Hội thảo khoa học: “Mô hình và tổ chức hoạt động của Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045”

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 19/10, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “Mô hình và tổ chức hoạt động của Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Tham dự Hội thảo, có: TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia (sau đây viết tắt là Học viện); các Phó Giám đốc: TS. Nguyễn Đăng Quế chủ trì Hội thảo; PGS.TS. Lương Thanh Cường; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị, phân viện thuộc và trực thuộc Học viện; các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế cho biết, Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ đề tài khoa học trọng điểm cấp cơ sở năm 2021: “Nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045” nhằm đánh giá về những ưu điểm và hạn chế cần hoàn thiện trong mô hình tổ chức của Học viện; nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nước và trên thế giới, đề xuất những định hướng đổi mới về mô hình tổ chức và hoạt động để Học viện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức, viên chức.

TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện cho rằng, trong giai đoạn thực hiện sáp nhập Trường Đại học Nội vụ vào Học viện để mở rộng quy mô, tăng cường nguồn lực cho hoạt động ĐTBD, mô hình tổ chức và hoạt động của Học viện đang có nhiều sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ. Đây là cơ hội để Học viện phát triển, lớn mạnh, phù hợp với quy định của pháp luật, vì vậy, sự thay đổi về cơ cấu tổ chức phải bám sát và kế thừa những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trước đó; đồng thời, mô hình tổ chức mới phải đáp ứng được 4 trụ cột cơ bản, gồm: đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ công. Thông qua đó, đề xuất những định hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Học viện trong thời gian tới.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hải Yến, thay mặt Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở cho rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là bộ phận quan trọng trong nền hành chính nhà nước, có ý nghĩa quyết định đến thành công của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và công cuộc cải cách hành chính nhà nước. Do vậy, để đội ngũ này phát triển cần xác định rõ một số yêu cầu, gồm: xác định rõ vị trí, vai trò của cơ sở ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức; yêu cầu cải cách hành chính nhà nước và yêu cầu bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.

Tham luận “Mô hình tổ chức của các cơ sở ĐTBD công chức trên thế giới và giá trị tham khảo trong đổi mới mô hình tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia” của TS. Phạm Thị Quỳnh Hoa – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế đã lựa chọn phân tích mô hình công vụ khác nhau của 7 quốc gia, gồm: Niu-di-lân, Cộng hoà Pháp, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Xinh-ga-po, Cộng hoà Liên Bang Nga và Trung Quốc. Kinh nghiệm của các quốc gia này đã đưa ra cách nhìn tổng thể về chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức; chương trình ĐTBD, trên cơ sở đó, rút ra một số giá trị tham khảo đối với Học viện trong đổi mới mô hình tổ chức cơ sở ĐTBD công chức, viên chức.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính trình bày tham luận.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính với tham luận “Các mô hình tổ chức hệ thống ĐTBD công chức ở các nước trên thế giới và giá trị tham khảo cho Học viện Hành chính Quốc gia” cho rằng, xây dựng hệ thống tổ chức các cơ sở ĐTBD công chức là vấn đề then chốt trong bối cảnh cải cách toàn diện nền hành chính nhà nước. Tham luận tập trung nghiên cứu mô hình tổ chức hệ thống ĐTBD công chức ở các nước trên thế giới, gồm: mô hình Ănglo – Xắc xông; mô hình của Pháp; mô hình Bắc Mỹ, châu Úc; mô hình ở các nước xã hội chủ nghĩa trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, từ đó, rút ra một số giá trị tham khảo đối với Học viện trong giai đoạn hiện nay.

ThS. Nguyễn Văn Thanh – Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, Phân viện Học viện tại TP.Hồ Chí Minh trình bày tham luận.

Tiếp cận từ vai trò lực lượng nòng cốt của đội ngũ nhân sự trẻ trong hoạt động của tổ chức, ThS. Nguyễn Văn Thanh – Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng đội ngũ nhân sự trẻ trong mỗi tổ chức cần được quan tâm và thực hiện theo một chiến lược nhất định. Trên cơ sở thực trạng đội ngũ viên chức, lao động trẻ tại Phân viện hiện nay, tham luận đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển đội ngũ viên chức, lao động trẻ tại Phân viện, hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ, bền vững của Học viện trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045.

Các đại biểu đã dành thời gian để trao đổi những nội dung liên quan đến chủ đề Hội thảo, như: TS. Nguyễn Minh Sản, ThS. Lê Văn Khải – Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính góp ý về việc triển khai đề án sáp nhập Đại học Nội vụ; nâng cao năng lực ĐTBD và phối hợp chương trình đào tạo…; PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Chánh Văn phòng Học viện góp ý về quy chế mở trong các văn bản pháp luật quy định về cơ cấu tổ chức…

Tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã trực tiếp tham luận, gửi tham luận rất giá trị cả về lý luận cũng như thực tiễn về mô hình tổ chức và hoạt động của Học viện trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045. Các ý kiến đóng góp tâm huyết sẽ là căn cứ để các thành viên tham gia nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung đề tài khoa học, đồng thời xây dựng định hướng phát triển của Học viện trong tương lai.

Tin, ảnh: Lê Huyền, Xuân Phú