Đổi mới phương thức làm việc của cơ quan, tổ chức trong môi trường quốc tế

(Quanlynhanuoc.vn)Hội nhập quốc tế là xu hướng khách quan đặt ra yêu cầu các nhà quản lý trong việc tạo dựng các điều kiện, quy trình, phương thức làm việc phù hợp với các chuẩn mực quốc tế để cùng hợp tác và phát triển. Bài viết đề cập đến một số khía cạnh mà các cơ quan, tổ chức đang đối mặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và quá trình chuyển đổi phương thức làm việc: tính pháp lý, tính thống nhất, việc áp dụng phương tiện hiện đại, kết nối tài nguyên thông tin, xử lý thông tin đa chiều cũng như phương thức đối thoại, tính thỏa thuận, dân chủ, chủ động, linh hoạt ứng phó với rủi ro và chú trọng xây dựng văn hóa truyền thông.

 

Đồ họa: Thanh Hải

Môi trường quốc tế là tổng thể các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh – quốc phòng…, đại diện cho quan hệ lợi ích trên các lĩnh vực then chốt, đan xen, tương tác, ràng buộc lẫn nhau giữa các nước và các tổ chức quốc tế; là không gian mà từng chủ thể (quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân…) thể hiện quá trình hội nhập quốc tế cũng như khẳng định vị thế, năng lực cạnh tranh, bản sắc của mình trước thế giới, trước định chế quốc tế, trước đối tác. Trong quá trình hội nhập quốc tế, mỗi nước thực hiện mục tiêu phát triển quốc gia, dân tộc thông qua việc tự giác, chủ động hợp tác, liên kết sâu rộng với các quốc gia khác trên nhiều lĩnh vực, dựa trên sự chia sẻ về nhận thức, lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực và chủ động chấp nhận; tuân thủ, tham gia xây dựng các luật chơi chung, chuẩn mực chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế.

Phân tích ở góc độ pháp lý và thực tiễn cho thấy, ở Việt Nam, thời gian qua Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính quyền đã hết sức nỗ lực xây dựng điều kiện, phương thức làm việc phù hợp yêu cầu của môi trường quốc tế. Tuy vậy, một số nơi vẫn tồn tại các biểu hiện chưa bảo đảm chuẩn mực phương thức làm việc trong môi trường quốc tế; việc thực hiện còn nhiều thiếu sót so với quy định hiện hành. Do vậy, đổi mới phương thức làm việc của cơ quan, tổ chức trong môi trường quốc tế là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng quy trình nghiệp vụ hành chính chuyên nghiệp linh hoạt, năng động nhằm ứng phó rủi ro

Về bảo đảm thực hiện quy trình nghiệp vụ hành chính, những yêu cầu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, thực hiện nhà nước pháp quyền trong quá trình hội nhập lại càng cần được khẳng định, đề cao. Việc xây dựng và điều chỉnh chính sách, ban hành văn bản hành chính cũng dần được thực hiện theo quy định, thể hiện tinh thần dân chủ cũng như cách thức ứng phó với những thay đổi trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa nhằm tránh rủi ro.

Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 bùng phát từ hồi đầu năm 2020, việc xuất khẩu và dự trữ gạo của Việt Nam đặt ra bài toán cân bằng giữa xuất khẩu theo kế hoạch để phát triển kinh tế với việc bảo đảm an ninh lương thực. Bộ Công thương đã tham mưu cho Chính phủ về việc cấp quota xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, Chính phủ luôn kịp thời lắng nghe các phản ứng từ thị trường, từ doanh nghiệp trong điều chỉnh chính sách. Nhận thấy việc cấp quota có thể gây ra sự bất bình đẳng, thiếu minh bạch trong xuất khẩu gạo, Chính phủ đã nghiên cứu tiếp thu ý kiến các đại diện doanh nghiệp, nghiên cứu năng lực và yêu cầu thực tiễn trong dự trữ quốc gia và nhanh chóng điều chỉnh chính sách, gỡ bỏ quota. Điều này, cho thấy phản ứng hết sức linh hoạt của Chính phủ trong thực hiện những chính sách ở tầm quốc gia và kết quả là năm 2020 khép lại với việc thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống Covid -19 vừa phát triển kinh tế.

Một bước tiến bộ nữa là việc xử lý tình huống phát sinh trong hành chính đã  kịp thời, linh hoạt, thể hiện phong cách văn hóa công vụ. Khi những văn bản ban hành nhận được phản ứng trái chiều trong dư luận, các cơ quan nhà nước đã kịp thời tiếp thu, yêu cầu rà soát, thậm chí thu hồi văn bản đã ban hành. Đơn cử, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh ký văn bản thu hồi và xin lỗi các cơ quan báo chí về việc đã ban hành Công văn số 228/STTTT-TTBCXBngày 06/02/2018 gửi Báo Đà Nẵng, Báo Công an Đà Nẵng, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng cùng các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn Thành phố về việc cung cấp bản thảo trước khi in ấn báo, các ấn phẩm báo chí1.

Tham khảo ý kiến của người dân về chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu , tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: https://www.bqllang.gov.vn).

Những nội dung nêu trên thể hiện quyết tâm bước đầu của Chính phủ và chính quyền địa phương trong chỉ đạo quyết liệt xử lý các vấn đề cản trở năng lực cạnh tranh quốc gia. Để năng lực quản trị nhà nước thực sự được nâng cao, cải thiện được chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia, cần tiếp tục nâng cao năng lực ra quyết định của Chính phủ, năng lực xử lý thông tin của đội ngũ tham mưu, gắn với trách nhiệm, hoàn thiện cơ chế chỉ đạo linh hoạt, có thể kiểm soát và đo lường kịp thời.

Xây dựng quy định pháp lý thống nhất, tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế

Việc xây dựng quy định pháp lý thống nhất, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế là yêu cầu mang tính cơ sở, nền tảng trong xây dựng phương thức làm việc trong môi trường quốc tế. Trong đó, bảo đảm môi trường quốc tế trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nội dung cốt lõi về xây dựng nền hành chính đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Việc chuẩn hóa đội ngũ, xây dựng tiêu chuẩn điều kiện năng lực đội ngũ công chức, viên chức thời gian qua được cải tiến tích cực, theo đúng lộ trình đổi mới.

Đặc biệt gần đây, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo để Bộ Nội vụ rà soát, bãi bỏ các quy định bất hợp lý về chứng chỉ trình độ tin học, ngoại ngữ và thay bằng việc đánh giá kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn cần cân nhắc đánh giá những khác biệt về tiêu chuẩn nguồn nhân lực chất lượng cao giữa Việt Nam và quốc tế. Chẳng hạn, về trường hợp một số nhà khoa học có nhiều thành tựu từ các nước tiên tiến, như: GS. Trương Nguyện Thành, một giáo sư có uy tín, có nhiều cống hiến, nhiều thành tích nghiên cứu ở Mỹ nhưng lại không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen do thiếu một số tiêu chuẩn chuyên môn quản lý cho vị trí quản lý giáo dục đại học cấp cao2.

Do vậy, việc nên làm hiện nay là bên cạnh việc tiếp tục rà soát các tiêu chuẩn bảo đảm trình độ tương đương chuẩn quốc tế thì nên xây dựng phương án đánh giá phù hợp với đặc thù điều kiện, yêu cầu về đội ngũ quản lý chuyên môn ở Việt Nam, bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ và xây dựng điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế. Kiên quyết dẹp bỏ những đặc quyền đặc lợi đối với cán bộ, công chức và người nhà của họ cũng là một nội dung quan trọng cho thấy sự chuyên nghiệp, đúng nguyên tắc, đúng luật pháp trong cách làm việc của công chức, trong cách vận hành của bộ máy chính quyền, tạo sự tin tưởng cho công dân, tổ chức trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm, tin tưởng khi họ tham gia vào hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Những vụ việc, như: lực lượng công an vào cuộc kiểm tra, xử lý những xe dán biển công vụ; việc lắng nghe dư luận trong việc dùng xe công đưa đón người nhà cán bộ… là một minh chứng cho thấy sự chuyển mình tích cực trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, phối hợp hành động, thực hiện công ước, điều ước quốc tế kết hợp với an ninh thông tin

Những hoạt động chia sẻ thông tin, phối hợp hành động được quy định rõ trong các hiệp ước, điều ước quốc tế vừa là cơ hội để Việt Nam tiếp cận sử dụng nguồn lực toàn cầu, khẳng định uy tín, vị thế, trách nhiệm của mình vừa là những thách thức không nhỏ trong tiến trình chuyên nghiệp hóa nền hành chính. Những nội dung chuẩn hóa trong công tác thu thập thông tin, lập hồ sơ, ra quyết định hành chính dần được hoàn thiện cùng với việc ban hành Luật số 63 /2020/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trong đó, quyền lực ban hành quy định chính sách, thủ tục tập trung vào cấp cao nhất là Quốc hội, Chính phủ; hạn chế việc ban hành các quy định kiểu giấy phép con trong thông tư của các bộ, thay vào đó là các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ. Các nội dung lập và quản lý hồ sơ, hồ sơ điện tử cũng được quy định thống nhất tập trung trong các phụ lục của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP, cùng với đó là việc triển khai quyết liệt các nội dung quy định trách nhiệm, đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức thông qua công tác lập hồ sơ hành chính được quy định rõ trong Luật Cán bộ công chứcLuật Viên chức.

Xây dựng phương thức đối thoại, mang tính thỏa thuận

Tổ chức công trong môi trường quốc tế chú trọng xây dựng phương thức đối thoại linh hoạt, mang tính thỏa thuận, hướng tới dân chủ, trong giải quyết tranh chấp, những vấn đề phát sinh tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển. Nắm vững hiểu biết về luật pháp, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Thời gian qua, một số lái xe của các hãng taxi truyền thống dán decal phản đối hoạt động của Uber, Grab; dán biểu ngữ phản đối quyết định của Bộ Giao thông vận tải về đồng ý thí điểm taxi công nghệ3… là biểu hiện có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Để cạnh tranh thì taxi truyền thống cần phải có những cải tiến về công nghệ phù hợp với nhu cầu sử dụng của đông đảo người dân. Trong trường hợp này, việc đấu tranh chống bất bình đẳng trong kinh doanh cần thực hiện theo quy định  khiếu nại phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tổ chức địa điểm, cơ sở vật chất, mô hình làm việc mang tính tích hợp

Một trong những năng lực quan trọng của chính quyền trong xây dựng môi trường làm việc phù hợp với yêu cầu hội nhập là độ cởi mở, học hỏi những mô hình tốt, hiệu quả  của nền hành chính các nước trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng trung tâm hành chính hiện đại để đáp ứng yêu cầu của dân chúng trong cung ứng dịch vụ công. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn có trung tâm hành chính còn lúng túng trong triển khai thực hiện, mô hình hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Việc củng cố, thay đổi phương thức hoạt động của các trung tâm hành chính hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn này là cần thiết.

Kinh nghiệm quốc tế từ trung tâm hành chính công của Malaixia rất đáng để học tập. Các toà nhà đảm nhận mô hình 1 cửa là để tạo lợi ích cho công chúng, nên ngay từ vị trí đặt trung tâm cũng phải thuận lợi cho công chúng đến giao dịch. UTC (Urban transformation Centrer – Trung tâm chuyển đổi đô thị – nơi phụ trách cung cấp “dịch vụ 1 cửa” của Malaysia) thậm chí còn là trung tâm cung cấp dịch vụ công cả về y tế, vệ sinh, tư vấn pháp luật. UTC đã trở thành 1 thương hiệu để người dân tìm thấy các dịch vụ họ cần tại đó. Ở nơi đây, không chỉ là thủ tục hành chính, mà các nhu cầu của cộng đồng liên quan tới cuộc sống của họ: từ giao dịch với Nhà nước tới vui chơi, nâng cao sức khỏe, giao dịch với nhau, tìm kiếm cơ hội việc làm, giáo dục đào tạo, mua sắm… từ sinh hoạt cộng đồng tới họp hành nghiêm túc… miễn là nó phản ánh nhu cầu mà cộng đồng mong muốn tiến hành. Việc đẩy mạnh xã hội hóa trong tổ chức địa điểm trung tâm dịch vụ công cũng là sáng kiến hay giúp tháo gỡ khó khăn trong quá trình đổi mới cải cách.

 Xây dựng hình ảnh truyền thông trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, vị thế quốc tế

Thời gian vừa qua, nhiều ấn phẩm văn hóa nhập khẩu hoặc phát hành trong nước có những sai sót có thể gây hiểu lầm về chủ quyền, an ninh quốc gia bị phát hiện và các cơ quan quản lý văn hóa đã có những động thái phù hợp. Trường hợp phát hành và trình chiếu phim Điệp vụ biển Đỏ của Trung quốc trong lãnh thổ Việt Nam mà trong đó có nhiều hình ảnh, phát ngôn nhạy cảm có thể gây tạo mối liên tưởng đến vấn đề an ninh quốc gia ở Biển Đông. Một số vụ việc khác cũng bị báo chí kịp thời phản ánh, như sách tham khảo của bậc phổ thông có hình vẽ minh họa cờ Trung Quốc.

Việc một số cơ quan ngôn luận của Nhà nước để xảy ra những sai sót nghiêm trọng trong các ấn phẩm truyền thông đã bị quần chúng phát hiện và bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt4 cho thấy, mức độ phức tạp của hoạt động truyền thông trong thời kỳ cải cách, khi mà các cơ quan truyền thông vừa phải bảo đảm tăng cường tự chủ về kinh tế, tăng cường chất lượng chuyên môn, tăng tính hấp dẫn về nội dung lại vừa phải bảo đảm nguyên tắc giữ gìn hình ảnh, uy tín của quốc gia, của thể chế nhà nước.

Những nội dung thông tin ngôn luận thiếu kiểm soát chặt chẽ, cẩu thả, nhầm lẫn có thể gây tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình ảnh bộ máy chính quyền, đến tiến độ xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, chuẩn mực trong môi trường quốc tế. Những sai phạm trong truyền thông bị xử lý nghiêm khắc cũng cho thấy quyết tâm của cơ quan nhà nước trong việc canh gác chủ quyền quốc gia, xây dựng vị thế quốc tế ngay ở lĩnh vực văn hóa. Về phía các cơ quan báo chí, người viết bài, tổng biên tập, thư ký tòa soạn của báo cần xác định trách nhiệm, nắm chắc các chức danh trong hệ thống chính trị, các thông tin, hình ảnh thời sự theo quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Hoạt động của tổ chức trong môi trường quốc tế cần hết sức chú trọng đến các hoạt động xây dựng hình ảnh, uy tín, quan hệ công chúng của cơ quan tổ chức đúng với quy định và nguyên tắc, bảo đảm khẳng định tính chuyên nghiệp, tôn trọng các đối tác, tôn trọng lợi ích cộng đồng, quảng bá hình ảnh, tính nhân văn của quốc gia, dân tộc, chế độ; tránh bị xuyên tạc, hiểu lầm. Cùng với đó là nỗ lực hoàn thiện quy trình làm việc, áp dụng hiệu quả phương thức, cách thức làm việc hiện đại, mang tính tích hợp cao.

Chú thích:
1. Sở Thông tin- Truyền thông Đà Nẵng xin lỗi vì yêu cầu kiểm duyệt báo chí. https://hanoimoi.com.vn, ngày 08/02/2018.
2. GS. Trương Nguyện Thành không đủ chuẩn Việt Nam làm hiệu trưởng: Đại học thiếu tự chủ, cơ quan quản lý ngại trách nhiệm. https://thanhnien.vn, ngày 08/5/2018.
3. Hà Nội yêu cầu gỡ các biểu ngữ trên taxi. https://anninhthudo.vn, ngày 10/10/2017.
4. Xử phạt hành chính 5 cơ quan báo chí đưa tin sai, không đúng tôn chỉ https://congnghe.tuoitre.vn, ngày 08/9/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).
2. Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Vũ Ngọc Anh, Nguyễn Thị Minh Hà (đồng chủ biên). Chính phủ mở, Chính phủ điện tử và quản trị nhà nước hiện đại. H. NXB Hồng Đức, 2018.
3. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 17/3/2020.
 TS. Lê Ngọc Hồng – Học viện Hành chính Quốc gia
ThS. Tạ Tường Vi – Đại học Lao động – xã hội