Đổi mới, sáng tạo – bước đột phá về tư duy phát triển trong bối cảnh mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Đổi mới, sáng tạo là sự phát triển hợp quy luật ở tầm vóc mới, trình độ mới của quá trình đổi mới vốn có của Đảng, Nhân dân ta trong hơn ba thập niên qua; đổi mới, sáng tạo tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đáp ứng yêu cầu dựng xây đất nước. Với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa là điểm nhấn trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, phản ánh nhận thức mới của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (Nguồn: TTXVN)
Đặt vấn đề

Đổi mới là một quá trình tạo ra những biến đổi có tính cách mạng. Đổi mới, sáng tạo (ĐMST) có quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình phát triển, trong đổi mới có sáng tạo, sáng tạo gắn liền với đổi mới. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo từ năm 1986 đến nay là một công trình sáng tạo vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân ta. Đó là một quá trình sáng tạo liên tục nhằm xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới từ gốc đến ngọn, tạo ra cả lực lượng sản xuất mới lẫn quan hệ sản xuất mới, cả cơ sở kinh tế lẫn thượng tầng kiến trúc mới, cả đời sống vật chất mới lẫn đời sống tinh thần mới1.

Đổi mới bắt đầu từ sự tổng kết thực tiễn, đúc rút những kinh nghiệm thành công và chưa thành công, trên cơ sở đó, tìm tòi, sáng tạo cách nghĩ, cách làm mới. Đại hội VI (năm 1986) của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới chính là bắt đầu từ những bài học vô cùng sâu sắc được đúc kết từ thực tiễn những năm trước đổi mới và sự tổng kết những mô hình mới, những cách làm sáng tạo của Nhân dân. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong hơn 35 năm qua gắn liền với quá trình đổi mới bền bỉ, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân ta.

Những nội dung và mục tiêu đổi mới, sáng tạo trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Một là, ĐMST với khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Đại hội XIII của Đảng chủ trương khơi dậy ở một tầm cao mới khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Điều này, bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; vào bản lĩnh và những kinh nghiệm tích lũy mà Đảng, Nhân dân ta đã kiểm nghiệm, đúc kết trong thực tiễn lao động, sáng tạo. Khát vọng đó luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và giá trịchuẩn mực, cùng sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới, gắn liền với phát huy đồng bộ hệ động lực phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa; đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài; khoa học – công nghệ và ĐMST. Đó cũng là khát vọng được hình thành trên tảng tư duy biện chứng, khoa học và cách mạng; phân tích, dự báo kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi có thể nắm bắt, phát huy; đồng thời, với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” luôn tỉnh táo cân nhắc, tính toán những khó khăn, thách thức, những yếu kém, trở ngại bên trong và bên ngoài, chủ động ứng phó với nguy cơ, chuyển hóa nguy cơ thành vận hội phát triển.

Các văn kiện của các đại hội trước đây mới chỉ đề cập chủ đề niềm tin, khát vọng. Đến Văn kiện Đại hội XIII, ngay trong chủ đề của Đại hội và các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đều khẳng định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”. Các mục tiêu được định lượng cụ thể: phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao2.

Như vậy, Đại hội XIII của Đảng là sự kế thừa, phát triển và có bước đột phá về tư duy lãnh đạo sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Trọng tâm là tăng tốc, bứt phá, thực hiện đồng thời cả hai quá trình là chuyển đổi nền công nghiệp phụ thuộc, gia công, lắp ráp sang chủ động nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo công nghệ và chuyển đổi nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số dựa trên nền tảng tri thức, ĐMST. Chính nguồn tài nguyên trí tuệ này lànền tảng cốt lõi, đồng thời là phương tiện hữu hiệu để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Hai là, ĐMST là động lực, nền tảng thúc đẩy phát triển quốc gia hiện đại.

Đổi mới bắt đầu từ sự tổng kết thực tiễn, đúc rút những kinh nghiệm và tìm tòi, sáng tạo cách nghĩ, cách làm mới. Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta đã nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò của ĐMST đối với sự phát triển toàn diện đất nước. Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội, trong đó khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của khoa học – công nghệ và ĐMST đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 0, trong đó, đưa ra 4 quan điểm chỉ đạo và nhấn mạnh: chủ động, tích cực tham gia CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội…, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời, chỉ rõ “Cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo”3.

Do vậy, ĐMST, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số… là những “từ khóa” rất quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII. Theo đó, thúc đẩy ĐMST, ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, nhất là những thành tựu của CMCN 4.0 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngày 01/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, trong đó “đổi mới, sáng tạo”, “khát vọng phát triển” là những điểm nhấn khác biệt so với phương châm hành động của Chính phủ các năm trước và là tinh thần xuyên suốt Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP là kim chỉ nam cho hành động của Chính phủ trong năm mở đầu giai đoạn phát triển mới của đất nước.

ĐMST về tư duy cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa “kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo” theo phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định, phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước.

Ba là, ĐMST tiến hành đồng thời, đồng bộ cả về tư duy và hành động với các giải pháp khả thi có trọng tâm, trọng điểm.

ĐMST với triết lý biến “cái không thể thành cái có thể” phản ánh tư duy và phương thức phát triển mới mang tính phổ quát. Công cuộc đổi mới ở nước ta được bắt đầu từ sự đổi mới tư duy của Đảng, trước hết là tư duy kinh tế, theo nguyên tắc tôn trọng và làm theo quy luật khách quan. Trong bối cảnh thế giới ngày nay đang xuất hiện một số vấn đề lý luận và thực tiễn mới, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục đổi mới về tư duy, nâng tầm trí tuệ, dẫn dắt quốc gia đi cùng thời đại. Theo đó, cần phải nhạy bén nắm bắt diễn biến lịch sử, chủ động tranh thủ thời cơ, giữ vững nguyên tắc và mạnh dạn sáng tạo, kịp thời đổi mới, gắn liền lý luận với thực tiễn. Đơn cử, năm 2020 ghi nhận năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số ĐMST toàn cầu, đứng đầu trong nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á và thuộc top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian4.

Việt Nam tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển trong việc thiết lập ĐMST như là mộ tưu tiên quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, tuy đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nhưng xét ở một góc độ nào đó, Covid-19 cũng tạo một cú hích cho nền kinh tế số của Việt Nam với làn sóng chuyển dịch số và ĐMST từ các cơ quan nhà nước tới các doanh nghiệp và người dân. Cũng trong năm 2020, gần 40 nền tảng công nghệ số quốc gia ra đời là bệ phóng cho động lực tăng trưởng mới, đưa Việt Nam là nhóm quốc gia dẫn đầu trong chuyển đổi số thời Covid-19. Với việc đạt được “mục tiêu kép”, đó là vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và cần tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên ĐMST, chuyển đổi số.

Việc khởi công xây dựng Trung tâm ÐMST đầu tiên của Việt Nam tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) vào ngày 09/01/2021 chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, khởi đầu cho kỷ nguyên của ĐMST mà Việt Nam đang nhanh chóng nắm bắt để bứt phá vươn lên. Để ĐMST trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, cần: (1) Chú trọng xây dựng môi trường thể chế thuận lợi; (2) Tập trungphát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (3) Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ; (4) Thúc đẩy phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông; (5) Thúc đẩy ĐMST trong phát triển công nghệ số, chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quản trị…, từng bước hình thành kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, tạo ra những giá trị mới và sức mạnh tổng hợp mới. Từ đó, đưa tâm thế ĐMST lan tỏa đến mọi chủ thể, trở thành niềm tin, sự hứng khởi cho mọi người dân, biến sáng tạo trở thành tài nguyên vô hạn, đưa đất nước phát triển bền vững.

Kết luận

Như vậy, để thực hiện mục tiêu phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nhất thiết cần dựa vào trithức, khoa học – công nghệ và đặc biệt là ĐMST, coi đây là yếu tố nội sinh, động lực quan trọng cho phát triển hệ giá trị quốc gia.

ĐMST là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải đi tiên phong, nêu gương sáng “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá” vì sự nghiệp chung; đội ngũ trí thức, doanh nhân đóng vai trò nòng cốt trong lao động, sáng tạo; động viên, phát huy vai trò chủ thể và sức sáng tạo vĩ đại của Nhân dân; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam. Với những định hướng rõ ràng nhằm xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc được thúc đẩy bằng động lực ĐMST, nhất định đất nước ta sẽ bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu trong thế kỷ XXI.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Văn kiện Đảng Toàn tập. Tập 7 . H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2000, tr. 504 -505.
2. Khát vọng phát triển đất nước và đổi mới, sáng tạo – điểm nhấn của Đại hội Đảng lần thứ XIII. http://hdll.vn, ngày 15/11/2020.
3. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
4. Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu: Việt Nam đứng đầu nhóm 29 nền kinh tế cùng mức thu nhập.https://nhandan.vn, ngày 03/9/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Trường Chinh. Đổi mới chính là đòi hỏi bức thiết của đất nước, của thời đại. H. NXB Sự thật, 1987, tr. 66.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X). H. NXB Chính trị quốc gia, 2008.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2000.
5. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 (khóa XII) về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
6. Nguyễn Phú Trọng. Chuẩn bị thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triểnmới. Tạp chí Cộng sản, số 949 (9/2020).
ThS. Đỗ Thị Tâm
Học viện Cảnh sát nhân dân