Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Thái Bình

(Quanlynhanuoc.vn) – Thái Bình là một trong 8 tỉnh của cả nước có 100% số xã và một huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng các sở, ban, ngành đã có nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực, mặt khác, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Thái Bình.
Hội Doanh nhân trẻ Thái Bình phối hợp với Công ty cổ phần CEO Thái Bình Holding thực hiện chương trình tọa đàm Kết nối nguồn lực, phát triển khởi nghiệp. Ảnh: thaibinhtv.vn

Thái Bình là tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Hồng gồm một thành phố và 8 huyện với dân số 1,942 triệu dân (năm 2019)1. Đến nay, Thái Bình cũng là một trong 8 tỉnh của cả nước có 100% số xã và một huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Thái Bình có 2 trường đại học lớn là Đại học Y Dược Thái Bình và Đại học Thái Bình; đồng thời, có 30 cơ sở dạy nghề với quy mô đào tạo cho hàng nghìn lượt học viên mỗi năm.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025; Kế hoạch hành động số 31-KH/TU ngày 05/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 10/7/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt Đề án phát triển  nguồn nhân lực (NNL) tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quy hoạch 821 cán bộ nhiệm kỳ 2015 – 2020, quy hoạch 984 cán bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 392.357 lượt cán bộ, đảng viên; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, hiệp y bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cho 448 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý2. Thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) trong  lĩnh vực phi nông nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ cho 11.274 người ĐTN, số lao động có việc làm sau đào tạo là 9.637 người, đạt 85,5%3.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng các sở, ban, ngành đã có nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, thu hút NNL, như: đào tạo tại các cụm công nghiệp, đổi mới cơ chế, chính sách, thu hút, đãi ngộ nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Mặt khác, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể: sáp nhập 20 cơ sở dạy nghề, giảm còn 8 cơ sở, điển hình huyện Hưng Hà: từ 3 cơ sở còn 1 cơ sở, huyện Thái Thụy: từ 4 cơ sở giảm còn 1 cơ sở4.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, số lao động học nghề hằng năm tăng nhanh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua ĐTN từ 44,5% năm 2016 lên 50% năm 2018 và đạt 52,5% năm 2019. Tỷ lệ lao động qua ĐTN tăng qua các năm đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động mỗi năm. Tính trong 5 năm (2016 – 2020) thông qua các giải pháp về việc làm, dự kiến toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 166.540 lao động, bình quân đạt 33.310 lao động/năm và đạt 101% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra5.

Tuy nhiên, phát triển NNL vẫn còn một số hạn chế, đó là: trình độ và năng lực của cán bộ, công chức, viên chức chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ, như: thiếu kỹ năng quản lý hành chính, trình độ ngoại ngữ, tin học chưa cao; lao động có trình độ tay nghề thấp vẫn còn chiếm tỷ lệ cao; đặc biệt là tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu lao động có kinh nghiệm và trình độ tay nghề cao. Bên cạnh đó, tình trạng LĐNT di chuyển đi các địa phương khác diễn ra khá bổ phổ biến, từ đó, dẫn đến ngành Nông nghiệp thiếu lao động trẻ, lao động chất lượng cao.

Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, tỉnh cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển NNL đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát huy nguồn lực, tập trung phát triển NNL chất lượng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh nền kinh tế trong sân chơi toàn cầu hóa như hiện nay. Để thực hiện việc đổi mới sáng tạo, NNL chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng NNL, trong đó tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 10/7/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt Đề án phát triển NNL tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh cũng ban hành một số văn bản hướng dẫn cho các bộ phận tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng người có đức, có tài ở từng cơ quan, đơn vị, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vừa bảo đảm ngân sách địa phương và vừa đóng góp vào ngân sách trung ương.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo ở các bậc học trên địa bàn tỉnh, nhất là giáo dục đại học và các trường nghề.

Quan điểm, chủ trương của Đảng ta là: Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo của Đảng và Nhà nước đã được UBND tỉnh cụ thể hóa, thể chế hóa vào từng cấp học, ngành học, như: Quyết định số 1413/QĐ-UBND ngày 26/6/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình về phê duyệt Đề án xây dựng phát triển con người toàn diện về trí tuệ, tư tưởng, đạo đức và thể chất, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030; Đề án “Nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế đến năm 2025” đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại cho các cơ sở giáo dục – đào tạo, nhất là Trường Đại học Y Dược Thái Bình,  Trường Đại học Thái Bình, Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình và các trường chuyên trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo ở các bậc học, thực hiện chuẩn hóa bằng cấp đối với mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý cần có trình độ từ thạc sỹ, tiến sỹ trở lên…

Thực hiện giảm số lượng các cơ sở giáo dục, đặc biệt là cấp tiểu học (giảm 176 trường), trung học cơ sở (giảm 161 trường), bậc học mầm non do thực hiện sáp nhập trường học, điểm trường. Việc sáp nhập trường học không chỉ giảm đầu mối mà còn giúp bộ máy bớt cồng kềnh; từng bước khắc phục tình trạng thừa hoặc thiếu cán bộ quản lý và nhân viên hành chính ở một số nơi6.

Ba là, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, có cơ chế, chính sách phát triển NNL, thu hút nhân tài.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế vốn có,  UBND tỉnh, cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể đã tích cực, chủ động vào cuộc, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phù hợp với xu thế hiện nay tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối giữa các phân khu với tuyến đường bộ ven biển.

Ngoài ra, cần thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thu ngân sách, phát triển hạ tầng; dùng quỹ đất để tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ, tập trung khai thác thế mạnh về đất đai cùng với lợi thế kết nối với thành phố Hải Phòng có cảng biển, thu hút ngành Công nghiệp điện tử nhằm đem lại giá trị gia tăng phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Khai thác nguồn lực về phát triển dịch vụ, như: công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu số hóa nền kinh tế, dịch vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ…, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó, phát triển ngành Nông nghiệp với quy mô lớn, cần tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; gắn nông nghiệp với công nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp nâng cao giá trị kinh tế; đồng thời, cần có cơ chế, chính sách phát triển NNL tại chỗ, sắp xếp bố trí cho cán bộ trẻ có năng lực vào vị trí phù hợp, phát huy được năng lực, sở trường của từng vị trí, ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho tập thể, cá nhân mở rộng sản xuất – kinh doanh, thành lập doanh nghiệp; xây dựng các khu công nghiệp, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ…

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, việc phát triển NNL ở tỉnh Thái Bình sẽ được nâng cao, bảo đảm việc sử dụng, khai thác có hiệu quả những lợi thế về nông nghiệp, thực hiện các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Trên cơ sở đó, nắm bắt thời cơ trong phát triển NNL hợp lý sẽ tạo ra chiến lược đột phá để đến năm 2025, Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng; phấn đấu đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Bộ; đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong tốp đầu của cả nước.

Chú thích:
1. http://vi.wikipedia.org
2, 3. Đặng Anh. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo đột phá phát triển kinh tế – xã hội. Báo Thái Bình, ngày 14/10/2020.
4. Thái Bình chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. http://www.vccinnews.vn, ngày 28/11/2018.
5. Đào tạo nghề – lời giải cho bài toán lao động, việc làm. http://socongthuongthaibinh.gov.vn, ngày 28/9/2020.
6. Thái Bình tạo đột phá trong đổi mới giáo dục và đào tạo. http://thaibinh.gov.vn, ngày 30/9/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 – 2025.
2. Kế hoạch hành động số 31-KH/TU ngày 05/01/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình.
3. Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 10/7/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Quyết định số 1413/QĐ-UBND ngày 26/6/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về phê duyệt Đề án xây dựng phát triển con người toàn diện về trí tuệ, tư tưởng, đạo đức và thể chất, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030.
ThS. Nguyễn Đức Hùng
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình