Phát triển một chiến lược hiệu quả về Chính phủ điện tử ở Ca-na-đa

(Quanlynhanuoc.vn) – Ca-na-đa được biết đến như quốc gia đi đầu trong lĩnh vực chính phủ điện tử (e-government) và có một thành tích ấn tượng về việc cung cấp thông tin và các dịch vụ công trực tuyến. Chính phủ điện tử được kỳ vọng “đem lại những lợi ích như làm giảm tham nhũng, tăng cường sự minh bạch, tạo sự thuận tiện hơn, tăng cường các nguồn thu và giảm các chi tiêu” của Nhà nước1

Từ đầu năm 2000 và những năm tiếp đó, sáng kiến Chính phủ trực tuyến (GOI) đã được triển khai ở Ca-na-đa nhằm cung cấp thông tin và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho công dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối thập kỷ này, khi nhiều nước phát triển đã nhận thấy tính cấp thiết và đã kịp thời chuyển đổi cách tiếp cận Chính phủ điện tử (CPĐT) phù hợp với kỷ nguyên của web 2.0 thì chính quyền liên bang Ca-na-đa vẫn chậm chuyển đổi để tương thích với các công nghệ mới có thể giúp kết nối nhiều hơn với công dân2. Phải vài năm sau đó, một chiến lược mở của Chính phủ đã mở ra những cải tiến trong cách thức phát triển CPĐT ở quốc gia này.

Các mô hình chính phủ điện tử cơ bản

Ở Ca-na-đa, kể từ khi hình thành sáng kiến CPĐT vào tháng 10/1999 đến nay, có thể khái quát được ba mô hình CPĐT nhấn mạnh ba mối quan hệ công dân – chính phủ khác nhau:

(1) Mô hình đầu tiên – “mô hình quản lý” (managerial model): đặc biệt nhấn mạnh vào cung cấp các dịch vụ. Công dân được đặc biệt nhấn mạnh với tư cách khách hàng. Các thiết bị kỹ thuật số được sử dụng để hỗ trợ hiệu quả việc chia sẻ thông tin, giúp cải thiện việc cung ứng dịch vụ. Mô hình này vận hành rất tốt trong giai đoạn đầu của CPĐT, từ những năm đầu cho đến những năm cuối của thập kỷ 90 thế kỷ XX (trong suốt kỷ nguyên 1.0). Khi tiềm năng tương tác của công nghệ bị giới hạn hơn rất nhiều so với ngày nay, Chính phủ Ca-na-đa và nhiều chính phủ khác sử dụng công nghệ để tương tác với công dân theo cách đơn giản là chuyển các hoạt động của Chính phủ sang hình thức trực tuyến.

(2) Mô hình thứ hai – “mô hình tham vấn” (consultative model): trao vai trò tích cực hơn cho công dân. Không chỉ là người tiếp nhận các thông tin được tải lên bởi Chính phủ, công dân sử dụng công nghệ để đưa ý kiến của họ tới Chính phủ. Trong mô hình này, thông tin vẫn phần nhiều được tiếp cận ở dạng bị động và sự tham gia, tham vấn thường là còn giới hạn và chỉ có giá trị nếu ý kiến của người dân phù hợp với các quan điểm và định hướng được đưa ra bởi các nhà làm chính sách. Tuy nhiên, mô hình tham vấn là khởi đầu cho ý tưởng về sự tham gia đầy đủ hơn của công dân trên nền tảng CPĐT.

(3) Mô hình thứ ba – “mô hình tham gia” (the participatory model): nhờ sự phát triển của công nghệ nên sự tham gia của người dân được mở rộng hơn nữa. Kỷ nguyên web 2.0 tạo ra khả năng tương tác của người dân thông qua các nền tảng truyền thông xã hội. Tuy nhiên, chỉ có năng lực về công nghệ thì không tạo ra sự chuyển đổi đơn giản và hiệu quả từ mô hình quản lý hoặc mô hình tham vấn sang mô hình tham gia mà cần một định hướng chiến lược và nhất quán của Chính phủ.

Các mô hình này thể hiện quan điểm và mức độ quan tâm khác nhau của Chính phủ Ca-na-đa đối với vấn đề CPĐT trong từng giai đoạn.

Tiến trình xây dựng chính phủ điện tử ở Ca-na-đa

Từ quốc gia tiên phong trong xây dựng chính phủ điện tử

Với GOI đã đưa Ca-na-đa trở thành mô hình mẫu về công nghệ thông tin và internet vào năm 2005. Mục tiêu của giai đoạn này là cung cấp cho công dân và doanh nghiệp Ca-na-đa các phương tiện/cách thức để truy cập trực tuyến với phần lớn các chương trình và dịch vụ của Chính phủ một cách an toàn và bảo mật. Hai mục tiêu chiến lược được đưa ra là: (1) Chính phủ tiết kiệm được chi phí hơn so với cách cung cấp dịch vụ truyền thống; (2) Chính phủ trở nên dễ tiếp cận và phản ứng nhanh hơn với cả người dân và doanh nghiệp dựa trên cách thức làm việc trực tuyến.

Trong thời gian đầu thực hiện CPĐT, Chính phủ Ca-na-đa đã thành công trong việc giúp người dân tiếp cận thông tin và các dịch vụ trực tuyến bằng cả hai ngôn ngữ chính thức của đất nước là tiếng Anh và tiếng Pháp. Thứ hạng của Ca-na-đa trong khảo sát của Liên hiệp quốc về CPĐT và sự tham gia trực tuyến của người dân rất cao, cùng nhóm với những quốc gia đứng đầu, như: Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Anh và Ốt-xtrây-li-a. Thành công này chủ yếu dựa trên việc Chính phủ Ca-na-đa đã thiết lập được cổng thông tin và các website chính thức của các cơ quan cung ứng dịch vụ của Chính phủ. Đến cuối năm 2006, chính quyền các bang đã có website chính thức; các thông tin và dịch vụ được tích hợp thông qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ; cung cấp trực tuyến 130 dịch vụ công phổ biến ở các cấp độ trực tuyến khác nhau và tạo ra khả năng thanh toán điện tử3. Nhờ đó, Ca-na-đa đạt được thứ hạng cao về chỉ số sự sẵn sàng cho CPĐT trong khảo sát của Liên hiệp quốc các năm 2003, 2004, 20054.

Ở chỉ số sự tham gia điện tử, điểm số Ca-na-đa đạt được cũng khá cao, nhờ việc xây dựng được cổng tham vấn công dân www.consultingcanadians.gc.ca. Trang tham vấn này được coi như cửa sổ để người dân tham gia các vấn đề của Chính phủ (tập hợp thông tin liên quan đến các ý kiến của người dân và chuyển tới các cơ quan chính phủ liên quan một cách dễ dàng hơn). Tuy nhiên, do không có quy chế về cách thức tham gia trực tuyến nên không phải mọi ý kiến tham gia của công dân đều được thực hiện trực tuyến qua cổng tham vấn này.

Đến việc “tụt lại phía sau” do thiếu một chiến lược phát triển chính phủ điện tử tiếp nối

Khi GOI kết thúc, truyền thông xã hội đã phát triển nhanh chóng, việc xây dựng CPĐT trên nền tảng công nghệ tương tác của kỷ nguyên web 2.0 đã rất cấp thiết. Tại thời điểm đó, nhiều chính phủ bắt tay vào các nghiên cứu hoặc phân tích môi trường theo khuôn khổ quản lý chiến lược, từ đó, xác định truyền thông số, đặc biệt là các hình thức mới hơn nữa như các công cụ mạng xã hội, (có thể được sử dụng để không chỉ cung cấp thông tin mà còn tương tác đầy đủ hơn với công dân và tổ chức, tạo ra thông tin nhiều chiều trong quá trình làm chính sách).

