Lao động công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước dưới góc độ tiếp cận tổ chức lao động khoa học

(Quanlynhanuoc.vn) – Lao động công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước không tác động trực tiếp vào đối tượng lao động để tạo ra các sản phẩm vật chất, mà nó diễn ra trong quá trình thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ. Tổ chức lao động hợp lý trong cơ quan hành chính nhà nước có ý nghĩa không chỉ với việc nâng cao năng suất lao động của bản thân người lao động, mà còn là biện pháp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan.
Ảnh minh họa (internet)

Tổ chức lao động (TCLĐ) khoa học là tổ chức quá trình hoạt động của người lao động nhằm thực hiện những mục tiêu nhất định của tổ chức. Bản chất của TCLĐ khoa học trong phạm vi một tập thể lao động nhất định là một hệ thống các biện pháp bảo đảm sự hoạt động lao động của con người nhằm mục đích nâng cao năng suất lao động, sử dụng tối đa các tư liệu lao động. TCLĐ khoa học là cách thức TCLĐ trình độ cao áp dụng các biện pháp kỹ thuật, dựa trên việc ứng dụng các chuyên ngành khoa học như kinh tế học, quản trị học, tâm lý học lao động, sinh lý học lao động… nhằm tăng năng suất lao động và sử dụng hợp lý hiệu quả các nguồn lực của tổ chức. Các nội dung chủ yếu của TCLĐ khoa học, bao gồm:

– Xây dựng các hình thức phân công và hợp tác lao động hợp lý, phù hợp với các thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại, trình độ văn hoá, kỹ thuật của người lao động, tạo điều kiện không ngừng tăng năng suất lao động.

– Quy hoạch, tổ chức và phục vụ nơi làm việc, bao gồm các nội dung: bố trí hợp lý nơi làm việc phù hợp nhân trắc học, tâm sinh lý lao động, vệ sinh an toàn lao động…

– Cải thiện điều kiện lao động, xây dựng chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý nhằm giảm nhẹ sự nặng nhọc của công việc, giữ gìn sức khoẻ lao động.

– Hoàn thiện định mức lao động, bao gồm nghiên cứu các dạng mức lao động và điều kiện áp dụng.

– Thiết kế, tạo lập thẩm mỹ lao động, bao gồm toàn bộ các yếu tố tại nơi làm việc tạo cảm nhận về vẻ đẹp, tạo tâm lý thoải mái của người lao động như sử dụng ánh sáng, màu sắc, bố trí vật dụng…

Tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng dạng tổ chức có thể áp dụng một số các nội dung TCLĐ khoa học nêu trên, với những thứ tự ưu tiên nhất định. Các hình thức và phương pháp TCLĐ được áp dụng không chỉ một lần, mà phải được vận dụng thường xuyên để không ngừng cải tiến, hoàn thiện.

Việc áp dụng TCLĐ trong cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) cũng dựa trên những nguyên tắc tương tự với TCLĐ trong lĩnh vực sản xuất. Nhưng, do những đặc điểm của hoạt động lao động trong CQHCNN nên việc áp dụng các biện pháp TCLĐ trong CQHCNN có những yêu cầu riêng và đòi hỏi những phương pháp tổ chức kỹ thuật phù hợp.

Do những đặc trưng của hoạt động của các CQHCNN, sản phẩm chủ yếu của các cơ quan này là các quyết định hành chính, các văn bản hành chính nhà nước…, nên có thể thấy lao động của người làm việc trong CQHCNN hay nói cách khác là lao động công vụ (LĐCV) trong CQHCNN khác với các loại lao động gắn với khu vực sản xuất – kinh doanh trong xã hội. LĐCV trong CQHCNN không tác động trực tiếp vào đối tượng lao động để tạo ra các sản phẩm vật chất, mà nó diễn ra trong quá trình thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ. LĐCV của người làm việc trong CQHCNN chủ yếu là lao động sử dụng trí óc (còn gọi là lao động chất xám), đa dạng và phức tạp, đòi hỏi phải có trình độ kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.

Với tư cách là chủ thể của hoạt động quản lý hành chính nhà nước, hệ thống CQHCNN tác động vào hệ thống bị quản lý (công dân, tổ chức, các quá trình kinh tế – xã hội) nhằm bảo đảm sự vận hành của hệ thống theo trật tự pháp luật, và để bảo đảm không ngừng phát triển các quá trình kinh tế – xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước. Sự tác động hướng đích đó của quản lý hành chính nhà nước được thực hiện thông qua các quá trình hoạt động lao động của các cán bộ, công chức, các loại hình người lao động khác làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước .

Đặc điểm trong hoạt động của CQHCNN quyết định những đặc điểm của LĐCV trong các CQHCNN. Dưới góc độ tiếp cận tổ chức lao động khoa học, có thể tóm tắt năm đặc điểm chính của LĐCV trong các CQHCNN:

Một là, LĐCV trong CQHCNN là hoạt động lao động trí óc và mang nhiều đặc tính sáng tạo, đó chính là đặc điểm cơ bản dẫn đến những đặc điểm khác nhau của lao động trong CQHCNN và những yêu cầu cần được lưu ý trong quá trình tổ chức lao động cho lao động trong CQHCNN. Tính sáng tạo của LĐCV trong CQHCNN được thể hiện ở mức độ: sáng tạo độc lập: tạo ra các kiến thức, tri thức mới và sáng tạo trong phạm vi nhiệm vụ đã được quy định trước: sáng tạo về cách thực hiện công việc.

Với đặc điểm là hoạt động lao động trí óc, LĐCV trong CQHCNN đặt ra yêu cầu phải được tập trung tư tưởng, độc lập làm việc, yêu cầu nghiêm khắc, hợp lý về bố trí, tổ chức nơi làm việc, về điều kiện lao động, yêu cầu chiếu sáng, loại trừ tiếng ồn… còn đặc tính sáng tạo quyết định hiệu quả của công việc, đặc biệt đối với cán bộ lãnh đạo và chuyên viên. Do đó, các biện pháp TCLĐ phải nhằm tạo điều kiện phát huy đặc tính sáng tạo của lao động trong CQHCNN.

Hai là, LĐCV trong CQHCNN là hoạt động lao động mang đặc tính tâm lý – xã hội cao. Đặc điểm là lao động trí óc nên hoạt động lao động trong CQHCNN đặt ra yêu cầu cao về yếu tố thần kinh – tâm lý đối với người lao động, tức là đặt ra yêu cầu cao đối với khả năng nhận biết, khả năng thu nhận thông tin và các phẩm chất tâm lý cần thiết khác. Đồng thời, trong quá trình thực hiện các công việc đòi hỏi sự phối hợp, cán bộ, công chức phải thực hiện nhiều mối quan hệ giao tiếp qua lại với nhau, do đó yếu tố tâm lý – xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động lao động, ảnh hưởng tới động lực làm việc, chất lượng công việc và tiến độ thực hiện công việc của lao động trong CQHCNN.

Mặt khác, LĐCV trong CQHCNN là những người lao động được phân công và phối hợp trong các tập thể lao động nên đòi hỏi hoạt động lao động trong CQHCNN phải mang tính tâm lý – xã hội cao. Đặc điểm này đòi hỏi các biện pháp TCLĐ phải tạo ra những môi trường lao động thoải mái, dễ chịu, tạo ra bầu không khí tâm lý tích cực trong các tập thể lao động cũng như phải chú ý đến những giới hạn về tâm lý – xã hội trong TCLĐ.

Ba là, thông tin vừa là đối tượng lao động, kết quả lao động vừa là phương tiện lao động của LĐCV trong CQHCNN. Trong quá trình LĐCV, đối tượng lao động không phải là các yếu tố vật chất thông thường, mà là các thông tin. Bằng hoạt động lao động của mình, LĐCV trong CQHCNN thu nhận và biến đổi các thông tin để phục vụ mục đích quản lý ở các cấp quản lý hành chính nhà nước.

Những thông tin chưa được xử lý là đối tượng của lao động trong CQHCNN còn những thông tin đã được xử lý chính là kết quả của hoạt động lao động của họ. Mặt khác, thông tin là phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ của tất cả LĐCV trong cơ quan HCNN. Đặc điểm này đặt ra yêu cầu cần phải tổ chức tốt công tác thông tin cho LĐCV trong CQHCNN, trang bị đầy đủ phương tiện để thu nhận, xử lý, cất giữ và truyền tin. Khi bố trí nơi làm việc phải lưu ý tính chất, tần số của các mối quan hệ công tác, chu trình xử lý tài liệu, đường đi của tài liệu.

Bốn là, LĐCV trong CQHCNN có nội dung đa dạng, khó định lượng. Đây là một đặc điểm nổi bật của hoạt động LĐCV trong CQHCNN và là một khó khăn cho công tác tổ chức lao động. Do nội dung công việc đa dạng, khó xác định và kết quả lao động không biểu hiện dưới dạng vật chất trực tiếp nên LĐCV trong CQHCNN là hoạt động lao động khó đánh giá và khó định mức. Đặc điểm này đòi hỏi trong TCLĐ phải có những phương pháp nghiên cứu, các phương án tổ chức phù hợp, các dạng mức lao động phù hợp.

Năm là, đa số những người làm việc trong CQHCNN là những người mà lao động của họ gắn với quyền lực nhà nước. Thực thi công vụ chính là quá trình lao động hiện thực hoá các chức năng quản lý của CQHCNN. Tính chất công vụ đòi hỏi người lao động phải làm việc một cách chuyên nghiệp, thể hiện ở năng lực chuyên môn nghiệp vụ và tính gắn kết lâu dài với CQHCNN.

Tính chất công vụ khiến người lao động gắn với thẩm quyền quản lý nhà nước và khiến việc TCLĐ gắn với việc uỷ quyền, phân công, phân nhiệm của người đứng đầu cơ quan cho các cá nhân khác nhau trong cơ quan, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật.

Tài liệu tham khảo:
1. Võ Kim Sơn. Giáo trình Tổ chức nhân sự hành chính nhà nước. H. NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2004.
2. Nguyễn Tiệp. Giáo trình tổ chức lao động. H. NXB Lao động – Xã hội, 2007.
3. Trần Kim Dung. Quản trị nguồn nhân lực. H. NXB Giáo dục, 2003.
ThS. Nguyễn Hồng Hoàng
Học viện Hành chính Quốc gia