Nhận diện và giải pháp phòng, chống thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của internet, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng, cho phép người dùng chia sẻ, trao đổi thông tin, kết nối toàn cầu. Tuy nhiên, tội phạm trên không gian mạng đã và đang lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các phương thức thủ đoạn, đa dạng, tinh vi, gây hậu quả khó lường cho người sử dụng mạng xã hội. Bài viết mong muốn giúp bạn đọc nhận diện và trang bị biện pháp phòng, chống thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội hiện nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: cand.com.vn
Đặt vấn đề

Trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, với số lượng người sử dụng mạng xã hội (MXH) đông đảo cùng lượng thông tin tài khoản người dùng khổng lồ đang là mảnh đất màu mỡ để tội phạm lợi dụng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với đặc tính không gian ảo, xuyên quốc gia, không để lại dấu vết, nhân chứng như các tội phạm truyền thống, nên công tác phòng ngừa, đấu tránh đối với loại tội phạm phi truyền thống này cũng gặp nhiều khó khăn. Điều đó đặt ra vấn đề người dùng MXH cần phải nhận diện được các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này. Các căn cứ pháp lý và giải pháp thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này cần nhận diện và vận dụng để đấu tranh và phòng ngừa hiệu quả.

Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) là tội phạm phổ biến được quy định tại Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về các tội xâm phạm sở hữu, tại Điều 174 quy định: “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng…”; và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi đưa ra các thông tin gian dối để tạo lòng tin cho người khác, để người đó giao tài sản và chiếm đoạt tài sản đó; hành vi khách quan của tội phạm này là đưa ra thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản…”1.

Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này có thể nhận diện một số thủ đoạn LĐCĐTS qua MXH phổ biến như sau:

Thứ nhất, giả danh doanh nhân, quân nhân thành đạt người nước ngoài. Thông qua MXH, các đối tượng lừa đảo kết bạn gọi điện, nhắn tin làm quen với phụ nữ Việt Nam, thường là những bà mẹ đơn thân, nữ doanh nhân thành đạt, thiếu thốn tình cảm. Sau thời gian “nói chuyện, chat, viết email”, những kẻ lừa đảo tạo ra một bức tranh hoàn mỹ về tương lai nhưng thực tế đó là cả một màn kịch lừa tình và lừa tiền. Điển hình, vào tháng 6/2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ an khởi tố vụ án và khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hằng, quê quán Nghệ An, sinh năm 1988 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”2.

Thứ hai, thủ đoạn hack facebook (chiếm quyền truy cập facebook), nhắn tin cho người thân của chủ tài khoản để vay tiền, nhờ chuyển hộ tiền… nhằm chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng chiếm quyền truy cập tài khoản, thay đổi mật khẩu, nghiên cứu về danh sách người thân của chủ facebook bị chiếm quyền truy cập, nhắn tin nhờ vay tiền hoặc chuyển hộ tiền cho một người khác. Sau khi nhận được tiền từ nạn nhân, các đối tượng chuyển tiền (banking) lòng vòng qua rất nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau rồi rút tiền từ các cây ATM. Đơn cử như ngày 16/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Quốc Vũ (sinh năm 1997) và Lê Văn Hiếu (sinh năm 1998), đều quê Quảng Trị, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản3.

Thứ ba, thủ đoạn lập Công ty tài chính cho vay tiền để chiếm đoạt tiền bảo hiểm rủi ro của khoản vay của khách hàng: nhóm đối tượng mạo danh các công ty tài chính chuyên cho vay tín dụng và thiết lập các trang fanpage giả trên các nền tảng facebook, zalo. Các đối tượng “chạy” quảng cáo cho vay tín chấp với thủ tục nhanh chóng, đơn giản: khách hàng chỉ cần chụp ảnh, chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc bằng lái xe, biên lai thu tiền điện hằng tháng gửi qua zalo, facebook cho các đối tượng để được vay. Được duyệt vay dễ dàng nên rất nhiều khách hàng trên cả nước đã đăng ký số điện thoại để vay tiền. Chúng yêu cầu khách hàng khi vay tiền phải đóng phí bảo hiểm rủi ro cho khoản vay với số tiền 550.000 đồng/mỗi khoản vay. Điển hình ở thành phố Buôn Ma Thuột đã có trường hợp các đối tượng còn vẽ ra nhiều khoản phí khác nữa với tổng số tiền lên đến 20 triệu đồng đối với một khoản vay 50 triệu4.

Thứ tư, thủ đoạn lừa đảo tuyển người bán hàng online: phương thức hoạt động của các đối tượng là tuyển cộng tác viên bán hàng online. Khi khách có nhu cầu mua sản phẩm của công ty thì cộng tác viên nhập hàng từ công ty về bán cho khách và hưởng chênh lệch 10 – 20%. Để các nạn nhân sập bẫy, các đối tượng không vội vàng đặt hàng ngay mà chờ một vài ngày sau khi cộng tác viên đăng bài bán các sản phẩm thì mới bắt đầu mua hàng thông qua tài khoản facebook ảo, sim rác. Cộng tác viên nhận hàng từ các đối tượng và thanh toán tiền hàng trước, lúc này người mua hàng tự “bốc hơi” hoặc chuyển hàng đi không có người nhận. Hàng không hoàn lại được các cộng tác viên phải ôm số lượng hàng lớn mà giá trị chênh lệch từ 4 – 6 lần so với số tiền bỏ ra nhưng đó lại toàn là hàng giả, hàng kém chất lượng không dùng được. Điển hình, đầu năm 2021, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can đối với Lê Huy Nhật cùng 36 đồng phạm khác về tội LĐCĐTS6.

Thứ năm, chạy quảng cáo giả trên nền tảng facebook để lừa bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không giao hàng. Khi khách hàng đặt mua thì các đối tượng yêu cầu chuyển tiền trước hoặc đặt cọc tiền. Sau đó, các đối tượng không giao hàng như thỏa thuận mà chiếm đoạt tiền của khách, đồng thời chặn facebook, điện thoại. Chúng còn sử dụng hình ảnh chứng minh thư nhân dân giả, tạo mã vận đơn giả gửi cho người đặt hàng, giao hàng thật, đúng thời gian, bảo đảm chất lượng, hàng rẻ hơn so với giá thị trường với những đơn hàng đầu, nhưng khi nạn nhân đã tin tưởng và đặt cọc hàng trăm triệu đồng tiền hàng thì các đối tượng mới chiếm đoạt tiền cọc, không chuyển hàng theo đơn.

Thứ sáu, thủ đoạn môi giới bán hàng, chúng tìm đến những người có đồ gỗ cổ xưa, như: sập gụ, tủ chè, bàn, ghế trường cổ, vách tàu xưa, bàn ăn khảm trai cổ… những đồ cổ cồng kềnh có giá trị cao muốn bán cũng được đăng lên các group facebook, zalo, chạy quảng cáo. Các đối tượng cam kết làm trung gian bán hàng cho những người thanh lý đồ cũ và dẫn khách hàng đến xem trực tiếp. Để khách hàng sập bẫy, các đối tượng tự giới thiệu là đồ gỗ nhà mình, khách hàng xem ưng muốn mua thì các đối tượng yêu cầu đặt cọc 30 – 50% số tiền hàng để làm tin. Khi đã đặt cọc và đưa xe đến để nhận hàng và thanh toán số tiền còn lại thì mới vỡ lẽ rằng các đối tượng chỉ là môi giới bán hàng, chủ nhà không biết việc khách đặt cọc cho các đối tượng môi giới và chủ nhà cũng chưa hề nhận tiền đặt cọc.

Thứ bảy, các đối tượng nhắn tin qua nền tảng MXH facebook, zalo… thông báo khách hàng may mắn trúng thưởng xe máy, máy tính, điện thoại iphone… hoặc là may mắn được mua các sản phẩm giá rẻ: để được nhận các phần quà trên, khánh hàng phải làm hồ sơ, nộp lệ phí, thuế, thủ tục nhận thưởng, phải chuyển cho chúng một khoản tiền nhất định thông qua hình thức mobile banking vào tài khoản ngân hàng đã được chuẩn bị từ trước hoặc mua thẻ cào điện thoại nhắn mã số thẻ cào cho các đối tượng. Sau khi các đối tượng đã nhận được tiền từ việc lừa đảo thì chặn facebook, zalo… hoặc khóa tài khoản.

Thứ tám, lừa đảo qua ứng dụng tinder: các đối tượng kết bạn giới thiệu là người nước ngoài sau một thời gian nói chuyện thì các đối tượng thuyết phục tham gia sàn đầu tư kinh doanh tiền tệ (như MXC9.com) với lời hứa hẹn lãi suất “khủng” mà không cần tốn nhiều thời gian, công sức. Sau khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng gửi đường “link” liên kết đăng nhập vào sàn đầu tư, hướng dẫn cách chơi. Lúc đầu mới chơi, bị hại thấy trong thời gian ngắn đã thu lại được lãi cao. Bị đánh vào lòng tham, người chơi đầu tư thêm hàng tỷ đồng, đến lúc có lợi nhuận cao, họ muốn rút tiền gốc và lãi trên sàn MXC9.com thì không rút được.

Thứ chín, thủ đoạn các chuyên gia soi cầu số lô, số đề: các đối tượng livestream trên facebook, youtube… giới thiệu mình là các chuyên gia phân tích số, soi cầu lô, đề chính xác 100%, soi là trúng, đánh là ăn… Khi các con bạc tin lời các đối tượng chuyển tiền cho các đối tượng để lấy số lô, đề với mong mong đổi đời, nhưng thực tế các đối tượng không có khả năng biết trước kết quả xổ số như đã quảng cáo, lúc này các con bạc vừa mất tiền mua số vừa mất tiền đánh lô, đề để rồi nợ chồng nợ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do trình độ dân trí của người dùng MXH chưa đồng đều, thiếu kiến thức về công nghệ thông tin, các đối tượng khoét sâu vào tâm lý hám lợi, ham giàu, việc nhẹ lương cao, không làm mà vẫn có ăn, may rủi, đỏ, đen, tâm lý chủ quan, thiếu kinh nghiêm cuộc sống của một bộ phận người dùng MXH. Hơn thế nữa nhiều người dùng MXH khi bị lừa đảo thì tâm lý e ngại, sợ bị phát hiện mặt trái, hay tài sản bị lừa không nhiều, nên không trình báo với cơ quan công an hoặc trình báo muộn. Chính những rào cản đó mà các đối tượng có thời gian xóa dấu vết, tiêu hủy các tài liệu, chứng cứ, khiến cho việc truy bắt các tượng gặp nhiều khó khăn.

Một số giải pháp phòng ngừa

Một là, đối với người dùng mạng xã hội.

(1) Hạn chế hoặc không đăng tải thông tin chi tiết tiểu sử bản thân, nơi làm việc, trình độ học vấn, nơi sinh sống, mối quan hệ gia đình, sở thích, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng, mức thu nhập, lương, thưởng trên MXH; đặc biệt facebook nên đặt mật khẩu nhiều tầng bảo mật, mật khẩu phải đủ độ mạnh bao gồm chữ in hoa, chữ in thường, ký tự đặc biệt, số, xác nhận qua tin nhắn SMS, google Authenticator. Khi nhận được tin nhắn vay tiền hoặc nhờ chuyển hộ của bạn bè, người thân từ MXH facebook, zalo… phải gọi điện thoại trực tiếp kiểm tra xác thực, tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web nghi vấn hoặc đường “link” lạ và mã độc trên các “link” được kích hoạt sẽ thu thập được thông tin trên các thiết bị truy cập của người dùng; không làm theo hướng dẫn và không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP tài khoản ngân hàng…

(2) Cẩn trọng khi kết bạn, giao tiếp với người lạ hoặc người nước ngoài qua MXH, bởi giấy tờ chứng minh về người lạ không có, thậm chí các cuộc gọi video cũng là ảo, giả mạo.

(3) Không tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử không chính thống hay đầu tư mua đồng “Coin” trên thị trường tiền mã hóa do các đối tượng người nước ngoài hướng dẫn, giăng bẫy.

(4) Không tham gia vay tín chấp trên các trang MXH do các công ty ma quảng cáo.

(5) Cần cân nhắc khi tham gia các phần mềm “chát” không lành mạnh để trao đổi các hình ảnh nhạy cảm về bản thân, ngoài việc lừa tình các đối tượng có thể lừa tiền hoặc cưỡng đoạt tài sản, thậm chí thông tin cá nhân bị đăng lên MXH.

(6) Các hành vi giả danh cơ quan tư pháp, công an… đang điều tra vụ án, tham ô, nhận hối lộ, trộm cắp điện, buôn lậu, tiền bẩn…yêu cầu kê biên về tài khoản ngân hàng, người dùng MXH không được chuyển tiền theo hướng dẫn của các đối tượng, cần báo ngay cho cơ quan công an biết để ngăn chặn hành vi lừa đảo.

(7) Đối với người làm cộng tác viên bán hàng online, cẩn thận khi nhập hàng từ các đại lý trên MXH mà chưa có đủ thông tin, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, kiểm định chất lượng.

(8) Đối với người mua hàng online không nên mua hàng bằng hình thức đặt tiền cọc trước hoặc thanh toán trước qua MXH (trừ các trang thương mại điện tử chính thống) chỉ khi nhận được hàng, kiểm tra đúng chủng loại, nhãn mác, chất lượng, hóa đơn…, thì mới thanh toán đơn hàng.

(9) Người dân cần nhận thức việc mua, bán số lô, đề là vi phạm phạm luật. Khi là nạn nhân của các thủ đoạn soi cầu, số lô, số đề, nên tố giác tội phạm, đồng thời cũng cảnh báo cho người khác phương thức thủ đoạn lừa đảo này.

Hai là, đối với cơ quan quản lý nhà nước.

(1) Các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động LĐCĐTS theo tinh thần Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động LĐCĐTS.

(2) Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên nhắn tin SMS cảnh báo đến từng người dân về phương thức thủ đoạn của tội phạm LĐCĐTS qua MXH, cung cấp các số điện thoại đường dây nóng khi phát hiện hành vi lừa đảo có dấu hiệu của tội phạm hoặc để người dân tố giác tội phạm qua đầu số điện thoại 113; số điện thoại phòng, chống LĐCĐTS: 0692345860 đặt tại Cục Cảnh sát hình sự. Đồng thời, chặn cảnh báo hoặc đánh sập các ứng dụng giả, web giả, quảng cáo trên MXH có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

(3) Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí, cổng thông tin điện tử tăng cường công tác tuyên truyền, phương thức thủ đoạn của tội phạm LĐCĐTS qua MXH; đăng tải thông tin về việc xét xử các đối tượng LĐCĐTS để làm bài học cảnh tỉnh với người dân.

(4) Các ngân hàng cần rà soát, thắt chặt việc cung cấp thẻ ATM, số tài khoản ngân hàng, thường xuyên cảnh báo các phương thức thủ đoạn tội phạm LĐCĐTS cho khách hàng biết; hỗ trợ, phối hợp với cơ quan công an trong việc điều tra xác minh đối với các hành vi LĐCĐTS khi có yêu cầu.

(5) Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm LĐCĐTS trên không gian mạng; phối hợp xác minh, truy bắt các đối tượng LĐCĐTS ở Việt Nam và quốc tế.

Chú thích:
1. Học viện Cảnh sát nhân dân. Giáo trình Luật hình sự Việt Nam. H. NXB Trung tâm lưu trữ và Thư viện, 2019, tr. 210 – 214.
2. Phá đường dây giả doanh nhân Mỹ chiếm đoạt hàng tỷ đồng của các “quý bà”. https://baonghean.vn, ngày 10/6/2020.
3. Hack Facebook rồi “nhờ” chuyển khoản mua vàng. https://cand.com.vn, ngày 05/02/2021.
4. Một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân cần biết để cảnh giác. https://congan.daklak.gov.vn, ngày 23/12/2020.
5. Phá đường dây lừa hàng trăm tỷ “tuyển cộng tác viên bán hàng online”. https://congan.com.vn, ngày 22/4/2021.
Lê Trọng An
Học viện Cảnh sát nhân dân