Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội tại tỉnh Thanh Hóa

(Quanlynhanuoc.vn) – Cùng với sự tích cực trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, sự tăng cường quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần quan trọng trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tại tỉnh Thanh Hóa
Ảnh minh họa (internet)
Kết quả đạt được trong công tác thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội ở tỉnh Thanh Hóa

Theo số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số của tỉnh Thanh Hóa là 3.640.128 người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 2,24 triệu người, chiếm tỷ lệ 61,15% tổng dân số của tỉnh. Tính đến hết tháng 12/2020, số người tham gia BHXH bắt buộc của tỉnh Thanh Hóa là 355.657 người, BHXH tự nguyện là 59.428 người. Tỷ lệ bao phủ BHXH đạt khoảng 18,5% (xem biểu đồ cuối bài).

Trong thời gian qua, đặc biệt khi Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH, công tác TTKT, thi hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) được cơ quan BHXH tỉnh Thanh Hóa chú trọng triển khai thì công tác TTKT được xem là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của toàn ngành. Hằng năm, BHXH tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị cơ quan BHXH huyện trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các chế độ, chính sách, thu, chi BHXH, BHTN, BHYT và quản lý tài chính theo quy định. Tổ chức các cuộc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc đóng BHXH, BHTN, BHYT.

BHXH tỉnh và BHXH các huyện luôn chú trọng nâng cao chất lượng và tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về công tác TTKT, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; tăng cường kiểm tra nội bộ; thực hiện kiểm tra việc sử dụng các dịch vụ kỹ thuật, sử dụng thuốc, vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; ban hành văn bản đôn đốc thực hiện kết luận sau TTKT.

BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành trong công tác rà soát đối tượng tham gia BHXH, xử lý vi phạm phát hiện từ hoạt động TTKT. Cụ thể: đề nghị Công an tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp cử cán bộ tham gia Đoàn thanh tra chuyên ngành, liên ngành, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT, BHTN trên 6 tháng. Kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động; kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHYT các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. Đề nghị Công an tỉnh điều tra, xử lý đơn vị nợ BHXH, BHYT và phối hợp kiểm tra các đơn vị nợ BHXH, BHYT số tiền lớn, thời gian kéo dài hoặc đã thu của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH. Đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp đang tham gia đóng BHXH bắt buộc.

Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, thu, chi BHXH, BHTN, BHYT đối với các tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHTN, BHYT và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Đặc biệt, thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan trong việc nắm danh sách các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn để theo dõi, thống kê các đơn vị có tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT. Từ đó, triển khai công tác TTKT, có các biện pháp xử phạt, cưỡng chế kịp thời đối với các đơn vị sử dụng lao động có hành vi vi phạm hành chính, góp phần nâng cao ý thức của chủ thể trong việc chấp hành, thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT; phối hợp với cơ quan công an triển khai Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi pháp pháp luật BHXH, BHYT.

Kết quả từ năm 2018 – 2020, cơ quan BHXH tỉnh Thanh Hóa thực hiện 162 cuộc TTKT đối với 883 đơn vị, đạt 140% kế hoạch trung bình/năm. Trong đó, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT tại 389 đơn vị sử dụng lao động; thanh tra đột xuất tại 58 đơn vị; TTKT liên ngành đối với 54 đơn vị. Còn lại là công tác kiểm tra đại lý thu, đại diện chi trả ở xã, thị trấn; cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và kiểm tra cơ quan BHXH cấp huyện. Thông qua công tác kiểm tra, đã kiến nghị thu hồi về quỹ BHXH, BHYT số tiền 8.096,55 triệu đồng; yêu cầu đơn vị sử dụng lao động truy đóng BHXH cho 2.195 lao động thuộc đối tượng tham gia đóng BHXH bắt buộc nhưng đơn vị chưa đăng ký tham gia. Riêng năm 2020, đoàn thanh tra kiến nghị các đơn vị sử dụng lao động nộp số tiền nợ BHXH trên 84.182 triệu đồng; tham mưu và ban hành theo thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 đơn vị sử dụng lao động số tiền 1.145,5 triệu đồng1… Đồng thời, đề nghị đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, sai sót trong quá trình thực hiện thu, chi BHXH, BHYT, cấp và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ở các cơ quan, đơn vị.

Cùng với việc thực hiện công tác TTKT, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện thường xuyên, theo đúng quy định; bố trí cán bộ và nơi đón tiếp công dân bảo đảm các điều kiện theo đề án tiếp công dân của BHXH Việt Nam; niêm yết công khai nội quy tiếp công dân, lịch tiếp công dân của lãnh đạo theo quy định, mở sổ theo dõi tiếp công dân, ghi chép đầy đủ nội dung công dân đề nghị, phản ánh; đơn thư khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Kết quả trong 3 năm, từ 2018 – 2020, các cơ quan BHXH trên toàn tỉnh tiếp 561 lượt công dân; tiếp nhận và giải quyết 361 đơn thư hỏi, kiến nghị, phản ánh, đề nghị hưởng tiếp chế độ BHXH2.

Một số hạn chế, khó khăn trong công tác, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội tại Thanh Hóa

Một là, hằng năm, số đơn vị được phối hợp TTKT chưa nhiều và chưa thường xuyên; chất lượng công tác TTKT của các đoàn thanh tra phối hợp còn chưa cao; công tác phối hợp chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với các cơ quan liên quan về quản lý doanh nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Hai là, các đối tượng được TTKT đôi khi còn cản trở, không hợp tác với đoàn thanh tra. Một số đơn vị vi phạm nhưng không làm việc với đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành kiểm tra hoặc có làm việc nhưng không cung cấp thông tin, cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin tài liệu, không ký vào biên bản TTKT nên công tác TTKT hiện nay mới chỉ dừng ở phát hiện, kiến nghị.

Ba là, việc đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành và kiểm tra còn gặp khó khăn. Nhiều cá nhân, người sử dụng lao động không thực hiện nghiêm kết luận TTKT và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT.

Bốn là, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN chưa đủ sức răn đe, trong tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận TTKT chưa nghiêm, chưa kiên quyết dẫn đến một số đơn vị sử dụng lao động còn coi thường pháp luật, không chấp hành việc xử phạt, vẫn cố tình nợ đọng kéo dài qua nhiều năm hoặc trục lợi chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Năm là, một số hành vi vi phạm như: lạm dụng trong chỉ định sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT; lạm dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT đã được kiểm tra, xử lý nhưng vẫn chưa được chấn chỉnh, khắc phục. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng, chậm đóng BHXH có chiều hướng gia tăng mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động;

Sáu là, công tác triển khai giao dịch điện tử trong giải quyết chế độ BHXH ngắn hạn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do hệ thống văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ, công cụ hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác hậu kiểm trong khi tâm lý trục lợi quỹ BHXH trong ý thức người lao động và người sử dụng lao động còn tồn tại phổ biến.

Bảy là, Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Người được giao thực hiện nhiệm vụ TTCN là công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành”, trong khi đó, lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành của hệ thống BHXH Việt Nam chủ yếu là viên chức, dẫn đến không ít khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ TTKT.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội đối ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác TTKT và coi đây là nhiệm vụ phải được thực hiện thường xuyên. Quá trình thực hiện TTKT phải bảo đảm tính nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật về BHXH, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Nghiêm cấm những hành vi lợi dụng việc TTKT để nhũng nhiễu doanh nghiệp, xâm hại đến lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Thứ hai, cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện cần tích cực tham mưu cho UBND cùng cấp thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; tham mưu phương án xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH trong đó tập trung xử lý các vi phạm về không đăng ký đóng BHXH, đóng không  đầy đủ, nợ đọng tiền quỹ BHXH.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác TTKT của ngành BHXH; tiếp tục hoàn thiện, đổi mới theo hướng sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác TTKT, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ làm công tác thanh tra; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao kỹ năng và phương pháp làm việc của cán bộ làm công tác TTKT. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác TTKT có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi; trang bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác TTKT trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về BHXH tới mọi người dân, đặc biệt là đối với chủ sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp để các đối tượng này nắm được trách nhiệm và quyền lợi của chính mình khi thực hiện các quy định về BHXH, BHYT, BHTN, góp phần giảm thiểu được các vi phạm do không hiểu biết về quy định của pháp luật.

Thứ năm, tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ, thiết bị hiện đại vào phục vụ công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các quyết định sau TTKT, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, nâng cao hiệu lực của các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH.

Chú thích:
1, 2. Báo cáo thực hiện nhiệm vụ năm 2018, 2019, 2020 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
2. Luật Thanh tra năm 2010.
3. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
4. Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
5. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

ThS. Đỗ Phương Anh
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa