(Quanlynhanuoc.vn) – Thời gian qua, các chủ thể chính sách công đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và ban hành chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số thiếu sót và bất cập, do sự hạn chế nhất định trong nhận thức về chính sách công và tư duy xây dựng chính sách công. Chính điều này đã ảnh hưởng tới chất lượng hay hiệu lực và hiệu quả của chính sách công trên thực tế, do đó, chủ thể chính sách cần đổi mới tư duy xây dựng chính sách để có những chính sách công tốt cho xã hội.
Tư duy chính sách công (CSC) đúng đắn, khoa học và phù hợp với thực tiễn bởi các quyết định chính sách, nhanh chóng đưa chính sách vào đời sống và bảo đảm thắng lợi bởi tầm nhìn CSC. Chủ thể CSC đã quyết định các chính sách hệ trọng cho quốc gia gắn với tính thực tiễn và tư duy khoa học của mình, với giá trị đúng đắn của chính sách đã thuyết phục và thu hút sự đồng hành với Nhà nước, thu hút sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và người dân (cộng đồng chính sách, sản phẩm của tư duy trí tuệ tập thể và quyết định chính sách bởi chủ thể có thẩm quyền). Đổi mới tư duy (ĐMTD) xây dựng CSC có ý nghĩa quyết định sự thành công của chính sách, bởi lẽ, Nhà nước sử dụng công cụ CSC để kiến tạo xã hội và phát triển bền vững, vì sự tiến bộ xã hội là những vấn đề cấp bách hiện nay. Qua nghiên cứu lý luận, lý thuyết và thực tiễn về xây dựng CSC trên thế giới và ở Việt Nam, có thể thấy rằng, ĐMTD xây dựng chính sách có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của CSC. Do đó, chủ thể CSC cần xây dựng CSC bằng tư duy đổi mới, sáng tạo, hội nhập và phát triển.
Đổi mới tư duy xây dựng chính sách công
ĐMTD xây dựng chính sách là sự phản ánh quá trình nhận thức về CSC, xây dựng CSC cần phải có tri thức và hiểu biết về đời sống xã hội, giải quyết các vấn đề chính sách khoa học, khả thi, hiệu lực, hiệu quả và sáng tạo, khả năng dự báo chính sách, quản trị rủi ro về CSC. Xây dựng chính sách tức là viết văn kiện chính sách thể hiện những mục tiêu mà chính sách mong muốn đạt được cũng như những điều kiện cần thiết để đạt được các mục tiêu đó. Nói cách khác, xây dựng chính sách là làm rõ hơn việc giải quyết vấn đề chính sách1. Theo đó, xây dựng CSC là một quá trình mà thông qua đó một vấn đề công xác định được đưa vào chương trình hành động (lựa chọn làm hoặc không làm) của nhà nước cho đến khi một chính sách được ban hành nhằm giải quyết vấn đề đã được đặt ra đó.
Xét về bản chất, tư duy xây dựng CSC là một quá trình sáng tạo giúp chủ thể xây dựng chính sách hình thành tri thức khoa học chính sách, tiếp cận, nhận biết, lĩnh hội vấn đề xã hội, vấn đề CSC và cách giải quyết những vấn đề đó dựa trên năng lực chủ thể chính sách, quy luật khách quan của đời sống xã hội.
Chủ thể ban hành CSC là nhà nước nên có thể gọi CSC là chính sách của nhà nước. Theo đó, CSC là sản phẩm chủ quan của nhà nước, mỗi chính sách đó là sản phẩm hoàn chỉnh do hoạt động sáng tạo của con người tạo nên đôi khi còn thể hiện nặng ý chí chủ quan, mong muốn, ước vọng của các chủ thể xây dựng CSC. ĐMTD xây dựng CSC thuộc về vấn đề ĐMTD của chủ thể xây dựng, ban hành, thực hiện và đánh giá CSC. Chủ thể xây dựng chính sách xác định mục tiêu, các giải pháp và công cụ chính sách vừa là sản phẩm chủ quan, vừa bị quy định bởi hàng loạt các yếu tố khách quan như quá trình kinh tế – xã hội, yêu cầu của việc xây dựng chính sách theo cơ chế thị trường hay tránh cơ chế “xin – cho”, không theo quy luật của cơ chế thị trường và sự tương tác giữa các chính sách trong hệ thống chính sách quốc gia, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Do đó, các giải pháp và công cụ chính sách là sản phẩm của hoạt động ý thức, phản ánh năng động và sáng tạo của con người, mức độ nhanh, nhạy và kịp thời với vấn đề công là sự kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa các yếu tố khách quan và chủ quan.
Ở Việt Nam, một số nhà nghiên cứu khoa học đã cho thấy đổi mới quan điểm, tư duy tiếp cận CSC theo hướng cởi mở, linh hoạt, kiến tạo và lấy lợi ích nhân dân, quốc gia là trục xoay chính của phát triển bền vững đất nước, dựa trên sự kết hợp hài hòa của 4 trụ cột trong “tư duy chính sách” là: tư duy khoa học, tư duy thực tiễn, tư duy biện chứng, tư duy phát triển2. Theo đó, chủ thể xây dựng CSC dựa trên nền tảng tư duy, cụ thể như sau:
(1) Tư duy khoa học: đòi hỏi chủ thể xây dựng CSC phải coi trọng chân lý, tôn trọng quy luật khách quan trong toàn bộ chu trình chính sách; tiếp cận vấn đề chính sách phải dựa trên hệ thống phương pháp nghiên cứu chung và khoa học CSC, cơ sở lý luận, lý thuyết, mô hình chính sách khoa học, đúng đắn và phù hợp mang tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và chéo ngành để có góc nhìn toàn diện, bao quát khi xây dựng CSC.
(2) Tư duy thực tiễn: yêu cầu chủ thể xây dựng CSC cần coi trọng thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan, tránh sự chủ quan, duy ý chí, chú trọng khám phá, phát hiện vấn đề CSC từ thực tiễn, đưa chính sách vào thực tiễn kiểm nghiệm để đúc rút bài học, tổng kết kinh nghiệm xây dựng CSC. Đồng thời, dự báo vòng đời chính sách, diễn biến đời sống xã hội, đời sống chính sách trong thực tiễn làm tiền đề xây dựng, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách mới cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
(3) Tư duy biện chứng: người xây dựng chính sách cần có tư duy này, thể hiện tầm năng lực hiểu biết về triết học, vận dụng triết học trong lĩnh vực khoa học CSC thông qua việc nhận diện về vấn đề chính sách bằng mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, nhân – quả, kế thừa và phát triển, mang tính lịch sử, kế thừa lịch sử trên tinh thần cải tổ, cụ thể, khách quan, liên đới của các chính sách với nhau thể hiện sự đồng bộ, không vênh, không mâu thuẫn, không đá nhau, không chồng chéo nhau, giữa các bước trong chu trình CSC với nhau,… trên các lĩnh vực của chính sách cụ thể nhằm giúp hình thành tư duy bao quát, tổng thể, toàn diện, mô hình hóa tư duy chính sách “sơ đồ tư duy chính sách” trong lãnh đạo, quản lý, định hướng, định hình hệ thống CSC vĩ mô, vi mô của quốc gia, vùng, địa phương; đồng thời tránh tư duy chính sách kiểu cục bộ, địa phương, cát cứ, đáng lưu ý là “tư duy nhiệm kỳ”, “tân quan tân chính sách”3.
(4) Tư duy phát triển: có tầm nhìn chiến lược về chính sách, triết lý CSC với phát triển, phát triển bền vững và kiến tạo xã hội; nhìn xa, trông rộng thấy trước, dự đoán triển vọng lạc quan của CSC trong tương lai (năng lực dự báo CSC) để vượt qua các rào cản “rủi ro CSC” nhằm kịp thời lường trước, xử lý những rủi ro xã hội bằng chính sách, khó khăn trong chu trình chính sách nếu vấp phải (tuy nhiên, tránh sự chủ quan); đồng thời, xác định động lực, mục tiêu cuối cùng và cao nhất của mọi chính sách, đó chính là phục vụ con người, vì con người để duy trì sự phát triển; thịnh vượng quốc gia, dân tộc; kiến tạo xã hội và phát triển bền vững.
ĐMTD xây dựng CSC có ý nghĩa quyết định đến chất lượng của sản phẩm chính sách. CSC với tư cách là sản phẩm tư duy của chủ thể chính sách, việc thiết kế nó phụ thuộc rất lớn vào tâm, tầm của nhà xây dựng chính sách (người làm chính sách). Tư duy xây dựng CSC phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, với yêu cầu của xã hội, đáp ứng nhu cầu của hoạt động quản lý. ĐMTD được đặt ra do tư duy “kiểu cũ” đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp và dần thay thế tư duy “kiểu mới” về CSC, năng lực CSC được khẳng định. ĐMTD CSC góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của CSC, củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền.
Giải pháp đổi mới tư duy xây dựng chính sách công ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, phát triển tư duy hệ thống, tư duy phản biện, tư duy biện luận ứng dụng – sáng tạo trong xây dựng CSC; tiếp tục ĐMTD xây dựng CSC theo hướng tránh tư duy đồng nhất, xem CSC là một tập hợp các quyết định chính trị có liên quan của Nhà nước với việc xác định mục tiêu, giải pháp và các công cụ CSC để giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội nhằm đạt được mục tiêu của Nhà nước.
Các chủ thể xây dựng CSC cần tuân thủ triệt để các nguyên tắc xây dựng CSC như: (1) Nguyên tắc vì lợi ích cộng đồng người dân; (2) Nguyên tắc quản lý và bắt buộc; (3) Nguyên tắc hệ thống; (4) Nguyên tắc tập hợp các quyết định; (5) Nguyên tắc liên đới; (6) Nguyên tắc kế thừa lịch sử; (7) Nguyên tắc quyết định đa số; (8) Nguyên tắc xây dựng CSC theo cơ chế thị trường; (9) Nguyên tắc phân phối công bằng… có tư duy “mở” trong xác định vấn đề, mục tiêu, lựa chọn công cụ, giải pháp chính sách (tức là cần có sự tham gia đầy đủ của các chủ thể chính sách, thảo luận, bàn bạc, đối thoại chính sách).
Đồng thời, công tác tham mưu thiết kế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, phải công khai, minh bạch, hài hòa, hợp lý, ổn định và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; phải bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn để điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách; việc thiết kế, xây dựng cơ chế, chính sách phải tham khảo ý kiến các đối tượng bị tác động và dự báo, đánh giá đầy đủ những tác động, ảnh hưởng… Chỉ có làm được như vậy thì “chính sách mới đi vào cuộc sống, mới sống được lâu dài”, có sức lan tỏa rộng lớn và hiệu ứng tốt.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, thiết kế chính sách để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực, tin lực,..) trên tinh thần phát huy tối đa sự sáng tạo, tự lực, tự cường của các cấp, các ngành; dứt khoát xóa bỏ cơ chế xin – cho để mọi cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự lực, tự cường phấn đấu với tinh thần cao nhất, bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích các bên và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân.
ĐMTD xây dựng CSC cần nâng cao năng lực CSC cho chủ thể CSC, đồng thời, phải cương quyết chống tham nhũng chính sách, lãng phí, tiêu cực “trục lợi chính sách”, bóp méo chính sách, “chống lobby chính sách” hay vận động chính sách theo nghĩa tiêu cực, chống lợi ích nhóm và những biểu hiện tiêu cực khác “lách chính sách”, “chạy chính sách”, “buôn chính sách”…
Thứ hai, không ngừng nâng cao nhận thức cho các chủ thể xây dựng CSC, loại trừ các lỗi thường gặp trong tư duy chính sách. Theo đó, cần đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) về năng lực CSC cho cán bộ, công chức (CBCC) để hình thành tư duy xây dựng chính sách tốt dựa trên nền tảng khoa học và gắn liền với thực tiễn cuộc sống. CBCC có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định, triển khai và tổ chức thực hiện CSC; quyết định sự thành công hay thất bại của chính sách do cơ quan, tổ chức vạch ra. Đội ngũ CBCC trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định, phân tích, xây dựng, thực hiện và đánh giá CSC. Vì vậy, đội ngũ CBCC phải được quan tâm ĐTBD về năng lực CSC. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ĐTBD đội ngũ CBCC là một nhiệm vụ quan trọng đã được xác định trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.
ĐTBD nhằm xây dựng được đội ngũ CBCC thực sự có năng lực, xác định vấn đề, mục tiêu, giải pháp và công cụ CSC trên nguyên tắc kết quả, hiệu quả và chất lượng như sau:
(1) Tiếp tục duy trì và đổi mới phương pháp ĐTBD năng lực CSC cho CBCC. Xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc của CBCC; hướng tới mục tiêu là tạo được sự thay đổi về chất trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn của nghề phân tích chính sách, đặc biệt là năng lực CSC.
ĐTBD tập trung vận dụng được những kiến thức, kỹ năng, thái độ về CSC cho CBCC; trong đó, phân tích và đánh giá những kiến thức, lý luận cơ bản về CSC, hình thành kỹ năng, cách thức hoạt động thực thi công việc, giáo dục thái độ thực hiện công việc thể hiện sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của người CBCC.
(2) Chất lượng, hiệu quả CSC phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ CBCC tham gia vào quá trình chính sách. Nói cách khác, năng lực CSC của đội ngũ CBCC tham gia quá trình chính sách quyết định chất lượng, hiệu quả của quá trình chính sách. Do đó, muốn nâng cao hiệu lực và hiệu quả, hay chất lượng CSC cần phải có các giải pháp đồng bộ nâng cao năng lực CSC của đội ngũ CBCC tham gia chu trình chính sách nhằm ĐMTD xây dựng CSC của họ.
Các học viện, trường đại học có đào tạo về CSC ở các bậc đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, các chương trình bồi dưỡng cần chú trọng đào tạo hướng đến năng lực của người học, khả năng lĩnh hội tri thức khoa học CSC, như: những vấn đề cơ bản về CSC; kinh tế học trong CSC, chính trị học trong CSC, ứng dụng phương pháp xã hội học trong CSC, phân tích CSC, xây dựng CSC, thực hiện CSC, duy trì CSC, đánh giá CSC và các lĩnh vực chính sách cụ thể gắn với các bước trong chu trình CSC, truyền thông CSC, tham nhũng CSC, kỹ năng xây dựng và đánh giá tác động của CSC
(3) Năng lực, khả năng làm việc của CBCC được hội tụ bởi ba yếu tố là: kiến thức, kỹ năng và thái độ của CBCC trong thực thi công vụ.
Kiến thức CSC là sự hiểu biết, am hiểu về pháp luật, chính sách là những thông tin hữu ích công chức cần hiểu, ghi nhớ và vận dụng để phục vụ tốt cho công việc xây dựng, tham mưu CSC.
Kỹ năng là khả năng chuyển kiến thức, vận dụng thành thạo được kiến thức thành hành động xây dựng, phân tích và thực hiện các CSC với các kết quả đạt được như mong muốn.
Thái độ về CSC là ý thức, thái độ đối với công việc của người lãnh đạo chính sách, làm nghề phân tích chính sách, xây dựng, tham mưu chính sách và trong các mối quan hệ với con người, giải quyết các vấn đề của xã hội (vấn đề CSC).
Năng lực CSC là khả năng giải quyết vấn đề chính sách nhờ phẩm chất và trình độ chuyên môn về chính sách. Hay nói cách khác, năng lực chính sách liên quan đến khả năng của CBCC trong việc xác định vấn đề, giải pháp, công cụ và đánh giá chính sách, để phát triển chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề đó.
ĐMTD xây dựng CSC làm thay đổi quan trọng đối với chủ thể xây dựng và ban hành chính sách. Những kiến thức, kỹ năng và thái độ đó cần phải được CBCC các cấp từ trung ương đến địa phương lĩnh hội đầy đủ, ý thức rõ ràng nhằm tránh những khiếm khuyết không cần thiết trong tư duy chính sách bằng một số thao tác căn bản trong tư duy chủ thể trong quá trình xây dựng CSC.
Chính vì vậy, tiếp tục ĐMTD kinh tế, tư duy quản lý, tư duy nhận thức vấn đề chính sách, tư duy xây dựng chính sách, tầm nhìn chính sách bằng phương pháp ĐTBD các tri thức khoa học CSC trong các chương trình bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước nhằm nâng cao năng lực CSC cho CBCC, viên chức, đặc biệt là nhà lãnh đạo, quản lý các cấp là nhiệm vụ quan trọng đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay của đất nước.