Quản lý nhà nước về an ninh tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – An ninh tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội là một bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia. Thời gian qua, quản lý nhà nước về an ninh tôn giáo trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt trong tình hình thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đó thì hoạt động quản lý nhà nước về an ninh tôn giáo vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, cần có hệ thống giải pháp hoàn thiện vấn đề này để bảo đảm an ninh tôn giáo trên địa bàn Thủ đô góp phần ổn định tình hình an ninh quốc gia.
Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam năm 2019. Ảnh: lyluanchinhtri.vn
Kết quả quản lý nhà nước về an ninh tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội

Hà Nội là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là trung tâm chính trị; kinh tế; văn hóa – xã hội có diện tích 3.324,92 km2, với dân số theo kết quả điều tra dân số năm 2019 thì đến ngày 01/4/2019 có 8.053.663 người. Mật độ dân số là 2.398 người/km2. Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có 7 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân là: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Bahai’I, Minh Sư đạo và tồn tại một số hiện tượng tôn giáo khác hay còn gọi là đạo lạ (4 hiện tượng tôn giáo nội sinh là: Long hoa Di lặc, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Hoàn Thiên Long, Giáo hội Lạc Hồng; 4 hiện tượng tôn giáo mới ngoại sinh là: Pháp môn diệu âm, Thanh Hải vô thượng sư, Nhất quán đạo, Đức Chúa trời mẹ)1.

Thời gian qua, tình hình an ninh tôn giáo (ANTG) trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được giữ vững và ổn định, hoạt động của các tôn giáo dần dần đi vào nề nếp, sinh hoạt của các chức sắc, tín đồ tôn giáo tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tình hình an ninh ở các khu vực đồng bào có đạo nhìn chung ổn định; đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, phát huy xu thế “gắn bó, đồng hành cùng dân tộc”, tán thành và tham gia tích cực trong các phong trào cách mạng tại địa phương, hòa nhập vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong năm 2020, hoạt động tôn giáo trên địa bàn các quận, huyện, thị xã diễn ra bình thường, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chấp hành tốt chỉ thị của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố  Hà Nội và các văn bản của Ban Tôn giáo thành phố về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch Covid -192. Kết quả trên đã khẳng định hiệu lực, hiệu quả của QLNN về tôn giáo nói chung và ANTG nói riêng.

Quản lý nhà nước (QLNN) về ANTG đã đạt được những kết quả nổi bật, đó là:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh. Ngay sau khi được kiện toàn, Hội đồng giáo dục quốc phòng – an ninh của thành phố đã xây dựng các kế hoạch bồi dưỡng chung cho các đối tượng 2, 3, 4, 5, trong đó có đội ngũ chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn. Bên cạnh đó, đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố hằng năm cũng đã xây dựng kế hoạch chủ trì, phối hợp với Hội đồng giáo dục quốc phòng – an ninh, trung tâm bồi dưỡng chính trị các quận, huyện, thị xã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho đội ngũ chức sắc, chức việc tại địa phương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đội ngũ chức sắc, chức việc, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác quốc phòng – an ninh, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, phòng, chống có hiệu quả âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch3.

Thứ hai, thường xuyên chú trọng công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ANTG cho cán bộ làm công tác tôn giáo và chức sắc, tín đồ các tôn giáo, tín ngưỡng như phát động phong trào “Lành mạnh, tiết kiệm, văn minh trong việc tổ chức lễ hội”; thường xuyên tổ chức trao đổi về công tác QLNN trên lĩnh vực tôn giáo với sự tham gia của Ban Tôn giáo và Công an thành phố Hà Nội. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Ban Tôn giáo thành phố căn cứ tình hình thực tế mở từ 6 – 10 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn, số lượng mỗi lớp khoảng từ 100 – 150 lượt người tham gia (trong đó: 4 lớp cho chức sắc Phật giáo với gần 600 lượt người; 1 lớp cho tôn giáo khác với 52 lượt người; 1 lớp cho Tin lành với 38 lượt người). Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã cũng đã tổ chức được 67 lớp bồi dưỡng cho hơn 1.000 lượt chức sắc, chức việc các tôn giáo tại địa phương4.

Thứ ba, công tác giải quyết đối với nhà đất liên quan đến tôn giáo đã đạt được những kết quả nhất định. Ban Tôn giáo thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã về việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo; tham dự Hội nghị về quy trình, thủ tục hồ sơ cấp phép và xây dựng công trình tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn. Qua việc trả lời bằng văn bản tới các tổ chức tôn giáo về vấn đề nhà đất, kịp thời góp phần hạn chế được phức tạp nảy sinh đối với tình hình ANTG. Ngoài ra, Ban Tôn giáo thành phố còn kịp thời phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố giải quyết tốt việc xây dựng trạm xử lý nước thải tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Nhà điều trị Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vườn hoa Trần Quang Diệu; tham gia Tổ công tác của Thanh tra thành phố kiểm tra một số nội dung liên quan đến việc giao đất và xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn… 5.

Thứ tư, công tác QLNN về ANTG đã có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, trong đó với vai trò chủ thể thống nhất quản lý là UBND thành phố Hà Nội (Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội), chủ thể nòng cốt thực hiện QLNN về bảo vệ ANTG là Công an thành phố Hà Nội. Ban Tôn giáo thành phố thường xuyên phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan hữu quan trong việc thu thập, xử lý thông tin về tình hình sinh hoạt tôn giáo để xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ, trật tự giao thông, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, trang trí, tuyên truyền ngoài cơ sở tôn giáo và các điều kiện thuận lợi để tổ chức các ngày lễ lớn của tôn giáo, như: Đại lễ Phật Đản, lễ Noel… Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị và các cơ quan liên quan giải quyết nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo thường xuyên và các hoạt động xây dựng, nâng cấp cơ sở thờ tự, củng cố tổ chức, hoạt động từ thiện, xã hội, y tế.

Một số hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an ninh tôn giáo trên địa bàn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì QLNN về ANTG vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như:

Một là, công tác tuyên truyền pháp luật về ANTG (Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật An ninh quốc gia; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Dân sự…) tới các tầng lớp nhân dân như người cao tuổi, học sinh, sinh viên, người lao động tạm trú trên địa bàn, đặc biệt là những chắc sắc, tín độ tôn giáo… chưa sâu sát nên một số quần chung nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về quyền hạn, trách nhiệm trong bảo đảm ANTG. Điển hình vào năm 2012, trên địa bàn Hà Nội thì có khoảng 2.000 người theo đạo Tin lành, chủ yếu là các thương nhân, nhà đầu tư, chuyên gia, lưu học sinh. Do nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người Hàn Quốc rất cao trong khi cơ sở thờ tự (Nhà thờ số 2 – Ngõ Trạm) không đủ đáp ứng và thiếu hiểu biết pháp luật tôn giáo Việt Nam nên đã nảy sinh hoạt động sinh hoạt đạo Tin lành trái pháp luật… Đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước6.

Hai là, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của các bộ, ban, ngành về việc giải quyết hoạt động của đạo lạ, đặc biệt không có chế tài cụ thể xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự của các hiện tượng tôn giáo đó nên khó khăn trong công tác QLNN về ANTG. Điển hình như gần dây nhất nổi lên là các điểm nhóm “Hội Thánh của Đức Chúa trời”, “Ân điển cứu rỗi” với sự tham gia số lượng lớn học sinh, sinh viên, người cao tuổi… với nhận thức chưa đầy đủ đã ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của thành phố gây bức xúc cho quần chúng nhân dân.

Ba là, công tác vận động và xây dựng phong trào “vì an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của các tổ chức đoàn thể  còn chưa được chú trọng, đội ngũ đảng viên, đoàn viên là tín đồ tôn giáo còn hạn chế nên chưa phát huy được vai trò của các tổ chức quần chúng tại các địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự.

Bốn là, việc giải quyết tranh chấp đất đai, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất của các cơ sở tôn giáo còn có lúc, có nơi chưa chú trọng đúng mực và triệt để, dễ nảy sinh những vụ việc như tụ tập đông người; một số trường hợp còn kéo dài, chưa dứt điểm. Việc xử lý các vi phạm giữa các ngành còn thiếu thống nhất, thể hiện sự lúng túng, nhất là đối với những vấn đề mới phát sinh, như việc đòi lại cơ sở vật chất, xây dựng, cải tạo lại nơi thờ tự, quan hệ hợp tác quốc tế như vụ việc giải tỏa đền bù đất tại 42 Nhà Chung, nhà thờ Thái Hà…

Năm là, việc dự báo nắm bắt tình hình một số vụ việc an ninh liên quan đến tôn giáo tại cơ sở còn chưa chủ động. Trong các vụ việc, sự hướng dẫn chỉ đạo của một số cơ quan chức năng còn bất cập, mâu thuẫn. Trong một số trường hợp, sự hướng dẫn, trả lời này chưa phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, do đó, đã gây nên một số vụ việc phức tạp an ninh, trật tự tại địa phương.

Một số khuyến nghị hoàn thiện quản lý nhà nước về an ninh tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ANTG cho cán bộ, công chức nhà nước; chức sắc, tín đồ tôn giáo và quần chúng nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân trong việc bảo vệ an ninh quốc gia khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội trên lĩnh vực tôn giáo. Đặc biệt, các chủ thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm phòng, chống âm mưu thủ đoạn lợi dụng Tôn giáo để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam và tình hình “an ninh phi truyền thống”.

Thứ hai, phối hợp thực hiện tốt công tác vận động quần chúng. Quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo đã xác định rõ: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”7. Không chỉ có công tác tôn giáo mà công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội muốn thành công phải có sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Điều này đã được lịch sử Cách mạng Việt Nam minh chứng rõ nét. Do vậy, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng sẽ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có nhiệm vụ quản lý về ANTG trên địa bàn Thủ đô, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các chủ thể cần tập trung giải quyết một số nội dung sau:

(1) Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng cho phù hợp với tình hình mới đặc biệt cảnh giác với việc thành lập hội nhóm, mang danh tôn giáo, đạo lạ để gây mất đoàn kết và đe dọa ổn định chính trị – xã hội.

(2) Tăng cường hơn nữa công tác vận động tranh thủ chức sắc, giáo sĩ, giáo dân đạo Công giáo đồng hành cùng dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đặc biệt, nhận thức rõ âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

(3) Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo “Vì an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng và củng cố tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, làm tốt công tác phát triển đoàn viên, hội viên trong đồng bào các tôn giáo, phát huy vai trò nòng cốt, cốt cán, động viên chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Thứ ba, tham mưu Thành ủy, UBND thành phố giải quyết kịp thời, hiệu quả các nhu cầu chính đáng, đúng pháp luật của các tổ chức tôn giáo như cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho các điểm nhóm; hướng dẫn việc tổ chức đại hội các tôn giáo; xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự; học tập, đào tạo chức sắc; thuyên chuyển, bổ nhiệm; giải quyết thỏa đáng các vướng mắc của các tổ chức tôn giáo trong vấn đề đất đai liên quan đến nguồn gốc tôn giáo… Qua đó, không để phát sinh những điểm nóng, vụ việc phức tạp liên quan đến ANTG trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới.

Thứ tư, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, UBND các cấp cần tập trung hỗ trợ người dân trong sản xuất – kinh doanh, khắc phục khó khăn trong dịch bệnh (giảm giá điện, gia hạn nộp thuế…); hỗ trợ việc làm cho người thất nghiệp; trợ cấp khó khăn do dịch bệnh; thực hiện tốt chính sách “xóa đói, giảm nghèo” để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và tạo sự tin tưởng của Nhân dân nói chung và tín đồ tôn giáo đối với chính quyền thành phố.

Chú thích:
1, 2. Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội. Báo cáo tình hình tôn giáo và kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2020.
3, 4, 5. Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội. Tổng kết thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy về  tăng cường quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
6. Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội. Báo cáo tình hình tôn giáo và kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo từ năm 2008 đến năm 2019.
7. Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo.
ThS. Nguyễn Trường Anh
Học viện An ninh nhân dân