Nâng cao mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ về an ninh phi truyền thống

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết khái quát tình hình hợp tác an ninh phi truyền thống Việt Nam – Hoa Kỳ những năm vừa qua. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia về an ninh phi truyền thống trên nhiều phương diện tiếp cận.
Đối thoại An ninh năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 3, ngày 14-15/10/2021. Ảnh: tapchicongthuong.vn.
Một số vấn đề hợp tác an ninh phi truyền thống giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là quốc gia thực dụng, chính sách đối ngoại luôn phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ và luôn tìm mọi cách để bảo vệ lợi ích, kể cả hành động đơn phương và phi lý. Một mặt, luôn tìm cách quảng bá cho các giá trị Hoa Kỳ; mặt khác, luôn thực hiện chính sách nước lớn, làm chủ cục diện thế giới.

Nhưng cục diện thế giới luôn thay đổi buộc Hoa Kỳ điều chỉnh chính sách, đặc biệt là nhằm đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống (ANPTT) mới nổi lên, thúc đẩy dân chủ và thịnh vượng thông qua mở rộng các nền kinh tế thị trường tự do và thương mại tự do. Ví dụ: chính quyền Clinton coi thúc đẩy thương mại là một trong những ưu tiên, đồng thời, tạo dựng ảnh hưởng quốc tế của Hoa Kỳ – không ngừng cổ súy cho tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới; chính quyền Bush thì coi vấn đề chống khủng bố là quan trọng hàng đầu; chính quyền Obama xoay trục đối ngoại sang châu Á, nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc; chính quyền Trump thì coi những vấn đề cạnh tranh và hợp tác kinh tế toàn cầu là cốt lõi của các vấn đề ANPTT của Hoa Kỳ (chống nhập cư vào Mỹ, thực hiện thương chiến Hoa Kỳ – Trung Quốc để bảo vệ những lợi ích kinh tế mang tính “dân túy” của mình đối với cử tri); chính quyền Biden cải thiện quan hệ với các nước đồng minh và đối tác trên thế giới để hình thành một “liên minh các nền dân chủ toàn cầu” nhằm đối phó với Trung Quốc thông qua ngoại giao trên một số vấn đề ANPTT.

Hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ về an ninh phi truyền thống hiện nay

(1) Hợp tác an ninh môi trường.

Môi trường hiện nay của Việt Nam bị xuống cấp rất nhanh1. Việc Việt Nam – Hoa Kỳ tăng cường hợp tác đối với một số vấn đề về an ninh môi trường trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI đến nay phần nào giúp giải quyết vấn đề về môi trường, đóng góp vào sự cải thiện môi trường toàn cầu và nâng cao hình ảnh của Hoa Kỳ trên trường quốc tế, cân bằng môi trường ở Việt Nam khắc phục hạn chế do sự phát triển công nghiệp mang lại.

Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), đã cung cấp xấp xỉ 12 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phòng, chống, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2000. Đến tháng 4/2016, USAID tiếp tục tài trợ giúp Việt Nam cứu trợ thiên tai đối phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Hoặc qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ cung cấp nước uống và bình chứa nước cho những người bị ảnh hưởng thiếu nước bởi lũ lụt…

Tháng 5/2016, Việt Nam – Hoa Kỳ đã ra các công bố chung về hợp tác chống biến đổi khí hậu và chống buôn bán động vật hoang dã. Theo đó, Hoa kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam 60 triệu USD để ứng phó với biến đổi khí hậu và 10 triệu USD để phòng, chống buôn bán động vật hoang dã.

(2) Hợp tác an ninh năng lượng.

Vấn đề an ninh năng lượng (ANNL) của Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ ngành điện do sự mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng1 (năm 2012 tổng mức tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam là 49,3 Mtoe). Hợp tác với Hoa Kỳ về ANNL không những giải quyết phần nào những vấn đề năng lượng của Việt Nam, mà còn là giải quyết vấn đề năng lượng của cả Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực ANNL, Việt Nam – Hoa Kỳ đã thỏa thuận chung ràng buộc về mặt pháp lý của Chính phủ đối với Chính phủ trong vấn đề sử dụng năng lượng hạt nhân hòa bình từ tháng 10/2014 (Thỏa thuận 123), cho phép các doanh nghiệp Hoa Kỳ xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân và thông tin nghiên cứu, vật liệu, công nghệ và thiết bị sang Việt Nam; tạo tiền đề hợp tác điện hạt nhân hai nước trong tương lai.

Phía Hoa Kỳ cũng thường xuyên hỗ trợ đào tạo vật liệu và cơ sở hạt nhân cho Việt Nam kể từ năm 2013; hỗ trợ công nghệ, đào tạo năng lực phát hiện và ngăn chặn buôn lậu hạt nhân tăng cường khả năng của Việt Nam trong việc chống buôn lậu hạt nhân và phóng xạ (hỗ trợ lắp đặt hệ thống phát hiện bức xạ tại cảng Cái Mép vào tháng 5/2014). Tháng 3/2015 hai bên ký tuyên bố hợp tác về khoa học – công nghệ dàn xếp hành chính trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân ký kết tháng 5/2016. Từ ngày 15/8 – 18/8/2016, Cục An toàn và bức xạ hạt nhân phối hợp với Phòng thí nghiệm Tây Bắc Thái Bình Dương thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã hợp tác tổ chức Khóa đào tạo về ứng phó sự cố an ninh nguồn phóng xạ.

Đồng thời, còn có một số hoạt động hợp tác khác, như: Thỏa thuận khung phát triển dự án Cá Voi năm 2017; ký trao đổi Bản ghi nhớ đối tác hợp tác năng lượng toàn diện thiết lập khuôn khổ, cơ chế hợp tác rõ ràng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác cụ thể giữa các doanh nghiệp hai bên vào tháng 9/2019; thỏa thuận chung xây nhà máy điện khí ở Sóc Trăng năm 2021 hay hợp tác dự án xây dựng Nhà máy điện Sơn Mỹ 2

(3) Hợp tác an ninh hàng hải.

Hai bên thường trao đổi về tình hình Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở tại Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Phía Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam một số tàu tuần duyên vào năm 2013 và 2018, đồng thời, thực hiện một số hoạt động hỗ trợ tài chính cho việc nâng cao chất lượng an ninh hàng hải.

(4) Hợp tác an ninh mạng.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội trên nền tảng internet đã làm cho nền kinh tế thế giới ngày càng phát triển năng động và linh hoạt; song mặt trái của nó là đã tạo ra những vấn đề an ninh mới cho mỗi quốc gia như Việt Nam và Hoa Kỳ. Hai nước cũng đã có những hoạt động hợp tác tích cực nhất định để giải quyết các vấn đề an ninh mạng, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển, tăng cường giao lưu văn hóa – xã hội giữa nhân dân hai nước và tích cực hợp tác trao đổi kỹ thuật, hỗ trợ tư pháp lẫn nhau trong các vấn đề an ninh mạng.

(5) Hợp tác chống khủng bố.

Sau sự kiện khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11/9/2001, đến nay, tình hình khủng bố diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Sau khi có sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ và các nước đồng minh, tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương về chính trị, quân sự, an ninh…, các lực lượng khủng bố hồi giáo cực đoan cũng bám theo đó để mở rộng phạm vi hoạt động và ảnh hưởng ra các khu vực khác trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á thuộc  khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trung tâm Hồi giáo lớn thứ hai trên thế giới với khoảng 300 triệu tín đồ Hồi giáo), đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng cực đoan làm cho nguy cơ khủng bố ở khu vực Đông Nam Á ngày càng tăng; các lực lượng khủng bố nhắm vào lợi ích của Hoa Kỳ và các nước có mối liên quan với Hoa Kỳ (trong đó có Việt Nam) là thách thức không thể coi thường.

Hơn nữa, các thế lực phản động lưu vong người Việt, bọn phản động, chống đối trong nước đã chuyển sang hướng “Đấu tranh bất bạo động”, song không từ bỏ âm mưu ý đồ sử dụng bạo lực để chống phá chế độ bằng các hoạt động khủng bố. Tại Việt Nam có nhiều cơ quan đại diện ngoại giao các nước (trong đó có Hoa Kỳ và đồng minh của Hoa Kỳ), cơ sở kinh tế của nước ngoài chính là các đối tượng, mục tiêu mà các tổ chức khủng bố quốc tế muốn tấn công khủng bố.

Việt Nam nằm liên kề với nhiều quốc gia trong khu vực có các tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động. Hằng năm, có hàng trăm người Hồi giáo Việt Nam hành hương đến Thánh địa Mecca hoặc du lịch, thăm thân, học tập, đào tạo tại các trường hồi giáo nước ngoài. Đây là điều kiện thuận lợi để các tổ chức khủng bố quốc tế có tính chất Hồi giáo cực đoan có thể lợi dụng tuyên truyền tư tưởng cực đoan, tuyển lựa, phát triển chân rết vào nước ta.

Hoạt động tàng trữ, buôn bán, vận chuyển chất nổ, chất cháy, chất độc hại ở các địa phương trong cả nước diễn biến phức tạp, còn nhiều sơ hở trong quản lý. Các đối tượng khủng bố có thể lợi dụng điều này để trang bị phương tiện, thiết bị và tổ chức hoạt động khủng bố. Do tác động từ tình hình khủng bố ở khắp thế giới… và một số vấn đề nội tại về dân tộc, tôn giáo ở nước ta nếu không được giải quyết kịp thời và triệt cộng hưởng với sự kích động, tài trợ, chỉ đạo của các thế lực thù địch bên ngoài có thể gia tăng nguy cơ nảy sinh các hành vi chống phá bất bạo động, bạo động, bạo loạn, khủng bố. Với sự phát triển internet và bùng nổ mạng xã hội thông tin, nguy cơ khủng bố lợi dụng internet để hoạt động ngày càng gia tăng (tuyên truyền tư tưởng cực đoan, lôi kéo, tuyển lựa thành viên, hướng dẫn hoạt động khủng bố; tấn công công nghệ cao vào hệ thống hành chính điện tử, hệ thống tài chính…).

Sự hợp tác chống khủng bố giữa hai nước thời gian qua dựa trên sự hợp tác các lĩnh vực nền tảng khác tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ về chống khủng bố, vấn đề khúc mắc nhất hiện nay là quan điểm của mỗi nước về nhận diện và xác định đối tượng khủng bố không thống nhất.

Ngoài ra, Việt Nam – Hoa Kỳ còn có một số hoạt động hợp tác ANPTT khác, như: Sáng kiến đấu thầu toàn cầu năm 2016; tổ chức chương trình huấn luyện Hành động bom mìn nhân đạo năm 2016, (từ năm 1993, Hoa Kỳ đã tài trợ Việt Nam khoảng 92 triệu USD cho công tác nhận diện và xử lý các hiểm họa của vật liệu chưa nổ); đẩy mạnh các cách tiếp cận dựa vào cộng đồng trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV ở Việt Nam từ năm 2016 – 2021, hiện nay, Hoa Kỳ đã và đang tài trợ nhiều triệu liều vaccine chống Covid-19 cho Việt Nam, chung tay hợp tác chống đại dịch Covid-19 toàn cầu – một vấn đề ANPTT của toàn nhân loại.

Một số kiến nghị góp phần nâng cao chất lượng mối quan hệ an ninh phi truyền thống Việt Nam – Hoa Kỳ

Một là, luôn thực hiện thống nhất quan điểm, đường lối, chính sách quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Đảng; sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác hợp tác quốc tế về ANPTT.

Hai là, không tách rời hợp tác ANPTT với an ninh truyền thống; đồng thời, giải quyết hài hòa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; kết hợp chặt chẽ bảo đảm an ninh quốc gia với phát triển kinh tế.

Ba là, kết hợp xây dựng mối quan hệ hợp tác Nhà nước với công tác đối ngoại của Đảng và đối ngoại nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Xây dựng các kênh hợp tác khác nhau: các chủ thể chính trị (đảng, tổ chức chính trị), các đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, tập đoàn – doanh nghiệp kinh tế. Huy động tổng lực hệ thống chính trị hai nước qua các kênh đối ngoại khác nhau tác động đến các chủ thể chính trị quốc tế (thay đổi nhận thức, thấy được lợi ích của mình từ mối quan hệ hợp tác ANPTT Việt Nam – Hoa Kỳ; dẫn tới ủng hộ, xúc tiến và thúc đẩy hợp tác hoặc ít nhất là không cản trở hay chống phá sự hợp tác của hai nước). Tập hợp lực lượng đông đảo, rộng rãi tham gia trên tinh thần “thêm bạn bớt thù”. Xây dựng, mở rộng các lĩnh vực hợp tác từ các lĩnh vực truyền thống sang các lĩnh vực mới…

Bốn là, bảo đảm các nguyên tắc: (1) “rõ ràng và minh bạch” – (nắm rõ tình hình quốc tế, khu vực, nắm chắc vai trò quốc tế của các cường quốc; nhận rõ sự tác động, chi phối của các cường quốc, các trung tâm quyền lực lớn đối với mối quan hệ ANPTT Việt Nam – Hoa Kỳ); (2) “độc lập, tự chủ”; “đoàn kết quốc tế” – (xác định Việt Nam là một bộ phận của thế giới, từ đó, tích cực, chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế ANPTT có lựa chọn, có lộ trình chắc chắn, có ý nghĩa thiết thực và bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực); (3) phải tỉnh táo, vừa phải nhìn nhận bao quát, vừa chuyên sâu, tránh việc chỉ thấy lợi ích trước mắt, hay chỉ thấy cái lợi mà không thấy cái hại…; (4) kiên định với những vấn đề mang tính nguyên tắc nhưng khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử, xử lý các mối quan hệ.

Năm là, giải quyết tốt những vấn đề cơ bản còn tồn tại hiện nay (vấn đề hậu chiến tranh, vấn đề hòa giải – hòa hợp với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, vấn đề khác biệt ý thức hệ)…

Sáu là, tác động nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, chính quyền và nhân dân hai nước. Nhằm hình thành năng lực quyết sách chính trị của các chủ thể.

Bảy là, cụ thể hóa các chính sách hợp tác trong các quyết sách chính trị, xây dựng thể chế hợp tác trên cơ sở văn bản pháp luật hai nước và hoạt động quản lý các lĩnh vực có sự hợp tác của chính quyền hai nước một cách minh bạch, cụ thể, rõ ràng.

Tám là, hợp tác ANPTT là quá trình liên kết hoặc gắn kết các quốc gia, vùng lãnh thổ với nhau qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm3. Một mặt, Việt Nam cần tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tranh thủ các nguồn lực trong xây dựng mối quan hệ hợp tác ANPTT với Hoa Kỳ; mặt khác, cần phải chủ động thể hiện bản lĩnh chính trị quốc tế của mình, bảo vệ độc lập chủ quyền, duy trì tình hình chính trị – xã hội trong nước ổn định, nâng cao vị thế quốc tế để xúc tiến hợp tác ANPTT với Hoa Kỳ ngày càng tốt đẹp.

Chín là, Hoa Kỳ là nước giữ vai trò chủ chốt, là cường quốc tham gia thành lập nhiều tổ chức và thiết lập các thể chế quốc tế lớn. Quyền lực quốc tế của Hoa Kỳ có thể tác động lên các tổ chức và thể chế này, khiến cho việc hợp tác ANPTT Việt Nam – Hoa Kỳ ngoài việc bị ảnh hưởng bởi các tổ chức và các thể chế này còn bị ảnh hưởng bởi chính mong muốn chủ quan bởi lực lượng chính trị cầm quyền của Hoa Kỳ. Vì vậy, Việt Nam cần có phương thức phù hợp, linh hoạt trong hợp tác ANPTT với Hoa Kỳ trong tổng thể cấu trúc chính trị – ngoại giao toàn cầu (tổ chức, thiết chế, hệ thống chính trị Hoa Kỳ) hình thành nên một sức mạnh ngoại giao tổng lực, hỗ trợ cho quá trình hợp tác phát triển.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Asian development Bank. Viet Nam: Energy Sector Assessment, Strategy, and Road Map. Philippines, 2016, page 2.
3. Ban Tuyên giáo Trung ương. Hướng dẫn chi tiết chuyên đề “Hội nhập quốc tế” ban hành kèm theo Hướng dẫn số 42-HD/BTGTW ngày 01/9/2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Bruce W. Jentleson. Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ – Động cơ của sự lựa chọn trong thế kỷ XXI (American foreign policy The dynamics of choice in the 21st century), (bản tiếng Việt do: Linh Lan, Yên Hương và cộng sự dịch). H. NXB Chính trị quốc gia, 2004.
2. Bùi Thị Phương Lan. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ 1994 – 2010. H. NXB Khoa học Xã hội, 2011.
3. Đặng Đình Quý. Quan hệ Mỹ – Việt Nam (2003 – 2007). Luận án tiến sỹ Lịch sử, Học viện Khoa học xã hội, H, 2012.
4. Tạ Ngọc Tấn, Phạm Thành Dung và Đoàn Minh Huấn (đồng chủ biên). An ninh phi truyền thống – tiếp cận lý thuyết và thực tiễn hiện nay. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2013.
ThS. Phạm Bình Dũng
Học viện Chính trị khu vực I