Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi ở Bến Tre

(Quanlynhanuoc.vn) – Bến Tre là tỉnh cù lao có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, địa bàn bị chia cắt mạnh… là một trong những yếu tố khách quan làm cho tỉnh gặp khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông và thủy lợi là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu cần đầu tư trước một bước làm tiền đề và động lực để tỉnh Bến Tre có điều kiện phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững
Cống An Thuận 1 thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre. Ảnh: Minh Truyền

Là tỉnh tiếp giáp biển Đông với 65 km chiều dài bờ biển, địa hình Bến Tre bị chia cắt bởi 4 nhánh sông Cửu Long là các sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên với tổng chiều dài hơn 300 km, tạo nên các dải cù lao như: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa; đồng thời, hình thành nên một mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc với tổng chiều dài khoảng 6.000km. Do có nhiều sông, kênh, rạch, nền địa chất yếu nên mạng lưới giao thông đường bộ và các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, khốc liệt như hiện nay.

Những năm gần đây, Bến Tre tập trung nhiều nguồn lực đầu tư vào giao thông, thủy lợi, xem đây là khâu “đột phá của đột phá”, đưa hai lĩnh vực này đi trước một bước tạo tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế – xã hội, đẩy nhanh quá trình hội nhập với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Trên cơ sở những nghị quyết, chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, trong giai đoạn 2016 – 2020 “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, về môi trường và quốc phòng, an ninh, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu”1, tỉnh Bến Tre đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu khả quan trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng tiêu biểu trên hai lĩnh vực giao thông và thủy lợi.

Trước hết, về kết cấu hạ tầng giao thông.

Sau khi cầu Rạch Miễu hoàn thành năm 2009, cầu Hàm Luông hoàn thành năm 2010, cầu Cổ Chiên kết nối Bến Tre với Trà Vinh hoàn thành năm 2015 bước đầu tạo nên thế liên hoàn và cơ bản phá thế biệt lập giữa Bến Tre với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tạo cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội.

Trong nội tỉnh, từ thành phố Bến Tre về các huyện, nhiều tuyến đường bộ huyết mạch được đầu tư xây dựng từng bước hình thành nên mạng lưới giao thông liên hoàn, khá đồng bộ. Có thể kể đến các công trình như: triển khai giai đoạn 2 nâng cấp đường tỉnh 883 đoạn từ đường vào cầu Rạch Miễu đến cầu An Hóa; công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57, thực hiện giai đoạn 1 xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền 3 huyện biển Bình Đại – Ba Tri – Thạnh Phú với chiều dài 39,3 km tổng mức đầu tư gần 857 tỷ đồng. Hiện nay, đang thực hiện thủ tục đầu tư các dự án như: cầu Bình Đông trên đường huyện 23, cầu Rạch Bần trên đường huyện 22 thuộc địa bàn huyện Mỏ Cày Nam; xây dựng đường Đê Tây, đường từ cảng Giao Long đến khu công nghiệp Phú Thuận, cống ngang lộ thuộc Quốc lộ 57B thuộc huyện Bình Đại; cầu Rạch Vong trên địa bàn thành phố Bến Tre; dự án đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn liên huyện Mỏ Cày Nam – Thạnh Phú; tuyến tránh Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc; đường Bắc Nam phục vụ khu công nghiệp Phú Thuận và cụm công nghiệp Phong Nẫm; tiếp tục triển khai giai đoạn 2 dự án đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện Bình Đại – Ba Tri – Thạnh Phú (tuyến đường Bắc Nam).

Toàn vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông nông thôn; đồng thời hàng loạt cầu khỉ được thay thế bằng cầu bê tông, cầu thép không gian, cầu cáp treo. Năm 2020, toàn tỉnh xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 384,3 km đường giao thông nông thôn, giá trị thực hiện ước đạt 712 tỷ đồng, đã hoàn thành 63/81 công trình thực hiện theo Đề án giao thông nông thôn của tỉnh2.

Hai là, về kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Những năm qua, Bến Tre từng bước xây dựng một hệ thống các công trình thủy lợi quan trọng thuộc dự án thủy lợi Bắc – Nam Bến Tre đã được đầu tư xây dựng, như: nạo vét toàn tuyến sông, nhiều tuyến đê sông, đê bao trên các cồn, đê bao cục bộ, các công trình thủy lợi quy mô nhỏ được quan tâm triển khai thực hiện ở khắp các huyện, nhất là từ sau đợt hạn mặn năm 2016. Nhìn chung, các công trình thủy lợi khi đưa vào hoạt động bước đầu đã phát huy tác dụng ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích thâm canh tăng vụ, cải tạo vườn tạp, tăng năng suất cây trồng, cung cấp nước sinh hoạt kết hợp với giao thông nông thôn. Qua đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước trên địa bàn 142 xã là 120.789,45 ha, đạt tỷ lệ 66%3.

Có thể khẳng định, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi ở Bến Tre những năm qua được chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển và bước đầu phát huy tác dụng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, xét về tổng thể, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi của tỉnh hiện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thật sự đồng bộ.

Đối với hệ thống thủy lợi. Đợt hạn mặn khốc liệt diễn ra vào năm 2016 và năm 2019 đã bộc lộ những hạn chế rõ nét, cơ bản của hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đó là, tình trạng nhiều công trình phục vụ tưới tiêu, ngăn mặn, trữ ngọt chưa đồng bộ, chưa bảo đảm chất lượng, chưa phát huy hết hiệu quả phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Cụ thể như hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre, công trình thủy lợi Kênh Lấp huyện Ba Tri. Do đó, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, chưa ngang tầm với yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới vì thủy lợi không đơn thuần chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà mang tính tổng hợp rất cao hướng đến phục vụ cho nhiều đối tượng, nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, nhiều mục tiêu khác nhau.

Nhìn tổng thể, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi ở Bến Tre hiện nay chưa thực sự tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế – xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.

Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tư duy phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng còn yếu; vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng hạn chế, phân bổ còn dàn trải; chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; công tác quản lý về đầu tư còn nhiều bất cập.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế với quyết tâm chính trị cao đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá, trong đó có nhiệm vụ “Huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, cấp nước, giao thông, logictics, đô thị. Phấn đấu hình thành giai đoạn 1 tuyến động lực ven biển. Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi là quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre”. Tuy nhiên, để các chương trình, nghị quyết đi vào cuộc sống không đơn giản, đòi hỏi cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ:

Một là, tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước (cả trung ương và địa phương) ưu tiên bố trí cho những dự án, công trình mang tính đột phá, có sức lan tỏa lớn, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển bền vững. Song song đó, đẩy mạnh kêu gọi hợp tác, thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bằng nhiều phương thức khác nhau.

Hai là, chú trọng thực hiện theo phương châm huy động nguồn lực trong dân, trong cộng đồng là quyết định; huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp là quan trọng; ngân sách nhà nước là cần thiết. Tiếp tục phát huy sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với các phong trào “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, “Nhân dân làm, Nhà nước thưởng” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ba là, đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển khoa học và công nghệ nhằm nâng cao số lượng, chất lượng các phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật phục vụ yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông và thủy lợi.

Bốn là, tăng cường liên kết với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với các tỉnh ven biển nhằm phát huy sức mạnh hệ thống để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tham nhũng trong công tác và đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi.

Diện mạo hạ tầng giao thông, thủy lợi của tỉnh Bến Tre nhất là trên địa bàn nông thôn đang từng ngày đổi mới khang trang, hiện đại. Đây thực sự là cú hích tạo đà mở đường góp phần giải phóng sức sản xuất, tạo tiền đề để Bến Tre có điều kiện và cơ hội phát triển về hướng Đông và phát triển bền vững trong tương lai.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 54.
2, 3. Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia. Báo cáo số 40/BC-BCĐ ngày 22/01/2021 tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2020 và kế hoạch thực hiện năm 2021. tr. 5.
Tài liệu tham khảo:
1. Bài viết được thực hiện từ kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học và công nghệ cấp Đại học Quốc gia, mã số C2019-46-01.
2. Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt , đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.
3. Luật Thủy lợi năm 2018.
TS. Phạm Huỳnh Minh Hùng
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh