(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 28/10/2021 tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia và Đại học Anh quốc Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Hoạch định và thực thi chính sách trong bối cảnh hậu Covid-19”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện và TS. Christopher David Jeffery – Giám đốc học vụ, Đại học Anh quốc Việt Nam.
Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội, có PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Quỳnh Huy – Đại học Quốc gia Hà Nội; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị của Học viện. Tại các điểm cầu trực tuyến có GS.TS. Trần Ngọc Anh – Đại học In-di-a-na (Hoa Kỳ); GS. Moktar Lamari – Trường Đại học Quebec (Canada); cán bộ, giảng viên các phân viện; cùng với hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài Học viện tham dự trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế khẳng định những thách thức do dịch Covid-19 gây ra là chưa từng có và ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội của toàn thế giới, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn kiềm chế sự lây lan, bùng phát dịch Covid-19, giữ ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế phân tích, làm rõ bối cảnh, tác động và thách thức của dịch Covid-19 đối với thế giới và Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị đổi mới công tác hoạch định và thực thi chính sách để thích ứng một cách sáng tạo và hiệu quả với những thách thức chưa từng có do dịch Covid-19 gây ra. Ban tổ chức hội thảo đề nghị các nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung: bối cảnh tác động của Covid-19 đến Việt Nam và thế giới; phân tích phản ứng chính sách của Việt Nam và quốc tế trong dịch Covid-19; yêu cầu đặt ra và khuyến nghị đổi mới công tác hoạch định và thực thi chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội bền vững hậu Covid-19.
Tham luận tại hội thảo, GS.TS. Trần Ngọc Anh – Đại học In-di-a-na (Hoa Kỳ) trình bày tác động của đại dịch và các hàm ý chính sách, phân tích tác động của dịch Covid tới thế giới với khẳng định sự biến đổi của dịch Covid-19 là khó có thể đoán định, các tổ chức có uy tín trên thế giới liên tục phải có sự điều chỉnh đánh giá, dự báo phù hợp với sự biến đổi không ngừng của dịch Covid-19. Trên cơ sở đó GS.TS Trần Ngọc Anh đề xuất 8 giải pháp trọng tâm bao gồm các giải pháp trong ngắn hạn: phục hồi các chuỗi cung ứng; hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp; hỗ trợ tiền mặt cho người dân; bảo đảm thanh khoản. Và, các biện pháp dài hạn: đầu tư nhanh vào hạ tầng cơ sở; tổ công tác đặc biệt về FDI; cải cách thể chế và thực thi; tái cấu trúc nền kinh tế – tạo đột phá…
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Quỳnh Huy – Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 tới kinh tế – xã hội Việt Nam và những quyết sách của Chính phủ các nước trên thế giới và Việt Nam trong từng giai đoạn nhằm giữ ổn định nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam và nhiều nước trên thế giới bằng các chính sách về tài khóa, an sinh xã hội, các biện pháp phòng chống dịch, như giãn cách xã hội ở các địa phương, khu vực có người bị nhiễm Covid-19, tiêm vắc xin Covid-19 toàn dân… Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ những hạn chế trong chuyển đổi số, trách nhiệm giải trình, hoạch định chính sách… Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Chính phủ Việt Nam nhìn nhận, đánh giá chính xác khả năng, năng lực của hệ thống chính quyền, sự đồng lòng của người dân trong phòng, chống dịch Covid-19.
TS. Đặng Thị Thu Hoài – Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương tham luận nội dung trạng thái bình thường mới, những vấn đề cần giải quyết và khuyến nghị chính sách đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bền vững hậu Covid-19: đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn không chỉ kinh tế – xã hội mà còn ảnh hưởng đến thói quen của mỗi người, dẫn đến những thay đổi mang tính dài hạn, như: sự phát triển mạnh mẽ của ứng dụng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế không tiếp xúc; sự dịch chuyển chuỗi cung ứng thế giới từ nước này sang nước khác; thay đổi trong chính sách của các quốc gia để không ảnh hưởng đến sự bền vững của môi trường… trong sự thay đổi đó, Việt Nam đang và sẽ tận dụng được các cơ hội phát triển kinh tế số, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 mới: “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; hỗ trợ các chủ thể sản xuất và người dân phục hồi sau đại dịch và đẩy mạnh tái cấu trúc, tận dụng cơ hội sau đại dịch.
TS. Christopher David Jeffery – Giám đốc học vụ, Đại học Anh quốc Việt Nam trình bày kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong ứng phó với dịch Covid-19: Cũng như các quốc gia châu Âu, Vương Quốc Anh cũng là một trong những nước sớm chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 và phải thực hiện những biện pháp đóng cửa thành phố, khu vực. Nhưng nhờ sớm thực hiện việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mà đến thời điểm hiện tại học sinh, sinh viên Vương Quốc Anh đang dần trở lại với cuộc sống thường ngày dù có những lo ngại khi số ca mắc Covid-19 vẫn còn cao. Để giúp đỡ học sinh, sinh viên có thể trở lại học tập sau thời gian học trực tuyến, Chính phủ Anh đã đề ra các biện pháp, như tổ chức học thêm; các chương trình tập huấn cho giáo viên; hỗ trợ học phí, tiền hỗ trợ ăn ở, cách ly y tế… bên cạnh đó, Đại học Anh quốc Việt Nam cũng tìm cách nâng cao chất lượng hình thức đào tạo từ xa, theo đó, nhiều sinh viên có thời gian dài học theo hình thức trực tuyến nhưng vẫn có trình độ tương đương với sinh viên học trực tiếp trên lớp.
Phát biểu tham luận tại hội thảo PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải – Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định, để tận dụng được những cơ hội phát triển hậu Covid-19 thì cần phải tăng cường năng lực hoạch định và thực thi chính sách công cho cán bộ, công chức. Theo đó, để bảo đảm mục tiêu kép vừa thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, sớm đạt miễn dịch cộng đồng trong phòng, chống dịch thì đội ngũ cán bộ, công chức cần được đào tạo, bồi dưỡng các năng lực, như: năng lực ứng phó, nhất là ứng phó với tình huống bất thường; năng lực tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách; năng lực ứng dụng công nghệ mới trong hoạch định và thực thi chính sách; năng lực phân tích, đánh giá bối cảnh hoạch định và thực thi chính sách…
Tham gia ý kiến tại hội thảo, các đại biểu, như: GS. Moktar Lamari – Đại học Quebec (Canada), PGS.TS. Ngô Thành Can – Nguyên Phó Trưởng Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự; TS. Mai Đình Lâm – Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh… đều thống nhất Việt Nam là một điển hình thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 với sự chủ động, tích cực của Chính phủ trong ứng phó với các biến đổi khó lường của dịch Covid-19. Bên cạnh đó là những ý kiến đóng góp, như: xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tình hình chống dịch của tỉnh, thành phố, địa phương; có chính sách trợ cấp, tạo việc làm, nâng cao kỹ năng cho người lao động để phục hồi lại kinh tế; Chính phủ cần tạo ra khung pháp lý để hình thành nền kinh tế không tiếp xúc…
Phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo, TS. Christopher David Jeffery và TS. Nguyễn Đăng Quế đều khẳng định không có hình thức chống dịch như nhau cho tất cả các quốc gia mà tìm hiểu kinh nghiệm của từng nước để có chính sách phù hợp cho quốc gia. Cảm ơn sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia gửi tham luận và tham dự hội thảo. Các tham luận đã tập trung vào chủ đề chính hội thảo với nhiều cách tiếp cận khác nhau, những ý kiến tham gia hội thảo không chỉ giá trị với Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác trong thiết kế, thực hiện chính sách trong bối cảnh hậu Covid-19.