Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Theo số liệu khảo sát nhanh của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện trong tháng 8 vừa qua với tổng số 21.517 doanh nghiệp, 69% (tương đương với 14.890 doanh nghiệp) tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh Covid-19. Số doanh nghiệp còn đang hoạt động sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, đề nghị được Chính phủ hỗ trợ, trong đó có vấn đề ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động, tận dụng các lợi thế từ công nghệ để giảm các thủ tục hành chính trong quản lý doanh nghiệp…
Gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Ảnh: dangcongsan.vn.
Kiến nghị của nhóm doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19

Liên quan đến các chính sách, gói hỗ trợ trực tiếp, các doanh nghiệp (DN) vẫn tập trung phần lớn kiến nghị vào các vấn đề thuế, phí, lệ phí và lãi vay ngân hàng. Đề xuất các chính sách liên quan được thiết kế theo hướng nhà nước hỗ trợ, phối hợp với DN trả lương cho người lao động phải tạm nghỉ do dịch; đôn đốc, kiểm soát tốc độ giải ngân để gói hỗ trợ đến được với người dân và DN nhanh nhất có thể; có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Các ngân hàng thương mại cho phép khoanh nợ, lùi thời hạn trả nợ của tất cả các khoản nợ phát sinh từ cuối năm 2021 (thời điểm bùng phát dịch bệnh lần thứ 4) ít nhất 6-12 tháng để DN có thời gian phục hồi SXKD và dòng tiền; giảm lãi suất cho vay (2%) đối với dư nợ vay hiện tại của DN trong thời gian giãn cách; miễn thuế thu nhập DN trong giai đoạn DN mới quay trở lại hoạt động; giảm các chi phí điện, nước, nhiên liệu phục vụ hoạt động SXKD, phí thuê kho bãi trong ít nhất 6 tháng; bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, tránh để xảy ra tình trạng đầu cơ, gom hàng sau dịch; đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ DN được vay với lãi suất thấp để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng hoạt động và phục hồi SXKD; khoản đóng BHXH trong thời gian vay để trả lương cũng cần được tạm hoãn; cần tinh gọn thủ tục, đơn giản hóa các điều kiện để DN có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ, đồng thời giám sát để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng; miễn hoặc giảm 75% tiền thuê đất cho các DN tạm ngừng hoạt động; giảm (50%) thuế giá trị gia tăng; xây dựng các gói vay phù hợp với từng loại hình, quy mô DN; có thể hỗ trợ giảm gánh nặng tài chính với mức thuê mặt bằng tối thiểu đối với các DN vừa và nhỏ; giảm 50% phí bảo trì đường bộ cho DN vận tải trong 18 tháng; miễn giảm thuế xuất nhập khẩu trong 6 tháng để bù đắp chi phí duy trì sản xuất, qua đó tăng sức cạnh tranh của DN.

Để duy trì và bảo đảm an toàn cho hoạt động SXKD, các DN đề xuất: cần tập trung các giải pháp để bảo đảm chuỗi cung ứng vận hành thông suốt, hỗ trợ DN thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, tránh để bị phạt do chậm cung ứng hoặc bị hủy đơn hàng, mất khách hàng, mất thị trường và theo đó khó có thể phục hồi sau dịch. Nghiên cứu xây dựng thêm các mô hình SXKD an toàn (như mô hình vùng xanh kinh tế) để DN tùy đặc điểm tình hình có thể chủ động, linh hoạt lựa chọn và áp dụng trong bối cảnh việc duy trì mô hình 3 tại chỗ kéo dài hiện quá tốn kém và không giữ chân được người lao động do các vấn đề về tâm lý, đời sống. Trường hợp xuất hiện ca F0 trong DN, y tế địa phương cần có quy trình xử lý rõ ràng để nhanh chóng hướng dẫn DN, hỗ trợ bóc tách, tránh để lây lan thành ổ dịch lớn và cũng cần làm rõ các trường hợp DN được phép duy trì một phần hoặc toàn phần hoạt động sau khi đã bóc tách F0, hoặc làm rõ điều kiện cụ thể và thời gian để có thể mở cửa trở lại.

