Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 26/11/2021, tại TP. Hồ Chí Minh, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện, chủ trì hội thảo.
PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện, chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, có GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Hoài Anh, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận; GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Uỷ viên chuyên trách Thường trực Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp trung ương, Thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ địa phương III, Ban Tổ chức Trung ương; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố: Bình Thuận, Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Hậu Giang, Ninh Thuận, Phú Yên, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực II, Học viện Chính trị Khu vực IV, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh…; lãnh đạo, viên chức, giảng viên các Phân viện, khoa, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện Hành chính Quốc gia.

PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc phụ trách Phân viện, chủ trì hội thảo khẳng định: Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành trung ương khoá XII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó chính quyền địa phương (CQĐP) đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh mong muốn Hội thảo sẽ diễn đàn khoa học để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, thảo luận, đặc biệt là lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý các địa phương về kết quả thực hiện cũng như những giải pháp trong việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 trong thời gian tới.

GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương khẳng định tính tất yếu của đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đồng thời, GS.TS. Lê Hữu Nghĩa cũng nêu rõ định hướng của Đảng ta trong Văn kiện Đại hội XIII về việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy CQĐP.

Từ góc độ nghiên cứu những vấn đề lý luận và pháp lý về CQĐP, GS.TS. Phạm Hồng Thái trình bày tham luận: Tổ chức và hoạt động của CQĐP ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra. Nội dung tham luận đã làm rõ các quan niệm về CQĐP từ đó xác định những vấn đề đặt ra đối với hoàn thiện tổ chức và hoạt động của CQĐP ở Việt Nam như: tổ chức chính quyền đô thị cần có sự phân biệt với chính quyền nông thôn; tiếp tục hoàn thiện tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND ở các đô thị; hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của HĐND, UBND các cấp; đổi mới quản lý công chức, công vụ tại cơ quan hành chính Nhà nước ở các đô thị

PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn trình bày tham luận: Mối quan hệ giữa chính quyền, toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương. Nội dung tham luận khẳng định, nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013 và sau đó được cụ thể hóa trong các đạo luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Từ đó, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn đặt ra các vấn đề cần phải quan tâm như: kiểm soát của HĐND đối với các cơ quan nhà nước khác ở địa phương; cơ chế để Tòa án nhân dân (TAND) – cơ quan thực hiện quyền tư pháp kiểm soát cơ quan nhà nước khác ở địa phương; cơ chế để Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) kiểm soát các cơ quan nhà nước khác ở địa phương. Đồng thời, từ thực tiễn quy định pháp luật và thực hiện pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước giữa CQĐP, TAND và VKSND, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn cũng khẳng định: cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; cách tổ chức TAND và VKSND ảnh hưởng đến vai trò kiểm soát của tư pháp tổ chức đảng có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương.

TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận tại Hội thảo.

Trong tham luận: Một số vấn đề đặt ra trong tổ chức và hoạt động của CQĐP ở Việt Nam, TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò của CQĐP: thiết chế CQĐP bảo đảm thực thi có hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của trung ương trong thực tiễn; góp phần gánh vác công việc của chính quyền trung ương. Từ đó TS. Nguyễn Hoàng Anh đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật và nâng cao năng lực của CQĐP.

Dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, TS. Nguyễn Thị Thu Hoà, Khoa Chính trị – Hành chính, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tham luận: Giá trị truyền thống, lịch sử về CQĐP ở nước ta đã chỉ ra những kinh nghiệm tổ chức bộ máy và hoạt động của CQĐP trong lịch sử và nêu lên một số giá trị tham khảo trong xây dựng và tổ chức CQĐP ở nước ta, như: cần có những bước đi thích hợp, mạnh dạn áp dụng các yếu tố hiện đại phù hợp với điều kiện đất nước và thông lệ quốc tế, song cũng cần tính đến các yếu tố truyền thống đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta; chính quyền trung ương cần luôn tôn trọng truyền thống tự trị, tự quản của CQĐP; luôn quan tâm cải cách tổ chức bộ máy hành chính địa phương gọn nhẹ và hiệu quả…

ông Nguyễn Hoài Anh, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận trình bày tham luận tại Hội thảo.

Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, ông Nguyễn Hoài Anh, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận trình bày tham luận: Những chuyển biến căn bản trong tổ chức, hoạt động của CQĐP qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá XII) tại tỉnh Bình Thuận. Kết quả triển khai cho thấy, tổ chức bộ máy của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 của tỉnh Bình Thuận đã được sắp xếp theo quy định, hoạt động ổn định, bước đầu phát huy hiệu quả; các cơ quan trực thuộc UBND các cấp đã được sắp xếp tinh gọn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, giảm khâu trung gian; thí điểm mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh được triển khai thực hiện thận trọng, phù hợp với tình hình của địa phương; việc quản lý và sử dụng biên chế CBCCVC, thực hiện tinh giản biên chế CBCCVC bảo đảm theo quy định; đã sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Ông Nguyễn Hoài Anh đề nghị Trung ương sớm tổng kết các mô hình thí điểm để đánh giá hiệu quả, trên cơ sở đó, quy định thực hiện hoặc không thực hiện mô hình nào trên phạm vi cả nước; đề nghị bộ, ngành có liên quan khẩn trương ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện; cần có nghiên cứu, đánh giá trên cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng vị trí việc làm nhằm đáp ứng năng lực giải quyết công việc mà thực tiễn đặt ra…

Cũng từ thực tiễn địa phương, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trình bày tham luận về thực tiễn đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP theo Nghị quyết 18-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ông Hiền khẳng định kết quả thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW tại tỉnh Quảng Ngãi đạt nhiều kết quả tích cực, như: sắp xếp các Ban Quản lý dự án; thí điểm hợp nhất Văn phòng; sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sáp nhập thôn, tổ dân phố; thí điểm việc tổ chức mô hình chính quyền một cấp ở huyện Lý Sơn; sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện… Kiến nghị Trung ương cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, triệt để hơn cho CQĐP; quan tâm đến chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở…

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại Hội thảo.

Từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, trình bày tham luận: Giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW “Sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TP. Hồ Chí Minh”. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm nêu lên những bài học kinh nghiệm trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức, đơn vị hành chính: tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thường xuyên tổng kết, đánh giá thực tiễn triển khai thật kỹ lưỡng và toàn diện, chủ động giải quyết khó khăn, hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền định hướng, tháo gỡ kịp thời; tập trung phát triển yếu tố “con người”, nhất là đội ngũ nhân lực trong hệ thống chính trị; gắn tiến trình xây dựng CQĐP tinh gọn, hiện đại với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, cải cách hành chính…

Đối với tỉnh Bình Phước, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định kết quả tổ chức thực hiện đổi mới tổ chức, hoạt động CQĐP trên địa bàn tỉnh Bình Phước đạt nhiều kết quả tích cực: hợp nhất các cơ quan báo chí (Đài PTTH, Báo Bình Phước; tạp chí (thuộc Liên hiệp các hội KHKT Bình Phước) thành 1 cơ quan Báo chí Đài PTTH – Báo Bình Phước; hợp nhất 3 trường cao đẳng thành trường Cao đẳng Bình Phước; sáp nhập 3 Ban Quản lý dự án thành Ban QLDA tỉnh; sắp xếp cơ cấu bên trong các sở, ngành; quy định biên chế tối thiểu; Giải thể Phòng Y tế và chuyển chức năng QLNN về Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; thí điểm hợp nhất Văn phòng. Kết quả giảm đầu mối; giảm chức danh lãnh đạo; giảm biên chế; giảm chi thường xuyên từ NSNN…

Đồng chí Phương Bắc, Bí thư huyện uỷ Phú Tân, tỉnh Cà Mau trình bày tham luận: Tiếp tục thực hiện đổi mới tổ chức, hoạt động CQĐP trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Nội dung tham luận khẳng định việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW tại Cà Mau đạt nhiều kết quả tích cực trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy CQĐP. Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn còn những khó khăn vướng mắc như: quy định, hướng dẫn của trung ương vẫn còn chưa đầy đủ, thống nhất; sự phân cấp, phân quyền cho CQĐP chưa triệt để; chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp còn bất cập.

PGS.TS. Lưu Ngọc Tố Tâm, Trưởng khoa Nhà nước – Pháp luật, Học viện Chính trị Khu vực II khẳng định, những kết quả tích cực trong sắp xếp tổ chức bộ máy của CQĐP. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP, như: xây dựng, ban hành các quy định về tổ chức bộ máy chưa hoàn thiện; tổ chức bộ máy CQĐP còn cồng kềnh; tinh giản biên chế chưa thật sự hiệu quả. Từ đó kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy CQĐP;  đầu tư nguồn lực tập trung xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính; đẩy mạnh trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn biên chế…

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định, trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP cần xác định tư duy triết lý cho tổ chức và hoạt động CQĐP (xác định vị trí, vai trò của CQĐP trong quản trị quốc gia); định vị cơ cấu từng cấp CQĐP; đồng thời, phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động của CQĐP theo hướng triệt để hơn; vấn đề liên kết vùng trong hoạt động của CQĐP cần được quan tâm.

Dưới góc độ phân cấp trong hoạt động của CQĐP, TS. Nguyễn Thế Tài – Trưởng phòng Quản lý ĐTBD, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận: Phân cấp QLNN về cán bộ, công chức tại TP. Hồ Chí Minh Một số kiến nghị hoàn thiện. Từ thực tiễn phân cấp quản lý cán bộ, công chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Thế Tài kiến nghị phải xác định rõ nội dung phân cấp (bao gồm tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức) và chủ thể thực hiện nội dung phân cấp; phải xác định rõ thẩm quyền của từng cấp nhằm bảo đảm sự chỉ đạo và quản lý tập trung, thống nhất của UBND Thành phố theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn; phải lấy ý kiến khách quan của các cơ quan được phân quyền và các cơ quan liên quan để có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn ở từng nơi; phải coi trọng và xây dựng cơ chế, nguồn lực cho CQĐP.

Hình ảnh tại các điểm cầu trực tuyến.

Tổng kết và bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, khẳng định các bài viết gửi đến Hội thảo cũng như các tham luận, ý kiến trình bày, thảo luận tại Hội thảo đã phân tích, luận giải nhiều phương diện khoa học liên quan đến đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP, đồng thời, cung cấp nhiều thông tin thực tiễn hữu ích về kết quả thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 ở các địa phương. Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới trân trọng ghi nhận, cảm ơn sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và khẳng định những kết quả trao đổi, thảo luận của Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức ghi nhận để đề xuất cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP trong thời gian tới, cũng như phục vụ việc nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Phương Truyền