Thu hút vốn đầu tư của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015 – 2020 và giải pháp cho giai đoạn 2020 – 2025

(Quanlynhanuoc.vn) – Tỉnh Phú Yên là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế cho thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo. Phú Yên đã và đang trở thành điểm đến tin cậy và thân thiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ảnh minh họa (internet).

Phú Yên là một trong 28 tỉnh ven biển của cả nước, đây là địa phương có 189 km đường bờ biển, đủ các loại hình giao thông gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy. Vị trí địa lý thuận lợi cùng tài nguyên đa dạng là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội và hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh.

Giai đoạn 2015 – 2020, Tỉnh Phú Yên đã có nhiều chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tổ chức nhiều đoàn đến làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn nhằm đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư vào tỉnh. Từ năm 2016, sau khi công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chỉ số PCI, chỉ số PAPI, UBND tỉnh Phú Yên đều quan tâm phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân của những điểm yếu, hạn chế của từng nội dung trong kết quả các chỉ số cũng như trong hoạt động lãnh đạo, điều hành và đề ra các giải pháp khắc phục.

Đáng chú ý trong năm 2018, UBND tỉnh đã tổ chức tốt Hội nghị xúc tiến đầu tư Phú Yên có sự tham dự, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại Hội nghị, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, thông báo cho phép tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu đầu tư cho các nhà đầu tư, với tổng mức vốn đầu tư lên tới 130 nghìn tỷ đồng1. Tỉnh đã tích cực huy động các nguồn lực để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Nam Phú Yên với các dự án như Hạ tầng Khu đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa (giai đoạn 1); hạ tầng khu tái định cư Hòa Tâm; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Nam… Trong 5 năm, Khu Kinh tế Nam Phú Yên đã thu hút được 59 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 8.970 tỷ đồng và gần 10 triệu USD; tính lũy kế từ giai đoạn trước đến năm 2020 đã thu hút được 107 dự án vào Khu Kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đăng ký hơn 11.101 tỷ đồng; có 78 dự án đang hoạt động góp phần giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động2.

Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh như tham gia xúc tiến đầu tư thông qua các hội nghị, hội thảo lớn của các tỉnh/thành phố tổ chức như: Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC tại Đà Nẵng, Gặp gỡ Nhật Bản – Khu vục Nam Trung bộ tại Nha Trang; Gặp gỡ Hoa Kỳ 2017 tại TP. Hồ Chí Minh; Hội thảo xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào khu vực miền Trung – Tây Nguyên tại Đà Nẵng; Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Seoul – Hàn Quốc và Tokyo – Nhật Bản. Ngoài ra, kết hợp các chuyến thăm, làm việc tại các nước, Tỉnh đã kêu gọi xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp tại Pháp, I-ta-li-a, Hung-ga-ry, Lào, Thái Lan, Mỹ… có thể thấy trong giai đoạn này, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tổng vốn đầu tư phát tư phát triển toàn xã hội tăng khá, bình quân hằng năm tăng 16,5%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân 86,3%/năm (năm 2016: 91,3%; năm 2017: 81%; năm 2018: 78%; năm 2019: 81%; năm 2020 khoảng 100%)3.

Nhận thức thời cơ, thuận lợi để tích cực kêu gọi đầu tư vào tỉnh, đồng thời, tỉnh Phú Yên cũng đặt mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu, do đó, đã chú trọng công tác kiểm tra thực hiện các dự án, nhất là các dự án liên quan đến du lịch, qua đó đã thúc đẩy tiến độ triển khai và xử lý, chấm dứt hoạt động nhiều dự án không triển khai thực hiện hoặc chậm triển khai thực hiện, vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, vi phạm cam kết đầu tư.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015 – 2020, có 1 trong 4 chỉ tiêu chủ yếu, quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra nhưng không đạt được, trong đó có chỉ tiêu về Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (chỉ tiêu cần đạt được theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là 120.000 tỷ đồng, ước thực hiện được đến năm 2020 là 81.000 tỷ đồng). Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển (chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Phú Yên trong những năm gần đây đã cải thiện nhưng còn ở vị trí khiêm tốn: năm 2018 xếp thứ 51/63, năm 2019 xếp thứ 43/63, năm 2020 xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố)4. Thu hút đầu tư còn hạn chế so với các địa phương khác, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Công tác thẩm định, đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư còn hạn chế, có mặt chưa chặt chẽ, dẫn đến thu hút một số nhà đầu tư thiếu năng lực triển khai dự án. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các công trình, dự án gặp nhiều khó khăn và là khâu yếu. Tiến độ triển khai nhiều dự án, nhất là dự án ngoài ngân sách chậm trễ, kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội (trong đó có dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô công suất dự tính 8,4 triệu tấn, tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD nhưng đã chấm dứt đầu tư và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào năm 2018).

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó kể đến một vài nguyên nhân như nguồn vốn đầu tư công do Trung ương hỗ trợ giảm mạnh (chỉ bằng 57% so với mức vốn các dự án đã được các bộ, ngành thẩm định)5, trong khi ngân sách địa phương không đủ bù đắp vào phần thiếu hụt đã ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư phát triển; địa phương chưa có nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trên địa bàn tỉnh làm đầu tàu dẫn dắt, thu hút các doanh nghiệp khác phát triển; một số nhà đầu tư cố tình trì hoãn, chậm trễ, kéo dài việc triển khai các dự án; dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhưng nếu xét về chủ quan thì cũng phải thẳng thắn thừa nhận những hạn chế bất cập trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, chưa có được nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư; hoạt động cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, chưa tạo được sự chú ý của nhiều doanh nghiệp lớn.

Tỉnh Phú Yên là địa phương có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Đúng như tên gọi là vùng “đất phú, trời yên”, chuyến thăm tỉnh Phú Yên vào đầu năm 2021, nguyên Thủ thướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tỉnh Phú yên có thể kêu gọi những “đại bàng lớn về làm tổ”, tỉnh cần tạo điều kiện cho mọi thành phần có thể đầu tư thành công ở Phú Yên, trong hoạt động thu hút đầu tư, không chỉ chú trọng về quy mô vốn mà tỉnh cần chú ý đến tầm nhìn chiến lược của từng dự án cụ thể trong tổng thể chiến lược phát triển quy hoạch của tỉnh. Tỉnh Phú Yên đã xác định muốn khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển thì bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và Nhân dân, rất cần nguồn lực từ xã hội mà trọng tâm là nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước để kích hoạt tiềm năng và lợi thế đó. Tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến với Phú Yên.

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Phú Yên đề ra nhiều giải pháp cho phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Riêng trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư tỉnh Phú Yên đã xác định tập trung cho một số vấn đề sau:

Thứ nhất, quan tâm thu hút các nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài phù hợp với khả năng ngân sách địa phương để phục vụ đầu tư phát triển. Phấn đấu trong 5 năm sẽ huy động khoảng 95 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, trong đó vốn ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 65 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 10 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, nằm trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá nhà đầu tư, đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực.

Thứ tư, thường xuyên phối hợp, đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai các dự án, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

Thứ năm, kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, vi phạm cam kết đầu tư.

Thứ sáu, thực hiện tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các công trình, dự án.

Thứ bảy, chủ động chuẩn bị các điều kiện, tích cực mời gọi, sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển vào Việt Nam.

Tiềm lực để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là rất lớn nhưng thu hút đầu tư hiệu quả thì cần có những giải pháp đồng bộ, đổi mới tư duy và có tầm nhìn chiến lược. Thời gian tới, tỉnh Phú Yên sẽ có nhiều cách làm mới để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đến với Phú Yên.

Chú thích:
1. Báo cáo số 236/BC-UBND ngày 03/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
2, 3, 5. Tỉnh ủy Phú Yên. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, tr. 40, 100, 49.
4. Báo cáo số 478-BC/TU ngày 10/9/2020 của Tỉnh ủy Phú Yên về kết quả thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 136/BC-UBND ngày 01/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 định hướng giai đoạn 2021- 2030 của tỉnh Phú Yên.
ThS. Đinh Thị Quỳnh – Trương Thị Ngọc Phương
Trường Chính trị tỉnh Phú Yên