Về công tác phòng chống dịch, các DN đóng góp ý kiến: cần có sự phân loại theo quy mô DN để áp dụng các biện pháp giãn cách phù hợp; có cơ chế cho phép DN có thể chủ động xét nghiệm cho người lao động theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bảo đảm nguồn cung dụng cụ xét nghiệm với giá sản xuất hoặc trợ giá. Cần thường xuyên đánh giá các mặt tích cực và tiêu cực của các giải pháp phòng chống dịch hiện nay để kịp thời điều chỉnh và thay đổi, đồng thời tính toán, chuẩn bị các phương án “sống chung với dịch”, cải thiện hệ thống giám sát y tế, năng lực y tế, trên cơ sở đánh giá tình hình dịch để linh hoạt các giải pháp; nên áp dụng công nghệ dựa trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để bảo đảm các chính sách hỗ trợ người dân được chính xác và hiệu quả.

Có thể sử dụng mã QR để kiểm soát việc hỗ trợ người dân cũng như kiểm soát quá trình tiêm chủng hiện nay. Chú ý đến các đối tượng người nghèo, yếu thế, người lớn tuổi do không có điều kiện tiếp cận công nghệ để khai báo thông tin; có cơ chế huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia vào quá trình tiêm chủng để đẩy nhanh tốc độ phủ vắc xin; khoanh hẹp vùng đỏ, mở rộng dần vùng xanh để DN có thể hoạt động trở lại.

Liên quan đến quá trình tiêm chủng vắc xin, các DN mong muốn: đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, phấn đấu đạt tỷ lệ phủ vắc xin trên 70% để phục hồi kinh tế, sản xuất xuất khẩu; cân đối, phân phối, sử dụng nguồn vắc xin đang còn ít một cách hợp lý, giảm tỷ lệ phân phối cho các tỉnh ít chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 hơn, đặc biệt là các vùng nông thôn có mật độ dân số thấp.

Về vấn đề di chuyển và lưu thông hàng hóa, các DN đề xuất: cấp, sử dụng thống nhất mã QR trong quản lý đi lại, vận chuyển trên toàn quốc thay vì mỗi tỉnh, thành lại phát sinh các loại hình giấy phép khác nhau như hiện nay và không có giá trị sử dụng khi di chuyển liên tỉnh; hỗ trợ tối đa cho hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hóa để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và xuất nhập khẩu; thống nhất từ trung ương đến từng địa phương về phương án bảo đảm lưu thông hàng hóa. Các địa phương cần liên kết, phối hợp, hỗ trợ nhau tránh việc “ngăn sông cấm chợ cục bộ”.

Ngoài các vấn đề trên, các DN đang tạm ngừng hoạt động còn có một số đề xuất, kiến nghị khác như sau: DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính như gia hạn thị thực cho chuyên gia, người lao động nước ngoài, cần Chính phủ và Bộ ngành chức năng hỗ trợ rà soát, điều chỉnh trong bối cảnh dịch.

Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhanh nhất từ phía các cơ quan nhà nước trong bối cảnh dịch, trước mắt với các quy trình thủ tục, giấy tờ liên quan tới người dân, DN để hạn chế tình trạng “yêu cầu giãn cách” nhưng lại cũng yêu cầu người dân, DN phải đến trực tiếp trụ sở các cơ quan hành chính để làm các thủ tục trong mùa dịch.

Triển khai thống nhất 01 nền tảng hoặc ứng dụng trong việc kiểm soát lưu thông và khai báo y tế; sớm đưa ra các giải pháp kích cầu khi dịch bệnh được kiểm soát; các ứng dụng, website, công cụ phục vụ công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh nên thống nhất một nguồn chính thức, thông tin được đưa ra nhanh nhất và chuẩn xác nhất, tránh tình trạng tin giả, tin tiêu cực gây hoang mang; tại các khu vực chợ dã chiến, xe bán hàng lưu động đáp ứng tiêu chí 5K để tiếp tế, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân; hạn chế tối đa các đoàn thanh kiểm tra DN; kiểm soát chặt chẽ các yếu tố làm tăng chi phí logistics; có chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu; kiểm soát tốt hàng hóa nhập lậu, bảo đảm tính cạnh tranh công bằng; đẩy mạnh đầu tư công, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Kiến nghị của nhóm doanh nghiệp đang duy trì sản xuất

Về các chính sách tiền tệ, DN mong muốn được vay vốn từ ngân hàng với lãi suất thấp để duy trì hoạt động SXKD và cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn nộp lãi và nợ gốc. Kiến nghị cụ thể như sau: Ngân hàng Nhà nước điều phối ngân hàng thương mại giảm lãi vay mới cho DN từ 3-5%, gia hạn thời gian trả nợ gốc; có biện pháp thiết thực, quyết liệt và nhanh chóng để DN được vay vốn ưu đãi; nâng mức cho vay từ 70% lên 85% giá trị tài sản thế chấp; đề xuất ngân hàng giảm lãi suất trên dư nợ hiện tại, tái cấp vốn cho vay để duy trì hoạt động, đặc biệt là khu vực sản xuất; cung cấp thêm các giải pháp để DN huy động vốn từ cộng đồng nhằm phục vụ SXKD; hỗ trợ cho vay vốn lãi suất 0% đối với những DN sản xuất vẫn phát sinh doanh thu không thuộc các DN nằm trong nhóm nợ xấu; ưu tiên sử dụng vốn vay vào việc đầu tư thiết bị máy móc và mua nguyên vật liệu,…

Liên quan đến công tác phòng chống dịch, các DN có ý kiến đóng góp về việc ứng dụng công nghệ cũng như cách tiếp cận sống chung với dịch trong bối cảnh “bình thường mới”, cụ thể: đề nghị Bộ Y tế ủng hộ chủ trương hình thành các cơ sở y tế/trạm y tế tại các DN, cụm DN và hướng dẫn các cơ sở y tế trong DN danh mục vật tư y tế, thuốc điều trị cần thiết cho bối cảnh phòng, chống dịch, tập huấn và nhân rộng phác đồ điều trị F0 tại nhà thành điều trị F0 tại cơ sở y tế của DN/cụm DN gắn kết với phác đồ của các cơ sở y tế cấp cao hơn; tích hợp phần mềm khai báo y tế, di biến động dân cư… để tạo thuận lợi cho người dùng, tránh gây ùn ứ nghiêm trọng các điểm khai báo; tận dụng các công cụ IT để giảm bớt thủ tục.

Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chính phủ và Bộ Công an nghiên cứu cơ chế tích hợp dữ liệu liên quan tới tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo/tầm soát y tế… và cho phép các địa phương, DN được kết nối, sử dụng các dữ liệu thứ cấp nhằm quản lý và phân loại người lao động theo các thang đánh giá mức độ an toàn trong dịch bệnh để có biện pháp quản trị, ra quyết định phù hợp.

Về vấn đề tiêm chủng vắc xin, các DN đều bày tỏ mong muốn được tiêm vắc xin sớm để được quay trở lại hoạt động. Cụ thể các kiến nghị như sau: ưu tiên TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, khu vực kinh tế trọng điểm để sớm phục hồi SXKD; ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng thuộc DN SXKD và logistic; tiêm cuốn chiếu và có chính sách phù hợp cho những người đã tiêm vắc xin được đi làm kết hợp với việc yêu cầu DN duy trì các biện pháp quản trị an toàn; tăng tốc tiêm chủng tối đa bằng mọi nguồn lực để sớm đạt miễn dịch cộng đồng; nhanh chóng phê duyệt vắc xin Nanocovax của Việt Nam để chủ động tăng nguồn vắc xin; chuẩn bị, xác định phương án sống chung với dịch bệnh sau tiêm vắc xin.

Liên quan đến việc duy trì SXKD an toàn trong bối cảnh dịch, các DN có kiến nghị, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo mong muốn có nhiều mô hình SXKD an toàn để linh hoạt lựa chọn thay vì chỉ có mô hình “3 tại chỗ”, bởi chi phí để đáp ứng yêu cầu là quá cao và ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ tài chính của DN. Cụ thể các kiến nghị: DN chỉ có khả năng thực hiện 3 tại chỗ trong vài tuần, còn vài tháng thì không thể, bởi trụ sở công ty không đủ lớn để bố trí đủ chỗ ăn, ngủ nghỉ cho nhân viên, ngoài ra việc nhân viên không được về nhà thăm gia đình, hay có việc đột xuất cần giải quyết, nhất là những nhân viên có con cái còn đi học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người lao động; khi cơ quan chính quyền kiểm tra vận hành 3 tại chỗ, cần linh hoạt tùy theo mô hình DN, chẳng hạn với ngành nông nghiệp, việc yêu cầu lắp camera trong thời gian giãn cách là bất khả thi,…

Các DN kiến nghị về vùng sản xuất “xanh” và các hướng đi mới: cơ sở nào ở vùng xanh an toàn thì cho phép đơn vị đó hoạt động sản xuất bình thường; chính quyền tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ/khách sạn hoạt động phối hợp với DN sản xuất/cơ sở kinh doanh khác theo mô hình sản xuất xanh, hoặc 2 địa điểm 1 con đường,… nhằm giảm tải áp lực cho DN trong việc lo chỗ ăn nghỉ của người lao động; làm rõ các điều kiện của “người lao động xanh”, “Doanh nghiệp xanh”, “nơi ở xanh”… để xây dựng các mô hình hoạt động, biện pháp quản lý và đánh giá y tế tương ứng.

Liên quan đến vấn đề di chuyển, lưu thông hàng hóa, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn do các quy định phòng chống dịch tại địa phương thiếu đồng bộ, thống nhất và phát sinh nhiều chi phí không chính thức. Cụ thể kiến nghị: các tỉnh thực hiện đúng theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, công văn hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải về luồng xanh, về phương pháp chấp thuận xét nghiệm nhanh Covid-19; đơn giản hoá các thủ tục đi đường, tạo sự nhất quán trong quy định vận tải, vận chuyển để có thể di chuyển liên tỉnh mà không phải xin giấy phép nhiều lần; tạo điều kiện tối đa cho lưu thông hàng hoá và các hoạt động thiết yếu khác để duy trì hoạt động của DN; cấp phép cho phương tiện của DN hoạt động mà không để DN mất tiền bôi trơn khi xin cấp phép; giảm bớt thủ tục hành chính, giấy phép con; ban hành rõ ràng, đơn giản thủ tục hành chính về việc cho công nhân về và nhận công nhân mới sau một thời gian làm tại DN theo “3 tại chỗ”. Bên cạnh các nhóm vấn đề trên, các DN đang duy trì SXKD cũng kiến nghị giảm các cuộc kiểm tra, thanh tra trong bối cảnh dịch bệnh.

Chuỗi sản xuất bị đứt gãy hàng loạt do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: Internet.
Kiến nghị của nhóm doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động chờ giải thể

Liên quan đến chính sách hỗ trợ vay vốn để tái mở cửa DN, nhóm DN giải thể/ngừng hoạt động đề xuất: khi dịch đã trong tầm kiểm soát, Nhà nước hỗ trợ các DN tư nhân, đặc biệt là khối DN nhỏ lẻ tạo các gói vay lãi suất thấp để các DN có điều kiện tiếp cận vốn tái hoạt động.

Đối với các DN trong ngành sản xuất, các chính sách và gói hỗ trợ này lại càng cần thiết, vì nếu ngành sản xuất trong nước khủng hoảng thì sẽ bị khối DN nước ngoài chiếm ưu thế cạnh tranh và kinh tế trong nước sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu, từ đó có nguy cơ làm gia tăng lạm phát. Đồng thời, nhóm DN này cũng mạnh dạn đề xuất Chính phủ có những chính sách hỗ trợ kết nối DN tới các quỹ hỗ trợ vốn để DN tái mở cửa sau dịch. Ngoài ra, vì tình hình dịch bệnh không thể trả nợ đúng hạn, rất nhiều DN đã bị ghi nhận có nợ xấu khiến cho DN rất khó khăn trong việc vay vốn khi có ý định tái mở cửa trở lại, vì vậy, kiến nghị Chính phủ ban hành những chính sách cho vay hỗ trợ hậu Covid-19, đồng thời, nghiên cứu khả năng tái cơ cấu nợ xấu ngân hàng nhằm tháo gỡ rào cản trách nhiệm cho các ngân hàng trong quá trình xử lý nợ.

Liên quan đến chính sách tiêm chủng vắc xin, nhóm DN giải thể/tạm ngừng hoạt động chờ giải thể đề xuất: tăng tốc độ tiêm chủng vắc xin bằng cách có cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào dịch vụ tiêm chủng. Khi nhà nước lo vắc xin miễn phí cho người yếu thế, người dân, người có hoàn cảnh khó khăn, thì tư nhân sẽ san sẻ, góp phần với Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin cho chính những lao động trong các DN. Việc này giúp phần nào san sẻ gánh nặng với các cơ sở y tế công cộng, từ đó nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, cuộc sống trở lại bình thường, đồng thời giúp DN có cơ hội tái mở cửa và hoạt động trở lại bình thường.

Để tháo gỡ khó khăn liên quan đến các thủ tục kinh doanh, nhóm doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động chờ giải thể đề xuất: Sở Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện cho DN giải thể nhanh nhất có thể để DN dễ dàng phát triển công việc mới. Đồng thời, khi DN mở cửa trở lại, xem xét giảm các thủ tục, chi phí đăng ký thành lập mới để doanh nghiệp có thể mở của thuận tiện và nhanh hơn.

Thúy Vân