Thuế Quê hương – nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhật Bản là một quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới theo GDP danh nghĩa, có công nghiệp phát triển với kỹ nghệ tiên tiến. Nhật Bản có nhiều chính sách thuế, trong đó khuyến khích phát triển “Thuế Quê hương”. Bài viết mô tả và phân tích về đặc trưng loại thuế này và mong muốn chuyển đến những kinh nghiệm về thuế tại Nhật Bản.
Ngôi làng cổ Shirakawago – Nhật Bản. Ảnh: nhatbantravel.com.
Các loại thuế ở Nhật Bản

Tại Nhật Bản, người dân phải đóng nhiều loại thuế, như: thuế thu nhập, thuế cư trú, thuế tiêu dùng, thuế do người có phương tiện giao thông cá nhân trả, thuế tài sản cố định (nhà, đất)… Do đó, người Nhật cũng rất quan tâm tới việc được miễn giảm tiền đóng thuế và tìm ra hay lựa chọn những cách giảm thuế một cách hợp pháp. Về cơ bản, ở Nhật dù là người Nhật hay người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật thì cũng phải có những trách nhiệm đóng thuế giống nhau.

Tùy thuộc vào việc lựa chọn nơi đóng thuế, thuế của Nhật có hai loại: thuế quốc gia và thuế địa phương và cũng được chia làm hai hình thức nộp thuế: loại thuế nộp trực tiếp và thuế nộp gián tiếp. Thuế quốc gia hay là thuế nộp cho nhà nước có các loại thuế như: thuế thu nhập, thuế tiêu thụ… Thuế địa phương nộp cho tỉnh, thành phố hoặc cho phường, xã nơi đang sinh sống. Chính quyền địa phương (CQĐP) thu các loại thuế như: thuế cư trú, thuế phương tiện giao thông cá nhân, thuế tiêu thụ địa phương…

Trong cơ cấu thuế có nhiều hạng mục thuế khác nhau, có thể phân loại thuế từ nhiều khía cạnh. Thuế quốc gia và thuế địa phương được phân loại tập trung vào chủ thể chịu thuế. Ngoài ra, thuế thu nhập, thuế tiêu dùng, thuế tài sản,… là những cách phân loại tập trung vào khía cạnh hoạt động kinh tế phải chịu thuế.

Một số loại thuế cơ bản phải nộp ở Nhật:

– Thuế thu nhập

Thuế thu nhập là loại thuế được tính bằng cách áp dụng một thuế suất nhất định đối với số thu nhập được khấu trừ từ tất cả các khoản thu nhập trong năm từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 hằng năm. Nếu bạn có thu nhập, đây là một khoản thuế mà bạn phải trả. Thuế suất thuế thu nhập áp dụng “thuế suất lũy tiến vượt mức” tăng dần theo số thu nhập chịu thuế. Nói cách khác, hệ thống này khiến những người có thu nhập cao phải trả nhiều thuế hơn những người có thu nhập thấp.

– Thuế thị dân

Thuế thị dân hay còn gọi là thuế cư trú là khoản tiền thuế mà người dân phải nộp cho CQĐP nơi mình sinh sống. Nguồn thuế này góp phần duy trì các hoạt động phúc lợi xã hội của CQĐP như: giáo dục, y tế, môi trường, an sinh xã hội khác…

Mức thuế này cũng được tính dựa trên mức thu nhập của từng cá nhân vào năm trước đó. Thuế thị dân được thu theo thu nhập (nộp số tiền được tính dựa trên lương đã nhận được từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 năm trước) và khoản bình quân (số tiền nhất định đã nhận được bao nhiêu lương). Người nộp thuế có thể tự lựa chọn cách hoặc nơi nộp thuế như thông qua công ty, trực tiếp nộp cho cơ quan hành chính tại nơi mình sinh sống, qua bưu điện…

– Thuế tài sản

Đây là loại thuế dành cho người đã và đang có những sở hữu về đất đai, nhà cửa hoặc các loại tài sản có khấu hao khác tại Nhật. Mức thuế này được dựa trên tổng giá trị tài sản mà cá nhân sở hữu từ 1,4 – 2,1 %. Nếu đất đai được cá nhân sử dụng với mục đích định cư sẽ được giảm 1/3 và loại thuế này sẽ được miễn nếu tổng tài sản có giá trị thấp hơn 300.000 yên.

Các khoản thuế quy định được áp dụng cho tất cả những người hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Cho dù đến từ quốc gia nào, nhưng khi sống và làm việc tại đây, mọi người phải có nghĩa vụ đóng và hoàn thành các khoản thuế. Các hành vi trốn thuế rất dễ bị phát hiện và kéo theo nhiều hệ lụy sau này. Nếu quá thời hạn nộp thuế, người dân sẽ nhận được giấy nhắc nhở từ tòa thị chính của quận, thành phố. Nếu quá 2 lần không đóng sẽ bị truy thu từ lương hoặc bị cưỡng chế tài sản, ngoài khoản tiền thuế phải nộp sẽ phải chịu thêm 1 khoản tiền phạt nộp quá thời hạn.

Nguồn gốc Thuế Quê hương

Thuế Quê hương (Furusato Nozei) hay còn gọi là đóng thuế cho quê hương. Chương trình này được tiến hành từ năm 2008, như một cách để mọi người tự nguyện đóng góp nhằm hỗ trợ cho các CQĐP bằng việc tiến hành nộp một phần thuế phải đóng hằng năm của mình cho các CQĐP khác ngoài CQĐP nơi mình đang sinh sống. Người dân có thể tự do lựa chọn những vùng mà mình muốn hỗ trợ như: những vùng đất mình đã đặt chân đến du lịch, đến công tác hay chính quê hương của mình. Ngay cả những người nước ngoài hiện đang làm việc tại Nhật cũng có thể tham gia vào chế độ nộp thuế này. Tiền nộp vào Thuế Quê hương có thể được quyên góp cho bất kỳ CQĐP nào. Việc thu thuế thông thường được thực hiện bởi cơ quan thuế hoặc thành phố có thẩm quyền đối với khu vực người dân sinh sống. Do đó, dân số càng đông thì số người nộp thuế càng nhiều. Ngoài ra, khi tham gia vào chế độ nộp thuế này, người nộp thuế sẽ được giảm trừ một số tiền từ tiền thuế phải đóng. Theo quan điểm của người tiêu dùng, đó là một ưu đãi và là một hệ thống tuyệt vời, nơi bạn có thể nhận được một món quà có giá trị chỉ với một khoản đóng góp nhỏ.

Trên thực tế, người đóng thuế chỉ cần bỏ ra 2.000 yên (tương đương khoảng 400.000 đồng) đã có thể nhận được trong tay món quà cảm ơn ý nghĩa. Đây được xem như là một chế độ có lợi lớn đối với người tiêu dùng và cũng là một cách tiết kiệm thuế rất hiệu quả mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho các vùng khác.

Mục đích chính của Thuế Quê hương

Thứ nhất, tạo cơ hội để người nộp thuế suy nghĩ đến cách sử dụng tiền nộp thuế.

Người dân thực tế đang nộp rất nhiều loại thuế khác nhau nhưng những khoản tiền thuế này đang được sử dụng theo những con đường nào thì hầu như họ không được quyết định mà đang được quyết định tại các cuộc họp của CQĐP hoặc Quốc hội.

Thứ hai, tạo thêm sức mạnh cho địa phương mình muốn hỗ trợ.

Việc tăng thêm sức mạnh cho những vùng đất mà mình muốn hỗ trợ như những vùng miền đã giúp đỡ mình, hay quê hương nơi mình sinh ra chính là ý nghĩa to lớn nhất. Hay nói cách khác, đây có thể coi như một sự cống hiến để phát triển địa phương.

Thứ ba, cơ hội để CQĐP suy nghĩ về những gì mà địa phương nên có.

Việc có thể thu được các khoản đóng góp dưới hình thức nộp thuế xây dựng địa phương trên khắp cả nước có nghĩa là nguồn thu từ thuế có thể được tăng lên tùy thuộc vào sự nỗ lực của CQĐP. Như vậy, CQĐP không chỉ thu hút được sự nỗ lực đóng góp của người dân đang sinh sống tại địa phương mà còn kêu gọi được sự đóng góp của người dân trên toàn nước Nhật. Chế độ thuế này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các CQĐP.

Ý nghĩa của Thuế Quê hương

Một là, sự lựa chọn của người nộp thuế.

Đối với Thuế Quê hương, cho dù chỉ là đóng một phần của số tiền thuế phải nộp thì người nộp thuế bằng ý chí của mình sẽ có thể lựa chọn được đối tượng nộp thuế, nơi sẽ đóng góp. Vấn đề này đã trở thành một bước ngoặt mang tính lịch sử trong lý thuyết về thuế và chế độ thuế. Khi lựa chọn nơi đóng thuế, người nộp thuế sẽ một lần nữa suy nghĩ về ý nghĩa và tầm quan trọng của thuế, vì lý do đó, người dân sẽ coi thuế là của riêng mình và đây cũng là cơ hội quý giá để họ nhận ra tầm quan trọng của việc nộp thuế.

Hai là, tầm quan trọng của quê hương.

Quê hương là nơi mỗi người sinh ra và lớn lên. Dù đi xa thì con người vẫn luôn hướng về quê hương. Nhiều người dân từ các vùng quê đã ra thành phố sinh sống, học tập, làm việc. Họ sẽ đóng thuế cho nơi mình sinh sống, làm việc, dân cư tập trung càng đông thì nguồn thu từ thuế sẽ càng nhiều. Còn ở các vùng quê, dân cư thưa thớt thì nguồn thu này ngày càng ít do dân di cư ra thành phố lớn. Chính điều này đã đặt ra vấn đề làm sao để tăng nguồn thu cho vùng quê, địa phương xa xôi.

Ở Nhật Bản hiện nay, CQĐP có vai trò lớn trong việc hỗ trợ người dân có một cuộc sống lành mạnh. Ngoài việc nuôi dưỡng nhân tài còn cung cấp lương thực, thực phẩm cho thành phố. Địa phương cũng đang duy trì, bảo tồn môi trường tự nhiên quý giá như sông suối, ao, hồ, rừng, núi… Thông qua Thuế Quê hương sẽ góp phần nâng cao nhận thức được tầm quan trọng của việc đóng góp cho quê hương. Đóng Thuế Quê hương ngoài việc kêu gọi đóng góp cho nơi sinh ra hoặc đã từng sinh sống thì đây còn là cách ủng hộ, đóng góp cho một địa phương bất kỳ mà người đó có thiện cảm hoặc mong muốn góp phần vào sự phát triển của địa phương. Hiện nay, số lượng người muốn đóng góp cho địa phương mình yêu thích ngày càng tăng. Với việc đóng thuế này, người dân sẽ có cái nhìn tích cực và định hướng rõ ràng hơn về việc đóng thuế, góp phần phát triển cho khu vực, địa phương.

Ba là, thúc đẩy ý thức tự trị.

Khi hiện thực được chế độ Thuế Quê hương, CQĐP trên toàn quốc muốn nhận được thuế thì cần phải tạo ra được năng lực cạnh tranh, tạo ra sức hút để mọi người quan tâm cũng như nuôi dưỡng ra nhiều người thành đạt. Cách làm này sẽ tạo ra được sự cạnh tranh giữa các thành phố trong việc cung cấp thông tin minh bạch mang tính kết quả về việc sử dụng số tiền thuế đó (ví dụ: sau khi nhận được tiền thuế thì người sử dụng đã tạo ra được thành quả gì). Việc cùng nhau nỗ lực phấn đấu để phát triển này chính là cơ hội để người dân và CQĐP xem xét lại nguồn lực vốn có cho phù hợp để thu hút được người nộp thuế cho địa phương mình.

CQĐP ở Nhật Bản là một tổ chức được thành lập để người dân ở khu vực thực hiện hoạt động tự trị. Quyền tự trị được quy định tại Điều 92 Chương VIII của Hiến pháp Nhật Bản. Các vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động đang được quy định bởi pháp luật dựa trên nguyên tắc tự trị địa phương. Nguyên tắc của tự trị địa phương chính là sự kết hợp giữa tự trị của người dân và tự trị của tổ chức.

Đối với CQĐP, việc áp dụng thuế địa phương vào thuế cư trú hỗ trợ vấn đề cốt lõi của CQĐP chắc chắn được xem như một cơ hội để thúc đẩy khả năng tự chủ của bản thân. Hơn thế nữa, nhờ việc hiện thực hóa chế độ thuế quê hương mà đang kỳ vọng có thể tạo ra một mối quan hệ mới giữa CQĐP và người nộp thuế.

Quy trình nộp Thuế Quê hương

Thủ tục đóng thuế quê hương có sự khác nhau ở mỗi địa phương. Người đóng thuế cần tìm hiểu, kiểm tra chính xác các thủ tục cần làm trên các website của địa phương muốn tham gia đóng thuế này.

Quy trình đóng thuế quê hương được tóm tắt qua các bước chính sau:

Bước 1. Tính toán số tiền cần đóng tối đa (thực tế người tham gia chỉ phải bỏ ra 2.000 yên).

Người dân có thể dựa vào các công cụ tính toán có sẵn trên website của sở thuế để tự tính toán số tiền được khấu trừ từ khoản tiền mà mình định đóng góp.

Bước 2. Lựa chọn địa phương nơi muốn đóng góp tiền thuế và lựa chọn món quà mong muốn được nhận. Địa phương nhận được tiền sẽ gửi quà cảm ơn và giấy chứng nhận đã nộp Thuế Quê hương.

Bước 3. Sau khi nhận được giấy chứng nhận thì có thể dùng chế độ ONE STOP (Hệ thống đặc biệt một cửa cho phép bạn nhận các khoản khấu trừ đóng góp Thuế Quê hương mà không cần phải khai thuế cuối cùng sau khi nộp Thuế Quê hương. Tất cả những gì bạn phải làm là điền vào “Đơn xin đăng ký khai báo trường hợp đặc biệt liên quan đến khấu trừ tiền thuế quyên góp” và gửi cho CQĐP đã quyên góp) hoặc dùng giấy chứng nhận trên để làm thủ tục kê khai thuế cuối cùng để được hoàn thuế đã đóng.

Bước 4. Sở thuế sẽ gửi thông báo xác nhận rằng “Bạn đã tham gia Thuế Quê hương và làm thủ tục kê khai thuế” về nơi bạn cư trú, quận, thành phố sẽ giảm trừ thuế thị dân vào năm tiếp theo cho bạn.

Lợi ích khi sử dụng Thuế Quê hương

Khoản tiền quyên góp đã được tập hợp từ chế độ “Nộp thuế xây dựng địa phương” được sử dụng với vai trò là nguồn tài nguyên của các CQĐP. Khoản tiền này được sử dụng vì tương lai của CQĐP đó như hỗ trợ nuôi dạy trẻ em và phát triển giáo dục, phục hồi du lịch, tăng cường chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội…

– Đối với bên đóng góp (bên đóng thuế)

Người đóng thuế có thể quyên góp cho CQĐP mà mình yêu thích, không nhất thiết phải là quê hương của mình. Khi lựa chọn tham gia vào chương trình đóng thuế này, họ có thể góp phần hợp tác trong việc khôi phục và tái thiết khu vực bị thiên tai.

Người đóng có thể quyên góp với bất kỳ số tiền nào, bất cứ lúc nào, có thể quyên góp ngay lập tức nếu bạn thanh toán bằng thẻ tín dụng. Bản chất của chế độ thuế này là ngay cả những người không có nghĩa vụ nộp thuế cũng có thể tham gia được. Người lựa chọn đóng thuế có thể đóng góp mà không nhất thiết phải nhận khoản khấu trừ đóng góp thuế đã nộp trước đó. Sau khi nộp thuế có thể nhận được những sản phẩm đặc biệt từ CQĐP có những quyền lợi đặc biệt. Tuy nhiên, CQĐP có quyền hạn chế mục đích sử dụng loại hình thuế này của người nộp.

