Tiêu chí đánh giá đạo đức công vụ – Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của cán bộ, công chức

(Quanlynhanuoc.vn) – Hoạt động của cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ tạo nên diện mạo phản ánh nội dung của nền công vụ. Đạo đức, tinh thần trách nhiệm của họ trong công vụ lại là nhân tố quyết định chất lượng hoạt động công vụ. Vì vậy, có thể nói đạo đức công vụ chính là một trong những nhân tố quyết định việc xây dựng thành công một nhà nước pháp quyền thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Vai trò của đạo đức công vụ trong việc xây dựng  nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đạo đức công vụ (ĐĐCV) được hiểu là đạo đức thực thi công vụ của cán bộ, công chức (CBCC); là những giá trị và chuẩn mực đạo đức được áp dụng cho một nhóm người trong xã hội – CBCC trong lĩnh vực hoạt động cụ thể là công vụ. ĐĐCV còn được hiểu là hệ thống các chuẩn mực quy định nhận thức và hành động được xem là tốt hay xấu, là nên làm hay không nên làm trong hoạt động công vụ của người CBCC nhằm xây dựng một nền công vụ trách nhiệm, chuyên nghiệp và trong sạch, tận tụy, công tâm.

ĐĐCV của người CBCC gắn liền với đạo đức xã hội, những chuẩn mực được xã hội coi là giá trị, nhưng đồng thời ĐĐCV là đạo đức nghề nghiệp đặc biệt – thực thi công vụ (TTCV) của CBCC, do đó ĐĐCV gắn chặt với quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm những điều CBCC không được làm, cách ứng xử của CBCC khi thi hành công vụ do pháp luật quy định. Vì vậy, đồng thời với những cố gắng để biến những quy định của pháp luật đối với CBCC thành những chuẩn mực ĐĐCV, nêu cao tính tự giác , trách nhiệm phục vụ Nhân dân của CBCC cần thể chế hóa những chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức thành những quy định pháp luật.

Ở nước ta, quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Sau gần 30 năm đổi mới, tới Hiến pháp năm 2013, nội dung xây dựng nhà nước pháp quyền được khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay là một tất yếu khách quan vì nó đáp ứng yêu cầu thực tiễn to lớn của đời sống là quản lý nền kinh tế thị trường như thế nào để phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, làm thế nào để đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng của người dân về tự do, công bằng, dân chủ…

Xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay dựa trên những quan điểm cơ bản: giữ vững bản chất của dân, do dân, vì dân của Nhà nước ta; Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm sớm có một hệ thống pháp luật hoàn thiện; cải cách bộ máy nhà nước theo hướng bảo đảm sự độc lập của các cơ quan tư pháp; giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của người dân và CBCC, từng bước hình thành nền văn hóa pháp lý tiến bộ, nhân văn…

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy những quan điểm đúng đắn này được nhận thức và thực thi bởi những con người cụ thể. Toàn bộ hoạt động của CBCC, viên chức khi thi hành nhiệm vụ tạo nên diện mạo phản ánh nội dung của nền công vụ. Đạo đức, tinh thần trách nhiệm của họ trong công vụ lại là nhân tố quyết định chất lượng hoạt động công vụ. Vì vậy, có thể nói ĐĐCV chính là một trong những nhân tố quyết định việc xây dựng thành công một nhà nước pháp quyền thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Công chức bộ phận “một cửa” Ủy ban nhân dân quận Long Biên, Hà Nội ân cần hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính (Ảnh: hanoimoi.com.vn).

Về nguyên tắc, ĐĐCV phải hướng tới những yêu cầu trong TTCV, đáp ứng mong đợi của người dân đối với công vụ nhà nước. Cụ thể, ĐĐCV cần đáp ứng các yêu cầu sau:

Thứ nhất, ĐĐCV phải bảo đảm sự tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Khi thực hiện công vụ nhà nước, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không thể vượt ra khỏi khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, không được vượt quá giới hạn thẩm quyền mà pháp luật đã quy định cho họ. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khi TTCV luôn phải tự xem xét, đánh giá, kiểm tra xem các hoạt động công vụ của mình đã thực hiện, đang thực hiện, sẽ thực hiện có phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hay không.

Thứ hai, CBCC khi TTCV phải thể hiện được ý chí Nhân dân, đáp ứng và phục vụ được các lợi ích của Nhân dân, Nhà nước. Cần nhấn mạnh nguyên tắc mà Hồ Chủ tịch đã nói: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”2. Sự thỏa mãn về quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xã hội là tiêu chí để đánh giá mức độ, tính chất phục vụ của hoạt động công vụ.

Thứ ba, ĐĐCV thể hiện ở sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình khi TTCV. Điều này, bảo đảm mối liên hệ chặt chẽ của các hoạt động công vụ với xã hội, với  công dân, tạo cơ sở cho xã hội, công dân có thể kiểm soát được các hoạt động công vụ, qua đó kiểm soát được quyền lực nhà nước có thực sự thuộc về Nhân dân hay không. CBCC nhà nước phải có trách nhiệm giải trình khi có các yêu cầu, kiến nghị của xã hội, công dân về một hoạt động công vụ nào đó. ĐĐCV thể hiện qua những hoạt động, hành vi cụ thể trong quá trình TTCV. Mỗi công chức trong nền công vụ đều phải tự xác định cho mình sự tôn trọng các quy tắc ứng xử mang tính đạo đức. Bởi vì, mục đích cuối cùng của nền công vụ là phục vụ Nhân dân, có trách nhiệm với Nhân dân.

Thứ tư, ĐĐCV thể hiện ở sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất và thông suốt trong nội bộ cũng như với các tổ chức khác trong bộ máy hành chính nhà nước. Bộ máy nhà nước hoạt động trên nguyên tắc hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả, bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ trong hệ thống. Để bảo đảm nguyên tắc này, công chức khi thi hành công vụ phải có ý thức phối hợp với nhau và với các bộ phận khác một cách nhịp nhàng, thống nhất, làm cho hoạt động công vụ được tiến hành thông suốt và có hiệu quả.

Thứ năm, ĐĐCV phải bảo đảm sự hài lòng của người dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính, đặc biệt là khi cung ứng các dịch vụ hành chính công cho người dân. Sự hài lòng của người dân là yêu cầu cao nhất đặt ra đối với Nhà nước. Tiêu chí để đo lường sự hài lòng của người dân không chỉ là kết quả hoạt động của bộ máy nhà nước, mà còn là thái độ của CBCC khi TTCV liên quan đến công việc của các tổ chức và công dân.

Thứ sáu, ĐĐCV thể hiện ở tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của CBCC. ĐĐCV phải thể hiện sự thống nhất như­ một chỉnh thể giữa “đức” và “tài”. Đối với CBCC nhất thiết phải có kiến thức về khoa học quản lý nhà nư­ớc; có năng lực điều hành và tổng kết thực tiễn; am hiểu chính sách và pháp luật, nghiệp vụ hành chính; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Đồng thời, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Để giúp công việc Chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có 4 đức tính là: cần, kiệm, liêm, chính. Cần, là anh em viên chức phải tận tâm làm việc, một ng­ười làm bằng hai, ba ngư­ời. Và phải tôn trọng kỷ luật…; kiệm, phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm đ­ược, cũng nh­ư các vật liệu, đồ dùng trong các sở… Có cần, có kiệm … mới trở nên liêm, chính để cho người ngoài kính nể được”3 . Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là những phẩm chất đạo đức cần có của công chức, những phẩm chất ấy được thể hiện thông qua những hành vi cụ thể trong hoạt động TTCV.

Xây dựng tiêu chí đánh giá đạo đức công vụ

 Trên thực tế, Nhà nước ta đã tiến hành nhiều biện pháp khác nhau nhằm hiện thực hóa các chuẩn mực ĐĐCV, hướng tới việc xây dựng một đội ngũ CBCC có phẩm chất và năng lực, đáp ứng được yêu cầu của đất nước, của xã hội trong thời kỳ mới. Nhờ đó, chúng ta đã tạo ra được một đội ngũ CBCC đông đảo, có trình độ chuyên môn nhất định, có phẩm chất đạo đức, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, về đạo đức của đội ngũ CBCC nói chung, ĐĐCV nói riêng ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần sớm được khắc phục. Đảng ta đánh giá: “… Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện…”4 .

Tình trạng trên cho thấy, những bất cập hiện nay trong việc thể chế hóa và thực hành các chuẩn mực ĐĐCV. Có thể thấy, hệ thống các quy định về ĐĐCV tại Việt Nam tuy đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, nhưng vẫn còn những hạn chế đáng kể, như: chưa bảo đảm tính đồng bộ thống nhất; vẫn còn những điểm bất cập, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật với thực tiễn; một số quy định pháp luật về ĐĐCV còn chung chung, chưa được cụ thể hóa để bảo đảm hiệu lực thực thi; việc xây dựng pháp luật về ĐĐCV còn thiếu quan tâm đến hình thành các cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát, cơ chế giải trình để bảo đảm tính khả thi… Những hạn chế nói trên là hệ quả nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có nội dung tiêu chí đánh giá ĐĐCV của chúng ta còn thiếu các nghiên cứu một cách cơ bản, có hệ thống cơ sở lý luận đánh giá ĐĐCV, quy trình xây dựng, công tác tổ chức soạn thảo tiêu chí đánh giá chưa được đầu tư thích đáng về thời gian, công sức và điều kiện tài chính; chưa thu hút được sự quan tâm đúng đắn của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học và chưa có sự khảo sát đầy đủ điều kiện thực tiễn…

Chính vì vậy, để phát triển, Đảng ta nhận định, cần: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước… có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài… Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với Nhân dân”5.  Hình thành ĐĐCV bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ CBCC phù hợp từ những tiêu chí đánh giá ĐĐCV chuẩn chỉ, mẫu mực (với tư cách là những tiêu chí chung để có được các tiêu chí riêng phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực). Cụ thể:

Một là, chấp hành pháp luật, quy chế làm việc trong thi hành công vụ là tiêu chí đầu tiên để đánh giá ĐĐCV, bởi công chức là những người thực hiện, áp dụng pháp luật để đưa ra các quyết định quản lý hành chính khác nhau. Vì vậy, có thể nói, chấp hành pháp luật là thước đo ĐĐCV, là tiêu chí hằng đầu và quan trọng nhất để đánh giá ĐĐCV.

Hai là, hiệu quả TTCV của CBCC. CBCC được Nhà nước trả lương từ ngân sách nhà nước, thực chất là từ tiền thuế của Nhân dân; do đó, hoạt động công vụ của họ phải mang lại hiệu quả nhất định nhằm góp phần tạo ra những giá trị xã hội, hoặc đáp ứng các yêu cầu hợp pháp của Nhân dân, cơ quan, tổ chức. Có thể nói, hiệu quả hoạt động công vụ cũng được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá đạo đức CBCC.

Ba là, quan hệ của CBCC với đồng nghiệp. Trong hoạt động công vụ hình thành nên những mối quan hệ giữa các công chức, từ đó hình thành tình cảm, thái độ của họ với nhau trong công vụ. Công chức có ĐĐCV tốt là người phải biết thiết lập quan hệ với đồng nghiệp,  phải biết chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác; họ không chỉ phải hoàn thành nghĩa vụ công vụ, mà còn phải biết giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành công vụ.

Bốn là, quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cấp dưới với cấp trên. Chỉ trong hoạt động công vụ mới hình thành quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới. Người lãnh đạo có ĐĐCV phải là người biết hướng dẫn cấp dưới trong công vụ, tạo mọi điều kiện để cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ, công vụ; phải biết nêu gương trong công vụ và trong sinh hoạt, tôn trọng ý kiến cấp dưới, biết nghe ý kiến đúng của cấp dưới, biết đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi hợp pháp, chính đáng của cấp dưới; quan tâm thường xuyên với tư cách, động cơ và lợi ích của cấp dưới.

Cấp dưới phải tôn trọng người lãnh đạo, trung thành với sự nghiệp, không ngừng phấn đấu vì sự nghiệp chung và chấp hành mọi quyết định của người lãnh đạo trong TTCV.

Năm là, quan hệ giữa CBCC với Nhân dân. Mục tiêu của hoạt động công vụ là phục vụ Nhà nước, xã hội và công dân; do đó, trong quá trình hoạt động công vụ, người CBCC phải tôn trọng Nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân, phải đặt mình vào vị trí của người dân để giải quyết các công việc của dân. Đồng thời, CBCC phải hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân với thái độ lịch sự và công bằng, đáng tin cậy; giải quyết công việc một cách đúng đắn, hiệu quả, không vụ lợi cá nhân, luôn liêm chính, quan tâm thiết thực đến đời sống Nhân dân, thật sự gần gũi Nhân dân, hiểu biết nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và khiêm tốn học hỏi Nhân dân; sẵn sàng nghe quần chúng phê bình, góp ý, thường xuyên tự phê bình, hòa mình vào quần chúng.

Tình hình thực tế ở Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay đang đặt ra những đòi hỏi cao hơn về ĐĐCV nhằm tăng cường tính trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả để thúc đẩy quá trình quản lý nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Rõ ràng, tăng cường ĐĐCV trong nhà nước pháp quyền Việt Nam đang trở thành một đòi hỏi bức thiết không chỉ của nền hành chính quốc gia, mà còn là nhu cầu của toàn xã hội. Xây dựng cho được bộ tiêu chí chung đánh giá ĐĐCV tiến tới có được các tiêu chí riêng phù hợp với tùng ngành, từng lĩnh vực sẽ là giải pháp căn cơ để nâng cao ĐĐCV ở nước ta.

Chú thích:
1. Khoản 1, Điều 2, Hiến pháp năm 2013.
2, 3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 152; 158-159.
4. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của ĐảngTập I. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr. 176-178.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của ĐảngTập I. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021.
3. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
4. Nghị định số 90/2020/NĐ-CP quy định nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức.
TS. Nguyễn Tiến Hiệp
Học viện Hành chính Quốc gia