Hoàn thiện năng lực tổ chức dạy học trực tuyến cho giáo viên phổ thông

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các khóa học trực tuyến là một phần quan trọng đối với nhiều trường phổ thông. Nhiều giáo viên có thêm cơ hội phát triển và trau dồi kỹ năng giảng dạy từ xa, hướng dẫn người học thông qua một chương trình giảng dạy được thiết kế tốt, xây dựng một cộng đồng học tập sôi động và tạo điều kiện cho người học tham gia một cách bình đẳng. Bài viết mô tả một số kỹ năng, kiến thức cần trang bị trong tổ chức giảng dạy trực tuyến, giúp hoàn thiện năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: laodong.vn.
Đặt vấn đề

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nước ta khi bước vào năm học mới 2021 – 2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ký ban hành Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 ứng phó với dịch Covid-19 và tiếp tục đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo. Ở nhiều địa phương, các bậc học phải chuyển hình thức dạy từ trực tiếp sang trực tuyến, giáo viên không thể trực tiếp đứng lớp giảng bài, học sinh cũng không thể tham dự các chương trình trong phòng thí nghiệm hay tham gia các hoạt động ngoại khóa sau giờ học lý thuyết trên lớp.

Các hình thức học tập truyền thống trước đây nay buộc phải thiết lập trên một không gian hoàn toàn mới.Giáo viên phải tập hợp nội dung khóa học và đưa thông tin lên mạng theo cách tốt nhất có thể. Học sinh buộc phải học ở nhà, tại các khu trọ tập thể hay bất cứ đâu mà không cần phải tới trường học, bằng việc sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ internet cung cấp nội dung học tập và thông tin lấy từ các nguồn khác nhau theo sự hướng dẫn của giáo viên. Với các hoạt động dạy học trực tuyến (DHTT) được triển khai, phụ huynh học sinh cũng có thể tham gia vào các chương trình học tập của con em mình với vai trò như là nhà giáo dục, người hướng dẫn, cố vấn, huấn luyện viên và người đánh giá chương trình. Trách nhiệm giảng dạy của giáo viên lúc này không chỉ là giải quyết được các phản hồi của học sinh, mà còn thoả mãn được kỳ vọng của phụ huynh học sinh.

Ưu điểm và hạn chế của hình thức dạy học trực tuyến

DHTT (e-learning) là phương thức học ảo thông qua một máy vi tính hoặc thiết bị di động thông minh nối mạng với một máy chủ ở nơi khác có lưu giữ sẵn bài giảng điện tử và phần mềm cần thiết để có thể hỏi, yêu cầu, ra đề cho học sinh học trực tuyến từ xa. Giáo viên có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng hoặc kết nối không dây (WiFi, WiMAX), mạng nội bộ (LAN). Mở rộng ra, các cá nhân hay các tổ chức đều có thể tự lập ra một trường học trực tuyến (e-school) và có các bài kiểm tra như các trường học khác.

DHTT cho phép giáo viên giảng dạy mọi lúc mọi nơi, truyền đạt kiến thức, thông tin đáp ứng nhanh chóng, qua đó giúp giảm đáng kể chi phí cho công tác tổ chức địa điểm, giảm thời gian đào tạo so với phương pháp giảng dạy truyền thống nhờ hạn chế sự phân tán và thời gian đi lại.

Tính tích cực của hình thức DHTT còn thể hiện ở nội dung truyền tải nhanh và nhất quán, giáo viên dễ dàng tạo và cho phép học sinh tham gia học, dễ dàng theo dõi tiến độ và kết quả học tập của các em. Đồng thời với khả năng tạo những bài đánh giá, giáo viên có thể dễ dàng biết được học sinh nào đã tham gia học, khi nào học sinh hoàn tất khoá học, và mức độ tiếp thu, phát triển năng lực của các em. Đối với nước ta, dạy và học trực tuyến còn là một yếu tố góp phần giúp ngành giáo dục phát triển theo hướng hiện đại và hội nhập.

Ngoài những ưu điểm tiện ích thì DHTT cũng có những hạn chế nhất định như: Việc DHTT tuyến bắt buộc đội ngũ giáo viên phải được đào tạo tin học, được tập huấn, hướng dẫn về việc sử dụng mạng internet, chuẩn bị giáo án điện tử, cũng như cần làm quen với khối lượng công việc diễn ra nhanh đồng thời trong một thời gian ngắn. DHTT cũng làm giảm đáng kể khả năng truyền đạt với lòng say mê nhiệt huyết của giáo viên đến học sinh,… Ở góc độ người học, hình thức DHTT ít nhiều làm mất đi cơ hội để học sinh học hỏi, trao đổi thông tin, cảm xúc trực tiếp với giáo viên, bạn bè. Không gian mạng cũng làm học sinh dễ nhàm chán, môi trường học trực tuyến khó kích thích tối đa được sự chủ động và sáng tạo của học sinh,…

Những nội dung và yêu cầu cơ bản cần thiết lập và vận hành dạy học trực tuyến của giáo viên phổ thông

Làm chủ nền tảng trực tuyến

Tuỳ theo sự lựa chọn của các trường phổ thông, một số nền tảng phục vụ DHTT phổ biến hiện nay như: Zoom, Microsoft Teams, Google Meet,… được áp dụng và triển khai. Là người trực tiếp quản lý, hướng dẫn và giảng dạy, giáo viên trước hết phải hiểu rõ những ưu điểm và hạn chế của nền tảng nhà trường đã lựa chọn để lập kế hoạch bài giảng một cách hiệu quả, đồng thời, luôn chuẩn bị sẵn sàng thông tin liên hệ bộ phận kỹ thuậtcủa phần mềm đang sử dụng để có thể được hỗ trợ ngay khi cần. Giải pháp hiệu quả là giáo viên phải chuẩn bị được máy tính, thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng) tương ứng với phần cứng và phần mềm được đề xuất; đường truyền kết nối mạng internet, mạng riêng ảo (VPN) cùng các nguồn hỗ trợ kỹ thuật phải bảo đảm sẵn sàng để hướng dẫn trực tuyến.

Chuẩn bị cho những tình huống dạy học phức tạp

Học sinh tham gia học trực tuyến có thể gồm nhiều thành phần có hoàn cảnh khác nhau như học sinh khuyết tật, học sinh có học lực yếu, học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở các cộng đồng nông thôn ít có khả năng tiếp cận và hưởng lợi từ các cơ hội học tập trực tuyến,… Do đó, rất khó có sự đồng đều về mức độ sẵn sàng cho một hình thức đào tạo mới, nhiều em khó hoàn thành công việc của giáo viên giao trên không gian ảo và thậm chí hoảng sợ nếu không được hướng dẫn chi tiết hoặc giải thích rõ ràng. Đôi khi những trục trặc về kỹ thuật xảy ra cũng ngăn cản học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo viên yêu cầu. Nhận thức được những thách thức này có thể giúp giáo viên chuẩn bị các giải pháp hiệu quả trước khi bắt đầu các buổi dạy. Người giáo viên trước khi bắt đầu khoá học cần quan tâm nắm bắt, hướng dẫn, giải đáp cho học sinh các yêu cầu liên quan trong môi trường trực tuyến và thảo luận với học sinh về các khó khăn phổ biến nhất mà các em có thể gặp phải. Đó có thể là các vấn đề liên quan đến việc tiếp cận tài liệu khóa học, các quy tắc cơ bản trong việc dạy và học trực tuyến, việc tương tác với giáo viên trong buổi học, việc đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập cá nhân qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm, các bản báo cáo quá trình học tập, các bài thu hoạch sau khóa học, các biện pháp quản lý hành chính của nhà trường để bảo đảm chất lượng giảng dạy,…

Xây dựng cộng đồng học tập bình đẳng

Trong DHTT, điều quan trọng là giáo viên phải tạo ra một môi trường học tập bình đẳng, nơi học sinh từ nhiều hoàn cảnh, học lực, giới tính khác nhau có chung mối quan tâm có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện có ý nghĩa, xây dựng kinh nghiệm học tập và tăng cường mạng lưới của họ. Phương pháp phù hợp để tạo môi trường học tập cộng đồng là xây dựng công việc nhóm vào thiết kế, thông qua một loạt bài tập hoặc một bài tập lớn hơn có thể bao gồm phản hồi của học sinh để làm rõ các tiêu chí đánh giá, phát triển kỹ năng phán đoán và học hỏi lẫn nhau của các em. Các bài tập mang tính hợp tác có thể giúp cho việc học tập của học sinh năng động.

Với vai trò người hướng dẫn, giáo viên có thể chia học sinh thành những nhóm nhỏ hiệu quả và hướng dẫn các em các giải pháp để tối ưu hóa công việc nhóm mình tham gia; thảo luận về các nguồn xung đột và các biện pháp để hỗ trợ người học thông qua sự phát triển nhóm học tập liên tục của các em. Người giáo viên cần đặt những câu hỏi mang tính chất chung cho tất cả mọi thành viên trong lớp chứ không chỉ riêng lẻ một cá nhân nào, đồng thời giúp học sinh có thể tự đặt câu hỏi lẫn nhau và khơi gợi cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi hơn. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần theo dõi tất cả những học sinh nào không đóng góp ý kiến hay chỉ im lặng để kịp thời có những câu hỏi cởi mở hơn, hay thăm dò xem học sinh còn có thắc mắc cần giải đáp nào không. Ngoài ra, người giáo viên có thể giúp học sinh của mình đi đúng hướng và đạt kết quả tốt trong bài tập (bài tập 15 phút, 45 phút hoặc bài tập lớn toàn môn học) bằng cách truyền đạt những kỳ vọng và thông tin về môn học, cũng như cung cấp cho học sinh các hướng dẫn về thời gian, cách thức phản hồi đáp án.

Nói chung, định hướng xây dựng học tập mang tính cộng đồng, bình đẳng và dân chủ trên nền tảng trực tuyến phải hướng tới được một số nội dung quan trọng cốt lõi, đó là: (1) Thúc đẩy sự tự tin của học sinh để các em đạt được sự thành công khi học trực tuyến; (2) Thúc đẩy ý thức cộng đồng giữa các học sinh với nhau để các em thấy được ai cũng có quyền lợi và nhiệm vụ như nhau; (3) Trang bị cho học sinh những công cụ cần thiết để trở thành thành viên tích cực của cộng đồng; (4) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị học tập và xây dựng kỹ năng quản lý thời gian, quản lý nội dung môn học của học sinh.

Quan sát sự tiến bộ của học sinh

Để theo dõi sự chủ động trong học tập và sự tiến bộ của học sinh trong suốt khoá học, giáo viên có thể thực hiện đánh giá qua các bài tập, câu đố, thăm dò ý kiến và tóm tắt các kiến thức cơ bản đã truyền đạt. Nên khen thưởng những hành vi tích cực của học sinh bằng cách tạo chứng nhận trực tuyến và trao công khai cho học sinh như một phần thưởng xứng đáng để các em có thể lưu lại vào hồ sơ. Việc được một phần thưởng (dù chỉ là hình ảnh một bông hoa tượng trưng) nhưng có thể giúp các em có thêm động lực học tập. Thực tiễn, các nhà giáo dục học cũng chỉ ra rằng, phản hồi tích cực về bài tập của học sinh có ảnh hưởng tích cực đến thái độ và thành tích của người học. Cung cấp phản hồi cho học sinh ở tất cả các định dạng lớp học là việc làm quan trọng. Khi cần cung cấp phản hồi về bài tập, rất khó tìm ra cách tốt nhất để đưa ra nhận xét cá nhân cho học sinh và gửi lại phản hồi có ý nghĩa, nên việc sử dụng các biện pháp phản hồi hiệu quả sẽ cho phép người giáo viên xác định và đáp ứng các nhu cầu của từng cá nhân học sinh, cũng như khuyến khích học sinh tham gia một cách thường xuyên, liên tục.

Tóm lại, việc quan sát sự tiến bộ của học sinh qua bài học, môn học hoặc toàn khoá học phải trả lời được các câu hỏi, đó là: Học sinh cảm thấy thế nào về trải nghiệm trực tuyến? Học sinh học được những gì thông qua khóa học? Định hướng của học sinh là gì sau khi các khóa học kết thúc? Và cuối cùng, định hướng của học sinh ảnh hưởng đến thành công trong học tập như thế nào? Sau đó, giáo viên sẽ dùng cách tiếp cận này để đánh giá kết quả học tập toàn khoá của các em bằng cách đánh giá định hướng tại chỗ (trực tiếp công khai trên nên tảng trực tuyến).

Kết luận

Cho dù giáo viên tạo một khóa học trực tuyến cho những học sinh đã và đang học trực tuyến hay mới làm quen với hình thức này thì việc chuẩn bị khóa học một cách có kế hoạch, có mục đích là điều quan trọng. Một khóa học trực tuyến thành công khi được xác định rõ mục tiêu, xoay quanh những nội dung giáo viên muốn học sinh biết hoặc có thể làm khi kết thúc chương trình. Việc đánh giá quá trình môn học hoặc toàn khoá học sẽ cho phép giáo viên khám phá các cách thức điều chỉnh để thúc đẩy cải tiến liên tục các tính năng và phương pháp thiết kế khóa học trên nền tảng trực tuyến. Một khoá học trực tuyến được lập kế hoạch tốt là điều cần thiết cho sự thành công của học sinh ở phía trước.

Tài liệu tham khảo:
1. Tuệ Anh. “Đổi mới để đáp ứng nền giáo dục 4.0”, Bản tin của Đại học Quốc gia, H, 2018.
2. Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 ứng phó với dịch Covid-19 và tiếp tục đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.
3. Emily Connor (2016), “8 Sensational E-Learning Trends That Are Revolutionizing The Learning Game”.
4. Lankshear, Colin, Knobel, Michele (2008), Digital literacies: concepts, policies and practices.
5. Nguyễn Minh Trí. Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8/2019.
6. “5 Research-Backed Tips to Improve Your Online Teaching Presence”,https://www.edutopia.org/article/5-research-backed-tips-improve-your-online-teaching-presence.
TS. Lê Văn Khoa
Trường Đại học Thủ Dầu Một