Xác định hướng nghiên cứu cho nghiên cứu sinh ngành Quản lý kinh tế tại Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 08/10/2021 tại Hà Nội, Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế và Tài chính công tổ chức Tọa đàm khoa học theo hình thức trực tuyến với chủ đề: Xác định hướng nghiên cứu cho nghiên cứu sinh ngành Quản lý kinh tế tại Học viện Hành chính Quốc gia dưới sự chủ trì của TS. Lê Toàn Thắng – Trưởng khoa Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế và Tài chính công.

Đại biểu khách mời có, PGS.TS Trần Xuân Hải – Học viện Tài chính; PGS.TS Nguyễn Duy Lợi – Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam); TS. Nguyễn Thị Thìn – Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Về phía Học viện có, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hiển – Giám đốc Phân viện tại TP. Huế; TS. Nguyễn Quang Vinh – Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước (QLNN); TS. Nguyễn Minh Sản – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính; TS. Thiều Huy Thuật – Phó Giám đốc Phân viện Khu vực Tây Nguyên; các nhà khoa học trong và ngoài Học viện Hành chính Quốc gia (viết tắt là Học viện), cùng các giảng viên tham dự tại các điểm cầu trực tuyến.

TS. Lê Toàn Thắng – Trưởng Khỏa Quản lý nhà nước về kinh tế và tài chính công chủ trì hội thảo phát biểu đề dẫn tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Lê Toàn Thắng cho biết, năm 2019, Học viện đã tuyển sinh khóa cao học đầu tiên ngành Quản lý kinh tế. Đến nay, Học viện đã tuyển sinh được 4 khóa, mỗi năm đều có 2 lớp cho mỗi đợt tuyển sinh. Hiện có 2 lớp của khóa 1 chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ để tốt nghiệp. Theo đánh giá của học viên, chương trình đào tạo thạc sĩ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người học, nội dung học phần khá thiết thực, phù hợp với các vị trí công tác của người học trong cả khu vực công và khu vực tư, chất lượng giảng dạy tốt, phương pháp giảng dạy hiện đại. Trên cơ sở những thành công đó và xuất phát từ nhu cầu tiếp tục học tập nghiên cứu để nâng cao trình độ học viên cũng như của xã hội, được sự đồng ý về chủ trương của lãnh đạo Học viện, Khoa QLNN về Kinh tế và Tài chính công đã và đang xây dựng đề án “Xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế tại Học viện Hành chính Quốc gia”.

Tọa đàm khoa học: “Xác định hướng nghiên cứu cho nghiên cứu sinh ngành Quản lý kinh tế tại Học viện Hành chính Quốc gia” với mục tiêu làm rõ thêm các vấn đề lý luận và thực tiễn về xác định các hướng nghiên cứu cho nghiên cứu sinh (NCS) ngành Quản lý kinh tế, phù hợp với chuyên môn và thế mạnh của Học viện. Tọa đàm mong nhận được các ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học, đại biểu về một số nội dung trọng tâm như: thực trạng chương trình đào tạo ngành Quản lý kinh tế tại các cơ sở đào tạo trong nước và các trường đại học trên thế giới; kinh nghiệm định hướng lĩnh vực nghiên cứu cho nghiên cứu sinh ngành Quản lý kinh tế tại các trường đại học, học viện trong và ngoài nước; đặc điểm, nội dung ngành đào tạo Quản lý kinh tế trong tổng thể chương trình đào tạo chung của Học viện; đề xuất các hướng nghiên cứu làm căn cứ cho nghiên cứu sinh ngành Quản lý kinh tế lựa chọn đề tài luận án phù hợp với các lĩnh vực đào tạo và hướng nghiên cứu của Học viện.

TS. Nguyễn Thị Thìn – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chi Minh phát biểu tại hội thảo.

Tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Thìn – Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản trong định hướng nghiên cứu khoa học và viết luận án tiến sĩ: (1) Lĩnh vực nghiên cứu, NCS có thể lựa chọn đề tài ở một số lĩnh vực cụ thể về quản lý công, quản trị nhân lực, phân bố lực lượng sản xuất và phân vùng kinh tế…; (2) Quy trình và phương pháp nghiên cứu khoa học, NCS cần hiểu rõ và phân biệt đề tài nghiên cứu khoa học với đề án thực tiễn, nắm vững quy trình nghiên cứu cơ bản…; (3) Kỹ năng nghiên cứu khoa học, NCS cần có kiến thức về loại hình, cấu trúc và cách trình bày chuẩn mực của các công trình nghiên cứu khoa học; có khả năng phân tích, lựa chọn và thực hành kỹ năng viết vào từng mục đích cụ thể của mình. Có thể phân chia công việc thành 3 giai đoạn: trước khi viết; viết bản thảo; chỉnh sửa bản thảo và hoàn thiện.

