Nước mất độc lập, dân nô lệ lầm than. Yêu cầu lịch sử đặt ra là phải giải phóng dân tộc, giành độc lập cho dân tộc. Bởi vì, nếu không giành được độc lập dân tộc thì không có gì hết. Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước nhằm đáp ứng nguyện vọng của dân tộc và yêu cầu của đất nước. Từ một người yêu nước, Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin là tiếp thu lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác – Lênin. Người khẳng định rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, tức là nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa dân tộc và giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc. Chủ nghĩa Lênin soi sáng con đường cách mạng Hồ Chí Minh và với Người đó là cái cẩm nang thần kỳ.

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ đặc điểm lịch sử – xã hội của các nước phương Đông cũng như hoàn cảnh của các nước thuộc địa. Việc xử lý mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp ở các nước châu Âu và châu Á có khác nhau. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Người nhắc lại quan điểm của Lênin rằng, lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác – Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, vấn đề đặt ra cho cách mạng ở các nước thuộc địa không phải là làm ngay một cuộc cách mạng vô sản, mà trước hết là phải đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc, rồi từ thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với nhận thức xuyên suốt kết hợp nhuần nhuyễn vấn đề dân tộc và giai cấp trong hoàn cảnh một nước thuộc địa như Việt Nam, Hồ Chí Minh đã trở thành một nhà mácxít sáng tạo trên hàng loạt vấn đề từ cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa, sáng lập và xây dựng Đảng đến đoàn kết lực lượng, xây dựng văn hóa,… Đảng ta khẳng định: “Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Tư tưởng của Người đã và đang soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thẳng lợi, trở thành những giá trị bền vững của dân tộc Việt Nam và lan tỏa ra thế giới”.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam, Bắc đưa đến thắng lợi huy hoàng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là minh chứng hùng hồn cho những sáng tạo đúng đắn của Hồ Chí Minh trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh là nhà mácxít sáng tạo đã có cống hiến lớn vào việc bổ sung, làm phong phú chủ nghĩa Mác – Lênin trên những vấn đề lớn của cách mạng ở các nước thuộc địa.

Cuốn sách: Hồ Chí Minh – Sáng tạo, đổi mới có bố cục là sự gắn kết chặt chẽ của 45 luận văn được kết cấu thành 7 chương. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt của tác phẩm là trên cơ sở lý luận Mác – Lênin, tác giả khẳng định rằng, Hồ Chí Minh đã có sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận đó vào hoàn cảnh Việt Nam, một nước thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân chiếm tỷ lệ nhỏ, khoa học kỹ thuật kém phát triển. Cuốn sách cho thấy sự sáng tạo của Hồ Chí Minh là toàn diện và sâu sắc, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; sáng tạo những nội dung lớn như: xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện cầm quyền, sáng tạo về văn hóa, …

Nhưng cái gốc của vấn đề cũng chính là điểm nhấn của tác phẩm để đạt tới sáng tạo và đổi mới là những suy tư, trăn trở của Hồ Chí Minh về đường lối nhân dân. Nhiều bài viết của tác giả ở chương 1, chương 5 toát lên tinh thần “dân là gốc, là chủ, là nền tảng của cách mạng” Trở lại những luận điểm cơ bản của Hồ Chí Minh như: “sao cho được lòng dân”, “chân lý là cái gì có lợi cho dân”, “Chính phủ là công bộc của dân? “lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt, “không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”… với cách viết nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, tác giả đi từ những điều căn bản nhất trong di sản Hồ Chí Minh đến thực tiễn cuộc sống hôm nay. Cách phân tích của tác giả toát lên di sản Hồ Chí Minh là sinh khí của một học thuyết, vì tư tưởng của Người đang trả lời đúng nhiều câu hỏi của cuộc sống đặt ra và luôn hướng tới tương lai.

Tác giả dành một chương viết về Hồ Chí Minh – người khởi xướng sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh với khẳng định: “Tìm về Hồ Chí Minh – cội nguồn của đổi mới hôm nay”. Khi đọc những nghiên cứu của tác giả cho thấy, sáng tạo và đổi mới hòa quyện với nhau trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong sáng tạo có đổi mới, trong đổi mới có sáng tạo, mà sáng tạo, đổi mới lớn nhất là khắc sâu quan điểm “có dân là có tất cả, mất lòng tin của dân là mất tất cả”.

Các tác phẩm của PGS.TS. Bùi Đình Phong khi viết về đề tài Hồ Chí Minh, mỗi cuốn có cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, trong cuốn: Hồ Chí Minh – Sáng tạo, đổi mới là một thành công của tác giả, một đóng góp mới trong việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Cuốn sách do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thúy Vân