Nhu cầu bồi dưỡng kiến thức về quan hệ lao động cho cán bộ công đoàn Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh hiện nay, trước thực trạng quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động  và người lao động  trong các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là chủ tịch công đoàn cơ sở là một việc làm hết sức cần thiết. Để đạt được mục tiêu này, cần phải đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quan hệ lao động cho đội ngũ cán bộ công đoàn.
Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn Đại học Quốc gia TP. HCM. (Ảnh: congdoan.vnuhcm.edu.vn)

Trong bối cảnh hiện nay, trước thực trạng quan hệ lao động (QHLĐ) giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) trong các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi, chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, nhất là về bảo hiểm, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Tranh chấp lao động tập thể, đình công, khiếu kiện không theo thủ tục pháp lý còn phát sinh và diễn biễn phức tạp. Đối thoại, thương lượng giữa đại diện NLĐ và NSDLĐ còn hình thức, chưa thực chất. Thực trạng này không chỉ diễn ra trong các doanh nghiệp mà còn diễn ra một cách phổ biến tại các cơ sở giáo dục đại học. Chẳng hạn như tại Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP. Hồ Chí Minh còn tình trạng một bộ không nhỏ cán bộ công đoàn (CBCĐ) thiếu kiến thức về QHLĐ, hạn chế đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và NLĐ.

Chính vì vậy, việc quan tâm xây dựng đội ngũ CBCĐ thuộc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là chủ tịch công đoàn cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là một việc làm hết sức cần thiết. Để đạt được mục tiêu này, cần phải đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) kiến thức về QHLĐ cho đội ngũ CBCĐ.

Qua khảo sát, phân tích phiếu câu hỏi kết hợp phỏng vấn chuyên gia để đánh giá nhu cầu ĐTBD kiến thức về QHLĐ của 200 CBCĐ thuộc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (trong đó, phiếu dành cho nam giới là 96 người; nữ giới là 104 người), cụ thể1:

Về độ tuổi được chia như sau: từ 18 – 29 tuổi, có 9 người tham gia (chiếm 4,5%); từ 30 – 39 tuổi, có 91 người (chiếm 45,5%); từ 40 – 49 tuổi với 85 người tham gia khảo sát (chiếm 42,5%) và 15 người trên 50 tuổi (chiếm 7,5%).

Về trình độ học vấn, tỷ lệ cao nhất thuộc về thạc sỹ với 118 người (chiếm 59%); 49 người đại học (chiếm 24,5%) và có 32 tiến sỹ tham gia khảo sát (chiếm 16%) và 1 giáo sư (chiếm 0,5%).

Hoạt động điều tra xã hội học, kết hợp phỏng vấn chuyên gia để xác định nhu cầu của việc ĐTBD về QHLĐ. Việc khảo sát này nhằm xác định nhu cầu của việc ĐTBD về QHLĐ đối với CBCĐ của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, từ đó, đề xuất cho cấp có thẩm quyền trong việc tổ chức, thực hiện các khóa bồi dưỡng kiến thức về QHLĐ cho CBCĐ tại ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đạt hiệu quả hơn.

Kết quả nghiên cứu được gắn với các nội dung như sau:

(1) Về các chủ đề liên quan QHLĐ đã học:

100% các đối tượng tham gia khảo sát đã được tham gia ít nhất một khóa đào tạo liên quan đến các chủ đề, như: các quy định liên quan đến thỏa ước lao động tập thể giữa đại diện NLĐ và NSDLĐ; các quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ cơ sở nơi làm việc; quy định về lương và chế độ, phúc lợi của lao động; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; quy định về an toàn vệ sinh lao động; phúc lợi và an sinh xã hội; các quy định, quy trình liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động…

Từ các khóa học cho thấy, chủ đề các quy định liên quan đến thỏa ước lao động tập thể giữa đại diện NLĐ và NSDLĐ, quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ cơ sở nơi làm việc được quan tâm và tập trung nhiều nhất; chủ đề  quy định về phúc lợi và bảo đảm an sinh xã hội, các quy định, quy trình liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động lại ít được tổ chức tập huấn.

(2) Mức độ hiểu về các chủ đề bồi dưỡng của CBCĐ:

Trong số các chủ đề liên quan QHLĐ đã được học, hai chủ đề mà CBCĐ chưa hiểu rõ, nhất là chủ đề về “Các quy định, quy trình liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động” – có 46% người được khảo sát trả lời là ít hiểu biết hoặc không hiểu biết; chủ đề “Các quy định liên quan tới đình công và xử lý đình công”- có tới 61% người được khảo sát trả lời là “không hiểu biết hoặc ít hiểu biết”2. Khi thực hiện phỏng vấn sâu với một số CBCĐ trong số 200 CBCĐ về nguyên nhân tại sao có sự hiểu biết không tốt về hai chủ đề này, kết quả trả lời tập trung vào các vấn đề sau:

Một là, tính chất phức tạp về lý thuyết của hai chủ đề này hơn các chủ đề khác.

Hai là, khi được tập huấn, các CBCĐ chủ yếu cũng chỉ nghe thuyết giảng.

Ba là, tại đơn vị, CBCĐ chưa va chạm với các thực tiễn xảy ra nên không có điều kiện để đào sâu lý thuyết được học.

(3) Mức độ vận dụng các chủ đề bồi dưỡng vào công việc hiện tại của CBCĐ:

Các chủ đề tuy được ĐTBD kiến thức nhưng ít được vận dụng vào công việc hiện tại của CBCĐ (sắp theo thứ tự thấp đến cao mức độ vận dụng) như sau:

Thứ nhất, các quy định liên quan đến hợp đồng lao động giữa cá nhân với đơn vị sử dụng lao động.

Thứ hai, các quy định liên quan đến thỏa ước lao động tập thể giữa đại diện NLĐ và NSDLĐ.

Thứ ba, các quy định, quy trình liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động.

Thứ tư, các quy định liên quan tới đình công và xử lý đình công.

Thứ năm, các quy định về lương và chế độ, phúc lợi của lao động.

Các chủ đề được trên 80% CBCĐ đề nghị tập huấn, ĐTBD kiến thức lại thời gian tới:

+ Các quy định về phúc lợi và bảo đảm an sinh xã hội;

+ Các quy định về lương và chế độ, phúc lợi của lao động; các quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ cơ sở nơi làm việc; về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

+ Các quy định về an toàn vệ sinh lao động; các quy định liên quan đến hợp đồng lao động giữa cá nhân với đơn vị sử dụng lao động.

(4) Chủ đề về phương pháp và hình thức đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ:

Qua phỏng vấn sâu với các CBCĐ và với các chuyên gia, kết quả cho thấy, CBCĐ thuộc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đa phần chọn cách đào tạo ít giờ lên lớp dành cho lý thuyết, tăng cường thảo luận nhóm, bài tập nhóm, tham quan thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, việc học trong lớp cần tránh diễn thuyết nhiều, tăng cường tính chủ động của học viên trong lớp, chia nhóm thảo luận.

Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu, khối CBCĐ ĐHQG TP. Hồ Chí Minh vẫn quan tâm nhiều các chủ đề về phúc lợi, an sinh xã hội, thỏa ước lao động tập thể, quy chế dân chủ cơ sở… Ngược lại, ít có sự quan tâm về tranh chấp lao động, đình công.

Tuy nhiên, thông qua phỏng vấn sâu, với các chuyên gia, chúng tôi đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, về mục tiêu chung, cần tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức, trách nhiệm thực thi pháp luật, năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của đội ngũ CBCĐ thuộc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, trong đó chú trọng tạo sự đồng thuận giữa các CBCĐ với các công đoàn viên về những chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục đại học, đặc biệt là trong xây dựng môi trường văn hóa tích cực và hội nhập quốc tế.

Hai là, đối với chương trình ĐTBD kiến thức về QHLĐ cho CBCĐ thuộc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, nội dung ĐTBD ngoài các chủ đề do các CBCĐ tham gia nghiên cứu đề xuất vẫn nên có các chủ đề về tranh chấp, giải quyết đình công.

Việc ĐTBD CBCĐ nên theo hướng lồng ghép nhiều các tình huống thực tế và tổ chức các đợt tham quan. Đồng thời, tiếp tục tăng cường việc dạy theo nhóm thảo luận, CBCĐ chủ động tìm tòi, nghiên cứu.

Ngoài ra, trừ tình huống giảng dạy trong các lớp chính quy, các lớp ngắn hạn nên rút ngắn thời gian lên lớp, tăng cường học trực tuyến, thảo luận trực tuyến.

Nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát này với mục tiêu tìm ra các chủ đề, nhu cầu được ĐTBD kiến thức QHLĐ cũng như các phương pháp đào tạo về các chủ đề liên quan QHLĐ cho CBCĐ trong hệ thống ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu đưa ra những đề xuất cho cấp có thẩm quyền trong việc tổ chức, thực hiện các khóa bồi dưỡng kiến thức về QHLĐ cho CBCĐ. Đây cũng là thông tin bổ ích để các đơn vị, tổ chức công đoàn có thêm suy nghĩ và định hướng trong việc ĐTBD về QHLĐ cho CBCĐ.

Chú thích:
1, 2, 3. Nguồn số liệu khảo sát của nhóm tác giả đối với 200 cán bộ công đoàn Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh năm 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Lao động năm 2019.
2. Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
3. Đề án số 668/ĐA-TLĐ ngày 07/7/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Đề án công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, giai đoạn 2020 – 2023 và định hướng đến năm 2030.
4. Hiến pháp năm 2013.
5. Luật Công đoàn năm 2012.
6. Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam.
7. Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT-TW ngày 03/9/2020 của Ban Bí thư.
ThS. Đặng Văn Em – ThS. Đào Văn Hân
Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh