Phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

(Quanlynhanuoc.vn) – Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh đầy cam go phức tạp nhằm chống lại các hành vi vi phạm pháp luật của những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan công quyền. Ở Việt Nam, tham nhũng ngày càng tinh vi, có thể xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Do đó, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó sự tham gia tích cực và quan trọng của các tầng lớp nhân dân.
Ngày 5/8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 20 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: noichinh.vn
Vai trò của Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”, bằng việc thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật, Nhân dân góp một phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh phòng, chống các hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức (CBCC), viên chức có chức vụ, quyền hạn, làm việc trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức công quyền.

Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, Nhân dân đã tích cực sử dụng quyền tố cáo theo quy định của pháp luật, góp phần đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức có chức vụ, quyền hạn. Trong 9 tháng đầu năm 2020, về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), có 459.149 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước KNTC, kiến nghị, phản ánh (giảm 4% so với năm 2019), với 296.864 vụ việc (giảm 2,4% với năm 2019), có 3.779 lượt đoàn đông người (giảm 17,7% với năm 2019). Về tiếp nhận và xử lý đơn thư, các cơ quan hành chính tiếp nhận 305.769 đơn thư các loại. Có 189.202 đơn đủ điều kiện xử lý với 20.958 vụ việc khiếu nại, 8.120 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. So với năm 2019, số đơn thư các loại tăng 1,6%; số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giảm 15,5%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 0,8%.

Đối với giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,5% (khiếu nại 17.171 vụ việc, đạt 81,9%; tố cáo 7.104 vụ việc, đạt 87,5%). Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng, 72,7 ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 541 người, chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng. Về cơ cấu, lĩnh vực KNTC không có nhiều thay đổi so với năm 2019, tập trung chủ yếu về khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ 61,5 % tổng số đơn khiếu nại (so với năm 2019 giảm 5,4%); về tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo CBCC vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ… tập trung vào lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 64,8% (so với năm 2019 giảm 1,8%)1.

Như vậy, có thể thấy, việc thực hiện các quyền dân chủ theo quy định của pháp luật, công dân là chủ thể quan trọng góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), đặc biệt, thông qua việc thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở, Nhân dân đã thể hiện rõ nét vai trò của mình trong việc đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật của CBCC, viên chức nhà nước. Xây dựng và thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở, từ đó đã góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của CBCC theo hướng sát dân, trọng dân và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Pháp luật về dân chủ ở cơ sở cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giám sát của Nhân dân đối với việc sử dụng các loại quỹ của CBCC cấp xã. Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm: cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết cho Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; xem xét, giải quyết và trả lời kịp thời các KNTC, kiến nghị của công dân, kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp xã hoặc báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; xử lý người có hành vi cản trở hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc người có hành vi trả thù, trù dập công dân KNTC, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Thông qua thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở, Nhân dân có quyền được công khai và giám sát về quyết toán ngân sách hằng năm của cấp xã; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với cấp xã; các khoản huy động Nhân dân đóng góp và kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của CBCC cấp xã, của cán bộ thôn, tổ dân phố; việc quản lý, sử dụng quỹ đất của cấp xã… Việc được biết về ngân sách cũng như sử dụng các loại quỹ ở cấp xã của công dân đã góp phần hạn chế các hành vi tham nhũng, lãng phí trong các tổ chức công quyền ngay ở cơ sở.

Nhìn chung, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng của cơ sở đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhiệm vụ chính trị của cơ sở, lắng nghe ý kiến phản ánh của Nhân dân, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những vướng mắc trong nội bộ của Nhân dân; triển khai thực hiện tốt các chương trình kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả quan trọng, giúp chính quyền cơ sở khắc phục những mặt còn hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý và điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và an ninh – quốc phòng ở địa phương. Qua đó, tạo được lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, những kết quả đó mới chỉ là bước đầu, tình trạng vi phạm dân chủ, hay dân chủ hình thức còn diễn ra ở không ít nơi. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nhiều nơi còn thiếu nền nếp, hiệu quả chưa cao. Một số nơi hiện tượng vi phạm quyền dân chủ của người dân rất nghiêm trọng, gây bất bình trong Nhân dân, làm giảm sút lòng tin đối với Đảng và Nhà nước. Vẫn còn một bộ phận cán bộ hách dịch, cửa quyền, vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân, sống xa dân, tham ô, tham nhũng, lãng phí, trong đó có cả cán bộ cao cấp.

Thực tế đã chứng minh, ở nơi nào chưa coi trọng thực hiện các quyền dân chủ thì nơi đó quan liêu, tham nhũng vẫn “phát sinh và tồn tại”, cán bộ sai phạm vẫn “ung dung tại vị”. Nguyên nhân sâu xa của những yếu kém, bất cập nói trên là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế, chưa xác định được việc xây dựng và thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng trước mắt và lâu dài. Chậm cụ thể hóa Quy chế dân chủ thành cơ chế giám sát của người dân ở cơ sở. Sự chỉ đạo phối hợp của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng chưa nhịp nhàng, đồng bộ; việc kiểm tra, giám sát, tổng kết, rút kinh nghiệm chưa được quan tâm đúng mức. Không ít cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các quyền dân chủ một cách hời hợt, qua loa nên đã không ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, quan liêu. Những sơ hở, thiếu đồng bộ của cơ chế chính sách cùng những khiếm khuyết trong phương thức lãnh đạo, nhất là quyền lực không đi cùng cơ chế giám sát,  đã vô tình tạo lỗ hổng cho tệ quan liêu, tham nhũng lộng hành…

Một số giải pháp phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh PCTN

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của Nhân dân về trách nhiệm trong đấu tranh PCTN.

Để góp phần quan trọng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng cần phải tích cực hơn nữa trong thực hiện quyền tố cáo và các quyền dân chủ ở cơ sở của Nhân dân. Trước hết, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân, của công luận trong công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng tham nhũng, quan liêu. Việc bảo đảm quyền làm chủ thật sự của Nhân dân sẽ đẩy lùi được tệ quan liêu, tham nhũng. Điều quan trọng bậc nhất là phải làm cho người dân hiểu rõ mục đích của việc thực hiện các quyền công dân, quyền dân chủ ở cơ sở là phát huy quyền làm chủ trực tiếp của chính mình và của toàn xã hội.

Hiện nay, trong các tầng lớp nhân dân không phải ai cũng hiểu đúng về các quy định của pháp luật về KNTC, quyền công dân, quyền dân chủ, về thực hiện các quyền làm chủ của mình. Bên cạnh đó, ý thức và nhận thức về quyền công dân, quyền làm chủ của người dân nhiều nơi còn hạn chế. Vì thế, bằng những quy định cụ thể làm cho người dân có ý thức, có khả năng, có trách nhiệm thực hiện các quyền công dân, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế và pháp luật về quyền công dân, quyền dân chủ để tạo điều kiện cho Nhân dân đấu tranh PCTN có hiệu quả.

Những ý kiến của Nhân dân là những đóng góp, phát hiện từ thực tế sinh động của cuộc sống để xây dựng, thực thi đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bởi vậy, Nhà nước cần cụ thể hóa các quyền công dân, quyền dân chủ bằng những quy định rất cụ thể những điều dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng để Nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình với tư cách là chủ thể của xã hội. Bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin đến người dân.

Do đó, khi soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật, các chủ trương, chính sách, nhất là khi thực hiện các chương trình, dự án… phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân, tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân, làm cho các văn bản, các chính sách, chủ trương, dự án được công khai, minh bạch. Tạo mọi điều kiện cho người dân có quyền dân chủ bàn bạc, quyết định những công việc thiết thực ở cơ sở, như: quyết định và theo dõi các khoản thu, chi do Nhân dân đóng góp; giám sát các công trình xây dựng, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước…

Cần tiếp tục hoàn thiện và bổ sung cơ chế giám sát của người dân, khắc phục những lỗ hổng trong các quy định của pháp luật. Đặc biệt, những quy định về tiền vốn Nhà nước, đóng góp của Nhân dân lại càng phải được giám sát chặt chẽ.  Từ đó mới thực sự khuyến khích được tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của Nhân dân trong lao động và là cơ sở để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, quan liêu.

Cần có thêm nhiều hình thức tiếp thu rộng rãi hơn sự phản ánh, phát hiện của Nhân dân về những sai phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức để kịp thời đấu tranh PCTN như: thiết lập đường dây nóng, hộp thư kín, thực hiện tiếp dân, tăng cường đối thoại với dân… Cần chỉ ra những việc cán bộ, đảng viên không được làm và công khai những điều này cho Nhân dân biết để Nhân dân giám sát, góp ý và thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm của dân.

Sửa đổi những quy định trong Quy chế Dân chủ ở cơ sở, và sớm luật hóa Quy chế này, bổ sung những quy định cần thiết, từ đó tích cực đưa việc thực hiện các quyền công dân, quyền dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống. Kịp thời bổ sung những chế tài nghiêm khắc đối với những người có hành vi cản trở việc thực hiện quyền tố cáo và các quyền dân chủ của công dân.

Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo, công tác kiểm tra của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đối với việc bảo đảm thực hiện các quyền tố cáo, quyền dân chủ của Nhân dân.

Để thực hiện có hiệu quả quyền tố cáo, quyền dân chủ của Nhân dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, nhất thiết phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp.

Sự lãnh đạo của Đảng hướng vào mục tiêu phải đạt được hiệu quả trong cuộc đấu tranh PCTN. Ở những nơi có biểu hiện vi phạm dân chủ nghiêm trọng, tệ quan liêu, tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải thật sự kiên quyết; có cơ chế lãnh đạo phù hợp. chế tài phù hợp, chặt chẽ, nghiêm ngặt. Tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy, của tổ chức Đảng đối với việc bảo đảm điều kiện để Nhân dân thực hiện các quyền công dân, quyền dân chủ của mình, góp phần đấu tranh PCTN có hiệu quả. Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời các nội dung, các mục tiêu thực hiện quyền công dân, quyền dân chủ trong đấu tranh PCTN của Nhân dân.

Chú thích:
1. Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp. http:/cand.com.vn, ngày 14/9/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Hiến pháp năm 2013.
3. Luật Khiếu nại năm 2011
4. Luật Tố cáo năm 2018
5. Nhìn lại hơn 20 năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. https://tapchicongsan.org.vn, ngày 10/02/2021.
Lê Thanh Bình
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh