Báo chí tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho người dân và doanh nghiệp

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện quy chế phối hợp giữa báo chí với cơ quan nhà nước trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm nhân dân quan tâm, ngày 19/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại (PVTM) dành cho các cơ quan báo chí bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đồng chí Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công thương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công thương hoan nghênh các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên đã dành thời gian tham dự Hội nghị. Đồng chí nêu rõ, PVTM là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với quá trình mở của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, phòng vệ thương mại có vai trò trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp. Quy mô xuất, nhập khẩu của nước ta tăng nhiều lần cho thấy, năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được vào thị trường quốc tế và cạnh tranh sòng phẳng trên nhiều thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng với đó, hàng hóa nhập khẩu vào nước ta cũng nhiều hơn và sự cạnh tranh trở nên khốc liệt với hàng hóa trong nước.

Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, biện pháp PVTM có tác động lên nhiều mặt, lâu dài lên nhiều ngành, nghề sản xuất cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung. Các biện pháp PVTM có thể xuất hiện ở cả chiều xuất khẩu và chiều nhập khẩu nên cũng không ngạc nhiên khi thời gian vừa qua, PVTM thu hút được sự quan tâm rất lớn của các cơ quan báo chí và doanh nghiệp. Nắm bắt xu thế này, Bộ Công thương đã có nhiều hoạt động cung cấp thông tin về PVTM cho các cơ quan báo chí vì đây là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, là kênh thông tin rất hiệu quả để tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nói chung và PVTM nói riêng. Để cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về các biện pháp PVTM thì vai trò của cơ quan báo chí là rất quan trọng. Đồng chí Thứ trưởng mong muốn các cơ quan báo chí, các phóng viên tham gia Hội nghị cập nhật thông tin, các vấn đề chuyên sâu về PVTM để phản ánh khách quan, chính xác và chân thực vì lợi ích chung cho cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ quan báo chí nước nhà.

Lợi thế so sánh thông thường nhường chỗ cho chuỗi giá trị/cung ứng trong bối cảnh thương mại quốc tế
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên trao đổi với các cơ quan báo chí về bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay. 

Về vấn đề “Tổng quan các hiệp định thương mại tự do và tác động đối với kinh tế Việt Nam”, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên trao đổi với các cơ quan báo chí về bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay; theo đó, lợi thế so sánh thông thường không còn là động lực mà chuỗi giá trị/cung ứng mới có vai trò quyết định. Chuỗi giá trị gắn với đầu tư, cam kết dịch vụ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động và môi trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt này, thay vì hợp tác đa phương trên diện rộng, Việt Nam đã có bước chuyển đổi cơ bản khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do với việc tập trung vào một số đối tác cụ thể cần quan tâm.

Cục Phòng vệ thương mại luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng và ứng phó với các vụ phòng vệ thương mại
Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nêu vai trò của công cụ phòng vệ thương mại.

Chia sẻ với các cơ quan báo chí về “Hoạt động của Cục phòng vệ thương mại trong công tác hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nêu rõ vai trò của công cụ PVTM; các biện pháp PVTM; điều kiện để điều tra về PVTM; quy trình điều tra PVTM. Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh khả năng tăng trưởng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, khả năng phải đối diện với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM là không tránh khỏi. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết Việt Nam cần nâng cao năng lực về PVTM để có thể bảođảmhiệu quả tiến trình hội nhập nên cần sử dụng tốt các công cụ PVTM hợp pháp được tổ chức thương mại thế giới cho phép. Quá trình điều tra áp dụng PVTM cần khách quan, bảo đảm tất cả các ý kiến của các bên liên quan được tổng hợp, tính toán và cân nhắc cho đúng các quy định chi tiết của pháp luật trong nước và thế giới từ đó tránh lạm dụng đảm bảo hiệu quả của quá trình hội nhập.

Hiểu biết về phòng vệ thương mại và cách ứng phó của doanh nghiệp đã được cải thiện
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận về vấn đề PVTM từ góc độ doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận về vấn đề PVTM từ góc độ doanh nghiệp, nêu ra những thực tiễn ứng phó và sử dụng công cụ PVTM của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Bà nêu từ thực tiễn doanh nghiệp Việt Nam đang phải ứng phó với các vụ kiện PVTM ở nước ngoài đến vấn đề các vụ kiện PVTM đối với hàng xuất khẩu Việt Nam; số lượng các vụ kiện PVTM với hàng xuất khẩu Việt Nam liên quan đến: chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh và tự vệ. Trong các vụ kiện PVTM, các thị trường kiện tính đến tháng 10/2021 gồm: Hoa Kỳ (37 vụ), Ấn Độ (29 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (24 vụ), Canada và Australia (17 vụ), EU (14 vụ), Philipine (11 vụ), Indonesia và Malaysia (10 vụ), Thái Lan (9 vụ) … và một số nước khác. Từ những va vấp ban đầu, các doanh nghiệp đã có những kế hoạch ứng phó và trở nên thành thục trong công tác ứng phó ở 1 số lĩnh vực: thủy sản, thép, dệt may, da giày… Nhiều vụ việc đã có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của nhà nhập khẩu, hiểu biết về PVTM và cách ứng phó của doanh nghiệp đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn có những bất lợi trong việc kháng kiện của các doanh nghiệp như: thiếu sự chuẩn bị đầy đủ để kháng kiện hiệu quả (tâm thế, kiến thức, kỹ thuật, nguồn lực…); quy trình thiếu sự minh bạch và khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, pháp lý; quy trình về thời gian, yêu cầu và điều kiện quá chặt chẽ; thông tin tiếp nhận chưa đầy đủ, chính xác…

Từ những thực tiễn nêu trên, bà Trang khẳng định vai trò của báo chí, truyền thông là vô cùng quan trọng, giúp các doanh nghiệp tăng cường sự hiểu biết về PVTM. Đây là thuận lợi rất lớn mà cơ quan báo chí mang lại cho các doanh nghiệp trong các vụ kiện PVTM bằng cách tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp lý trong nước và nước ngoài, thông tin ngành, nghề mà Việt Nam xuất, nhập khẩu nhằm nắm rõ quy định, yêu cầu được quy định chặt chẽ trong các hiệp định của WTO.

Cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí triển khai thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng vệ thương mại tới người dân, doanh nghiệp
Ông Phan Xuân Thủy yêu cầu, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan đến PVTM.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Phan Xuân Thủy yêu cầu, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan đến PVTM nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về PVTM, qua đó bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước và nền kinh tế khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như hiện nay. “Báo chí phải là kênh thông tin, là diễn đàn để bày tỏ ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước, bộ ngành và ngược lại. Thông qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp, người dân sẽ góp phần tạo ra những thay đổi tích cực của cơ quan nhà nước trong việc đổi mới chính sách”.

Tin, ảnh: Thu Hương