Hội đồng nhân dân huyện Sơn Dương nâng cao chất lượng hoạt động nhiệm kỳ 2021 – 2026

(Quanlynhanuoc.vn) – Cùng với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Hội đồng nhân dân huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng của địa phương.
Kỳ họp thứ nhất, HĐND huyện Sơn Dương khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 – 2026, ngày 03/7/2021. Ảnh: sonduong.gov.vn
Hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2016 – 2021

Về công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp và quyết định các vấn đề quan trọng của HĐND.

Công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp luôn được HĐND huyện quan tâm, chú trọng. Trong nhiệm kỳ, HĐND huyện đã tổ chức 10 kỳ họp thường lệ, 2 kỳ họp bất thường, qua đó kịp thời đưa ra những phương hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND huyện yêu cầu các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND tham gia ý kiến, chuẩn bị tốt các báo cáo thẩm tra. Tài liệu của kỳ họp được HĐND huyện gửi cho đại biểu trước kỳ họp 5 ngày để nghiên cứu nội dung trước phiên họp chính thức. HĐND huyện đã tổ chức được 36 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp1, qua đó, nắm bắt ý chí, nguyện vọng của cử tri trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền chủ trương thực hiện của các nội dung đã được quyết nghị tại kỳ họp.

HĐND huyện quyết định các vấn đề quan trọng thông qua việc ban hành 34 nghị quyết (tăng 2 nghị quyết so với nhiệm kỳ 2011 – 2016). Chỉ tính riêng năm 2019, báo cáo tại kỳ họp thứ 9 (khóa XX) nhiệm kỳ 2011 – 2016, huyện đã hoàn thành 17/19 chỉ tiêu chủ yếu mà HĐND huyện đã quyết nghị, trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra2.

Về hoạt động giám sát.

Thực hiện theo các quy định của pháp luật, trước ngày 31/3 hằng năm, HĐND huyện chủ động xây dựng chương trình giám sát năm và gửi các ban, các đại biểu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cử tri trên địa bàn lựa chọn nội dung giám sát trong năm. Kết quả trong nhiệm kỳ, HĐND huyện đã thực hiện 4 cuộc giám sát chuyên đề; 43 cuộc giám sát giữa hai kỳ họp của bộ phận thường trực và các ban của HĐND huyện; giám sát tại kỳ họp HĐND huyện đã xem xét 101 báo cáo của Thường trực HĐND huyện, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân… HĐND huyện, UBND cấp huyện và cấp xã đã tự kiểm tra 161 văn bản, trong đó có 43 văn bản quy phạm pháp luật và 118 văn bản khác3. Qua kiểm tra không phát hiện văn bản có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Về hoạt động của đại biểu.

Các đại biểu tham dự đầy đủ các kỳ họp của HĐND huyện, ý kiến thảo luận bám sát với thực tế, tập trung vào những vấn đề mà cử tri quan tâm. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu được thực hiện theo kế hoạch, số cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện trong nhiệm kỳ là 736 cuộc. HĐND, UBND huyện đã giải quyết khá thấu đáo các ý kiến của cử tri, tỷ lệ các ý kiến kiến nghị của cử tri được xem xét, trả lời đạt hơn 90% ý kiến4. Thông qua các cuộc tiếp xúc, cử tri đã phản ánh thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao, các đại biểu HĐND huyện tiếp thu đầy đủ, tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND huyện chuyển các cơ quan chức năng trả lời theo thẩm quyền.

Về hoạt động của Thường trực HĐND.

Thường trực HĐND đã chủ trì, chuẩn bị nội dung, chương trình các kỳ họp; xem xét và cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án và các văn bản khác có liên quan trình tại kỳ họp; cho ý kiến vào các văn bản của UBND huyện đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền… Hoạt động tiếp công dân được triển khai thường xuyên 2 lần/tháng tại trụ sở HĐND huyện hoặc tại địa bàn ứng cử của đại biểu để nắm bắt tâm tư, nguyên vọng của cử tri. Thường trực HĐND huyện tiếp công dân tại trụ sở UBND huyện vào ngày 10 và 20 hằng tháng cùng với lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện. Đồng thời, Thường trực HĐND huyện phối hợp với các ban của HĐND huyện xây dựng chương trình, nội dung giám sát và thẩm tra các báo cáo của cơ quan chức năng trình HĐND huyện; phối hợp với các ban trong kiểm tra, giám sát, thẩm tra các đề án và tham gia ý kiến vào báo cáo thẩm tra.

Về hoạt động của các ban.

Việc thẩm tra báo cáo của các ban HĐND được thực hiện bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định. Trong nhiệm kỳ, các ban đã thẩm tra 57 báo cáo, trước mỗi kỳ họp, các Ban đều ban hành các kế hoạch giám sát thường xuyên để làm cơ sở thẩm tra các báo cáo của UBND huyện trình tại kỳ họp và kịp thời phản ánh những tồn tại, hạn chế ở địa phương. Bên cạnh giám sát thường xuyên, các ban của HĐND huyện đã thực hiện 22 cuộc giám sát chuyên đề về các lĩnh vực được cử tri quan tâm5. Trên cơ sở phân công, các ban nghiên cứu các nội dung kiến nghị, kết quả giải quyết của cơ quan chức năng, từ đó, kiến nghị các cơ quan chức năng báo cáo giải trình.

Về hoạt động của tổ đại biểu.

Sự chuyển biến tích cực thể hiện ở việc phân công các tổ thực hiện chức năng giám sát tại địa phương, tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung của kỳ họp và thực hiện chức năng chất vấn, tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Chất lượng tổng hợp ý kiến cử tri của tổ đại biểu sau hội nghị tiếp xúc cử tri cũng được nâng cao, bảo đảm rõ nội dung, không trùng lắp. Từng đại biểu trong tổ đại biểu có ý thức, trách nhiệm nghiên cứu kỹ, sâu các tài liệu liên quan, tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng tổ đại biểu hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.

Những hạn chế, bất cập trong hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện Sơn Dương

Thứ nhất, HĐND huyện mỗi năm họp hai kỳ thường lệ, trong mỗi kỳ hợp HĐND huyện có khoảng 30 văn bản phải xem xét, thông qua nhưng không có nhiều thời gian để bàn bạc, xem xét nội dung một cách thấu đáo6. Phạm vi và nội dung thẩm tra của các ban rộng, trên nhiều lĩnh vực, các báo cáo thẩm tra tính phản biện chưa cao nên không cung cấp được nhiều thông tin cho các đại biểu tham khảo trước khi quyết định.

Thứ hai, chủ thể thực hiện hoạt động giám sát gồm: HĐND huyện, Thường trực HĐND huyện, các ban, tổ đại biểu và đại biểu; tuy nhiên, riêng tổ đại biểu chưa triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát bởi trong các văn bản pháp luật không có hướng dẫn thực hiện giám sát đối với tổ đại biểu.

Thứ ba, các ban của HĐND huyện không có quy chế hoạt động gây khó khăn cho trong quá trình điều hành công việc của ban.  Bên cạnh đó, một số thành viên của các ban hoạt động kiêm nhiệm, quá nhiều công việc chuyên môn, chưa dành được nhiều thời gian cho công tác giám sát.

Thứ tư, một số đại biểu còn chưa thực sự nhiệt tình với vai trò, chức trách, nhiệm vụ của đại biểu dân cử, chưa sâu sát cơ sở, không gắn bó với cử tri của địa phương để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do hoạt động của HĐND huyện hiện nay chủ yếu căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Tuy nhiên, các văn bản đều điều chỉnh trực tiếp nên còn thiếu cụ thể đặc biệt là thiếu hẳn chế tài, biện pháp xử lý sau giám sát đối với các chủ thể giám sát. Việc phân loại, đánh giá đại biểu hằng năm theo Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08/3/2018 về việc kiểm tra và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị chưa được HĐND thực hiện. Số lượng đại biểu HĐND huyện hoạt động chuyên trách chỉ chiếm 8,1%, số lượng kiêm nhiệm chiếm 91,9 % tổng số đại biểu HĐND huyện7. Đại biểu kiêm nhiệm hầu hết là cán bộ chủ chốt, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, lãnh đạo chủ chốt HĐND xã, thị trấn, do đó thời gian dành cho việc nghiên cứu tài liệu còn hạn chế nên đôi khi không bảo đảm tính khách quan trong hoạt động của HĐND, đặc biệt là hoạt động giám sát.

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện Sơn Dương nhiệm kỳ 2021 – 2026

Một là, bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy đảng. Các cấp ủy đảng cần nhận thức đúng, đầy đủ hơn nữa về vị trí, vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị, tập trung xây dựng Nghị quyết chuyên đề hoặc lãnh đạo HĐND huyện xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện nhiệm kỳ 2021 – 2026”; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu đảng viên ưu tú ứng cử đại biểu HĐND, nhất là các nhân sự chủ chốt của HĐND, như: chủ tịch, các phó chủ tịch, trưởng, phó các ban của HĐND huyện… Đòi hỏi phải chọn ra đảng viên thực sự có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất đạo đức và kỹ năng để đảm đương được nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là, thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu HĐND. Chất lượng hoạt động của HĐND huyện phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của đại biểu. Vì vậy, việc lựa chọn để bầu ra những người thực sự có phẩm chất, năng lực và có khả năng làm đại biểu để gánh vác trọng trách này là việc rất cần thiết. Để làm được điều này trước hết cần thực hiện đổi mới công tác tuyên truyền về bầu cử HĐND, làm tốt công tác nhân sự để lựa chọn ứng cử viên xứng đáng tham gia ứng cử đại biểu HĐND, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện các bước hiệp thương để giới thiệu, lựa chọn người ứng cử…

Ba là, nâng cao nhận thức về vai trò của HĐND huyện và đại biểu HĐND. Trong đó, cần nhận thức đúng và đủ về vai trò của HĐND và đại biểu HĐND trong bộ máy của chính quyền địa phương. Đặc biệt là thời điểm trước và sau mỗi kỳ bầu cử đại biểu HĐND các cấp làm cho cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân thấy rõ HĐND là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, là cơ quan đại diện của Nhân dân ở địa phương; là thực thể quan trọng hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành nghị quyết của HĐND huyện để đưa vào thực hiện trong cuộc sống.

Bốn là, nâng cao trình độ và kỹ năng hoạt động đối với đại biểu. Trình độ và kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND huyện là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vì vậy, HĐND huyện cần xây dựng kế hoạch, tổ chức tiến hành rà soát đại biểu trúng cử nhằm phân loại trình độ và thâm niên tham gia đại biểu, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp. Ngoài ra, cần thực hiện đúng quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND huyện bầu được thực hiện bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và các nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan cấp trên.

Năm là, đổi mới và nâng cao chất lượng các kỳ họp. HĐND huyện cần thực hiện tốt công tác chuẩn bị trước kỳ họp, thực hiện nghiêm túc nội quy phiên họp, tạo không khí sôi nổi và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các phiên họp. Mặt khác, các đại biểu HĐND huyện cần đầu tư thời gian và nghiên cứu tài liệu để nâng cao chất lượng chất vấn thông qua các câu hỏi đúng và trúng vào vấn đề.

Sáu là, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. HĐND huyện Sơn Dương cần nâng cao năng lực giám sát của đại biểu HĐND huyện thông qua tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu kỹ năng tự giám sát và tham gia đoàn giám sát. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức giám sát, như: nắm bắt tình hình từ cơ sở, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua tiếp xúc cử tri…

Bảy là, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri. Vận dụng hình thức tiếp xúc trực tiếp cử tri tại các hộ gia đình hoặc tại những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Ngoài ra, cần tăng thời gian và số lần tiếp xúc cử tri, đa dạng thành phần tiếp xúc cử tri, như: người lao động ở các thành phần, các giới, các lứa tuổi để có thể lắng nghe ý kiến phong phú về các lĩnh vực ở địa phương. Hạn chế chỉ tiếp xúc theo tổ đại biểu và cán bộ xã, thôn hoặc chọn cử tri có bức xúc vì như vậy việc thu thập các ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri chỉ tập trung ở một số lĩnh vực nhất định.

Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu hội nhập và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp nói chung và HĐND huyện nói riêng là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết. Thực tế, nơi nào HĐND thực sự loại bỏ được tính hình thức trong hoạt động thì nơi đó UBND cùng cấp được củng cố, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình, phát huy tốt hiệu lực quản lý, điều hành trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. HĐND thực hiện đúng vai trò, chức năng theo luật định sẽ góp phần vào việc đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Chú thích:
1, 2. Báo cáo số 760/BC-UBND ngày 04//11/2019 của Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2015 – 2020).
3, 4, 6, 7. Báo cáo số 08/BC-HĐND ngày 06/5/2021 của Hội đồng nhân dân huyện Sơn Dương về tổng kết tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện Sơn Dương nhiệm kỳ 2016 – 2021, khóa XX.
5. Báo cáo số 10/BC-HĐND ngày 06/5/2021 của Hội đồng nhân dân huyện Sơn Dươngvề kết quả công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của các ban Hội đồng nhân dân huyện Sơn Dương, khóa XX.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 09/BC-HĐND ngày 06/5/2021 của Hội đồng nhân dân huyện Sơn Dương về kết quả công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Sơn Dương, khóa XX.
2. Nguyễn Đăng Dung. Tổ chức chính quyền nhà nước ở địa phương. NXB Đồng Nai, 1997.
3. Lê Thị Thanh Tra. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đề tài khoa học cấp tỉnh, 2018.
ThS. Trần Thị Phượng
Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang