Đào tạo công dân Việt Nam tại Liên bang Nga – Lịch sử và thực trạng

(Quanlynhanuoc.vn) – Những bước đầu tiên hướng tới sự gắn bó văn hóa giữa Liên bang Nga và Việt Nam đã được thực hiện từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, sự hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa đã được phát triển trong điều kiện lịch sử mới, sau khi cuộc Cách mạng tháng Mười thành công ở Nga. Việc gìn giữ và phát triển quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga, mặc dù còn những vấn đề tồn tại, nhưng có triển vọng tốt đẹp và mang lại lợi ích chung cho cả hai nước.
Ủy ban hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ Việt Nam – Liên bang Nga. Ảnh: most.gov.vn.

Kể từ thập kỷ 20 của thế kỷ XX, nước Nga Xô Viết bắt đầu tiếp nhận người Việt Nam trên lãnh thổ của mình, những người đến đây với mục đích được đào tạo. Quá trình này sau đó được xác định chủ yếu bởi các yếu tố chính trị. Người Việt Nam đến Nga thông qua Quốc tế Cộng sản để được đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học do Quốc tế Cộng sản điều hành. Hầu hết trong số 60 sinh viên đầu tiên của Việt Nam gửi sang đều được vào học tại Đại học Cộng sản lao động Phương Đông. Nghiên cứu và học tập có, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Phú (năm 1931), Lê Hồng Phong (năm 1931 – 1936), Hà Huy Tập (năm 1936 – 1938), nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Thái, Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn, giáo sư Trần Văn Giàu…

Trong các trường đại học ở Quốc tế Cộng sản, việc đào tạo, huấn luyện chủ yếu nhằm chuẩn bị lý luận và thực tiễn cho cuộc đấu tranh cách mạng và phổ biến kinh nghiệm xây dựng nhà nước và xã hội của Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ 2 (1939 – 1945). Sau khi Liên Xô và Việt Nam Dân chủ cộng hoà thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 30/01/1950), quá trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục trở nên có chiều sâu và đa dạng hơn. Vào đầu năm học 1951 – 1952, đoàn sinh viên và thực tập sinh đầu tiên của Việt Nam với số lượng 21 người đã đến Liên Xô. Họ được gửi đến các trường đại học khác nhau để nghiên cứu nông nghiệp, luyện kim, cơ khí, hóa học, kiến trúc và luật.

Ngày 30/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô I.V. Stalin một bức thư, trong đó Người viết: “Chúng tôi muốn gửi tới Liên Xô học tập 50 – 100 người, đã được học 9 năm ở Việt Nam, trong đó có cả đảng viên và không đảng viên, độ tuổi của họ là từ 17 – 22 tuổi”1.

Vào tháng 9/1953, một nhóm sinh viên khác từ Việt Nam, gồm 49 người, được cử sang Liên Xô để học các chuyên ngành nông nghiệp, khai hoang, luyện kim, kỹ thuật điện và y học. Những sinh viên Việt Nam đến học tại Liên Xô đã tiếp nhận nền giáo dục tại đây cũng đã dạy tiếng Việt cho sinh viên Liên Xô, giúp dịch các văn bản khoa học và chính trị – xã hội, chuẩn bị cho việc xuất bản cuốn từ điển Nga – Việt thực hành đầu tiên.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, chiến tranh tạm thời chấm dứt ở Việt Nam, giúp cho việc gửi sinh viên sang Liên Xô tăng lên.

Vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, có khoảng 300 người Việt Nam đã theo học, được đào tạo tại các trường đại học tại Liên Xô. Lưu lượng sinh viên Việt Nam ngày càng tăng và mở rộng. Có thể chia thành ba nhóm: (1) Sinh viên, nghiên cứu sinh và thực tập sinh; (2) Học viên của các trường quân sự đã được huấn luyện chiến đấu; (3) Các quan chức của Đảng và Chính phủ.

Năm 1972, Khoa tiếng Nga được mở tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Điều này đã cải thiện đáng kể quá trình đào tạo sơ bộ của sinh viên Việt Nam, giúp họ dễ dàng thích nghi với Liên Xô và tăng tốc độ hòa nhập của họ trong quá trình giáo dục.

Theo số liệu được các nhà nghiên cứu Nga trích dẫn trong các bài báo khác nhau, từ năm 1951 – 1991, trước khi Liên Xô sụp đổ, có khoảng 30.000 người Việt Nam được học đại học, trung cấp và trung cấp nghề tại Liên Xô. Khoảng 2.000 người đã bảo vệ luận án phó tiến sỹ và 200 luận án tiến sỹ. Trong 15 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, đã có thêm 20.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học của Liên bang Nga (cả những người đã vào các trường đại học, học viện ở Liên Xô và những người đã đến Liên bang Nga theo các thỏa thuận mới hoặc theo cơ sở tư nhân).

