Phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng – an ninh trong tình hình mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên. Vì vậy, kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh là một tất yếu khách quan, một nội dung quan trọng trong đường lối phát triển đất nước của Đảng ta, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cán bộ Công ty 75 (Binh đoàn 15) hướng dẫn cách cạo mủ cao su cho công nhân là đồng bào dân tộc Gia-rai ở huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN

Đảng ta khẳng định: “Tổ chức, triển khai đồng bộ, thống nhất việc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh”1. Như vậy, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh (QPAN) được thể hiện trên những vấn đề cơ bản sau:

Kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN phải toàn diện, cơ bản lâu dài ngay từ trong chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và củng cố, tăng cường QPAN; trên từng địa bàn lãnh thổ, trong đó có sự quan tâm đặc biệt đến các vùng, địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”2.

Kết hợp kinh tế với QPAN được xem xét một cách toàn diện, cơ bản lâu dài trong mối liên hệ với các yếu tố khác, như: văn hóa, xã hội, đối ngoại, tín ngưỡng, tôn giáo,… để bảo đảm không cản trở hoặc gây thiệt hại đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Việc kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN trên các địa bàn lãnh thổ khác nhau cũng có nội dung, phương thức kết hợp cụ thể khác nhau, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa bàn lãnh thổ, đồng thời bảo đảm tính liên kết vùng, trong đó cần chú trọng những vùng, địa bàn chiến lược trọng yếu về QPAN như vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong quá trình kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN; xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”3.

Trong việc kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN, phải coi trọng phát huy nội lực, tự lực, tự cường, phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng của đất nước cho quá trình kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường sức mạnh QPAN. Đồng thời, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập, tận dụng tốt các nguồn ngoại lực cho phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường củng cố QPAN. Lòng dân là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; là lòng tin của Nhân dân vào các chủ trương, chính sách, thể chế chính trị,… của Đảng và Nhà nước. Các chính sách đúng đắn sẽ quy tụ được lòng dân, phát huy được sức mạnh của toàn dân trong giữ vững nền độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Xây dựng “thế trận lòng dân”để đáp ứng yêu cầu tăng cường sức mạnh QPAN, bảo vệ Tổ quốc chính là quá trình xây dựng nhân tố chính trị – tinh thần của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho nhân dân có ý thức tự giác về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi công dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN phải vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường sức mạnh QPAN, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Mọi thành quả đạt được của quá trình phát triển kinh tế – xã hội là nhằm ngày càng đáp ứng tốt nhất cho sự tăng trưởng kinh tế và tăng cường củng cố QPAN, cũng như nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, mọi hoạt động QPAN là nhằm tạo ra và gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định để đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo vệ sự phát triển kinh tế, bảo vệ cuộc sống của dân cư và tạo ra cơ sở chính trị tinh thần của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc. Trong việc kết hợp đòi hỏi có sự liên kết, chuyển hóa chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm tính lưỡng dụng trong các hoạt động kinh tế và hoạt động QPAN, các hoạt động kinh tế có thể chuyển hóa sang phục vụ QPAN và ngược lại, các hoạt động QPAN có thể chuyển sang phục vụ kinh tế và dân sinh, từ đó tiết kiệm chi phí, phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế và bảo đảm QPAN. Qua đó, tạo điều kiện nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế với bảo đảm QPAN trong tình hình mới, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế với tăng cường củng cố QPAN. Đất nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng xây dựng nền công nghiệp quốc phòng. Phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, trong đó trước hết, cần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp trong công tác kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với củng cố QPAN, phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành và địa phương, đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức và công dân trong thực hiện chủ trương kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường củng cố QPAN, chống tư tưởng và hành động tự do vô chính phủ trong hoạt động kinh tế cũng như trong hoạt động QPAN, các hành động phương hại đến phát triển kinh tế và sức mạnh quốc phòng của đất nước.

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nền kinh tế của ngành, địa phương gắn với tăng cường củng cố QPAN một cách phù hợp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố QPAN. Xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ trong tham mưu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế làm nguy hại đến tiềm lực QPAN của đất nước.

Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực QPAN. Đây là nội dung rất quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và an ninh thành các văn bản pháp luật, tiến hành quán triệt, tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả cao, cần quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo chỉ đạo và quản lý. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tập trung quán triệt nắm chắc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách có liên quan đến mối quan hệ này làm cơ sở để giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa tự bảo vệ và được bảo vệ, phù hợp với thực tiễn đất nước và thông lệ quốc tế.

Mọi chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến kết hợp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế với tăng cường củng cố QPAN đều phải được thể chế hoá thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất để quản lý và tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả trong cả nước. Cơ chế, chính sách bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố tiềm lực QPAN cần được xây dựng theo quan điểm quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Việc phân bổ ngân sách đầu tư cho kết hợp phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường củng cố QPAN theo hướng tập trung cho những mục tiêu chủ yếu, những công trình có tính lưỡng dụng cao đáp ứng cả cho phát triển kinh tế  – xã hội và củng cố QPAN, cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng chính sách khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần đối với các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư có các đề tài khoa học, các dự án công nghệ có ý nghĩa ứng dụng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, hoàn thiện chiến lược tổng thể kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường củng cố QPAN trong thời kỳ mới. Muốn kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố QPAN trong suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách cơ bản và thống nhất trên phạm vi cả nước và từng địa phương, phải tiếp tục hoàn thiện chiến lược tổng thể quốc gia, các quy hoạch và kế hoạch về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố QPAN. Coi đây là một trong những căn cứ quan trọng hàng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Trong hoàn thiện chiến lược tổng thể, quy hoạch, kế hoạch về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố QPAN và đối ngoại trong thời kỳ mới, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương từ khâu khảo sát, đánh giá các nguồn lực, trên cơ sở đó, xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và đề ra các giải pháp chính sách, như: chính sách khai thác các nguồn lực; chính sách đầu tư và phân bổ đầu tư; chính sách điều động nhân lực, bố trí dân cư; chính sách ưu đãi khoa học và công nghệ lưỡng dụng.

Đẩy mạnh xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế quốc phòng và phát triển bền vững kinh tế – xã hội khu vực biên giới và biển, đảo, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, toàn quân, trực tiếp là các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các quân khu, đoàn kinh tế quốc phòng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, tiếp tục phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong đó, cần chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế quốc phòng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, yêu cầu, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, phát triển khu kinh tế quốc phòng trong tình hình mới, cũng như vai trò của quân đội trong thực hiện nhiệm vụ này; từ đó, nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Bốn là, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội và Công an tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở, đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở. Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp QPAN. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp QPAN, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường QPAN, bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp trong kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường, củng cố QPAN. Trước hết, mỗi ngành, mỗi cấp phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11/5/2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương; đồng thời, nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định này cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố QPAN ở ngành, địa phương, cơ sở. Đổi mới phương pháp quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch đến công tác nắm tình hình, thu thập xử lý thông tin, định hướng hoạt động, tổ chức hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra ở mọi khâu, mọi bước của quá trình thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố QPAN.

Xây dựng, phát triển nền công nghiệp QPAN hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực QPAN tại các khu vực phòng thủ. Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Kết hợp chặt chẽ giữa chấn chỉnh, kiện toàn với chăm lo bồi dưỡng nâng cao năng lực trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ chuyên trách làm tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp về thực hiện kết hợp phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường củng cố QPAN ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội.

Sáu là, bố trí thế trận QPAN, nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố QPAN cho công chức, đặc biệt là công chức lãnh đạo quản lý các cấp. Bố trí thế trận QPAN phù hợp với tình hình mới; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, củng cố thế trận QPAN với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; lồng ghép và phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có trong thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch xây dựng, phát triển các khu kinh tế – quốc phòng trên các vùng, miền Tổ quốc, nhất là trên các vùng biên giới đất liền, hải đảo ngày càng hiệu quả. Trong đó, tập trung phát triển mạnh công nghiệp quốc phòng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình phục vụ QPAN mà công nghiệp dân sinh không có khả năng bảo đảm. Căn cứ vào đối tượng bồi dưỡng, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra để chọn lựa nội dung, chương trình bồi dưỡng cho phù hợp và thiết thực nhằm nâng cao cả kiến thức, kinh nghiệm và năng lực thực tiễn sát với cương vị đảm nhiệm với từng loại đối tượng cán bộ.

Kết hợp bồi dưỡng kiến thức lý luận với thực hành thông qua các cuộc diễn tập thực nghiệm, thực tế ở các bộ, ngành, địa phương, cơ sở để nâng cao hiểu biết và năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ và của toàn dân, toàn quân về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố QPAN trong tình hình mới.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.150.
2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 157.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011.
2. Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11/5/2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương.
3. Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21/12/2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng.
4. Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 25/10/2013 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
5. Quân ủy Trung ương. Tài liệu nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Hà Nội, 2020.
Đại tá, TS. Bùi Quang Huy
Trung tá Nguyễn Văn Hoạt
Trường Đại học Chính trị – Bộ Quốc phòng