Đồng Nai tăng cường công tác quản lý về hoạt động giáo dục nghề nghiệp

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, song song với việc tập trung phát triển kinh tế xã hội, đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch và huy động mọi nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và theo xu thế hội nhập quốc tế. Điều đó, đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho công tác giáo dục nghề nghiệp để cung cấp đủ nguồn nhân lực có tay nghề cao cho thị trường sử dụng lao động.
Ảnh minh họa (internet).

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh và nằm trong vùng trọng điểm chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) của cả nước. Những năm gần đây, song song với việc tập trung phát triển KTXH, đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch và huy động mọi nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và theo xu thế hội nhập quốc tế. Điều đó, đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) để cung cấp đủ nguồn nhân lực có tay nghề cao cho thị trường sử dụng lao động.

Giai đoạn 2020 – 2025, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Nai ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Đây cũng là giai đoạn Đồng Nai cơ bản sẽ là tỉnh công nghiệp. Nền KTXH sẽ phát triển theo cơ cấu dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp.

Nhận thức rõ điều này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, cụ thể: Kế hoạch số 194-KH/TU ngày 29/7/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Kế hoạch số 217-KH-TU ngày 18/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 4698/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 – 2020… Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và các cơ quan có liên quan nhằm bảo đảm cho việc tổ chức triển khai thực hiện đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai luôn chú trọng đặc biệt đến hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN luôn được quan tâm. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề, việc quản lý và sử dụng kinh phí luôn đặt lên hàng đầu, bảo đảm không để xảy ra tiêu cực. Định kỳ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành có liên quan, như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… tổ chức kiểm tra các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đánh giá các hoạt động đào tạo nghề tại cơ sở, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tránh sai phạm trong quá trình hoạt động dạy và học nghề.

Tính đến thời điểm hết quý I/2020, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 37 ngàn doanh nghiệp (DN)1 với số lượng lao động là rất lớn. Điều đó, đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho công tác GDNN để cung cấp đủ nguồn nhân lực có tay nghề cao cho thị trường sử dụng lao động. Thực tế này, đang tạo áp lực rất lớn về nguồn lao động chất lượng cao của tỉnh; do đó, việc tập trung phát triển nguồn nhân lực được coi là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài, trong đó tập trung đào tạo nghề chất lượng cao chính là khâu đột phá để Đồng Nai sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công tác GDNN ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Trong đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 60 cơ sở, bao gồm: 12 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 23 trung tâm GDNN và 20 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Các trường cao đẳng đều được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm định chất lượng đào tạo nghề và công nhận đạt cấp độ 3. Tổng số giáo viên là 3.290 người, trong đó: 2.044 giáo viên cơ hữu, chiếm 62,2% và 1.246 giáo viên thỉnh giảng, chiếm 37,8%2.

Việc đầu tư kinh phí của trung ương, của tỉnh cho GDNN trong những năm qua đã góp phần phát triển mạnh mẽ công tác đào tạo nghề nghiệp tại tỉnh. Từ năm 2015 – 2020, kinh phí đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và trang thiết bị dạy nghề là 196,5 tỷ đồng (trong đó kinh phí trung ương là 17 tỷ đồng, kinh phí địa phương là 179,5 tỷ đồng)3.

Thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020 và Chương trình tổng thể đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020 gắn với các mục tiêu, Kế hoạch số 217-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ sở GDNN đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy nghề, đào tạo theo nhu cầu của DN, học nghề gắn với giải quyết việc làm để thu hút nhiều học viên tham gia học nghề; đẩy mạnh việc liên kết với các DN trong vấn đề thực tập, đào tạo và tiếp nhận học sinh sau học nghề. Tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế để đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Kết quả cụ thể4:

– Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn: đã tổ chức chiêu sinh và dạy nghề cho 21.729 lao động nông thôn, đạt 103,86% kế hoạch, trong đó có 6.766 người học nghề phi nông nghiệp, chiếm 31,14% và 14.963 người học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 68,86%. Thực hiện Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 – 2020, phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 tổ chức đào tạo chất lượng cao cho 226 học viên. Tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

– Từ năm 2015 cho đến nay, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 361.939 người, trong đó: cao đẳng có 25.769 người, trung cấp có 47.674 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 325.686 người, đạt 106,96% so với Nghị quyết đề ra và cao hơn 2,14% so với kết quả đạt được của Nghị quyết giai đoạn 2010 – 2015 là  104,82%.

– Tỷ lệ tuyển sinh đào tạo trình độ từ trung cấp trở lên tăng 10,61%, bình quân mỗi năm tăng 2,12% (từ 13,89% năm 2015 lên 24,5%  vào năm 2020).

– Việc giải quyết việc làm sau đào tạo được các trường nghề quan tâm, chú trọng, chủ động kết nối với DN trong quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho học viên đến thực tập tại DN và ký kết tuyển dụng học viên vào làm việc tại DN sau học nghề, tỷ lệ lao động tìm được việc làm sau học nghề đạt trên 85% số học viên tốt nghiệp, trong đó một số nghề kỹ thuật, như: cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, tự động hóa, điện – điện tử… học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt từ 95% trở lên. Qua đó, nâng  tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 48,19% cuối năm 2014 lên 62,03% năm 2019 (bình quân mỗi năm tăng 2,76%), đạt 65% vào năm 2020, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Có được kết quả như trên là nhờ sự quyết tâm thực hiện của các cấp, các ngành trong việc phối hợp triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của cấp trên về công tác GDNN, huy động mọi nguồn lực cho phát triển dạy nghề, trong đó phải kể đến nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó, Đồng Nai khuyến khích các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh có những bước đi phù hợp với xu thế phát triển của thị trường lao động, đào tạo phải đáp ứng nhu cầu của DN. Một số cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chủ động trong thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ về tài chính. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được xác định là khâu quan trọng trong việc góp phần làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng thông qua nhiều kênh, như: ti vi, radio, phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức các buổi tư vấn tuyển sinh tại các trường… nhằm thu hút mọi tầng lớp trong xã hội thấu hiểu và quan tâm nhiều hơn đến công tác GDNN phục vụ thị trường lao động. Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện việc thông tin, truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp về GDNN gắn với việc làm bằng nhiều hình thức, như: tổ chức các ngày hội tư vấn, tuyển sinh trực tiếp tại các cơ sở GDNN;  phổ biến các chế độ, chính sách của trung ương và địa phương về hỗ trợ, khuyến khích học nghề…

Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, Đồng Nai mong muốn sớm trở thành tỉnh có thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho thị trường lao động và theo xu thế hội nhập quốc tế, theo đó, tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần xác định việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên GDNN là khâu then chốt quyết định đến chất lượng đào tạo nghề nghiệp nhất là đào tạo nghề chất lượng cao; do vậy, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo và bồi dưỡng (trong và ngoài nước) theo hướng chuẩn, đủ số lượng, cơ cấu hợp lý theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo nghề; từng bước ứng dụng những thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại, phương pháp giảng dạy mới đạt trình độ khu vực và quốc tế nhằm bảo đảm công tác GDNN phục vụ cho nhu cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập; phấn đấu 100% giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế đạt chuẩn kỹ năng nghề và năng lực sư phạm của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và các nước phát triển trên thế giới. Tổ chức để cán bộ quản lý và giáo viên GDNN tham gia các phong trào, hội thi, hội giảng cấp tỉnh, cấp quốc gia do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng cục GDNN tổ chức.

Thứ hai, đầu tư nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh cho GDNN một cách thích đáng nhằm phát triển mạnh mẽ công tác đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, đầu tư  phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề cả về chất lượng và số lượng, nhất là về chất lượng (về kỹ năng nghề, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, tin học…); đầu tư trang thiết bị dạy nghề hiện đại, đa chủng loại đáp ứng nhu cầu đào tạo cho thị trường lao động theo xu thế hội nhập quốc tế… Bên cạnh đó, thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025; Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống người dân thuộc Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thứ ba, hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực GDNN chất lượng cao; chủ động trong việc tìm kiếm các đối tác, tổ chức GDNN nước ngoài (các nước có nền GDNN phát triển, như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…) để hợp tác, liên kết về đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giải quyết việc làm cho người học. Phát triển một số cơ sở GDNN đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới; cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình dạy nghề theo hướng tiếp cận kỹ năng nghề tiên tiến của các nước phát triển; tiến tới công nhận văn bằng, chứng chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới. Phát triển mô hình đào tạo nghề xanh; phấn đấu đến năm 2030, Đồng Nai có ít nhất hai trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao chuẩn khu vực, quốc tế. Ngoài ra, cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo với các cơ sở GDNN theo mức quy định của tỉnh đối với các ngành nghề mũi nhọn, phục vụ cho phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách ưu tiên dành cho học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng chính sách; đồng bào dân tộc thiểu số, các em có hoàn cảnh khó khăn, như: miễn giảm, học phí, hỗ trợ chi phí học tập, chính sách nội trú…, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các em tham gia học nghề góp phần đáng kể vào lực lượng lao động, nhất là lao động chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

Chú thích:
1. Đồng Nai đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp. http://www.baodongnai.com.vn, ngày 16/3/2020.
2, 3, 4. Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng bộ Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 – 2020; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 19/3/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 194-KH/TU ngày 29/7/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
2. Kế hoạch số 217-KH/TW ngày 18/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI).
3. Quyết định số 4698/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 – 2020.
ThS. Lương Thị Ngọc Thúy
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai
TS. Nguyễn Võ Uy Phong
Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai