Bảo đảm chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Quanlynhanuoc.vn) – Giải quyết những tác động của tôn giáo đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nước ta hiện nay là nhiệm vụ cần được quan tâm của cả hệ thống chính trị nhằm bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá Việt Nam.
Tín ngưỡng cầu mùa của dân tộc Sán Chay. Ảnh: Lê Xuân Trình

Tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới nêu rõ: Bên cạnh những thành tựu, công tác dân tộc còn không ít khuyết điểm, hạn chế. Ðến nay, chưa thực hiện được một số mục tiêu quan trọng Nghị quyết đã đề ra. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung chuyển biến chậm. So với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế – xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu – nghèo có xu hướng gia tăng. Hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục; còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo báo cáo tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) ở vùng DTTS giai đoạn 2018 – 2020, hiện có khoảng trên 2,8 triệu người DTTS theo các tôn giáo (chiếm khoảng 20% dân số là người DTTS), trong đó có khoảng 8,7% theo Phật giáo; 6,1% theo đạo Tin lành; 3,7% theo đạo Công giáo; 0,56% theo Hồi giáo. Nhìn chung, TNTG của đồng bào DTTS đa dạng, đan xen, phức tạp. Đến nay, đa số người DTTS vẫn theo tín ngưỡng truyền thống, thờ cúng tổ tiên, thờ đa thần với quan niệm “vạn vật hữu linh” và các hình thái tôn giáo sơ khai; tín ngưỡng truyền thống có vai trò rất quan trọng, là một yếu tố củng cố sự cố kết cộng đồng, duy trì đạo đức và trật tự xã hội.

Trong thời gian qua, chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương đã quan tâm chăm lo đời sống mọi mặt cho đồng bào DTTS, trong đó có việc thực hiện quyền tự do TNTG; quan tâm đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS theo các tôn giáo nên hoạt động TNTG trong vùng DTTS cơ bản ổn định, tuân thủ đúng theo các quy định của Luật TNTG. Đồng bào DTTS theo các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”; luôn giữ mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết, gắn bó với cộng đồng, tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế tình hình hiện nay nảy sinh một số vấn đề bất cập như:

– Các thế lực thù địch và phản động ở trong và ngoài nước vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; đòi “ly khai”, “tự trị” và thành lập “nhà nước”, “vương quốc” riêng của người DTTS; kích động biểu tình, bạo loạn. Tại các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, bọn phản động đã tuyên truyền, lôi kéo lập ra cái gọi là “Tin lành Đề ga”, “Tin lành riêng của người Mông”, “Phật giáo riêng của người Khơme”. Ý đồ của chúng là đòi “tôn giáo hóa vùng dân tộc thiểu số”. Chúng âm mưu sử dụng tôn giáo như một công cụ để tạo lập lực lượng đối lập, tiến tới hoạt động nhằm lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân.

Lực lượng chống đối ở nước ngoài đã tổ chức nhiều cuộc điều trần, hội thảo, họp báo, ra tuyên bố, ban hành nghị quyết xuyên tạc, bóp méo tình hình tôn giáo, nhân quyền ở các vùng DTTS ở nước ta. Các đoàn tổ chức và cá nhân nước ngoài vào Việt Nam âm mưu chọn đi thăm các vùng DTTS ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để nắm tình hình về tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Một số cơ quan, tổ chức như Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ, Nghị viện châu Âu, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI)… kêu gọi đòi “luật hóa vấn đề tôn giáo”.

– Sự xuất hiện và hoạt động của nhiều hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ”, “tà đạo” gây phức tạp, mất ổn định về an ninh, trật tự tại một số vùng đồng bào DTTS, làm xáo trộn đời sống của đồng bào, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Chẳng hạn, lâu nay tại Việt Nam đã xuất hiện không ít hoạt động tôn giáo trái pháp luật của một số tổ chức Tin lành nước ngoài chưa được cấp phép, điển hình là các tổ chức tà giáo mang danh nghĩa Tin lành truyền vào Việt Nam như Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ, Tân Thiên Địa… Hoạt động đa phần của các tổ chức này đều trái với văn hóa truyền thống Việt Nam, mê tín dị đoan, hoạt động lén lút, có dấu hiệu trục lợi, vi phạm pháp luật, bị dư luận lên án.

