Sở Ngoại vụ Quảng Bình – quá trình hình thành và một số kết quả đạt được

Quá trình hình thành

Ngay khi tỉnh Quảng Bình được tái lập vào năm 1989, xuất phát từ xu hướng hội nhập kinh tế, liên doanh, liên kết kinh tế khu vực và quốc tế, UBND thành lập Nhóm chuyên viên đối ngoại thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Nhóm chuyên viên đối ngoại đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trên nhiều lĩnh vực thuộc hoạt động đối ngoại nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng. Tuy vậy, so với yêu cầu đặt ra có nhiều hạn chế, đặc biệt là khả năng triển khai các hoạt động đối ngoại trên cả ba mặt trận: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Từ những yêu cầu đó, năm 1995, UBND tỉnh quyết định thành lập Phòng Đối ngoại trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, song là tổ chức chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Ban Biên giới tỉnh Quảng Bình đang hoạt động, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Hiệp định về Quy chế biên giới Quốc gia Việt Nam – Lào và giải quyết các vấn đề có liên quan đến biên giới. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Ban Biên giới tỉnh Quảng Bình với Ban Biên giới và các ngành hữu quan của 2 tỉnh Khăm Muộn, Sa-vẳn-nạ-khệt (Lào), góp phần giữ vững an ninh, trật tự trong khu vực biên giới, củng cố mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Ngày 10/10/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 209/2003/QĐ-TTg cho phép thành lập Sở Ngoại vụ. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 03/02/2004 thành lập Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình trên cơ sở tổ chức lại Phòng Đối ngoại thuộc Văn phòng UBND tỉnh và Ban Biên giới thuộc UBND tỉnh.

Từ khi thành lập, Sở đã tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, ban hành các quy chế, quy định của cơ quan và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Đến nay, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình đã hơn 17 năm xây dựng và phát triển. Tổng số công chức, viên chức và người lao động hiện có 20người. Tập thể công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở Ngoại vụ đã luôn đoàn kết, nhất trí, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBNDtỉnh về công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

Một số kết quả đạt được

Trong thời gian qua, công tác đối ngoại của tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bám sát chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực để từng bước tạo nên dáng vóc của Quảng Bình hôm nay.

Sở Ngoại vụ đã chủ động tham mưu thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác với các địa phương, các tổ chức nước ngoài, qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh, tạo ra cơ hội thu hút đầu tư và mở rộng cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Thông qua các hoạt động hợp tác, trao đổi đoàn, Quảng Bình đã xây dựng và củng cố quan hệ quốc tế giữa tỉnh Quảng Bình với các địa phương, tổ chức nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Quảng Bình nói riêng với bạn bè quốc tế, đồng thời, đóng góp vào việc củng cố quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện với các tỉnh Khăm Muộn, Sạ-vẳn-nạ-khệt của Lào là mối quan hệ đặc biệt gắn bó từ lâu đời và là ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của tỉnh. Hằng năm, tỉnh đều trích một phần ngân sách để hỗ trợ các tỉnh Khăm Muộn, Sạ-vẳn-nạ-khệt xây trường học, trạm y tế, nhà truyền thống, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh bạn Lào với số lượng mỗi năm có khoảng 200 cán bộ, sinh viên Lào diện hợp tác học tập tại các cơ sở đào tạo của tỉnh Quảng Bình… Trong 2 năm trở lại đây, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát, Quảng Bình đã chủ động hỗ trợ các tỉnh Khăm Muộn, Sạ-vẳn-na-khệt, Chăm-pa-sắc các trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch, đặc biệt, trong tháng 10/2021, tỉnh đã cử Đoàn công tác y tế đặc biệt mang theo máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế sang xét nghiệm Covid-19 giúp tỉnh Khăm Muộn trong thời gian 15 ngày, đã giúp bạn bóc tách được một số lượng lớn F0 ra khỏi cộng đồng.

Ngoài việc tập trung củng cố, xây dựng các mối quan hệ truyền thống, Quảng Bình đã chủ động đề xuất thành lập Hiệp hội hợp tác và khai thác, sử dụng đường 12, sau đó sáp nhập với Hiệp hội sử dụng đường 8 trở thành Hiệp hội 9 tỉnh 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan sử dụng đường 8 và đường 12. Về quy mô, đây là diễn đàn hợp tác đa phương khá lớn. Hiệp hội đã tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Bình thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác với các tỉnh có quan hệ truyền thống, đồng thời mở rộng quan hệ với các tỉnh mới như Bô-ly-khăm-xay (Lào), Bưng Càn và Noọng Khai (Thái Lan).

Từng bước mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Séc, Đức, Ô-xtơ-rây-li-a,… Với các đối tác này, trước mắt là thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các địa phương, sở, ngành, đơn vị, về lâu dài là tranh thủ sự hỗ trợ về ODA, NGO và xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình.

Là cơ quan đầu mối của tỉnh trong quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, Sở Ngoại vụ đã chủ động lập dự án, triển khai vận động, tranh thủ tiếp cận các nhà tài trợ, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, các tổ chức đoàn thể xây dựng các dự án, kêu gọi đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực phù hợp, ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế hàng năm tài trợ cho tỉnh trung bình 30 – 40 chương trình, dự án với giá trị viện trợ trung bình 3,5 – 4 triệu USD/năm.

Là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh thực hiện về công tác biên giới lãnh thổ quốc gia, phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào, Sở Ngoại vụ đã thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp UBNDtỉnh thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, đóng góp quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, toàn vẹn lãnh thổ trên địa bàn tỉnh, đồng thời củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước giữa tỉnh Quảng Bình với các tỉnh Khăm Muộn, Sạ-vẳn-na-khệt, CHDCND Lào.

Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào là một công trình cực kỳ trọng đại của hai quốc gia, có ý nghĩa rất lớn về bảo đảm an ninh, chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, thể hiện nguyện vọng của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam – Lào. Với đường biên giới đất liền dài hơn 222 km, tỉnh Quảng Bình được đánh giá là một trong 3 tỉnh có địa hình hiểm trở nhất trong 10 tỉnh của nước ta có biên giới với CHDCND Lào, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mùa khô không có nước, mùa mưa bị chia cắt do sông suối dày đặc nên các lực lượng làm việc trên thực địa gặp rất nhiều khó khăn. Trải qua hơn 5 năm thực hiện, tổ chức hơn 70 chuyến công tác thực địa trên biên giới, đến tháng 9/2013, công tác cắm mốc trên thực địa đã hoàn thành 61 mốc và 01 cọc dấu, được Trung ương đánh giá cao, là một trong những tỉnh thực hiện tốt nhất, mốc cắm đúng vị trí, chất lượng thi công bảo đảm.