Những điểm mới của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021, thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã cụ thể chi tiết hơn một số điều khoản và có một số điểm mới nổi bật so với Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
Ảnh minh họa (interntet).

Thứ nhất, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP chỉ quy định nội dung tự chủ về tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, không quy định nội dung tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự như trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Như vậy, nội dung chính của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP tập trung quy định về tự chủ tài chính, bao gồm các nội dung như: danh mục và giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; phân loại chi tiết hơn mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công (ĐVSNC); cách thức xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên; quy định các nguồn tài chính của đơn vị; quy định chi thường xuyên giao tự chủ và chi thường xuyên không giao tự chủ; phân phối kết quả tài chính năm; tự chủ về giao dịch tài chính và liên doanh, liên kết; tự chủ về tài chính của ĐVSNC trong lĩnh vực y tế – dân số và cơ sở giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; lập, chấp hành dự toán và quyết toán thu – chi.

Thứ hai, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật về ngân sách nhà nước, gồm: các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; khám, chữa các bệnh phong, lao, tâm thần; nghiên cứu khoa học cơ bản; văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống, đào tạo huấn luyện vận động viên, huấn luyện viên thể thao quốc gia; chăm sóc người có công và bảo trợ xã hội và các dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo các lĩnh vực quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Thứ ba, giá dịch vụ công được quy định  tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, theo đó lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước: đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá). Trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính; Riêng đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục – đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập, trường hợp không thực hiện được lộ trình trên, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính. Còn đối với dịch vụ sự nghiệp công đang được Nhà nước đặt hàng theo giá tính đủ chi phí thì tiếp tục thực hiện theo giá tính đủ chi phí.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá hoặc mức bình quân chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện của 3 năm trước liền kề.

ĐVSNC quyết định mức giá cụ thể cho từng loại dịch vụ bảo đảm  trong phạm vi khung giá, mức giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể giá dịch vụ sự nghiệp công, ĐVSNC thực hiện thu theo mức giá quy định.

Riêng đối với phí dịch vụ sự nghiệp công mà dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục thu phí thực hiện theo quy định pháp luật về phí và lệ phí thì ĐVSNC thu phí theo mức thu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Thứ tư, cách phân loại các đơn vị tự chủ tài chính đã được chi tiết, cụ thể hơn, đồng thời tiêu chí để xác định mức tự chủ về đầu tư cũng rõ ràng hơn. Các đơn vị tự chủ tài chính được phân thành 4 nhóm, gồm: Nhóm 1 là các đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Nhóm 2 là các đơn vị tự chủ chi thường xuyên. Nhóm 3 là các đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên, được phân thành 3 loại: đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên. Nhóm 4 là các đơn vị do Nhà nước bảo đảm kinh phí.

Thứ năm, cách tính mức độ tự chủ cũng đã đổi mới, đặc biệt ở chỉ tiêu xác định số thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân chỉ xác định chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước), công thức xác định như sau:

Mức tự bảo đảm A
chi thường xuyên (%) = x 100%
B

Trong đó:

A là các khoản thu bao gồm:

– Đối với đơn vị thuộc nhóm 1; nhóm 2 và nhóm 3 gồm: nguồn ngân sách nhà nước; nguồn thu hoạt động sự nghiệp; nguồn thu phí được để lại ĐVSNC để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

– Đối với đơn vị thuộc nhóm 4 gồm:

Nguồn thu hoạt động sự nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ĐVSNC (nếu có).

B là các khoản chi bao gồm:

(1) Chi tiền lương và các khoản đóng góp theo tiền lương.

a) Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 27-NQ/TW), đơn vị chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với ĐVSNC; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có). Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị nhóm 1, nhóm 2 tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung.

b) Kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành, thực hiện như sau:

– Đối với đơn vị nhóm 1: Căn cứ tình hình tài chính, ĐVSNC được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng I); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

– Đối với đơn vị nhóm 2: Căn cứ tình hình tài chính, ĐVSNC được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng II); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

– Đối với đơn vị nhóm 3 và nhóm 4: ĐVSNC áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước đối với ĐVSNC; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).

(2) Chi thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

(3) Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý.

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính, đơn vị được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý. Cụ thể đối với đơn vị nhóm 1; nhóm 2 và nhóm 3 loại đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên thì đơn vị được quyết định mức chi theo giá thị trường hoặc mức chi theo quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và chịu trách nhiệm về bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ theo quy định Nhà nước; đối với các đơn vị thuộc nhóm 3 loại còn lại và nhóm 4 mức chi tối đa không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và khả năng tài chính của đơn vị.

(4) Chi thực hiện công việc, dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; chi thực hiện các hoạt động dịch vụ.

(5) Trích lập các khoản dự phòng theo quy định đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định thành lập các quỹ đặc thù để xử lý rủi ro (nếu có). Riêng đối với các đơn vị thuộc nhóm 4 thì không có khoản chi này.

(6) Chi trả lãi tiền vay theo quy định của pháp luật (nếu có). Riêng đối với các đơn vị thuộc nhóm 4 thì không có khoản chi này.

(7) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Thứ sáu, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP  quy định cụ thể tự chủ về giao dịch tài chính và liên doanh, liên kết, trong đó điểm mới nổi trội là các quỹ được trích lập theo quy định tại Nghị định này (gồm quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; quỹ khen thưởng phúc lợi; quỹ bổ sung thu nhập) được gửi tiền tại ngân hàng thương mại để quản lý.

Đối với việc huy động vốn và vay vốn tín dụng, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ: Đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 (loại đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên từ 70% trở lên) có hoạt động dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, được huy động vốn của viên chức, người lao động trong đơn vị để đầu tư mở rộng, cải tạo, sửa chữa làm cơ sở vật chất hiện có; mua bổ sung trang thiết bị để nâng cao chất lượng và tăng quy mô hoạt động sự nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tự chịu trách nhiệm trả nợ vay theo quy định của pháp luật. Riêng đơn vị nhóm 1, đơn vị nhóm 2 trong lĩnh vực y tế – dân số được vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật về đầu tư công; vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật (nếu có).

Đối với tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết các đơn vị được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

Thứ bảy, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cụ thể tự chủ tài chính của ĐVSNC trong lĩnh vực y tế, dân số; giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Đối với ĐVSNC trong lĩnh vực y tế, dân số, Nghị định quy định rõ về tự chủ sử dụng nguồn tài chính, về phân bổ và giao dự toán đối với đơn vị nhóm 3; về phân loại mức độ tự chủ tài chính của Trung tâm y tế đa chức năng. Đối với ĐVSNC trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, Nghị định quy định rõ điều kiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học; về tự chủ tài chính nói chung và tự chủ tài chính của đại học vùng.

Thứ tám, lộ trình giao quyền tự chủ tài chính cho ĐVSNC, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định ĐVSNC xây dựng phương án tự chủ tài chính trong giai đoạn ổn định 5 năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội do Chính phủ quy định; dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên. Nội dung của phương án tự chủ tài chính cần xác định rõ mức độ tự chủ tài chính theo 4 nhóm đơn vị quy định tại Nghị định này.

Sau mỗi thời kỳ ổn định (5 năm), các bộ, cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) có trách nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3 (trừ ĐVSNC cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, không có nguồn thu sự nghiệp) theo lộ trình như sau:

a) Chuyển ít nhất 30% số lượng ĐVSNC tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sang đơn vị nhóm 2; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước;

b) Chuyển ít nhất 30% số lượng ĐVSNC tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên sang ĐVSNC tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước;

c) Chuyển ít nhất 30% số lượng ĐVSNC tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên sang ĐVSNC tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; hằng năm, thực hiện giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Để Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thực sự đi vào thực tiễn, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan quản lý trực tiếp các ĐVSNC cần khẩn trương đánh giá, phân loại, xây dựng phương án chuyển đổi các ĐVSNC lập sang thực hiện cơ chế tự chủ hướng dẫn sao cho phù hợp với thực tế hoạt động của từng đơn vị sự nghiệp, coi như việc triển khai Nghị định 60/2021/NĐ-CP là một cơ hội để đột phá, đổi mới tái cơ cấu, sắp xếp lại các ĐVSNC lập theo hướng năng động và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
ThS. Đinh Thị Hiếu
Học viện Hành chính Quốc gia