Tại khu vực miền núi phía Bắc có: Vàng Chứ trong một bộ phận người Mông ở Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La, sau đó lan rộng sang các tỉnh Lào Cai, Hà Giang; Dương Văn Mình ở 5 tỉnh (Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Cạn và Lào Cai) với nhiều người tham gia; ngoài ra, có “Con Đường Mới”, “Zê Sùa”, “Hội thánh Đức Chúa Trời” và một số hiện tượng tôn giáo mới liên quan đến thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở khu vực Tây Nguyên, từ năm 1986 đến nay cũng xuất hiện khá nhiều hiện tượng tôn giáo mới như: “Hà Mòn”, “Ngọc Phật Hồ Chí Minh”, “Việt Nam Thánh Mẫu”, “Tâm linh Hồ Chí Minh”, “Đạo Trời Thái Bình”, “Bửu Tòa Tam Giáo”, “Thanh Hải Vô Thượng Sư”, “Pháp Môn Di Lặc”,…

– Mặt khác, sự du nhập và phát triển của các tôn giáo trong vùng DTTS đã có những tác động không nhỏ đến đời sống xã hội tại các khu vực của đồng bào DTTS. Làm xuất hiện mâu thuẫn, xung đột và phá vỡ kết cấu xã hội, làm biến dạng văn hóa truyền thống, lễ hội và phong tục truyền thống tốt đẹp của các DTTS. Cộng đồng dân cư có sự phân hóa sâu sắc, xuất hiện mâu thuẫn giữa cộng đồng mới với cộng đồng cũ. Hiện tượng tranh giành tín đồ giữa các tôn giáo hay giữa các hệ phái trong cùng tôn giáo ngày càng trở nên phổ biến hoặc tín đồ Phật giáo cải sang theo Công giáo và Tin Lành nhiều hơn số tín đồ Công giáo và Tin Lành cải sang theo Phật giáo.

Thực tế là cùng với sự mở rộng truyền giáo của các tôn giáo lớn và sự xuất hiện của nhiều hiện tượng tôn giáo mới, đời sống tâm linh, TNTG của đồng bào các DTTS có nhiều biến động lớn làm thay đổi quan hệ dân tộc, tôn giáo ở khu vực này, hình thành các cộng đồng dân tộc – tôn giáo mới, nảy sinh mối quan hệ dân tộc – tôn giáo xuyên quốc gia và liên khu vực, làm biến đổi các mối quan hệ gia đình, dòng tộc. Những thay đổi này vừa có mặt tích cực nhưng cũng xuất hiện những nguy cơ tác động tiêu cực đến sự vững mạnh của khối đoàn kết toàn dân, sự ổn định an ninh trật tự xã hội và an ninh đối ngoại.

Để giải quyết tình hình nói trên, trong thời gian tới, cần huy động mọi nguồn lực của hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, địa phương tập trung triển khai một số mặt công tác cơ bản sau:

Một là, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS, Kết luận số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về về công tác tôn giáo trong tình hình mới;

Hai là, đổi mới nhận thức về công tác tôn giáo và công tác dân tộc. Hoàn thiện và thực hiện chính sách dân tộc phải gắn với chính sách TNTG. Do vấn đề dân tộc và vấn đề TNTG là hai lĩnh vực nhạy cảm luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, liên quan tới các yếu tố chính trị, an ninh – quốc phòng, kinh tế – xã hội, văn hóa của các tộc người cũng như của quốc gia nên trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo cần chú ý đến mối quan hệ cũng như sự tác động hữu cơ của hai vấn đề và các lĩnh vực này.

Ba là, tích cực làm tốt công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng,  chính sách, pháp luật của Nhà nước về TNTG vùng DTTS, không để kẻ xấu kích động. Xây dựng lực lượng cốt cán trong vùng tôn giáo DTTS để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những diễn biến tâm lý cộng đồng. Tăng cường công tác nhân quyền và đấu tranh nhân quyền, phản bác và đấu tranh hiệu quả đối với hoạt động và luận điệu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc chống phá Việt Nam.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ ở cơ sở, tránh tình trạng dân chủ hình thức; bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS làm công tác tôn giáo; có chế độ, chính sách phù hợp trong việc luân chuyển cán bộ miền xuôi lên công tác tại vùng DTTS.

Năm là, phát triển đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, trước tiên, cần tập trung phát triển kinh tế, ưu tiên thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, sinh hoạt TNTG của đồng bào cũng sẽ dần hạn chế được những hủ tục, lạc hậu. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao cũng tạo tiền đề cho đồng bào tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, tiến bộ, phù hợp, đồng thời góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nội vụ làm việc với Ủy ban Dân tộc về tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. https://moha.gov.vn, ngày 15/3/2021.
2. Những hiện tượng mới trong quan hệ dân tộc – tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc nước ta hiện nay. http://tuyengiao.vn, ngày 03/01/2019.
3. Quan điểm của Đảng ta về tôn giáo trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. http://btgcp.gov.vn.
TS. Lê Thị Thu Phượng
Học viện Hành chính Quốc gia