TS. Nguyễn Minh Sản – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính trình bày tham luận: “Đặc điểm, cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý kinh tế tại Học viện Hành chính Quốc gia”. Tham luận chỉ rõ, đặc điểm chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý kinh tế tại Học viện; cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý kinh tế, các trình độ của giáo dục đại học tại Học viện, trong đó yêu cầu đối với chương trình đào tạo tiến sĩ tối thiểu 80% nghiên cứu khoa học và luận án tiến sĩ; tối đa 16 tín chỉ các học phần, môn học bắt buộc hoặc tự chọn đối với đầu vào trình độ thạc sĩ; tối thiểu 30 tín chỉ các học phần, môn học bắt buộc hoặc tự chọn đối với đầu vào trình độ đại học.

PGS.TS. Trần Xuân Hải – Học viện Tài chính phát biểu tại hội nghị.

Quan điểm của PGS.TS Trần Xuân Hải – Học viện Tài chính cho rằng: (1) Cần xác định rõ trách nhiệm của Bộ môn trong quản lý quá trình đào tạo tiến sĩ. Vấn đề quản lý NCS, nếu lấy mục tiêu chất lượng đào tạo là hàng đầu thì vấn đề quản lý NCS phải được thực hiện bằng các biện pháp phù hợp; quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ đã thường xuyên được sửa đổi, bổ sung… (2) Xác định hợp lý mức độ và hình thức tham gia của NCS vào các hoạt động của Bộ môn, như: thảo luận hoàn thiện giáo trình, bài giảng hiện có và phát triển các môn học mới; thông tin khoa học chuyên ngành; tọa đàm theo chủ đề…

PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi – Quyền Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biếu tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Duy Lợi – Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ một số kinh nghiệm về đào tạo tiến sĩ, trong đó có chuyên ngành Quản lý kinh tế còn hạn chế: khung lý thuyết, khung phân tích của luận án chưa thực sự được đầu tư đúng mức; đề cương là phần rất quan trọng của luận án nhưng chưa được chú trọng theo tiêu chí của một luận án; phương pháp nghiên cứu của các NCS còn sơ sài, đặc biệt là quy trình thu thập còn ở mức chung chung; mối quan hệ giữa NCS với người hướng dẫn chưa được như mong muốn; sinh hoạt khoa học của NCS ở Bộ môn chưa được thường xuyên và chuyên sâu;… Các NCS chưa biết cách đặt vấn đề và kết luận của một luận án vì chưa xác định rõ được chủ thể và khách thể nghiên cứu.

TS. Bùi Thị Thùy Nhi – Trưởng Bộ môn Nguyên lý kinh tế, Khoa QLNN về Kinh tế và Tài chính công cho biết, đã tham khảo một số trường đào tạo tiến sĩ Quản lý trên thế giới, mặc dù về tên gọi không hoàn toàn trùng với tên chương trình đào đạo được xây dựng ở Học viện nhưng về nội dung chương trình và định hướng đào tạo để có đầu ra là những chuyên gia có trình độ chuyên sâu trong quản lý kinh tế ở cả cấp độ vi mô lẫn vĩ mô thì tương đồng về cơ bản. Từ đó, đề xuất chương trình đào tạo tiến sĩ Quản lý kinh tế tại Học viện, như: QLNN về kinh tế trong một ngành kinh tế, một lĩnh vực hoặc 1 địa phương gắn với bối cảnh hội nhập kinh tế…; QLNN đối với một hoặc một vài chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường; QLNN đối với một loại hình thị trường trong nền kinh tế; đánh giá, phân tích chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện chức năng QLNN trong lĩnh vực kinh tế ở bộ, ngành, địa phương; đổi mới vai trò của Nhà nước trong quản lý kinh tế…

Hình ảnh Tọa đàm trực tuyến.

Tại các điểm cầu trực tuyến, các nhà khoa học, lãnh đạo, giảng viên cũng đã có nhiều ý kiến, quan điểm về hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế cho Việt Nam; về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khả năng ứng phó, vượt qua các cú sốc; hướng phát triển các thành phần kinh tế và doanh nghiệp; các yêu cầu đặt ra đối với luận án tiến sĩ Quản lý kinh tế và xây dựng hướng nghiên cứu đề tài luận án tiến sĩ quản lý kinh tế tại Học viện; hoặc là nhóm đối tượng tham gia giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;…

Kết thúc Tọa đàm, TS. Lê Toàn Thắng trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học, giảng viên đã gửi gần 20 bài tham luận cũng như có nhiều ý kiến tâm huyết góp phần cho Tọa đàm thành công. Khoa sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận và coi đây là nguồn tài liệu quý để tham khảo đưa vào đề án: “Xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Quản lý kinh tế tại Học viện Hành chính Quốc gia”. Thay mặt Lãnh đạo Khoa và toàn thể giảng viên Khoa QLNN về Kinh tế và Tài chính công trân trọng gửi lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe tới các vị đại biểu khách quý, lãnh đạo Học viện cùng toàn thể đại biểu tham dự Tọa đàm.

Tin, ảnh: Hoàng Hậu, Xuân Phú