(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 21/12, tại Vĩnh Phúc, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Nội vụ khai giảng khóa bồi dưỡng “kỹ năng hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế” dành cho công chức, viên chức Bộ Nội vụ.
Tới dự Lễ khai giảng, về phía Bộ Nội vụ, có các đồng chí: Nguyễn Hữu Tuấn – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Nguyễn Tiến Đạo – Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Bộ Nội vụ. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc điều hành Học viện; PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Chánh Văn phòng; ThS. Phạm Thị Quỳnh Hoa – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế; PGS.TS. Dương Văn Quảng – nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore và Unessco, báo cáo viên khóa bồi dưỡng cùng 34 học viên đến từ các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
Phát biểu khai giảng, đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ vui mừng chào đón các học viên tham gia khóa bồi dưỡng. Đồng chí nhấn mạnh, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với nhiều cơ hội rộng mở và những thách thức đan xen cùng những tác động sâu rộng chưa từng có. Các quốc gia trên thế giới đang điều chỉnh chính sách, chiến lược phát triển để chủ động thích ứng với những chuyển động, tác động của kỷ nguyên số, trong đó có những nội dung về hội nhập quốc tế.
Đối với Việt Nam, việc tranh thủ các cơ hội từ kỷ nguyên số để thúc đẩy hội nhập quốc tế sẽ góp phần thực hiện chủ trương tích cực, chủ động, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Trên tinh thần đó, để phát huy tính tích cực và chủ động hội nhập quốc tế của đội ngũ công chức, viên chức, đòi hỏi các cấp, các ngành, trong đó có Bộ Nội vụ phải phát triển năng lực hội nhập quốc tế cho cán bộ, công chức trong Bộ và các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cho công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã giao Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Nội vụ triển khai tổ chức khóa bồi dưỡng “Kỹ năng hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế” dành cho công chức, viên chức Bộ Nội vụ.
PGS.TS. Dương Văn Quảng – nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore và Unessco đã chia sẻ về vấn đề làm việc trong môi trường quốc tế, trong đó, ông nhấn mạnh về vấn đề nhận diện môi trường quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa. Việc hội nhập quốc tế cần đổi mới tư duy về đối ngoại, đổi mới trên phương diện thích ứng môi trường hội nhập vì thời đại chúng ta đang sống chính là toàn cầu hóa và hội nhập với thông tin kỹ thuật số bao phủ để kết nối con người trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, việc hội nhập quốc tế cũng dẫn theo những hệ quả đó là: nhận thức thay đổi của con người một cách sâu sắc (về nhu cầu, sở thích thay đổi), xuất hiện nhiều mâu thuẫn và nghịch lý trong xã hội (gồm các yếu tố: dư thừa và thiếu thốn, giàu có và bần cùng hóa, đa dạng và đồng nhất, vững chắc và dễ đổ vỡ)…
PGS.TS. Dương Văn Quảng cũng đề cập đến hội nhập quốc tế khác hợp tác quốc tế chỗ nào? Tiêu chuẩn cứng và tiêu chuẩn mềm để đánh giá cán bộ, công chức cần có khi hội nhập quốc tế? Nghiên cứu các tình huống của các quốc gia thành công về hội nhập (cơ chế điều hành, đóng góp vật chất, đóng góp sửa đổi luật chung khi hội nhập, mạng lưới quan hệ song phương với các nước thành viên…).
Tổng kết bài chia sẻ, ông muốn các học viên hiểu được một vấn đề cốt lõi nhất đó là, để có kỹ năng hội nhập và làm việc trong môi trường quốc tế trước hết, đội ngũ cán bộ, công chức phải thay đổi nhận thức, vì nhận thức là bản lề của vấn đề. Chúng ta cần thay đổi nhận thức về thế giới, khu vực, quan hệ quốc tế, ngoại giao, về con đường phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập. Thay đổi được nhận thức mới thay đổi được chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Bên cạnh bài chia sẻ của PGS.TS. Dương Văn Quảng, các học viên tham gia khóa bồi dưỡng đã được nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn tỉnh Vĩnh Phúc – một điểm sáng trong tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế để phát triển, từ một tỉnh thuần nông trở thành trung tâm phát triển công nghiệp lớn của đất nước, đơn vị đi đầu trong thu hút đầu tư ở khu vực miền Bắc và gia nhập danh sách các địa phương đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.
Các học viện cũng đã có buổi thảo luận nhóm trao đổi về vấn đề nên hay không nên thành lập trung tâm chuyên về bồi dưỡng các kỹ năng hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 – 23/12 kết hợp cùng các hoạt động ngoại khóa liên quan đến nội dung chương trình của khóa bồi dưỡng.
Tin, ảnh: Thu Hương