Mục đích hướng đến của các chính phủ là tạo ra môi trường tham gia và tạo ra một chính phủ “mở” (CPM). Năm 2008, Chính phủ của Thủ tướng Anh Gordon Brown lập Lực lượng chuyên trách về Thông tin (the Information Taskforce) nghiên cứu về chiến lược CPM. Năm 2009, Chính phủ Ốt-xtrây-li-a cũng triển khai lực lượng chuyên trách về chính phủ 2.0 (The Government 2.0 Task-force). Trong khi đó, Chính phủ Ca-na-đa đã triển khai chậm sau tất cả những quốc gia đó. Khi GOI kết thúc vào năm 2006, Chính phủ đã không đưa ra một chiến lược CPĐT tiếp theo mà chỉ có Chiến lược kinh tế số vào năm 2010, được thiết kế để “định hướng việc áp dụng công nghệ mới trong toàn bộ nền kinh tế; (…) động viên những ý tưởng mới và bảo vệ các quyền của những người Ca-na-đa mà nghiên cứu, sự phát triển và các sáng tạo nghệ thuật của họ đóng góp vào sự thịnh vượng của Ca-na-đa”5. CPĐT chỉ được coi như một nội dung trong Chiến lược kinh tế này. Và chỉ trong vài năm, thứ hạng của Ca-na-đa trong bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc về chỉ số “sự tham gia điện tử” bị sụt giảm nhanh chóng.

Trước thực tế đó, Ủy ban thường trực về Tiếp cận thông tin, Sự riêng tư và Đạo đức của Nghị viện Ca-na-đa đã tiến hành nghiên cứu về CPM từ tháng 4/2010 – 3/2011 và đánh giá rằng vị trí của Ca-na-đa đã tụt lại sau Anh, Ốt-xtrây-li-a và Mỹ ít nhất 2 năm6. Ủy ban này đã cảnh báo các nghị sĩ tìm hiểu thực tiễn xây dựng CPĐT của các quốc gia đó và nghiên cứu về các vấn đề của CPĐT 2.0, từ đó, xây dựng một chiến lược CPĐT mới để thay đổi một cách hiệu quả.

Quá trình hình thành Chiến lược phát triển chính phủ điện tử 2.0 (CPM)

Ngày 23/3/2011, Chủ tịch Hội đồng Tài chính của Chính phủ (tức Bộ trưởng Bộ Tài chính Ca-na-đa) đề xuất trước Ủy ban thường trực về Tiếp cận thông tin, Sự riêng tư và Đạo đức của Nghị viện một bản kế hoạch về CPM của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ Ca-na-đa đề xuất khởi động CPM, với Cổng thông tin mới của Chính phủ (open.gc.ca) bao gồm ba hợp phần chính: thông tin mở, dữ liệu mở và hội thoại mở. Trong đó, hai hợp phần “thông tin mở” và “hội thoại mở” thì chỉ đơn giản là sự kết nối với trang Consulting Canadian trước đây; còn hợp phần “dữ liệu mở” chỉ cung cấp cho người sử dụng cơ hội để truy cập và sử dụng các bộ dữ liệu thông thường.

Tuy nhiên, do sự giải tán của Nghị viện và cuộc bầu cử liên bang tiếp theo diễn ra vào tháng 5/2011 nên lịch trình của Ủy ban thường trực về Tiếp cận thông tin, Sự riêng tư và Đạo đức của Nghị viện về chủ đề này đã không được thúc đẩy xa hơn. Vào tháng 9/2011, Ca-na-đa tham gia Diễn đàn hợp tác CPM với sáng kiến đổi mới Chính phủ mở (OGP). Các thành viên OGP cam kết đẩy mạnh CPĐT 2.0, CPM bằng việc đồng ý sử dụng công nghệ mới để đẩy mạnh hợp tác, sáng kiến, sự cởi mở và cam kết với công dân.

Với tư cách thành viên OGP, Chính phủ Ca-na-đa đã phát triển một kế hoạch chiến lược về CPM, xác định các loại thay đổi dự định tạo ra với việc thực thi chiến lược. Công việc đầu tiên được đặc biệt coi trọng trong quá trình này là tham vấn người dân về những nội dung nên được xây dựng trong Chiến lược CPM thông qua hai hình thức: (1) Chủ tịch Hội đồng Tài chính phụ trách việc tương tác trên hai trang Twitter của Chính phủ, một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Pháp. Mỗi cuộc tương tác kéo dài xấp xỉ 45 phút và đã nhận được hơn 550 tin nhắn7; (2) Tham vấn công dân trực tuyến từ giữa tháng 12/2010 – 01/2011. Bên cạnh đó, Chính phủ còn được tư vấn bởi Ban Tư vấn về CPM, bao gồm các thành viên từ xã hội dân sự, Nhà nước, doanh nghiệp và các học giả. Kết quả tham vấn cho thấy người dân Ca-na-đa muốn thay đổi mối quan hệ với Chính phủ. Họ không chỉ muốn truy cập thông tin và dữ liệu tốt hơn mà còn muốn “cơ hội tham gia vào hội thoại với Chính phủ về các chính sách và các ưu tiên”8.

Trên cơ sở đó, Kế hoạch hành động CPM của Ca-na-đa đã được giới thiệu trước Hội nghị OGP vào tháng 4/2012 ở Bra-xin, bao gồm hai cam kết cơ bản: (1) Cụ thể hóa Chiến lược CPM bằng việc xuất bản một “Hướng dẫn mới về chính phủ mở” trong năm tiếp theo. Hướng dẫn này sẽ hướng dẫn các cơ quan của Chính phủ về việc làm thế nào để thực hiện tốt nhất các mục đích và mục tiêu của CPM; (2) Thiết lập một hợp đồng CPM trong năm tiếp, trong đó cam kết để các tổ chức, cá nhân ngoài Chính phủ tiếp nhận và tái sử dụng thông tin và dữ liệu của Chính phủ theo cách mà họ thấy phù hợp. Ngoài ra, kế hoạch nhấn mạnh một loạt các cam kết về cải thiện việc cung ứng dịch vụ; khả năng tiếp cận thông tin và dữ liệu, cũng như sự tham gia và tư vấn của người dân, bao gồm: hiện đại hóa sự tiếp cận thông tin của Chính phủ; tạo ra thư viện ảo gồm các tài liệu của Chính phủ; củng cố sự hiện diện trực tuyến của Chính phủ; và phát triển nền tảng mới 2.0 để sử dụng trong toàn bộ Chính phủ để tiếp nhận tư vấn/tham vấn từ công dân9.

Một vài nhận xét

Việc tìm hiểu kinh nghiệm của Ca-na-đa trong quá trình xây dựng CPĐT cho thấy một số điểm đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, có thể chỉ ra một số nhân tố dẫn tới sự tụt hạng của Ca-na-đa trong bảng xếp hạng CPĐT, đặc biệt là ở chỉ số sự tham gia điện tử trong ba năm liên tục, kể từ năm 2008, ở phương diện e-participation, là: (1) Thiếu một kế hoạch chiến lược về CPĐT tiếp theo giai đoạn GOI; (2) Thiếu hiểu biết về những nhu cầu đang thay đổi của công dân; (3) Không nhìn nhận đúng về sự phát triển của truyền thông xã hội và khả năng vận dụng nó vào việc phát triển CPĐT.

Thứ hai, việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển toàn diện về CPĐT cần là một tiến trình liên tục, đồng thời, cần có một chiến lược chuyên biệt chứ không phải coi nó là một phần của các chiến lược phát triển tổng thể khác. Sau khi GOI kết thúc vào năm 2006, Chính phủ Ca-na-đa đã không tiếp tục đưa ra một chiến lược CPĐT và cho đến khi Kế hoạch hành động CPM được giới thiệu vào tháng 4/2012. Đồng thời, mặc dù trước đó, Chính phủ đã đưa ra Chiến lược kinh tế số vào năm 2010 và coi đó như một dấu mốc trong lịch sử CPĐT của Ca-na-đa nhưng Chiến lược kinh tế số mặc dù có liên kết với CPĐT song lại có các mục tiêu cụ thể khác. Trọng tâm của Chiến lược này là kinh tế và cải thiện khả năng cạnh tranh của người Ca-na-đa cũng như đất nước Ca-na-đa. Trong khi đó, mục tiêu của CPĐT, đặc biệt là giai đoạn CPM của CPĐT cần nội dung rộng hơn. Chủ tịch Hội đồng Tài chính của Chính phủ Ca-na-đa, tại thời điểm năm 2011, đã nhận ra: công nghệ trao cho Chính phủ “cơ hội để làm mạnh thêm cam kết của mình về tính mở, về sự tham gia của người dân và làm mạnh thêm sự hợp tác – với mục tiêu cuối cùng là đem lại các lợi ích mới và rõ ràng cho chính quyền các cấp ở Ca-na-đa, cho nền kinh tế Ca-na-đa và cho hầu hết người dân Ca-na-đa trên khắp đất nước”10.

Việc nghiên cứu kinh nghiệm của Ca-na-đa có giá trị tham khảo đối với quá trình xây dựng và phát triển CPĐT, chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.

Mới đây, ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Việc phê duyệt một Chiến lược riêng về nội dung này thể hiện tầm nhìn dài hạn và thích ứng của Chính phủ trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay. Quan điểm xây dựng CPĐT theo định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội thể hiện tư duy tích hợp trong xây dựng CPĐT ở Việt Nam: không chỉ dừng ở mục tiêu chia sẻ thông tin và cung cấp dịch vụ trực tuyến (ứng với “mô hình quản lý”) mà còn đồng thời hướng đến cả hai cấp độ tương tác cao hơn với công dân là “mô hình tham vấn” và “mô hình tham gia”.

Tuy nhiên, với quan điểm và mục tiêu lớn như vậy, trong khi hạ tầng số và nhận thức về CPĐT, chính phủ số của cán bộ, công chức và người dân còn chưa cao thì Bộ Thông tin và Truyền thông – cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Chiến lược – cần đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể và nhất quán. Đồng thời, ban hành những hướng dẫn về CPĐT, chính phủ số cho từng nhóm đối tượng liên quan, như: cơ quan hành chính nhà nước; người dân; doanh nghiệp. Những nỗ lực về mặt kỹ thuật đó kết hợp với quyết tâm mạnh mẽ từ phía Chính phủ sẽ là chìa khóa để thúc đẩy CPĐT, chính phủ số ở Việt Nam trong 10 năm tiếp theo.

Chú thích:
1. The World Bank Group (2003). E-Government. https://www.worldbank.org, ngày 24/5/2021.
2, 6, 7, 10. M. Francoli (2014). Developing a Strategy for Effective e-Government: Findings from Canada, trong Government e-Strategic Planning and Management: Practice, Patterns and Roadmaps, Leonidas G. Anthopoulos, Christopher G. Reddick (editors), Springer, pp. 146; 149; 150, 151.
3. Theo Government of Canada (2008). Government online. http://www.tpsgc-pwgsc.gc.ca, ngày 24/5/2021.
4. Theo United Nations (2003). UN Global e-Government Survey 2003. http://unpan1.un.org, ngày 24/5/2021.
5. Theo Government of Canada (2010). The digital economy in Canada. http://www.digitaleconomy.gc.ca, ngày 26/5/2021.
8, 9. Theo Government of Canada (2012). Canada’s Action plan on open Government. https://open.canada.ca, ngày 27/5/2021.
ThS. Hạ Thu Quyên
Học viện Hành chính Quốc gia