Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của đại đa số người dân nói chung, người lao động nói riêng. Vì vậy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động là rất cần thiết để chung tay chia sẻ gánh nặng. Bài viết tập trung phân tích trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện khung pháp lý nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) vinh danh các công ty thành viên có những hoạt động trách nhiệm xã hội nổi bật, ngày 30/10/2019. Ảnh: vtv.vn.
Khái quát chung về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động

Theo thuật ngữ trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp (DN) (Corporate Social Responsibility – CSR) chính thức xuất hiện cách đây khoảng hơn 50 năm khi tác giả H.R.Bowen công bố cuốn sách vào năm 1953 với nhan đề: “TNXH của doanh nhân” nhằm mục đích tuyên truyền cho những người có trách nhiệm có ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ với xã hội, đồng thời kêu gọi những nhà quản lý không nên làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của người khác thông qua việc tự nguyện làm công tác từ thiện để bù đắp lại thiệt hại do các DN đã làm tổn hại cho xã hội1. Chính vì vậy, TNXH của DN đã được các nhà nghiên cứu, Chính phủ các nước cùng với các tổ chức quốc tế, cộng đồng DN và người lao động (NLĐ) quan tâm từ đầu thập niên 60 của thế kỷ XX và được sử dụng rộng rãi từ đầu những năm 1970 cho đến nay.

Tuy nhiên, thuật ngữ TNXH của DN đang được hiểu theo nhiều cách khác nhau như: Keith Davis (1973) đưa ra nhận định rằng: “TNXH của DN là sự quan tâm và phản ứng của DN với các vấn đề vượt ra ngoài việc thoả mãn những yêu cầu pháp lý, kinh tế và công nghệ”. Tác giả Archie Carroll (1999) đưa ra khái niệm có phạm vi rộng hơn, khi nhận định rằng: “TNXH của DN là tất cả các vấn đề kinh tế, pháp lý, đạo đức và những lĩnh vực khác mà xã hội trông đợi ở DN trong mỗi thời điểm nhất định”2.

Matten và Moon (2004) thì cho rằng: “TNXH của DN là một khái niệm chùm, bao gồm nhiều khái niệm khác nhau, như đạo đức kinh doanh, DN là từ thiện, công dân DN, tính bền vững và trách nhiệm môi trường. Đó là một khái niệm động và luôn được thử thách trong từng bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội đặc thù”3.

Trong khi đó, năm 2011, Liên minh Châu Âu có quan niệm: TNXH của DN “là một khái niệm trong đó các DN tự nguyện đưa các vấn đề xã hội và môi trường thành một trong những mối quan tâm của hoạt động kinh doanh cũng như mối quan hệ tác động qua lại của DN với các đối tượng liên quan”. Theo Ủy ban Kinh tế Thế giới về Phát triển bền vững đưa ra khái niệm “về TNXH của DN là một cam kết kinh doanh nhằm cư xử một cách có đạo đức và góp phần cho sự phát triển kinh tế cùng với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của NLĐ và gia đình của họ cũng như chất lượng cuộc sống của cộng đồng và xã hội nói chung”4. Nhiều quan điểm cho rằng, với tư cách là một chủ thể kinh tế trong xã hội, DN đã sử dụng các nguồn lực của xã hội, khai thác các nguồn lực tự nhiên,… Vì vậy, ngoài việc đóng thuế, DN cần phải có trách nhiệm đối với môi trường, cộng đồng, NLĐ.

Như vậy, có thể thấy khái niệm về TNXH của DN đối với NLĐ là một vấn đề rất mới của các DN Việt Nam hiện nay. Khái niệm này được rất nhiều nhà nghiên cứu, học giả và các tổ chức quốc tế tìm hiểu nhưng vẫn chưa có một nhận định nào đầy đủ, cụ thể là trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn ra hiện nay.

Từ các quan niệm trên, có thể khái quát như sau: TNXH của DN là việc tự giác thực hiện các cam kết liên quan NLĐ, đặc biệt có trách nhiệm với NLĐ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19; tự giác thực hiện các cam kết về môi trường xã hội, môi trường tự nhiên và các lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh, trên nguyên tắc tuân thủ các luật, lệ trong nước và quốc tế, nhưng vẫn bảo đảm hài hòa những lợi ích cốt lõi của DN, đồng thời bảo đảm đóng góp cho Nhà nước và góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Những cam kết của DN đang và sẽ đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân lực, phát triển cộng đồng và đặc biệt chung tay với Nhà nước hỗ trợ NLĐ trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang lan rộng.

Thực tiễn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tính đến ngày 01/01/2021, Việt Nam đã tham gia 25 công ước về quyền lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Chỉ riêng trong năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn 3 công ước của ILO, bao gồm Công ước 88 về tổ chức dịch vụ việc làm; Công ước 159 về tái thích ứng việc làm cho người khuyết tật; Công ước 98 của về quyền thương lượng tập thể. Đồng thời, Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của NLĐ theo đúng các cam kết quốc tế về lao động mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc là thành viên, phù hợp với tiến trình Việt Nam thực thi Hiệp định CPTTP và EVFTA5.

Một số kết quả đạt được

Trước tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN (tăng cường các chính sách hỗ trợ về thuế, điện, nước, lãi suất ngân hàng,…) và NLĐ (hỗ trợ cho NLĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ); tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, DN có ý thức TNXH đã thể hiện vai trò trách nhiệm bằng cách tham gia tích cực cùng với Chính phủ chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các DN cũng tăng cường các biện pháp tham vấn, trao đổi, thông tin để NLĐ và DN cùng nhau chia sẻ khó khăn; đồng thời động viên NLĐ quay trở lại làm việc ngay sau khi đơn hàng ổn định.

Ngoài những ưu điểm thì hạn chế vẫn còn tồn tại trong đại bộ phận của DN, vì họ luôn có tư duy cho rằng: việc chăm lo cho NLĐ ở thời điểm khó khăn do dịch bệnh Covid-19 là trách nhiệm của Chính phủ chứ không phải trách nhiệm của DN. Vì vậy, nhiều DN ỷ lại hoặc dựa dẫm vào chính sách của Chính phủ để né tránh trách nhiệm của mình đối với xã hội và NLĐ hiện nay.

Một số hạn chế

Khi tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, Chính phủ rất cần sự chung tay từ các DN được thể hiện cụ thể hơn bằng hành động thay vì chỉ qua lời nói. Nhiều DN tại Việt Nam đã không thực hiện một cách nghiêm túc nghĩa vụ pháp lý và TNXH của mình, như: có các hành vi gian lận trong kinh doanh, báo cáo tài chính, không niêm yết giá hoặc bán giá cao hơn quy định, không bảo đảm an toàn lao động, sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, cố ý gây ô nhiễm môi trường…

Nhiều DN ở Việt Nam không muốn thực hiện TNXH với lý do TNXH của DN chưa được luật hóa ở Việt Nam. Do đó, chỉ có các DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc do yêu cầu của đối tác bắt buộc thì mới phải thực hiện TNXH. Trong khi đó, các DN quy mô vừa và nhỏ, còn nhiều khó khăn về tài chính và thiếu sự ràng buộc về pháp lý nên nhiều DN chỉ hiểu TNXH là việc tham gia đóng góp các khoản nhỏ cho công việc từ thiện tự phát. Một số DN cho rằng, việc thực hiện TNXH không đem lại lợi ích gì cho DN mà ngược lại làm gia tăng chi phí và khả năng cạnh tranh với các đối thủ.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, để nâng cao vai trò TNXH của DN vào sự phát triển kinh tế bền vững và bảo đảm lợi ích hài hòa cùng với NLĐ, cộng đồng và xã hội nói chung thì cần có những giải pháp nhằm giúp DN hiểu rõ hơn về trách nhiệm quan trọng của mình, không chỉ có lợi ích phát triển DN mà còn phải song hành trách nhiệm với xã hội và NLĐ.

Giải pháp hoàn thiện khung pháp luật về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động hiện nay trong thời điểm đại dịch Covid-19

Thứ nhất, DN Việt Nam cần phải tìm hiểu kỹ và hiểu biết rõ về Công ước số 98 – yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện ba điều: (1) Bảo đảm không phân biệt đối xử đối với công đoàn, (2) Bảo đảm công đoàn không chịu sự can thiệp hay chi phối của người sử dụng lao động, (3) Thúc đẩy thương lượng tập thể thông qua nhiều phương thức khác nhau. Việc DN hiểu biết rõ về Công ước số 98 sẽ giúp DN ý thức rõ về nghĩa vụ và trách nhiệm phải thực hiện đúng các quy định, nhằm tránh những sai sót (dù vô ý) khi vi phạm công ước, vì khi đó DN sẽ bị chế tài khi hòa nhập vào sân chơi quốc tế. Chế tài cũng là một hình thức giúp DN đi đúng hướng, hiểu rõ những gì DN được làm và không được làm, những gì nên làm và không nên làm.

Thứ hai, Nhà nước sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành văn bản pháp luật về vai trò, TNXH của DN đối với xã hội hiện đại nhằm tạo sự ràng buộc DN thực hiện theo khuôn khổ pháp luật. Nên thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về TNXH, vì việc tổ chức các buổi hội thảo sẽ giúp cho các DN hiểu sâu hơn các quy định mới của pháp luật và chủ động nắm bắt thời cơ cũng như trách nhiệm trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay và thách thức lớn từ đại dịch Covid-19 đem lại. Những buổi hội thảo sẽ giúp DN hiểu rằng: thực hiện TNXH không làm gia tăng chi phí mà là tạo đích đến, là sự chia sẻ, là tạo dựng hình ảnh “DN có tâm sản xuất những sản phẩm có tâm”, gây thiện cảm cho khách hàng, vô hình trung có được một lượng khách hàng lớn trong tương lai gần.

Thứ ba, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng về định hướng đường lối, chính sách chuẩn xác. Trong đó, bảo đảm các cam kết, nghĩa vụ mà Việt Nam là thành viên các tổ chức quốc tế, đồng thời, tạo môi trường đầu tư thuận lợi (miễn giảm thuế thu nhập DN, miễn thuế nhập khẩu một số ngành hàng, miễn giảm tiền thuê và sử dụng đất,… và đẩy nhanh việc chuyển đổi số kết hợp với đầu tư tốt cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông huyết mạch, cảng hàng không, các tuyến đường ra cửa khẩu, biên giới, các khu kinh tế, khu công nghiệp…) để thu hút nguồn vốn từ các DN đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật đúng lộ trình đã cam kết về việc tham gia Công ước số 87 (về tự do hiệp hội) và tận dụng thời cơ, cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được Việt Nam ký kết. Đây cũng là cơ hội mà ít DN nước nào trên thế giới có được, do đó, các DN Việt Nam muốn kết nối và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tạo cơ hội cho đầu tư, phát triển các ngành hàng, lĩnh vực đang bị đứt gãy dưới tác động của đại dịch Covid-19 nhằm đem lại lợi ích cho người dân nói chung và NLĐ nói riêng thì cần phải tuân thủ nghiêm các nghĩa vụ, các quy định pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc là thành viên.

Chú thích:
1,2,3,4. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp Việt Nam. http://tapchicongthuong.vn, ngày 10/9/2021.
5. Tình hình phê chuẩn và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Việt Nam. http://boluatlaodong2019. molisa.gov.vn, ngày 23/9/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Bản tin Quan hệ lao động số 33+34 – quý II+III. 2020. www.quanhelaodong.gov.vn.
2. Nguyễn Vĩnh Long & Lưu Thế Vinh. “Cơ hội và thách thức khi thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ của Trường Đại học Hùng Vương, số 15/2019, tr.77-78).
3. Tổng cục Thống kê họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng năm 2021 và kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020. https://www.gso.gov.vn, ngày 06/7/2021.

TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm
Trường Đại học Lao động xã hội (Cơ sở II tại thành phố Hồ Chí Minh).
ThS. Hồ Đức Hiệp
Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. HCM