Giải pháp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích các giải pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động theo tinh thần Đại hội XIII: nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và năng lực kiến tạo phát triển; hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao năng lực tổ chức có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (Nguồn: TTXVN)

Kế thừa tinh thần các kỳ đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”1. Trên tinh thần nhiệm vụ trọng tâm này, Đại hội XIII đề ra mục tiêu quan trọng là tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) kiến tạo phát triển (KTPT), liêm chính, hành động2.

Để thực hiện được mục tiêu quan trọng này, Đại hội XIII định hướng một loạt các giải pháp cơ bản sau:

Trên cơ sở tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, cần tập trung “nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và năng lực kiến tạo phát triển”3.

Chúng ta đều rõ quản lý, điều hành (QLĐH) là chức năng vốn có của bất kỳ nhà nước nào, còn khi nói đến năng lực KTPT là muốn nói đến năng lực chủ động, tích cực tham gia, dẫn dắt, tạo lập, khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) bằng trách nhiệm, uy tín, bằng cơ chế, chính sách, bằng môi trường cạnh tranh lành mạnh mà Nhà nước tạo lập ra. Để xây dựng được Nhà nước KTPT, liêm chính, hành động thì trước hết phải nâng cao được năng lực, hiệu quả QLĐH và năng lực KTPT. Hai năng lực QLĐH và năng lực KTPT không đối lập nhau mà bổ sung cho nhau, đòi hỏi ở nhau, thúc đẩy cùng nhau và yêu cầu Nhà nước pháp quyền phải trong sạch, vững mạnh.

Để nâng cao được năng lực QLĐH và năng lực KTPT phải thực hiện tốt một số biện pháp cụ thể:

Thứ nhất, “Đẩy nhanh tiến độ ban hành các luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013”4. Bởi lẽ, QLĐH cũng như KTPT phải trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Thiếu các luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp thì Nhà nước sẽ không có cơ sở pháp lý để thực hiện chức năng QLĐH cũng như chức năng KTPT.

Thứ hai, “Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội”5. Khi xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước thì sẽ khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp nhưng lại bỏ sót chức năng nào đó của các cơ quan nhà nước. Khi ấy chức năng QLĐH cũng như chức năng KTPT sẽ rõ ràng, rành mạch, không chồng chéo, cản trở nhau. Đồng thời, phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Bởi lẽ, KTPT một nghĩa nào đó là phải giải quyết tốt quan hệ nhà nước (quản trị công) – thị trường (quản trị theo quy luật kinh tế thị trường) – xã hội (quản trị bằng cách lôi kéo người dân, xã hội tham gia). Nhưng để giải quyết tốt quan hệ này thì phải dựa trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, đồng thời xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước. Thực hiện được các biện pháp này sẽ góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả QLĐH và năng lực KTPT của Nhà nước. Qua đó, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN KTPT, liêm chính, hành động.

Tập trung “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”6.

Định hướng giải pháp này xuất phát từ thực tế những hạn chế trong xây dựng nhà nước mà Đại hội XIII đã chỉ ra: “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”7.

Để đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả, Đại hội XIII đề ra một số biện pháp cụ thể:

Một là, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững KTXH và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới8. Rõ ràng là trên cơ sở hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định… Như vậy, việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật mới hiệu quả. Trên cơ sở đó, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN KTPT, liêm chính, hành động mới thành công.

Hai là, Nhà nước QLĐH nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở các quy luật thị trường. Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chủ động điều tiết các tác động tiêu cực của thị trường nhưng không can thiệp làm sai lệch các quy luật thị trường9. Nghĩa là, Nhà nước phải giải quyết tốt quan hệ Nhà nước và thị trường, tránh rơi vào “nhà nước tối thiểu” trong cơ chế thị trường tự do, nhưng cũng không được rơi vào “nhà nước tối đa” trong cơ chế kinh tế tập trung bao cấp. Muốn vậy phải tuân thủ nguyên tắc là Nhà nước QLĐH nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở các quy luật thị trường.

“Nâng cao năng lực tổ chức có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế – xã hội”10.

Nhìn chung hệ thống pháp luật, thể chế, chính sách phát triển KTXH của chúng ta chưa thật hoàn thiện toàn diện nhưng cũng đủ tạo điều kiện cho Nhà nước nâng cao năng lực KTPT, liêm chính, hành động nhưng chúng ta còn yếu ở khâu tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách. Do vậy, nâng cao năng lực tổ chức có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển KTXH là một định hướng giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực KTPT, liêm chính, hành động của Nhà nước.

Để nâng cao năng lực tổ chức có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển KTXH, Đại hội XIII đề nghị thực hiện tốt một số biện pháp cụ thể:

Thứ nhất, chú trọng quản lý phát triển xã hội, thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường11. Một trong những chức năng quan trọng của Nhà nước ta là quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và trong từng chính sách phát triển. Thực hiện tốt chức năng này mới có cơ sở thực hiện tốt chức năng KTPT. Đảng và Nhà nước thực hiện chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN như một công cụ, phương tiện thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Do vậy, để giữ vững định hướng XHCN của kinh tế thị trường, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường. Cho nên, trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn có sự thống nhất giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường trong từng bước và từng chính sách phát triển. Đồng thời, thực hiện phân phối công bằng, ngoài phân phối theo quy luật kinh tế thị trường như theo kết quả, hiệu quả sản xuất – kinh doanh, theo đóng góp vốn và các nguồn lực khác còn thực hiện phân phối theo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Vì vậy, thực hiện tốt giải pháp này góp phần giải quyết tốt quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội. Trên cơ sở đó nâng cao được năng lực tổ chức có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển KTXH, để góp phần xây dựng được Nhà nước pháp quyền XHCN KTPT, liêm chính, hành động.

Thứ hai, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh kinh tế; thực hiện tốt chức năng quản lý, phát triển mạnh nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH, đáp ứng yêu cầu phát triển. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản quốc gia, thực hiện đúng, tốt chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước12. Rõ ràng là nếu kinh tế không ổn định thì không thể phát triển được. Hơn nữa, để phát triển đất nước phải có nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng KTXH, sử dụng hiệu quả tài sản quốc gia, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Những chức này đều thuộc chức năng QLĐH của Nhà nước. Nếu thực hiện chức năng QLĐH những vấn đề này tốt mới tạo cơ sở, điều kiện tiền đề để xây dựng được Nhà nước KTPT, liêm chính, hành động.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao13. Rõ ràng, Nhà nước KTPT không thể là nhà nước có bộ máy cồng kềnh, quản trị lạc hậu, cung cấp dịch vụ công phức tạp, kém chất lượng. Do vậy, đây là biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực tổ chức có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển KTXH. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công, kiểm soát độc quyền và bảo vệ người tiêu dùng14.

“Tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả”15.

Giải pháp này bắt nguồn từ thực trạng cải cách hành chính mà Đại hội XIII đã tổng kết, chỉ ra rằng cải cách hành chính chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước16.

Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ thực hiện 5 biện pháp cụ thể:

(1) Tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính quốc gia. Hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền các cấp gắn với tinh giản biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả17.

(2) Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời, phát huy tính chủ động sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với tăng cường kiểm soát quyền lực18.

(3) Trên cơ sở phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, bộ, ngành với địa phương; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Tăng cường năng lực dự báo và khả năng dự báo và khả năng phản ứng chính sách trong trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế19.

(4) Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt. Tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhẳm xây dựng và vận hành các mô hình chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả20.

(5) Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Phát huy dân chủ để phát huy tính sáng tạo, chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương nhưng phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện tốt 5 biện pháp nêu trên sẽ xây dựng được nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Trên cơ sở đó, việc xây dựng Nhà nước KTPT, liêm chính, hành động sẽ hiệu quả.

“Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”21.

Chúng ta đều rõ, nền tư pháp XHCN của Nhà nước ta có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do vậy, xây dựng được nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân sẽ góp phần trực tiếp vào xây dựng được Nhà nước pháp quyền XHCN KTPT, liêm chính, hành động.

Để thực hiện tốt giải pháp này, Đại hội XIII yêu cầu thực hiện tốt các biện pháp cụ thể sau: Thứ nhất, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp. Muốn vậy, cần phát triển các hoạt động dịch vụ pháp lý và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Thứ hai, nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án trong lĩnh vực dân sự, hành chính, đầu tư, kinh doanh, thương mại, bảo vệ người tiêu dùng22. Thứ ba, tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp23. Thực hiện tốt ba biện pháp này sẽ xây dựng được nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng được Nhà nước pháp quyền XHCN KTPT, liêm chính, hành động.

“Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng”24.

Đây là giải pháp rất quan trọng, do đó, Đại hội XIII yêu cầu thực hiện tốt các biện pháp cụ thể:

(1) Cùng với có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu thì cần có cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao; tận tụy phục vụ Nhân dân; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, cũng phải có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, mất uy tín trước Nhân dân25.

(2) Cải cách cơ bản chế độ tiền lương của CBCCVC, cũng như chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện, môi trường làm việc để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, phục vụ phát triển26. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải tạo điều kiện tốt nhất về điều kiện vật chất, tinh thần để CBCCVC sáng tạo trong công việc.

(3) Kiên trì, kiên quyết đấu tranh có hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bởi vì, như Đại hội XIII đã đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”27. Do vậy, kiên trì, kiên quyết đấu tranh có hiệu quả phòng, chống tham nhũng, đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những biện pháp quan trọng để xây dựng đội ngũ CBCCVC có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng.

(4) Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra. Để thực hiện tốt biện pháp này, Đảng, Nhà nước chủ trương không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan thông tin đại chúng trong quá trình hoạch định chính sách phát triển KTXH, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí28.

Thực hiện tốt 4 biện pháp nêu trên sẽ xây dựng đội ngũ CBCCVC có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng.

Đại hội XIII của Đảng trên tinh thần kế thừa các kỳ đại hội trước đã định hướng sáu giải pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN KTPT, liêm chính, hành động. Thực hiện đồng bộ sáu giải pháp nêu trên, chúng ta sẽ từng bước thực hiện được mục tiêu đề ra góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 174; 284 ; 284; 284; 283 – 284; 285; 89; 285; 285; 285; 285; 285 – 286; 286; 286; 286; 89 – 90; 286 – 287; 287; 287; 178; 287; 287; 177 – 178; 288; 179 – 285; 179 – 288; 93; 288 – 289.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
GS.TS. Trần Văn Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh