Góp ý sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 và tổng kết kinh nghiệm 12 năm đào tạo quản lý nhà nước chuyên ngành Thanh tra tại Học viện

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 15/10, tại Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở đã tổ chức Tọa đàm khoa học theo hình thức trực tuyến với chủ đề: Góp ý sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 và tổng kết kinh nghiệm 12 năm đào tạo quản lý nhà nước chuyên ngành Thanh tra”. PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có: TS. Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ; TS. Trần Tuấn Khanh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra; PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ; TS. Lê Tiến Hào – nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia (viết tắt là Học viện), có: TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; các Phó Giám đốc: PGS.TS. Lương Thanh Cường, TS. Nguyễn Đăng Quế; lãnh đạo các khoa, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài Học viện; các học viên đang theo học tại Học viện.

PGS.TS. Lương Thanh Cường phát biểu chỉ đạo Tọa đàm.

Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện cho rằng, thanh tra là chủ đề quan trọng gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, nằm trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030, vì vậy, phải đặt nội dung Luật Thanh tra trong kiểm soát quyền lực và xã hội số. Bên cạnh đó, Toạ đàm cũng là cơ hội để nhìn nhận lại quá trình đào tạo chuyên ngành thanh tra của Học viện nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy của Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở (NNPL và LLCS).

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh phát biểu đề dẫn Tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh cho biết, Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa NNPL và LLCS (1981-2021). Việc tham gia góp ý sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 sẽ là những luận cứ, cơ sở khoa học cho các nhà lập pháp hoàn thiện pháp luật thanh tra và giúp giảng viên nâng cao chất lượng giảng dạy. Đồng thời, qua 12 năm đào tạo chuyên ngành Thanh tra do Khoa NNPL và LLCS đảm nhận, việc tổng hợp kinh nghiệm đào tạo sẽ tìm ra những bất cập, hạn chế nhằm xây dựng Chiến lược phát triển của Khoa ở những năm tiếp theo trong bối cảnh Bộ Nội vụ đang triển khai xây dựng đề án sáp nhập trường Đại học Nội vụ vào Học viện.

TS. Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trình bày tham luận tại Tọa đàm.

TS. Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ trong tham luận tại Tọa đàm với chủ đề “Hạn chếbất cập của Luật Thanh tra 2010 và định hướng sửa đổi” đề cập một số hạn chế như: chưa phù hợp với đặc điểm, yêu cầu quản lý của bộ, ngành, địa phương; phạm vi thanh tra giữa các cơ quan chưa rõ ràng; hình thức, thời hạn thanh tra chưa phù hợp; thiếu cơ sở pháp lý thực hiện giám sát hoạt động thanh tra; thực hiện kết luận thanh tra còn nhiều bất cập. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi một số nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức hoạt động thanh tra; chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; hoạt động thanh tra; xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra…

TS. Lê Tiến Hào – nguyên Phó Tổng thanh tra Chính phủ trình bày tham luận “Địa vị pháp lý, tính độc lập của cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước”.

Tiếp cận từ địa vị pháp lý, tính độc lập của cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ quan thanh tra là vấn đề được quan tâm trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, tham luận của TS. Lê Tiến Hào – nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề xuất bổ sung các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm hướng dẫn của cơ quan thanh tra; phạm vi, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan thanh tra; cơ chế bảo đảm thực hiện quyền; cơ chế kiểm soát quyền lực và một số nghiệp vụ điều tra trong hoạt động thanh tra.

TS. Nguyễn Tuấn Khanh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ trình bày tham luận.

TS. Nguyễn Tuấn Khanh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ tiếp cận dưới góc độ QLNN đối với hoạt động thanh tra. Theo đó, cơ quan thanh tra là thiết chế không thể thiếu để thực hiện chức năng QLNN. Tăng cường QLNN đòi hỏi phải tăng cường hoạt động thanh tra nhằm bảo đảm tính độc lập, chủ động và kịp thời. Vì vậy, cần tiếp tục xác định rõ địa vị pháp lý của các cơ quan thanh tra trong bộ máy hành chính nhà nước để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của QLNN.

Tham luận “Bảo đảm tính độc lập của cơ quan thanh tra ở một số quốc gia và kinh nghiệm đối với Việt Nam” của TS. Đinh Lương Minh Anh – Khoa Pháp luật hành chính, Đại học Nội vụ đã giới thiệu kinh nghiệm thực hiện tính độc lập của cơ quan thanh tra các quốc gia, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Cộng hoà Pháp. Từ kinh nghiệm của các quốc gia này cho thấy, tính độc lập là nguyên tắc quan trọng trong tổ chức hoạt động của các cơ quan thanh tra nhằm bảo đảm tính hiệu quả, sự nghiêm minh của nhà nước pháp quyền. Đồng thời, cũng gợi mở cho Việt Nam một số nội dung về tính độc lập để hoạt động thanh tra được thực hiện trên cơ sở độc lập, khách quan và công bằng.

PGS.TS. Lê Thị Hương – Khoa NNPL và LLCS đánh giá tổng kết 12 năm đào tạo QLNN chuyên ngành thanh tra.

PGS.TS. Lê Thị Hương – Khoa NNPL và LLCS phát biểu tại Tọa đàm dưới góc độ đánh giá, tổng kết qua 12 năm đào tạo QLNN chuyên ngành Thanh tra của Học viện cho biết, kể từ năm 2009 đến nay, Khoa NNPL và LLCS đã đào tạo được 10 khoá sinh viên ở cả hai cơ sở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với tổng số hơn 1.000 sinh viên đã tốt nghiệp. Đây là chặng đường đầy tâm huyết và trách nhiệm của tập thể cán bộ, giảng viên Khoa cũng như sự cố gắng của các sinh viên. Chuyên ngành Thanh tra với mục tiêu cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về hành chính học, kiến thức chuyên sâu về thanh tra, kỹ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chuyên viên trong lĩnh vực thanh tra đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thanh tra trong bối cảnh mới.

Cũng từ quá trình đào tạo chuyên ngành thanh tra, TS. Lê Thị Hoa với tham luận “Giảng dạy bằng phương pháp tình huống trong đào tạo cử nhân chuyên ngành thanh tra” cho rằng, để giảng dạy kiến thức chuyên ngành thanh tra hiệu quả cần quan tâm đến phương pháp truyền đạt đến sinh viên, trong đó, tham luận nhấn mạnh đến phương pháp sử dụng tình huống nhằm giúp sinh viên có thể hiểu thấu cơ sở lý luận để áp dụng vào hoạt động thực tiễn, tạo sự chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập.

Các đại biểu đã dành thời gian để trao đổi những nội dung liên quan đến chủ đề Tọa đàm gồm, học viên Nguyễn Thanh Phong – Phó Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa góp ý về chương trình đào tạo chuyên ngành thanh tra và góp ý sửa đổi Luật Thanh tra; TS. Vũ Thị Thu Hằng – Khoa Pháp luật – Hành chính, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trao đổi về chương trình đào tạo thanh tra của Đại học Nội vụ; TS. Bùi Thị Thanh Thuý – Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở luận bàn về những bất cập trong tổ chức bộ máy, nhân sự thanh tra; TS. Phạm Văn Phong – Phó Trưởng phòng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật trao đổi các nội dung đào tạo chuyên ngành thanh tra và nghiệp vụ công tác thanh tra.

Đại biểu dự hội thảo tại các điểm cầu trực tuyến.

Tổng kết Tọa đàm, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã có tham luận rất giá trị cả về lý luận cũng như thực tiễn luận bàn sâu sắc về thẩm quyền, về cơ chế hoạt động của cơ quan thanh tra cũng như các ý kiến chia sẻ tâm huyết của các nhà khoa học, giảng viên về đào tạo chuyên ngành thanh tra. Các ý kiến sẽ là căn cứ khoa học để Khoa tổng hợp, hoàn thiện bản báo cáo góp ý sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 trong thời gian sớm nhất.

Tin, ảnh: Lê Huyền, Xuân Phú