Hà Nội: thúc đẩy hội nhập quốc tế giai đoạn 2021 – 2025

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về hội nhập quốc tế của Trung ương, qua đó, đã khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố đáp ứng điều kiện hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới, và đạt kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đạt được thấp hơn trung bình giai đoạn 2016 – 2019. Bình quân giai đoạn 2016 -2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,36%, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng 6,68%. GRDP bình quân đầu người tăng từ 3.660 USD/người năm 2015 lên 5.285 USD/người năm 2020, gấp 1,36 lần năm 2015 và gấp 1,9 lần bình quân cả nước; kim ngạch xuất giai đoạn 2015 – 2019 đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 tăng 8,8%/năm.

Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện, tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 tăng 15 bậc lên vị trí thứ 9/63. Doanh nghiệp mới thành lập tăng cả về số lượng và vốn đăng ký. Lũy kế 5 năm có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn trước, vốn đăng ký bình quân khoảng 14,2 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 –  2015.

Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, hiệu quả đầu tư ngày càng được tăng lên: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 1,716 triệu tỷ đồng, gấp 1,63 lần giai đoạn trước, bằng 38,92% GRDP, đạt mục tiêu đề ra. Vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016-2020 đã thu hút mới 2.850 dự án FDI với tổng vốn đầu tư  đăng ký trên 23,7 tỷ USD, gấp 3,7 lần giai đoạn 2011-2015.

Quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng, nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới: Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới; Duy trì và phát huy vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương với vai trò thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế;…

Giải pháp nhằm đổi mới toàn diện và mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả để hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới

Sở Công Thương đã chủ động, tích cực tham mưu UBND Thành phố ban hành các chương trình, kế hoạch chỉ đạo công tác hội nhập quốc tế phù hợp với từng giai đoạn và định hướng phát triển chung của Thành phố, như: Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 14/3/2019 về thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 01/9/2020 về thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) của thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 24/5/2021 của UBND thành phố Hà Nội về hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Qua đó, tập trung vào các giải pháp cơ bản như:

Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Theo đó, Hà Nội chú trọng tập huấn cho các cán bộ, công chức của Thành phố, doanh nghiệp về các quy định và cam kết của EVFTA theo từng chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng. Cụ thể như: đc điểm thị trường các nước trong EVFTA; cơ hội và thách thức khi thực hiện Hiệp định EVFTA; các cam kết chuyên sâu về đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, nông, lâm, ngư nghiệp, lao động, môi trường; các rào cản phi thuế quan, rào cản kỹ thuật trong Hiệp định EVFTA…

Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, doanh nghiệp và sản phẩm. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, vay từ Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố, mặt bằng sản xuất – kinh doanh, xúc tiến thị trường, đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội; khuyến khích phát triển các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng lợi thế thu hút nhiều lao động, nâng cao thu nhập cho người dân; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường thực hiện tốt hơn cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PARINDEX).

Thứ tư, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng chiến lược và có kế hoạch cụ thể để trọng dụng nhân tài; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh hướng nghiệp phổ thông. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn; tiếp tục nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và lao động có bằng cấp, chứng chỉ theo quy định.