Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

(Quanlynhanuoc.vn) – Hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia nhằm tận dụng những thành quả phát triển của nhân loại để phát triển đất nước. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế và là thành viên chính thức của nhiều tổ chức, mạng lưới, diễn đàn lớn của quốc tế và khu vực. Để xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách hội nhập quốc tế, làm việc trong môi trường quốc tế, cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt công chức lãnh đạo, quản lý cần có năng lực ngoại ngữ nhất định. Bài viết đánh giá thực trạng năng lực ngoại ngữ của công chức lãnh đạo, quản lý  tại các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Năng lực là tập hợp toàn bộ các kỹ năng, kiến thức, khả năng, hành vi của một người có thể đáp ứng đối với một công việc nhất định nào đó, năng lực ngoại ngữ (NLNN) là khả năng sử dụng ngoại ngữ bao gồm đọc, nghe, hiểu, giao tiếp và có thể tạo ra các nội dung cần thiết bằng ngoại ngữ để thực hiện công việc. Hội nhập quốc tế đòi hỏi những người tham gia quá trình hội nhập phải có NLNN phù hợp, do đó nâng cao NLNN cho công chức lãnh đạo, quản lý (LĐQL) là yêu cầu khách quan khi mỗi quốc gia tham gia sâu hơn và rộng hơn vào quá trình hội nhập quốc tế, vì chính đội ngũ này là những người trực tiếp hoạch định và thực thi chính sách về hội nhập quốc tế.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã xác định các mục tiêu, yêu cầu, lộ trình cụ thể về năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các cấp. Trong đó, nâng cao trình độ, năng lực, hiểu biết, đặc biệt là NLNN cho công chức LĐQL thích ứng với xu thế hội nhập là nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ của các cơ quan nhà nước.

Thực trạng năng lực ngoại ngữ cho công chức lãnh đạo, quản lý

Việc nâng cao NLNN cho công chức LĐQL là thực sự cần thiết để tăng hiệu quả làm việc. Qua kết quả khảo sát nâng cao NLNN trong thực thi công vụ cho công chức LĐQL tại các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương cho thấy, 81% công chức LĐQL và công chức được quy hoạch chức vụ LĐQL được khảo sát cho rằng, ngoại ngữ cần thiết để thực thi công việc và trên thực tế, 59% số công chức được khảo sát sử dụng ngoại ngữ trong công việc1. Yêu cầu về NLNN đối với công chức hành chính được quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Theo đó, công chức hành chính không bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng phải có NLNN nhất định, cụ thể, ngạch chuyên viên và chuyên viên chính sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 3 và chuyên viên cao cấp sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 4 khung NLNN Việt Nam. Yêu cầu về NLNN này được phần lớn các cơ quan nhà nước áp dụng đối với các vị trí LĐQL trong cơ quan của mình tương ứng với các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp.

Tuy nhiên, yêu cầu cụ thể về NLNN gắn với thực thi công việc của các vị trí LĐQL không được mô tả rõ ràng. Do đó, dù 81% số công chức được khảo sát có chứng chỉ/chứng nhận NLNN bậc 3 trở lên nhưng chỉ có 9% cho rằng bản tiêu chuẩn chức danh LĐQL đang đảm nhiệm có mô tả cụ thể yêu cầu về NLNN2.

Theo kết quả khảo sát, đa số công chức sử dụng ngoại ngữ để tìm kiếm thông tin trên trang mạng quốc tế để phục vụ công việc, đọc các tài liệu chuyên môn bằng ngoại ngữ và tham gia hội họp có sử dụng ngoại ngữ. Tuy nhiên, chỉ có một nửa số công chức được khảo sát có năng lực sử dụng ngoại ngữ bậc 4 trở lên. Do đó, không ngạc nhiên khi gần một nửa số công chức khảo sát cảm thấy khó khăn trong việc sử dụng ngoại ngữ để tìm kiếm, tổng hợp thông tin và tham gia hội họp trong thực thi công vụ. Đặc biệt trên 60% công chức được khảo sát cảm thấy khó khăn đối với thuật ngữ chuyên ngành bằng ngoại ngữ3.

Thực tiễn trong những năm qua, việc nâng cao NLNN của công chức LĐQL cũng còn nhiều bất cập, hạn chế: theo khảo sát trong các năm 2019, 2020, chỉ có 17% công chức được khảo sát tham gia các khóa học ngoại ngữ trong đó có 8% học ngoại ngữ phục vụ cho thực thi công việc. Đa số công chức tự nâng cao NLNN (khoảng 75%) bằng các cách thức khác nhau nhưng hiệu quả bị hạn chế (có khoảng 38% có hiệu quả)4. Việc nâng cao NLNN của công chức LĐQL chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như các quy định liên quan đến yêu cầu nâng cao NLNN cho cán bộ, công chức, viên chức và yêu cầu vị trí việc làm; yếu tố môi trường làm việc (sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị về NLNN của công chức; bối cảnh làm việc; áp lực công việc chuyên môn) và yếu tố khả năng và nhu cầu cá nhân công chức LĐQL. Trong số các yếu tố này, yếu tố về quy định đội ngũ cán bộ LĐQL có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan/đơn vị, chất lượng các lớp học ngoại ngữ và khả năng cũng như nhu cầu học tập của cá nhân công chức LĐQL có ảnh hưởng nhiều nhất tới việc nâng cao NLNN của công chức LĐQL.

Kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng lực ngoại ngữ cho công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Để thực hiện các chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ cho công chức, trong đó có công chức LĐQL, Chính phủ Bun-ga-ri đã yêu cầu thứ trưởng thường trực của các bộ chịu trách nhiệm về nâng cao NLNN cho công chức để phục vụ cho quá trình hội nhập, hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng ngoại ngữ và bảo đảm ngôn ngữ không phải là rào cản trong hội nhập quốc tế của công chức.

Ở Séc, để xác định nhu cầu nâng cao năng lực hội nhập, một nghiên cứu chính thức đã tiến hành phỏng vấn các công chức LĐQL cấp cao của các bộ, ngành và nâng cao NLNN là biện pháp ưu tiên hàng đầu trong chiến lược thúc đẩy hội nhập của quốc gia này. Các công chức không chỉ được nâng cao NLNN thông thường mà còn được học ngoại ngữ chuyên ngành và được tạo điều kiện tham gia các sự kiện quốc tế chuyên ngành của mình.

Còn ở Hung-ga-ri áp dụng yêu cầu bắt buộc về điều kiện ngoại ngữ đối với công chức nhưng không cấp toàn bộ kinh phí học ngoại ngữ mà áp dụng chính sách xã hội hóa, trong đó ngân sách nhà nước chi trả 50%. Công chức LĐQL được xác định là đối tượng đầu tiên cần phải nâng cao NLNN, vì đây chính là cấp tham gia hoạch định chính sách về hội nhập quốc tế.

Để khuyến khích công chức, đặc biệt công chức LĐQL nâng cao NLNN, Chính phủ Lát-vi-a đã quy định tăng 10% lương cho mỗi ngoại ngữ mà công chức đó thành thạo và trợ cấp kinh phí học ngoại ngữ tại các cơ sở bồi dưỡng công chức. Sử dụng thành thạo hai ngoại ngữ là một lợi thế để công chức được đề bạt vào các vị trí LĐQL và nếu sử dụng thành thạo ngoại ngữ thứ ba trở đi, công chức sẽ được tăng 10% lương hằng tháng cho từng ngoại ngữ thành thạo.

Chính phủ Ba Lan xác định để đất nước hội nhập hiệu quả, mỗi công chức cần phải có một số năng lực cơ bản, trước hết là NLNN, công chức phải tham gia các khóa học ngoại ngữ ngắn hạn hoặc dài hạn5.

Với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, thu hút sự đầu tư của các công ty đa quốc gia và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, chính quyền Đài Loan đặt mục tiêu kỳ vọng đến năm 2030, tất cả người dân đều thành thạo tiếng Anh và đội ngũ công chức, đặc biệt công chức LĐQL phải tiên phong trong nâng cao NLNN. Học tiếng Anh là một nội dung bắt buộc trong các chương trình bồi dưỡng công chức. Học viện Công vụ được giao nhiệm vụ nâng cao NLNN cho đội ngũ công chức nói chung và công chức LĐQL nói riêng. Bên cạnh các khóa học tiếng Anh phổ thông, các khóa học tiếng Anh về các lĩnh vực chuyên ngành như về hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, chuyên môn cụ thể và các khóa học tiếng Anh thông qua các kỹ năng hỗ trợ hội nhập quốc tế, như kỹ năng thuyết trình, tiếp xã giao đối tác quốc tế, giao tiếp quốc tế, hội họp, trao đổi thư từ, soạn thảo văn bản, đã được tổ chức cho công chức LĐQL.

Để tạo điều kiện cho công chức tự nâng cao NLNN, các khóa học ngoại ngữ được tổ chức trực tuyến định kỳ trên mạng xã hội với các nội dung đa dạng liên quan đến thực tiễn công việc hàng ngày của công chức và các hướng dẫn sử dụng nguồn tài nguyên học ngoại ngữ được phổ biến rộng rãi. Các công chức LĐQL và công chức được quy hoạch chức vụ LĐQL được tạo cơ hội tham gia các hội thảo quốc tế hoặc đi thực tế tại nước ngoài6.

Các giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ cho công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về NLNN, đặc biệt ngoại ngữ phục vụ thực thi công việc và làm việc trong môi trường quốc tế cho công chức LĐQL. Người đứng đầu các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về nâng cao NLNN cho đội ngũ công chức trong cơ quan mình, ban hành chiến lược nâng cao NLNN trong thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế, đưa tiêu chí nâng cao NLNN phục vụ thực thi công việc và làm việc trong môi trường quốc tế là một trong những tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai, xây dựng bản mô tả cụ thể về NLNN cho các vị trí LĐQL, trong đó xác định những kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ cần thiết để thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế cho các vị trí LĐQL trong cơ quan mình.

Thứ ba, thực hiện các chương trình bồi dưỡng nâng cao NLNN trong thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế cho vị trí LĐQL. Các cơ quan nhà nước có thể hợp tác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công chức xây dựng danh mục ngoại ngữ chuyên ngành; xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng ngoại ngữ trong thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế và tổ chức các khóa học nâng cao NLNN cho công chức LĐQL của cơ quan dưới các hình thức đa dạng: học trực tuyến, học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, học kết hợp thực hành trong công việc, học qua thực tế.

Thứ tư, tạo môi trường khuyến khích công chức nâng cao NLNN thực thi công việc và làm việc trong môi trường quốc tế. Áp dụng các hình thức khuyến khích nâng cao NLNN như cử đi bồi dưỡng ngoại ngữ, tham gia các sự kiện có yếu tố nước ngoài; chia sẻ các dữ liệu chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài; tổ chức các hình thức kèm cặp nâng cao NLNN trong cơ quan; tổ chức các hoạt động, sự kiện thúc đẩy sử dụng ngoại ngữ,…

Thứ năm, dành nguồn nhất định trong ngân sách đào tạo, bồi dưỡng cho nâng cao NLNN và làm việc trong môi trường quốc tế. Áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách này như cam kết học tập và kết quả học tập của công chức được đi đào tạo, bồi dưỡng và ban hành các chế tài kèm theo.

Thứ sáu, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế để tạo cơ hội sử dụng ngoại ngữ cho công chức và để tranh thủ nguồn lực trong nâng cao NLNN cho công chức, đặc biệt công chức LĐQL. Các hoạt động hợp tác quốc tế như hội thảo khoa học quốc tế, hội nghị quốc tế chuyên ngành, tham quan khảo sát nước ngoài, nghiên cứu chung với các đối tác quốc tế, tham gia các mạng lưới và diễn đàn quốc tế chuyên ngành…

Kết luận

NLNN của đội ngũ công chức, đặc biệt của công chức LĐQL ở Việt Nam còn hạn chế. Chính vì vậy, việc nâng cao NLNN cho công chức LĐQL đáp ứng yêu cầu của môi trường quốc tế là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế cả về chiều sâu và chiều rộng.

Thực hiện các giải pháp tổng thể để nâng cao NLNN trong thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế cho công chức LĐQL, đặc biệt áp dụng các hình thức đa dạng khuyến khích công chức tự nâng cao NLNN phù hợp với vị trí LĐQL nhằm góp phần xây dựng đội ngũ công chức LĐQL chất lượng cao của đất nước.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Đề tài khoa học: “Nâng cao năng lực ngoại ngữ trong thực thi công vụ cho công chức lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương”, mã số 08/2021/ĐTCS-HCQG theo Quyết định số 1202/QĐ-HCQG ngày 16/6/2021 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia do TS. Nguyễn Thị Thu Cúc làm chủ nhiệm.
5. OECD. Country profiles of civil service training systems: SIGMA PAPERS: No. 1
6. Yang Mien-chieh, Dennis Xie. Agency adds English to civil servant training program. https://www.taipeitimes.com, ngày 25/10/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
2. Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 – 2030”.
3. Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.
TS. Nguyễn Thị Thu Cúc
ThS. Trần Thị Kim Khánh
Học viện Hành chính Quốc gia