Sáng kiến cải cách hành chính ở tỉnh Bình Dương

(Quanlynhanuoc.vn) – Sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, công tác cải cách hành chính của tỉnh Bình Dương đã có bước chuyển biến tích cực, quan trọng, có nhiều điểm sáng, những kết quả đạt được là cơ bản và rõ nét trên tất cả các nội dung. Từ thực tiễn, tỉnh chú trọng khuyến khích các cơ quan, đơn vị đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến mới có tính ứng dụng cao nhằm góp phần khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương. Ảnh: binhduong.gov.vn

Những thành quả trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Bình Dương đạt được, là một quá trình của sự tìm tòi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sự phấn đấu nỗ lực với nhiều sáng kiến mới, cách làm hay huy động được sự chung sức, đồng lòng của chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả đó đã tác động tích cực vào hoạt động quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước các cấp, góp phần vào sự ổn định, tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội; môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều tiến bộ, thu hút được nhiều dự án đầu tư mới, nhất là đầu tự trực tiếp FDI; tạo được khí thế phấn khởi và nhận được sự tin tưởng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào Chính quyền.

Những mô hình, sáng kiến hay trong cải cách hành chính ở tỉnh Bình Dương

Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã triển khai một số mô hình, cách làm hay mang lại hiệu quả tốt, được người dân, tổ chức doanh nghiệp đồng thuận, hài lòng và đánh giá cao, như: Mô hình “Chính quyền thân thiện của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và “Công sở thân thiện vì Nhân dân phục vụ”. Mô hình thanh niên tình nguyện, hướng dẫn người dân, tổ chức trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm hành chính công của tỉnh. Thí điểm tiếp nhận hồ sơ tại nhà, tại doanh nghiệp đối với một số thủ tục hành chính thông qua dịch vụ Bưu chính công ích (BBCI).

Thời điểm trước khi có Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg, ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ BCCI, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Văn bản số 1602/UBND-VX ngày 26/5/2014 chấp thuận cho phép Bưu điện tỉnh thực hiện thí điểm việc nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh; chỉ riêng trong năm 2014, toàn tỉnh đã chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua BCCI là 80.169 hồ sơ các loại; ngày 10/12/2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 3253/QĐ-UBND phê duyệt phương án triển khai dịch vụ tiếp nhận, chuyển phát nhanh kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp đến địa chỉ theo yêu cầu giai đoạn 2015-2020; kết quả là, năm 2015, Bưu điện tỉnh tiếp nhận, chuyển trả 165.629 hồ sơ và 2016 là 451.250 hồ sơ.

Sau khi có Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-UBND ngày 13/3/2017 về việc thành lập Tổ triển khai Quyết định 45/2016/QĐ-TTg; Quyết định số 1593/QĐ-UBND ngày 20/6/2017 về việc ban hành kế hoạch triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện giai đoạn 2017-2020; Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3054/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 phê duyệt Đề án “Cho phép Bưu điện tỉnh bố trí nhân sự tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa của UBND cấp xã để thực hiện thí điểm trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một”, sau thời gian thí điểm thành công, cuối năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục cho chủ trương xây dựng Đề án bố trí nhân viên Bưu điện tại Bộ phận một cửa các cấp để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC và nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, các cấp đã phối hợp triển khai tiếp nhận TTHC tại 70 điểm Bưu cục trên toàn tỉnh và chuyển trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà cho người dân.

Thực hiện thí điểm liên thông thủ tục hành chính cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cấp chứng chỉ hành nghề dược; cấp phiếu lý lịch tư pháp. Triển khai đổi, trả Giấy phép lái xe tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp xã và Bưu cục cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đề án thí điểm thành lập Hệ thống đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020. Đề án thành lập Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại các văn bản như: Quyết định số 08/QĐ-TTgngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã triển khai một số giải pháp trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, như: tăng cường kiểm soát quá trình giải quyết thủ tục hành chính; ban hành Quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC (Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 05/02/2018); rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với thời hạn pháp luật quy định; mô hình Hướng dẫn TTHC và điền các mẫu cho người già, người không biết chữ; mô hình TTHC và điền các mẫu cho người già, người không biết chữ; mô hình đăng ký khai tử, đăng ký lại khai sinh tại nhà; thực hiện “4 tại chỗ” (tiếp nhận, chuyển xử lý, giải quyết hồ sơ và trả kết quả)….

Một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai

Việc triển khai thực hiện các mô hình, sáng kiến hay trong cải cách hành chính ở tỉnh Bình Dương vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau:

Một là, việc nghiên cứu, hoàn thiện, nhân rộng các mô hình, sáng kiến chưa kịp thời. Quy trình thẩm định, đề xuất phương án áp dụng, nhân rộng các mô hình, sáng kiến mới để áp dụng trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh chưa cụ thể nên một số sáng kiến khó khăn trong việc triển khai.

Hai là, các sáng kiến cần được nghiên cứu kĩ lưỡng và có sự vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, từng đơn vị trong Tỉnh. Do đó, mức độ áp dụng cũng bị hạn chế.

Ba là, hoạt động tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ BCCI đã được tỉnh triển khai từ rất sớm, hầu hết các thủ tục hành chính đều được tiếp nhận và trả kết quả thông qua hơn 70 điểm Bưu cục và các nhân viên Bưu điện được bố trí tại Bộ phận một cửa các cấp, tuy nhiên số lượng người dân lựa chọn sử dụng dịch vụ BCCI còn thấp so với tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đã tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, nhất là chiều tiếp nhận hồ sơ; nguyên nhân, tâm lý người dân vẫn còn e ngại, chỉ muốn trực tiếp đến “Bộ phận một cửa” để nộp và nhận kết quả, đặc biệt là những hồ sơ mang tính chất quan trọng, phức tạp (đất đai, xây dựng,…) thay vì nộp trực tuyến hoặc qua BCCI; ngoài ra, một số TTHC có thời gian giải quyết trong ngày nên người dân muốn nhận kết quả tại chỗ thay vì qua ngày hôm sau mới nhận kết quả qua BCCI.

Bốn là, trang thiết bị công nghệ thông tin, cơ sở vật chất tại Bộ phận một cửa ở một số địa phương cấp xã dù được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp xu hướng phát triển và yêu cầu ngày càng cao của các địa phương; nguyên nhân chủ yếu là quá trình đô thị hoá nhanh, hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh ngày càng nhiều.

Một số giải pháp tiếp tục phát huy các sáng kiến cải cách hành chính

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, trong đó các sáng kiến cải cách hành chính. Gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại và là căn cứ để bình xét thi đua, khen thưởng của các cơ quan, đơn vị hằng năm.

Thứ hai, các cơ quan, đơn vị cần chủ động nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng những giải pháp đổi mới với những mục tiêu và giải pháp cụ thể để thực hiện CCHC, xem đây là khâu đột phá trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của mỗi cơ quan, đơn vị.; lấy sự hài lòng của tổ chức và công dân làm mục tiêu thực hiện.

Thứ ba, xác định lấy yếu tố “con người” là trung tâm của công tác CCHC, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc của người dân; tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp để Nhân dân, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp tích cực phối hợp, tham gia giám sát, phản biện các nội dung cải cách hành chính; tăng cường sự tham gia giám sát, hiến kế của người dân, trí thức trong và ngoài nước đối với hoạt động CCHC.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực đáp ứng tình hình mới, tích cực sáng tạo trong nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình, sáng kiến mới. Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác CCHC. Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn liên quan đến kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, văn hóa ứng xử nơi công sở nhằm nâng cao văn hóa công sở, cải thiện tinh thần thái độ của cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị trong công tác phục vụ Nhân dân..

Thứ tư, công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra công tác CCHC phải được tiến hành thường xuyên, đặc biệt đối với các sáng kiến mới, mô hình mới nhằm tạo chuyển biến thực sự và rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, năng lực quản lý, điều hành và chất lượng dịch vụ công.

Thứ năm, tăng cường đầu tư nguồn lực cho việc thực hiện các sáng kiến hay, mô hình tốt bằng nguồn ngân sách nhà nước cũng như kêu gọi xã hội hóa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cải cách hành chính, với nhiều nội dung phong phú, thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, phù hợp với từng đối tượng; qua đó, tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp về tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân. Đồng thời cũng kêu gọi sự tham gia của nhiều chủ thể trong việc tìm kiếm, đề xuất những sáng kiến hữu ích trong CCHC.

Những sáng kiến, giải pháp hay được đề xuất trong thực tiễn công tác CCHC tại Bình Dương đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, qua đó, tạo động lực thúc đẩy xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp, vững mạnh, từng bước hiện đại hơn nữa trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 160/BC-UBND ngày 29/6/2020 của UBND tỉnh Bình Dương về Báo cáo Tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, định hướng 2021-2030.
ThS. Ngô Thị Luyến
Học viện Hành chính Quốc gia