Đề xuất nội dung biên soạn chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành Trung ương

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 13/10/2021 tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học đề xuất nội dung biên soạn chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành Trung ương theo hình thức trực tuyến. 

Tham dự hội thảo, tại các điểm cầu trực tuyến, có TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện; Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện; Ban Chỉ đạo biên soạn chương trình tài liệu; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị, phân viện thuộc và trực thuộc Học viện; các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

TS. Đặng Xuân Hoan phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự – Chủ trì hội thảo cho biết, thực hiện Kế hoạch khảo sát, biên soạn chương trình lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, ngành Trung ương năm 2021, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học đề xuất nội dung biên soạn chương trình với 3 nội dung trao đổi, thảo luận chính, gồm: mục tiêu, yêu cầu và các chuyên đề cần thiết trong chương trình; đề xuất toàn bộ chương trình hoặc một số chuyên đề liên quan đến chương trình; phương thức bồi dưỡng, yêu cầu đối với giảng viên tham gia giảng dạy, thời lượng chương trình, hình thức kiểm tra, đánh giá học viên… nhằm tiếp thu ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học để tham mưu với Ban biên soạn, Ban chỉ đạo, lãnh đạo Học viện xây dựng chương trình bồi dưỡng phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng khoa Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự khai mạc Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan – Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng chương trình, khẳng định tầm quan trọng của hội thảo trong thời điểm Bộ Nội vụ đang tham mưu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo Nghị định số 101, công tác bồi dưỡng đối với lãnh đạo đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, ngành Trung ương đang thực hiện theo chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý của cấp vụ. Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị sự nghiệp và lãnh đạo, quản lý cấp vụ không hoàn toàn giống nhau, có những đặc thù khác biệt. Vì vậy, cần phải xây dựng chương trình riêng, phù hợp với từng đối tượng này. Trong chương trình cần phải làm rõ yêu cầu, mục đích cũng như sự cần thiết của các chuyên đề; chương trình có thể kế thừa những nội dung của các chương trình đã ban hành trước đó, nhưng cơ cấu các chuyên đề phải làm rõ được sự khác biệt giữa các đối tượng bồi dưỡng.

TS. Lê Thị Hằng – Khoa Nhà nước pháp luật và Lý luận cơ sở phát biểu tham luận.

Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo, Khoa Nhà nước pháp luật và Lý luận cơ sở đưa đến 5 tham luận của TS. Bùi Thị Thanh Thuý; TS. Đàm Bích Hiên; TS. Lê Thị Hoa; TS. Trần Thị Thuý Vân và TS. Lê Thị Hằng. Các ý kiến tham luận đều thống nhất mục tiêu chương trình là nhằm trang bị, cập nhật về kiến thức, kỹ năng và nâng cao trách nhiệm ý thức của lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành Trung ương. Chương trình cần bảo đảm tính cập nhật, tránh trùng lặp với các chương trình đã ban hành, đồng thời, cũng phải chú ý đến đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực khác nhau.

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính phát biểu tham luận.

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh và TS. Trịnh Thanh Hà thay mặt các nhà khoa học của Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính cho rằng, các nhà lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập là những người đã trải qua nhiều khoá bồi dưỡng khác nhau và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, khi xây dựng chương trình cho đối tượng này cần chú trọng đến phần kỹ năng giải quyết công việc trong thực tế, giảm thời lượng các chuyên đề lý thuyết, tăng thời lượng các chuyên đề kỹ năng (lý thuyết chiếm 30%, kỹ năng chiếm 70%). Kiểm tra, đánh giá học viên bằng hình thức viết tiểu luận. Ngoài ra, các tham luận còn đề xuất một số các chuyên đề cần thiết, gồm: kỹ năng quản trị khủng hoảng trong bối cảnh hiện nay; kỹ năng quản trị rủi ro; kỹ năng chuyển đổi số trong đơn vị sự nghiệp công lập; kỹ năng xây dựng và phát triển văn hoá công vụ. Thời lượng đề xuất là 8 tiết/ngày cho cả chuyên đề lý thuyết và kỹ năng.

Các ý kiến tham luận của Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế và Tài chính công tiếp cận xây dựng chương trình ở khía cạnh kinh tế tài chính và quản lý tài sản công của lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành Trung ương. Tham luận của TS. Hoàng Ngọc Âu đã đề cập đến sự thay đổi về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập dẫn tới sự thay đổi vai trò của người lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, đề xuất chương trình phải trang bị các kiến thức và kỹ năng về tài chính, tài sản công gồm các chuyên đề: xây dựng mô hình quản trị chiến lược và hệ thống quản trị nội bộ; quản trị chuỗi cung ứng dịch vụ công tối ưu; quản trị tài chính và tài sản công chặt chẽ; xây dựng tổ chức bộ máy và nhân sự hiệu quả; quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ…

TS. Tạ Thị Hương và TS. Vũ Thị Minh Ngọc thuộc Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội đều cho rằng, cần phải xây dựng một chương trình toàn diện, khoa học, gắn sát với thực tiễn hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công. Thời lượng chương trình là 3 tuần (120 tiết), trong đó, cấu trúc chương trình gồm 3 mảng chuyên đề: nhóm chuyên đề kiến thức chung; nhóm chuyên đề kỹ năng và một số chuyên đề báo cáo (tự chọn).

TS. Bùi Thị Ngọc Mai – Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự đại diện cho nhóm tham luận.

TS. Bùi Thị Ngọc Mai – Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự đại diện cho nhóm tham luận nêu ra một số đề xuất, gồm: xây dựng chương trình phải căn cứ vào các quy định pháp luật và căn cứ vào thực tiễn để bảo đảm chương trình không đi lệch hướng (tham luận của PGS.TS. Bùi Huy Khiên); hình thức bồi dưỡng là bán tập trung (học tập trung, tự nghiên cứu hoặc học trực tuyến) (tham luận của PGS.TS. Ngô Thành Can); có câu hỏi thảo luận sau mỗi chuyên đề (tham luận của TS. Phùng Thị Phong Lan). Về cấu trúc chương trình, các tham luận cũng đồng nhất gồm 3 phần: kiến thức chung, kỹ năng, chuyên đề báo cáo.

TS. Nguyễn Minh Sản – Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính tiếp cận xây dựng chương trình dưới góc độ phụ trách lĩnh vực chuyên môn khác nhau của các Khoa. Chương trình được các khoa đề xuất phải thể hiện rõ vai trò của từng thành phần kiến thức (Phần I: Kiến thức chung; Phần II: Kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành và báo cáo thực tế; Phần III: Nghiên cứu thực tế, kiểm tra, viết tình huống và khai giảng, bế giảng), cần thống nhất về mục tiêu, yêu cầu; về cấu trúc nội dung, hình thức chương trình; về thời gian, phương thức bồi dưỡng; về quy định kiểm tra, đánh giá học viên của chương trình giữa các khoa.

Tham luận của TS. Nguyễn Thế Tài, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, bồi dưỡng – Phân viện thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 4 chuyên đề kiến thức chung; 6 chuyên đề kỹ năng và tự chọn 2 trong 4 chuyên đề báo cáo thực tế.

TS. Phạm Ngọc Đại – Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên đề xuất, nên bổ sung chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng quan hệ quốc tế và yêu cầu các giảng viên tham gia giảng dạy chương trình phải là những người đã từng hoặc hiện giữ cương vị lãnh đạo từ cấp vụ trưởng trở lên, các chuyên gia, nhà khoa học (trong nước hoặc quốc tế) có các công trình nghiên cứu tiêu biểu về lĩnh vực (chuyên đề) giảng dạy.

Tham luận từ Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Huế, ThS. Lê Văn Mão đề xuất, chương trình bao gồm 12 chuyên đề với tổng thời lượng là 104 tiết, trong đó có 10 chuyên đề giảng dạy và 2 chuyên đề báo cáo (có 8 nội dung báo cáo tự chọn phù hợp với đối tượng học viên), nghiên cứu thực tế, khai giảng, bế giảng.

ThS. Nguyễn Đức Nghĩa – Vụ Đào tạo, bồi dưỡng, Bộ Nội vụ.

ThS. Nguyễn Đức Nghĩa – Vụ Đào tạo, bồi dưỡng, Bộ Nội vụ tiếp cận dưới góc độ đối tượng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành Trung ương không bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục và Tổng cục. Trong quá trình xây dựng chương trình cần xác định rõ đây là chương trình chung vì đối tượng học công tác ở nhiều lĩnh vực. Do đó, cần bám sát vào nhu cầu của học viên, nội dung giảng dạy phải bao gồm các kiến thức chung về chức năng, thẩm quyền, tầm nhìn… Thời lượng chương trình bồi dưỡng theo quy định mới thời gian tối đa là 2 tuần.

Đại biểu dự hội thảo tại các điểm cầu trực tuyến.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, thay mặt Ban biên soạn chương trình, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải đã trân trọng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến phát biểu chân thành, tâm huyết của các đại biểu, nhà khoa học tham dự Hội thảo đối với chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành Trung ương. Các ý kiến sẽ được Ban biên soạn chương trình tiếp thu, nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung để chương trình sớm ban hành trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Lê Huyền, Xuân Phú