– Đối với CQĐP

Nguồn thu từ chương trình thuế này có thể sử dụng vào các mục đích an sinh xã hội, khắc phục, tái thiết khu vực bị ảnh hưởng do những tai nạn bất ngờ, thiên tai. CQĐP bảo đảm các nguồn thu ngân sách địa phương được nhận từ phạm vi rộng. Bên cạnh đó, địa phương có thể quảng bá đặc sản địa phương thông qua việc cung cấp các chương trình ưu đãi đặc biệt, hoặc thu hút du lịch thông qua các quảng cáo. Chế độ tặng quà cảm ơn của địa phương rất đa dạng, giá trị gói quà có thể từ 30 – 50% số tiền nộp thuế

Hạn chế của Thuế Quê hương

– Với bên đóng góp (bên đóng thuế)

Để nhận được khấu trừ tiền thuế thì người đóng phải mất thời gian khai báo thuế hoặc phải đăng ký cố định. Phương pháp tính toán phức tạp và khó nắm được số tiền quyên góp tối ưu liên quan đến việc giảm thuế. Người đóng cần phải nộp Thuế Quê hương trước khi áp dụng giảm thuế. Vì việc, quyên góp được thực hiện trước khi xác nhận chính xác thu nhập cố định, nên cần phải dự đoán hoặc tính toán số tiền quyên góp tối ưu.

Một điểm khó khăn cho người tham gia là không phải tất cả các CQĐP đều áp dụng hệ thống Thuế Quê hương, vì đây là loại hình tự nguyện tham gia, đóng thuế qua hình thức tương tự như mua hàng online. Do đó, dẫn tới thủ tục thanh toán thuế rắc rối tùy thuộc vào phương thức thanh toán như mua hàng trên website, chọn hình thức kê khai nộp thuế…

– Về phía CQĐP

Khi các địa phương tham gia chương trình thuế này cần có thời gian để giới thiệu hệ thống nộp Thuế Quê hương, chuẩn bị các sản phẩm hấp dẫn để thu hút người đóng thuế. Do cách thức quyên góp và đóng thuế qua các website nên cũng có những rủi ro cho địa phương khi mà người đóng thay đổi sự lựa chọn đóng góp thuế cho địa phương nào. Có nhiều nguyên nhân, một phần do sở thích, tâm lý, một phần do sự hấp dẫn của chế độ tặng quà cảm ơn.

Tuy nhiên, việc tặng quà này lại làm cho số tiền nhận được từ nguồn thu thuế này của các địa phương không còn nhiều. Do nhiều địa phương tìm mọi cách thu hút người đóng thuế về với mình, thậm chí tặng những món quà giá trị hoặc sản phẩm, dịch vụ cao cấp… vượt quá số tiền thuế quên góp được. Ngoài ra, nhiều người có thu nhập cao đã sử dụng loại thuế này như một cách để lách luật. Họ đóng góp 10% thu nhập cho địa phương nhưng nhận lại những món quà có giá trị và số tiền thuế thị dân phải đóng đã được khấu trừ hết. Việc gửi quà cảm ơn có nghĩa là nhiều người sẽ quyên góp vì một mục đích khác, làm mất đi ý nghĩa ban đầu của chương trình.

Có thể nói, Thuế Quê hương là một hình thức đóng thuế rất đặc biệt của Nhật Bản, là một nét văn hóa riêng biệt. Nhật Bản, nơi tỷ lệ sinh đang giảm và dân số già đi, dân số đang gia tăng ở khu vực trung tâm của thành phố, trong khi tình trạng giảm dân số ở các vùng nông thôn đang diễn ra. Để góp phần giảm đi khoảng cách và thu hút sự đầu tư quan tâm của người dân đối với những vùng quê, vùng xa xôi, vùng khó khăn, chương trình Thuế Quê hương đã được khởi xướng và nhận được nhiều sự đồng thuận. Tiền nộp thuế có thể được quyên góp cho bất kỳ CQĐP nào với nhiều người khi tham gia thuế là một cách tri ân với quê hương đã sinh ra hoặc nơi nuôi lớn mình. Dù với lý do gì thì Thuế Quê hương đã tạo được lợi ích cho địa phương, cho cộng đồng, đồng thời tăng thêm ý thức về việc đóng thuế của người dân.

Tài liệu tham khảo:
1. https://www.furusato-tax.jp/about
2. https://www.soumu.go.jp/main_sosiki/jichi_zeisei/czaisei/czaisei_seido/furusato/about/
3. https://www.soumu.go.jp/main_sosiki/kenkyu/furusato_tax/pdf/houkokusyo.pdf
Phạm Nguyên Nhung
Học viện Hành chính Quốc gia