Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Phân cấp, phân quyền trung ương – địa phương đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 7/10, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Phân cấp, phân quyền trung ương – địa phương đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tham dự hội thảo, đại biểu khách mời, có TS. Tạ Ngọc Hải – Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước; TS. Hoàng Thị Ngân – nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ.

Về phía Học viện, có TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, chủ trì hội thảo; các Phó Giám đốc: PGS.TS. Lương Thanh Cường; TS. Nguyễn Đăng Quế; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị, thuộc và trực thuộc Học viện; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện, Chủ nhiệm đề tài phát biểu đề dẫn hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan – Chủ nhiệm đề tài đã nêu rõ, đổi mới quản trị quốc gia như một trụ cột đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước trong những thập niên tới đây. Vì vậy, đổi mới quản trị quốc gia là vấn đề có tính cấp thiết, trong đó, phân cấp, phân quyền là một trong những nội dung rất quan trọng. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã xây dựng chương trình khoa học trọng điểm: “Tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã giao Học viện Hành chính Quốc gia cùng với các đơn vị liên quan thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học: “Phân cấp, phân quyền trung ương – địa phương đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Hội thảo nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, quản lý để Ban Chủ nhiệm đề tài hoàn thiện kết quả nghiên cứu, hoàn thành nhiệm vụ được Bộ trưởng giao.

TS. Hoàng Thị Ngân – nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ trình bày tham luận trực tuyến.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Hoàng Thị Ngân – nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ với tham luận: “Phân cấp – Uỷ quyền”. Bà cho rằng, việc phân cấp, phân quyền gắn với quản trị quốc gia là vấn đề mới, phân cấp là hoạt động để Chính phủ và các cơ quan quản lý có thể điều chỉnh, chuyển giao một cách linh hoạt các thẩm quyền vốn dĩ thuộc về các cơ quan này cho các cơ quan khác. Từ đó, tìm ra những vướng mắc trong phân cấp, gồm: sự chuyển giao thẩm quyền có thể mang tính chủ quan; việc quyết định chuyển giao thẩm quyền cho cấp khác hợp lý hay không hợp lý; phân cấp nhiệm vụ không trùng với năm ngân sách gây chậm chễ đến thực hiện nhiệm vụ của địa phương; việc phân cấp chưa xác định rõ thời hạn, phương án lựa chọn, chưa đánh giá hiệu quả thực hiện. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp thích hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương.

PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện trình bày tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện tiếp cận rộng hơn về phân cấp, phân quyền. Ông cho rằng, muốn giải quyết triệt để vấn đề phân cấp, phân quyền thì nên tiếp cận dưới góc độ phân công lao động xã hội. Theo đó, cần tập trung vào 2 khía cạnh: thứ nhất, phân cấp, phân quyền với tư cách phân định được công việc giữa Nhà nước và xã hội; thứ hai, phân cấp, phân quyền với tư cách trong nội bộ Nhà nước. Trên cơ sở đó, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn việc chuyển giao các công việc cho xã hội đảm nhiệm, tạo điều kiện cho xã hội tham gia, chia sẻ cùng Nhà nước.

TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó giám đốc Học viện trình bày tham luận tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó giám đốc Học viện với tham luận: “Một số vấn đề đặt ra trong phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương trong điều kiện hiện nay. Tham luận tập trung vào phân tích phân cấp, phân quyền là xu hướng tất yếu trong quản trị quốc gia; đồng thời, đưa ra một số khuyến nghị nhằm đẩy mạnh quá trình phân cấp, phân quyền ở Việt Nam hiện nay gồm các nội dung: hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân cấp, phân quyền; hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; rà soát nhiệm vụ, quyền hạn để phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành; phân cấp, phân quyền phải gắn với phân rõ trách nhiệm, rõ công việc, rõ hiệu quả; hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm soát, kiểm tra giữa các cơ quan trung ương và giữa trung ương với địa phương.

TS. Tạ Ngọc Hải – Viện phó Viện Khoa học tổ chức nhà nước tham luận tại Hội thảo.

TS. Tạ Ngọc Hải – Viện phó Viện Khoa học Tổ chức nhà nước tham gia ý kiến dưới góc độ tiếp cận khái niệm quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả, từ đó đặt ra các yêu cầu về phân cấp, phân quyền hiệu quả. Ý kiến nhấn mạnh vào yếu tố nhân lực (nhân tài) – yếu tố quan trọng nhất trong thực hiện phân cấp, phân quyền.

PGS. TS. Huỳnh Văn Thới – Phó Giám đốc Phân viện thành phố Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo.

PGS. TS. Huỳnh Văn Thới – Phó Giám đốc Phân viện Học viện tại thành phố Hồ Chí Minh đề cập đến vướng mắc trong phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương và làm rõ khái niệm “chính quyền tự quản, chính quyền tự trị” thông qua chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hoà Liên Bang Nga trong thực hiện chính quyền tự quản.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Chánh Văn phòng Học viện trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tham luận: “Phân quyền trong quản lý hệ thống công vụ kinh nghiệm từ các nướccủa PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Chánh Văn phòng Học viện đã giới thiệu kinh nghiệm phân quyền trong quản lý hệ thống công vụ của một số quốc gia, như: Liên bang Nga, Nhật Bản, Mỹ, I-ta-li-a, Đức, Pháp, Ka-dắc-xtan. Từ kinh nghiệm của các quốc gia này cho thấy, muốn quản trị nhân sự có hiệu quả cần phải có sự giám sát tự do từ phía nhân dân và lấy mức độ hài lòng của người dân làm định hướng chung cho hiệu quả của hoạt động công vụ. Từ đó, yêu cầu những dịch vụ công do công chức nhà nước thực hiện phải có tính sáng tạo và tuân thủ pháp luật.

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh – Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở trình bày tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh – Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở với tham luận: Hoàn thiện quy định pháp luật về phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương ở Việt Nam hiện nay”. Tham luận đã khái quát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phân cấp, phân quyền của Việt Nam cùng các nội dung mà hệ thống pháp luật cần phải hoàn thiện trong thời gian sắp tới, gồm: đưa nội dung phân cấp vào văn bản luật; xu hướng phân cấp, phân quyền cần được xem xét như một nhu cầu phát triển khách quan của địa phương.

PGS.TS. Hoàng Mai – Trưởng Ban Quản lý đào tạo Sau Đại học trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tham luận: Tăng cường phân cấp giữa trung ương – địa phương trong tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam” của PGS.TS. Hoàng Mai – Trưởng Ban Quản lý đào tạo Sau Đại học đã đề cập đến thực trạng phân cấp trong tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Từ đó, đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh phân cấp trung ương – địa phương trong tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, tham luận cũng đã làm rõ các điều kiện kiện bảo đảm hiệu quả phân cấp trong tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam.

TS. Lê Toàn Thắng – Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế và Tài chính công trình bày tham luận: “Thực trạng và giải pháp phân cấp quản lý đầu tư công”.

TS. Lê Toàn Thắng – Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế và Tài chính công với tham luận: “Thực trạng và giải pháp phân cấp quản lý đầu tư công” đã nêu ra nội dung phân cấp trong quản lý đầu tư công bao gồm: phân cấp chủ trương đầu tư, phân cấp về nguồn vốn, phân cấp cho quyết định đầu tư. Các nội dung này còn nhiều tồn tại, hạn chế như: nguyên tắc phân cấp chưa hợp lý; việc phân cấp đồng loạt và đại trà; phân cấp không đồng bộ; cơ chế giám sát trong phân cấp quản lý đầu tư công còn thiếu và yếu. Vì vậy, tham luận cũng đề xuất một số giải pháp tăng cường hoạt động phân cấp quản lý đầu tư công ở Việt Nam hiện nay.

Toàn cảnh Hội thảo từ đầu cầu trực tuyến Học viện Hành chính Quốc gia.

Hội thảo đã dành thời gian để các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực phân quyền, phân cấp trao đổi các nội dung liên quan đến hội thảo, gồm tham luận: “Hoàn thiện thể chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương ở Việt Nam hiện nay” của PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Trưởng khoa Nhà nước Pháp luật và Lý luận cơ sở; tham luận “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại” của TS. Thân Thị Ngọc Phúc – Bộ môn QLNN về Xã hội, Phân viện thành phố Hồ Chí Minh; tham luận “Phân cấp, phân quyền trong bối cảnh chuyển đổi số” của TS. Phạm Ngọc Huyền – Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính; tham luận “Phân cấp quản lý nhà nước về đất đai – thực trạng và giải pháp đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả” của TS. Đỗ Thị Kim Tiên – Phó trưởng Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế và Tài chính công; ý kiến góp ý của PGS.TS. Đinh Thị Minh Tuyết – nguyên giảng viên cao cấp của Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội… Các tham luận, ý kiến được trình bày xoay quanh những nội dung về khái niệm phân cấp, phân quyền; mối liên hệ giữa phân cấp, phân quyền trong bối cảnh chuyển đổi số; nội dung phân cấp trong quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai; nhân tố con người trong phân cấp quản lý hành chính nhà nước… nhằm làm rõ các vấn đề lý luận về phân cấp, phân quyền trong quản trị quốc gia hiện nay; đánh giá thực trạng việc thực hiện phân cấp, phân quyền và đề ra các giải pháp đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong thời gian tới.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan gửi lời cảm ơn các đại biểu, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đã tạo điều kiện, dành sự quan tâm tham dự Hội thảo. Vấn đề xây dựng nền quản trị quốc gia hiệu quả, phân cấp, phân quyền không thể tách rời phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Quản trị quốc gia phải gắn liền với sự thay đổi quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Tất cả các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã bám sát nội dung của đề tài và yêu cầu của chương trình trọng điểm đặt ra. Đây là căn cứ để Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu hoàn thiện đề tài. Đồng thời, kết quả của Hội thảo sẽ làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan, đơn vị khác trong quá trình thực hiện hoạt động phân cấp, phân quyền.

                                                          Tin, ảnh: Lê Huyền, Xuân Phú