Một số kinh nghiệm giảng dạy môn học “Quy trình và nghiệp vụ thanh tra” trong chương trình đào tạo cử nhân quản lý nhà nước chuyên ngành Thanh tra tại Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Môn Quy trình và nghiệp vụ thanh tra là một trong các môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo cử nhân quản lý nhà nước chuyên ngành Thanh tra của Học viện Hành chính Quốc gia. Môn học này có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Vậy cách thức giảng dạy như thế nào để tạo nên hứng thú đối với sinh viên là việc mỗi giảng viên cần làm.
Trụ sở Học viện Hành chính Quốc gia tại số 77 Nguyễn Chí Thanh – Đống Đa – Hà Nội.
Đặt vấn đề

Môn học Quy trình và nghiệp vụ thanh tra (QT&NVTT) được bố trí 60 tiết, giảng dạy vào kỳ cuối của năm thứ 4. Mục tiêu của môn học là trang bị cho sinh viên chuyên ngành Thanh tra 4 nhóm kiến thức cơ bản, đó là: lý luận chung về QT&NVTT; quy trình tiến hành thanh tra của đoàn thanh tra, thanh tra viên chuyên ngành và công chức được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành; nghiệp vụ của các chủ thể tiến hành thanh tra; quy trình và nghiệp vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ cho hoạt động thanh tra.

Khi giảng dạy môn học có những thuận lợi nhất định, đó là sinh viên đã học xong các môn đại cương, các môn học về nhà nước, pháp luật; mặt khác, môn học đã có giáo trình được biên soạn rất công phu phục vụ cho việc học tập của sinh viên. Tuy vậy, khi giảng dạy môn học cũng gặp những khó khăn vì không ít sinh viên chủ quan cho rằng mình đã biết rồi, học rồi ở các môn học khác; hoặc là môn học quan trọng nhưng lại học vào kỳ cuối của khóa học, tâm lý sinh viên bị chi phối, mặt trái xã hội tác động nên 1 số sinh viên có biểu hiện lơ là trong học tập, buông thả trong sinh hoạt và cuộc sống; không chí thú việc học hành…

Một số kinh nghiệm giảng dạy môn học Quy trình và nghiệp vụ thanh tra

Một là, trước khi bước vào giảng dạy các nội dung của môn học nhất thiết phải giành thời lượng nhất định trong buổi học đầu tiên để giao tiếp với sinh viên về hai nội dung cơ bản:

(1) Giảng viên phải nắm chắc tổ chức, nhân sự của lớp, làm quen và tìm hiểu tâm tư, mong muốn của sinh viên khi học môn học để tạo sự hứng khởi, thu hút sinh viên học tập – trên cơ sở đó thống nhất về yêu cầu, thái độ học tập, bảo đảm lớp học có không khí vui vẻ nhưng nghiêm túc.

(2) Giảng viên phải hệ thống các kiến thức về nhà nước và pháp luật mà sinh viên đã học ở các môn học khác liên quan đến môn QT&NVTT để chỉ rõ sự khác biệt, những cái mới, cái khó bắt buộc phải tập trung của môn học để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chủ quan, không tập trung của sinh viên đối với môn học.

Hai là, giáo viên phải chuẩn bị thật tốt bài giảng để làm chủ kiến thức, làm chủ được thời gian và tính khoa học, hiệu quả của bài giảng. Trước hết, giảng viên  cần xác định đây là môn học có khối kiến thức lớn, thời lượng lên lớp chỉ có 60 tiết nên bản thân giảng viên cần có kiến thức rộng và hệ thống, không chỉ lý luận mà cả thực tiễn về đời sống xã hội để khi giảng dạy kết hợp lý luận và thực tiễn vào từng nội dung của môn học. Tiếp đến, giảng viên phải xác định môn học này đã có giáo trình với đầy đủ các nội dung của môn học, mặt khác, sinh viên còn có phương tiện để tra cứu các văn bản pháp luật và các tài liệu khác. Do vậy, để sinh viên không nhàm chán, ỷ lại vào giáo trình thì giảng viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng bài giảng để tạo ấn tượng lôi cuốn sinh viên đến lớp; trong lớp chăm chú lắng nghe, tích cực phát biểu trong mỗi buổi học.

Như vậy, từ khâu chuẩn bị bài giảng, giảng viên cần: soạn bài giảng với tất cả các nội dung đã thể hiện trong giáo trình của môn học; soạn slide trình chiếu nội dung của bài học, trong slide có thể có các sơ đồ, hình ảnh minh họa phù hợp; khi giảng bài cần xác định những phần nào cần phải phân tích, định hướng cho sinh viên hiểu đúng, đầy đủ và vận dụng được; nội dung nào yêu cầu sinh viên đọc giáo trình, văn bản pháp luật và tìm hiểu trong thực tế. Đối với những nội dung đã cung cấp kiến thức, giảng viên cần kiểm tra lại việc tự học của sinh viên bằng việc cho sinh viên phát biểu, thảo luận vào ngay buổi học tiếp theo, sau đó giảng viên chốt lại vấn đề.

TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện tặng giấy khen cho các sinh viên là thủ khoa, á khoa các chuyên ngành hệ chính quy khóa 18 tại Hà Nội, niên khóa 2017-2021.

Ba là, sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học phù hợp với từng nội dung cụ thể của môn học được thể hiện ở các chương, mục của giáo trình.

(1) Phương pháp thuyết trình

Đây là phương pháp chủ yếu và quan trọng vì phương pháp này sẽ chuyển tải cho sinh viên toàn bộ các tri thức cốt lõi của bài học mang tính trừu tượng, khái quát cao mà các phương pháp dạy học khác khó có thể làm được. Phương pháp thuyết trình được sử dụng khí giảng về các khái niệm, nguyên tắc, các từ ngữ trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến môn học. Là phương pháp chủ yếu nhưng cần kết hợp với phương pháp phát vấn (hỏi – đáp) giữa giảng viên và sinh viên để tránh nhàm chán. Đồng thời, phát huy tính tích cực của sinh viên (trong một số buổi nhiều khi còn để kiểm tra kiến thức, thái độ học tập của một số sinh viên không tập trung học tập). Khi kết hợp 2 phương pháp thì giảng viên luôn sử dụng phấn và bảng để ghi câu hỏi, các ý kiến trả lời của từng sinh viên, các ý kiến phát biểu bổ sung, bình luận của sinh viên khác, sau đó giảng viên kết luận bài giảng.

(2) Phương pháp nghiên cứu tình huống

Giảng viên sử dụng phương pháp này nhằm mục đích làm rõ thêm lý luận, quy định pháp luật và giúp cho sinh viên có kinh nghiệm để thấy vấn đề, giải quyết yêu cầu tình huống đặt ra… Việc sử dụng phương pháp này đòi hỏi giảng viên phải sưu tầm các tình huống xảy ra trên thực tế đã được các cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra mà truyền thông đã đưa tin hoặc lấy các kết luận thanh tra để biên soạn lại thành tình huống cụ thể có cấu trúc rõ ràng (với 3 thành tố, gồm: nêu bối cảnh, sự kiện tình huống – mô tả các dữ kiện tình huống – nêu các yêu cầu cần giải quyết của tình huống); tình huống phải có tính thực tiễn và yêu cầu giải quyết cụ thể phù hợp với nội dung của từng bài giảng.

Phương pháp này sử dụng đối với các nội dung lớn, như: ra quyết định thanh tra; phê duyệt kế hoạch thanh tra; thụ lý, quyết định giải quyết khiếu nại; xác minh, đối thoại trong giải quyết tố cáo.

(3) Phương pháp làm việc nhóm

Đây là phương pháp dạy học tích cực cần được sử dụng trong môn học để sinh viên thể hiện khả năng làm việc nhóm, có tinh thần trách nhiệm hợp tác, thi đua giữa các nhóm cũng như sự đoàn kết trong nhóm và các nhóm trong lớp. Từ đó, giúp sinh viên hiểu về tổ chức làm việc nhóm, thể hiện khả năng thuyết trình, phản biện để hiểu bài một cách sâu hơn, nhớ bài lâu hơn.

Tuy nhiên, khó khăn khi sử dụng phương pháp này là số học viên mỗi lớp khá đông, phòng học thường hẹp, không có phòng thảo luận khác nên giảng viên hạn chế sử dụng. Thực tế, giảng viên chỉ sử dụng khi làm bài tập để kiểm tra nhận thức về lý thuyết và sử dụng công cụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo để lập báo cáo thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý tố cáo.

Để phương pháp làm việc nhóm có hiệu quả, giảng viên chia lớp thành các nhóm nhỏ, mặt khác phải chuẩn bị nội dung, yêu cầu cụ thể cho từng nhóm và kiểm soát chặt chẽ các nhóm làm bài. Khi các nhóm thuyết trình, giảng viên ghi rõ lên bảng  cho các nhóm khác nhận xét, đặt câu hỏi phản biện; giảng viên phải chú ý lắng nghe sau đó đánh giá từng nhóm và kết luận về nội dung, yêu cầu của vấn đề làm việc nhóm.

Hệ thống các nội dung của môn học

Về lý thuyết đây không phải là một phương pháp dạy học nhưng để kết thúc môn học thì giảng viên nhất thiết phải dành ít nhất một buổi học (6 tiết) để hệ thống toàn bộ nội dung môn học, giải đáp các câu hỏi mà sinh viên đưa ra và hướng dẫn sinh viên cách ôn bài và làm bài khi thi hết môn và thi tốt nghiệp (nếu có).

Để thành công trong giảng dạy nói chung và giảng dạy môn học QT&NVTT nói riêng, giảng viên phải luôn trau dồi kiến thức, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật để có phông kiến thức rộng, thậm chí không chỉ về Nhà nước, pháp luật; công tác chuẩn bị bài giảng phải kỹ lưỡng và lựa chọn, sử dụng các phương pháp dạy học phù hợp với từng nội dung cụ thể của môn học để mang lại hiệu quả giảng dạy tốt nhất.

Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
2. Luật Thanh tra năm 2010.
3. Giáo trình Thanh tra và giải quyết khiếu nại hành chính. H. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2011.
4. Giáo trình Lý luận và Pháp luật thanh tra. H. NXB Bách khoa Hà Nội, 2020.
5. Giáo trình Quy trình và Nghiệp vụ thanh tra. H. NXB Bách khoa Hà Nội, 2020.
TS. Nguyễn Hữu Luận
Học viện Hành chính Quốc gia