Hiệp hội Kiểm định Hành chính công Châu Âu

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiệp hội Kiểm định Hành chính Công châu Âu (EAPAA) được thành lập vào năm 1999 để phát triển và duy trì một hệ thống kiểm định tự nguyện các chương trình hành chính công học thuật ở Châu Âu. Sự công nhận quốc tế của các đồng nghiệp là một bảo đảm quan trọng cho chất lượng của một chương trình cấp bằng.
Hiệp hội Kiểm định Hành chính công châu Âu

Nhóm Hành chính Công Châu Âu (EGPA) và Mạng lưới các Viện và Trường Hành chính Công ở Trung và Đông Âu (NISPAcee) là hai thành viên chính thức của EAPAA. EAPAA là một tổ chức tự chủ, nhưng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức khác trong lĩnh vực Hành chính công, như EGPA, NISPAcee, Viện Quốc tế về Khoa học Hành chính (IIAS), Hiệp hội quốc tế các Trường và Học viện Hành chính (IASIA)… EAPAA là thành viên của mạng lưới quốc tế các cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học (INQAAHE) và Liên minh châu Âu về kiểm định chuyên môn – chuyên ngành và bảo đảm chất lượng (EASPA).

Kể từ năm 1999, EAPAA đã giúp các chương trình hành chính công của Châu Âu cải thiện và nâng cao chất lượng thông qua kiểm định. EAPAA là cơ quan bảo đảm chất lượng duy nhất về chính công hoạt động trên khắp châu Âu. Hiện nay EAPAA đã kiểm định hơn 70 chương trình trên khắp lục địa, bao gồm hầu hết các viện hàng đầu trong lĩnh vực này.

Đối với EAPAA, việc đánh giá một chương trình không chỉ đơn giản là kiểm tra các thủ tục và quy trình mà dựa trên đánh giá đồng cấp. Các chương trình đang được xem xét sẽ được đánh giá bởi các học giả cao cấp có kinh nghiệm và được quốc tế công nhận trong lĩnh vực hành chính công, những học giả này sẽ biết phương pháp làm thế nào để điều hành một chương trình hành chính công có hiệu quả. Do đó, các phản hồi chất lượng cao được đưa ra trên cơ sở kiến ​​thức chuyên sâu, uyên bác và kinh nghiệm thực tiễn nhằm mục đích giúp các chương trình đạt mức độ xuất sắc hơn.

Các quy trình và tiêu chí của EAPAA tuân theo các tiêu chuẩn và hướng dẫn của châu Âu về bảo đảm chất lượng trong giáo dục đại học. Trong khi duy trì các tiêu chuẩn chất lượng chung, người đánh giá luôn xem xét vị trí và các lựa chọn của chương trình. Không có một mô hình duy nhất nào cho một chương trình quản lý công tốt và EAPAA dành chỗ cho các chương trình xây dựng hồ sơ cụ thể của riêng họ.

Bất cứ chương trình nào được nhận con dấu của EAPAA tức là đã được công nhận quốc tế và có sự khác biệt. EAPAA tạo ra các chương trình khác biệt trong thị trường ngày càng cạnh tranh cho sinh viên quốc tế.

EAPAA duy trì cho các dịch vụ của mình có thể truy cập được và giá cả phải chăng đối với phần lớn các chương trình. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp trong khi vẫn duy trì một cơ cấu tinh gọn và linh hoạt. Vào năm 2014, chất lượng dịch vụ cao của EAPA đã được công nhận khi được đưa vào danh mục Cơ quan đăng ký bảo đảm chất lượng châu Âu.

Sứ mệnh và mục tiêu của EAPAA
Nâng cao chất lượng của các chương trình giáo dục và nghiên cứu của châu Âu trong lĩnh vực hành chính công và khoa học hành chính công bằng cách thiết kế, xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn kiểm định thích hợp cho các chương trình đó thông qua Ủy ban Kiểm định.

Khuyến khích phát triển và đổi mới chương trình giảng dạy.

Cung cấp một diễn đàn để thảo luận về chất lượng và kiểm định.

Bảo đảm chất lượng của các chương trình Hành chính công của châu Âu bằng cách đánh giá các chương trình.

Củng cố, phát triển mối liên hệ giữa các thành viên, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong nội bộ Hiệp hội với các tổ chức, hiệp hội khác có cùng mục tiêu và sứ mệnh.

Cơ cấu tổ chức

Thành viên duy nhất của Hiệp hội là các tổ chức và Học viện/ viện có tư cách pháp nhân và mục tiêu đại diện cho lợi ích của các chương trình đào tạo hành chính công ở châu Âu. Theo đó, thành viên của Hiệp hội gồm: (1) Nhóm A là Viện Quốc tế về Khoa học Hành chính (IIAS) và tất cả thành viên được Hội đồng và IIAS chấp thuận; (2) Nhóm B là Mạng lưới các Viện và Trường Hành chính công ở Trung và Đông Âu (NISPAcee) và tất cả thành viên do Hội đồng và NISPAcee chấp thuận.

Người tham dự là các tổ chức và viện quốc gia/ liên quốc gia có tư cách pháp nhân và với mục tiêu thúc đẩy chất lượng giáo dục trong lĩnh vực hành chính công.

Hội đồng EAPAA:

Hội đồng sẽ đại diện cho Hiệp hội và chịu trách nhiệm quản lý chung Hiệp hội. Thành viên Hội đồng bao gồm: 2 Ủy viên Hội đồng nhóm A, 2 Ủy viên Hội đồng nhóm B và 1 Ủy viên Hội đồng nhóm C. Trong đó, Ủy viên hội đồng nhóm A được bổ nhiệm bởi cuộc họp chung trên cơ sở đề nghị của các thành viên nhóm A và B; Ủy viên Hội đồng nhóm C được bổ nhiệm bởi kết quả Cuộc họp chung trên cơ sở đề nghị của Hội đồng. Ủy viên Hội đồng nhóm C là Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng chọn ra một thư ký và thủ quỹ của Hội đồng.

Mỗi năm, Hội đồng họp ít nhất một lần hoặc bất cứ khi nào Chủ tịch hội đồng triệu tập hay khi bất cứ Ủy viên hội đồng nào có yêu cầu bằng văn bản đến Chủ tịch hội đồng nhằm giải quyết một công việc đột xuất. Hội đồng chuẩn bị các cuộc họp chung và xem xét công việc của Ban Thư ký EAPAA.

Hội đồng thành lập Ủy ban Kiểm định hoặc bất cứ ủy ban nào và quyết định đường hướng, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, thủ tục tham gia vào các ủy ban này.

Ủy ban kiểm định:

Ủy ban Kiểm định gồm ít nhất năm thành viên có nhiệm vụ xem xét các đơn xin kiểm định và bất kể sự gia hạn nào (nếu có). Trong Ủy ban, ít nhất một thành viên phải làm việc trong khu vực công và không thuộc một cơ sở giáo dục nào. Thành viên Ủy ban được bổ nhiệm dựa trên năng lực và hành động cá nhân. Ủy ban đưa ra quyết định cuối cùng về các chương trình đồng thời cũng quyết định các tiêu chí và thủ tục kiểm định và việc áp dụng các tiêu chí, thủ tục này vào từng chương trình cụ thể. Thành viên của Ủy ban không nhất thiết phải là Ủy viên hội đồng. Ủy ban hoàn toàn độc lập và không trực thuộc Hội đồng quản trị của Hiệp hội.

Cuộc họp chung:

Cuộc họp chung của Hiệp hội diễn ra tại trụ sở chính của Hiệp hội với 2 thành viên của EAPAA là EGPA và NISPAcee. Đại diện của EGPA và NISPAcee quyết định các vấn đề liên quan đến Hiệp hội, ngoại trừ các vấn đề liên quan đến công tác kiểm định.

Quy trình kiểm định

Điều kiện để đăng ký kiểm định phải đáp ứng các yêu cầu sau: (1) Đây phải là chương trình cấp bằng (trình độ cử nhân hoặc thạc sỹ) về hành chính công. (2) Các chương trình này phải thuộc một trong các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Hiệp hội quy định.

Thủ tục để đăng ký kiểm định gồm: đơn đề nghị đánh giá chương trình; quyết định của Hội đồng EAPAA về điều kiện thẩm định; thanh toán phí thẩm định; nộp báo cáo tự đánh giá; truy cập trang web; chờ quyết định cuối cùng của Ủy ban Kiểm định.

Các chương trình có thể đăng ký kiểm định vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, vì Ủy ban Kiểm định chỉ họp mỗi năm một lần vào đầu tháng 9 nên các chương trình nhanh cần thẩm định nhanh cần đưa ra báo cáo tự đánh giá của mình ngay trong những tháng đầu tiên của năm dương lịch.

Danh mục kiểm định. Theo Hiệp ước Bologna năm 1999, EAPAA công nhận các loại chương trình khác nhau: Chương trình hành chính công cấp độ cử nhân chu kỳ đầu tiên; chương trình hành chính công cấp độ sau đại học/thạc sĩ chu kỳ thứ hai; các chương trình hành chính công kết hợp/toàn diện; các chương trình thạc sỹ hành chính công cấp trung/điều hành. Vì các chương trình khác nhau về bản chất, EAPAA trao các loại đánh giá chất lượng khác nhau gồm kiểm định và chứng nhận.

Mặc dù các quy trình đánh giá giống nhau về nhiều mặt nhưng vẫn có một số khác biệt. Quá trình kiểm định tập trung nhiều hơn vào tính đa ngành học thuật, quốc tế hóa và yếu tố dựa trên nghiên cứu của các chương trình. Điều này phù hợp với các chương trình mang tính học thuật và có định hướng quốc tế. Quá trình chứng nhận tập trung nhiều hơn vào việc đào tạo cho dịch vụ công quốc gia và là một thủ tục nhẹ nhàng hơn với chi phí thấp hơn. Chứng nhận có thể được thực hiện một cách độc lập hoặc đối với các chương trình định hướng quốc tế thì đây là bước đầu tiên hướng tới việc kiểm định. Nếu các chương trình không chắc chắn loại đánh giá nào phù hợp nhất với mình có thể liên hệ với ban thư ký EAPAA để được tư vấn.

Trong một số trường hợp nhất định, có thể tích hợp đánh giá của EAPAA vào một quy trình kiểm định khác, chẳng hạn như cơ quan thẩm định quốc gia hoặc một cơ quan quốc tế đã được công nhận về đánh giá hay thấm định. Điều này có thể làm giảm đáng kể gánh nặng hành chính của quy trình.

Sự tích hợp này có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau; trong đó cách có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất là xây dựng một báo cáo tự đánh giá gửi cho cả hai cơ quan, sau đó báo cáo này sẽ được sử dụng làm cơ sở cho chuyến thăm thực địa chung của một ủy ban tổng hợp của cả hai tổ chức. Các điều kiện là: (1) Báo cáo cung cấp thông tin cần thiết cho việc đánh giá theo các tiêu chí của EAPAA; (2) Nhóm thăm thực địa chung tuân thủ các tiêu chí EAPAA; (3) Báo cáo đánh giá của nhóm là đủ tin cậy đối với Ủy ban Kiểm định EAPAA. Do việc này đòi hỏi phải lập kế hoạch kỹ lưỡng nên các chương trình quan tâm đến tích hợp các các quy trình khác nhau thì cần chú ý đến vấn đề thời gian.

Tài liệu tham khảo:
1. https://www.eapaa.eu/
ThS. Đỗ Hoàng Mai
Học viện Hành chính Quốc gia