Ở thời điểm hiện nay, du học sinh Việt Nam tại Liên bang Nga qua các hình thức:

(1) Theo hiệp định liên chính phủ giữa Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

(2) Theo chương trình “hỗ trợ đào tạo”;

(3) Bằng ngân sách của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (chương trình đào tạo nhân lực có trình độ cao ở nước ngoài);

(4) Nguồn tài trợ của các tổng công ty Việt Nam;

(5) Theo thỏa thuận liên trường;

(6) Theo hạn ngạch do Liên bang Nga phân bổ hằng năm cho các tổ chức phi chính phủ;

(7) Trên cơ sở thương mại, bằng kinh phí của mình.

Hiện nay, có khoảng 6.000 sinh viên Việt Nam ở Liên bang Nga. Khoảng 50% trong số họ học ở Mát-xcơ-va, 10% – ở Xanh-pê-téc-bua, còn lại ở các thành phố khác… Phần lớn sinh viên Việt Nam học tại Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va mang tên M.V. Lô-mô-nô-xốp, Đại học Kỹ thuật Mát-xcơ-va mang tên  N.E. Bau-man, Đại học Công nghệ – Hóa học Nga mang tên I.M. Gúp-kin, Học viện Y khoa Mát-xcơ-va mang tên I.M. Se-che-nốp, Đại học Xây dựng – Ô tô Mát-xcơ-va, Đại học Xây dựng Mát-xcơ-va, Đại học Điện lực Mát-xcơ-va, Đại học Công nghệ – Hóa học Nga mang tên D.I. Men-đê-lê-ép, Đại học Hàng không Mát-xcơ-va…

Hơn 30% sinh viên học kỹ thuật, khoảng 20% học kinh tế, tài chính và quản lý, hơn 15% học tiếng Nga, 10% học khoa học tự nhiên và chính xác, khoảng 5% học y học, 3% học khoa học xã hội và nhân văn, 2% học nghệ thuật và văn hóa. Nông nghiệp, luật, sư phạm và các ngành khác chiếm khoảng 1% mỗi ngành.

Trong các chuyên ngành kỹ thuật, người Việt Nam thường chọn kiến trúc và xây dựng, hàng không và tên lửa, rô bốt và tự động hóa tích hợp, y sinh và công nghệ sinh học, kỹ thuật vô tuyến điện tử, truyền thông, quang học.

Nhìn chung, số lượng du học sinh Việt Nam tại Liên bang Nga đã giảm so với thời kỳ Liên Xô. Nguyên nhân chính do quan hệ kinh doanh giữa Nga và Việt Nam ngày càng giảm; thiếu thông tin ở Việt Nam về các trường đại học tại Liên bang Nga; các vấn đề về an toàn cá nhân của sinh viên nước ngoài ở Liên bang Nga; triển vọng cao hơn để có được nền giáo dục không phải bằng tiếng Nga mà bằng tiếng Anh để có việc làm sau này; số lượng ít giáo viên và chuyên gia người Nga nói tiếng Việt và có thể giúp sinh viên Việt Nam thích nghi với nước Nga một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, cả hai nước đều đang nỗ lực để cải thiện tình trạng này.

Năm 1993, một Hiệp định đã được ký kết giữa Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Việt Nam về hợp tác văn hóa và khoa học (ngày 28/10/1993). Thỏa thuận quy định sự hỗ trợ của các tổ chức giáo dục, tổ chức triển lãm sách quốc tế, phân phối tác phẩm điện ảnh, tiểu thuyết…

Giai đoạn tiếp theo trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hợp tác trong lĩnh vực giáo dục là việc ký kết Thỏa thuận giữa Bộ Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (ngày 24/6/2005). Thỏa thuận cung cấp cho việc đào tạo các chuyên gia và đào tạo nâng cao nhân sự, phát triển các chương trình chung, trao đổi sinh viên và thúc đẩy việc học ngôn ngữ.

Các cơ hội bổ sung cho việc phát triển hợp tác giáo dục đã được tạo ra bởi Hiệp định giữa Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Việt Nam về đào tạo công dân Việt Nam trong các cơ sở giáo dục đại học chuyên nghiệp của Liên bang Nga ngày 09/7/2002 (chương trình “hỗ trợ đào tạo”). Hiệp định này quy định việc phân bổ ngân quỹ cho giáo dục sinh viên, đến và đi từ Liên bang Nga, chỗ ở, học bổng và chăm sóc y tế.

Vào năm 2013, Hiệp định liên chính phủ mới đã được ký kết tại Hà Nội về việc đào tạo công dân Việt Nam theo chương trình “hỗ trợ đào tạo” có hiệu lực đến năm 2022.

Năm 2014, Hiệp định giữa Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Việt Nam về quan hệ đối tác chiến lược trong giáo dục, khoa học và công nghệ (ký ngày 25/11/2014) quy định về đào tạo người Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, quản lý môi trường, cơ khí chế tạo và đóng tàu. Trong quá trình thực hiện Hiệp định, các nhóm nghiên cứu chung, các phòng thí nghiệm quốc tế được thành lập, các cuộc thi Olympic được tổ chức cho học sinh và sinh viên…

Theo Nghị định số 638 của Chính phủ Liên bang Nga “Về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục”, hằng năm, Việt Nam được cấp học bổng của Nhà nước dành cho đào tạo chuyên gia đào tạo tại các trường đại học của Liên bang Nga.

Quan hệ giữa các trường đại học của hai nước đang phát triển. Các đối tác chính của các cơ sở giáo dục đại học của Nga từ phía Việt Nam là: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Địa chất Mỏ Hà Nội, Viện Hải dương học Việt Nam, Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Để thu hút công dân Việt Nam sang Liên bang Nga học tập, tại Việt Nam, các cuộc thi Olympic được tổ chức, các thí sinh đoạt giải được ưu đãi ghi danh vào các trường đại học của Nga, các sự kiện phổ biến văn hóa Nga và tiếng Nga.

Hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục phát triển nhờ có sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chính phủ của cả hai nước; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tài trợ đào tạo từ nhà nước; sự tham gia của các thành phần doanh nghiệp quan tâm đến việc mở rộng quan hệ thương mại và kinh tế Việt – Nga; chính sách thông tin tích cực của các trường đại học Nga tại Việt Nam; phân bổ các khoản tài trợ; bảo đảm cung cấp cho sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học Nga có việc làm tại các doanh nghiệp với mức lương cao (ví dụ, trong ngành dầu khí, nơi có quan hệ đối tác Việt – Nga phát triển); cung cấp hướng dẫn cho sinh viên Việt Nam tại Nga không chỉ bằng tiếng Nga mà còn bằng tiếng Anh.

Các tổ chức xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng. Hiệp hội những người Việt Nam tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục của Liên Xô cũ và các nước SNG (Cộng đồng các Quốc gia Độc lập) góp phần phổ biến giáo dục Liên bang Nga tại Việt Nam. Sự hòa nhập của sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga được giúp đỡ bởi các cộng đồng được tạo ra trong các trường đại học.

Chú thích:
1. A.A Sokolov. Hợp tác giáo dục Nga – Việt/Đông Nam Á: những vấn đề thời sự của phát triển. Tạp chí Kết nối các trường đại học, số 25, 2014.
Tài liệu tham khảo:
1. Bezrukov A.N. Mạng trong giáo dục đại học: Nga, Việt Nam, Trung Quốc. Khoa học Ngữ văn. Câu hỏi lý thuyết và thực hành, 2016. Số 9.
2. Жидких А.А., Каримова М.И., Ширяев Н.А. Опыт сотрудничества России и Вьетнама в сфере образования во второй половине XX – начале XXI вв. Вестник экономической безопасности. No 2/2018.
3. Zlobina O.G. Nga và Việt Nam: những vấn đề thời sự trong lĩnh vực giáo dục // Alm Mator. Vestnik vysshei shkoly, 2015. Số 7.
4. Ivanov V.V. Hợp tác Xô-Việt và vị thế của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong giai đoạn 1965 – 1967.
5. Кобелев Е.В., Мазырин В.М. и др. Российско-вьетнамские отношения: современность и история. Взгляд двух сторон. М.: ИВД РАН, 2013.
6. Ременцов А.Н., Кожевникова М.Н. Сравнительный анализ основных параметров системы высшего образования в России и Вьетнаме // Мир русского слова, 2015. № 1.
7. Русские во Вьетнаме. Очерки и путевые заметки (XIX-начало XX вв.) / сост. А.А. Соколов; Ин-т практического востоковедения. – М.: Вост. Лит., 2007. -272 с.
8. Соколов А.А. Российско-вьетнамское сотрудничество в области образования // Юго-Восточная Азия: актуальные проблемы развития, 2014. № 25.
9. Sukhristina A.S., Urazbaev R.Sh., Kuan D.K. Những điều kiện lịch sử hình thành hợp tác Nga -Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật trong giai đoạn thế kỷ 20 -21. https://science-education.ru, 01/6/2015.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu
Học viện Hành chính Quốc gia