(Quanlynhanuoc.vn) – Bộ Nội vụ với vai trò cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ, đã thường xuyên cải tiến, đổi mới nội dung, phương pháp xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm để Chỉ số cải cách hành chính luôn được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đánh giá khách quan, trung thực, sát thực tế cải cách hành chính của các bộ ngành, địa phương.
Vai trò của Bộ Nội vụ trong quá trình triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính
Bộ Nội vụ với vai trò cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ, đã thường xuyên cải tiến, đổi mới nội dung, phương pháp xác định Chỉ số cải cách hành chính. Qua từng năm triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính, với những bộ tiêu chí đánh giá mới, được sửa đổi, bổ sung, đảm bảo các nguyên tắc trên cơ sở khoa học và thực tiễn, tập trung vào đánh giá kết quả và tác động. Việc đánh giá có sự kết hợp chặt chẽ giữa bên trong và bên ngoài cơ quan hành chính, làm cho các thông tin thu được từ Chỉ số cải cách hành chính có tính tổng hợp, đa chiều, bảo đảm khách quan. Đặc biệt, từ xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2017, ở cấp tỉnh, đã có sự kết hợp đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp với đánh giá Chỉ số cải cách hành chính, giúp cho việc đánh giá có tính tổng hợp, toàn diện; kết quả Chỉ số cải cách hành chính vừa phản ánh được mục tiêu, yêu cầu đặt ra của cải cách hành chính, vừa phản ánh được mong muốn, nguyện vọng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính. Trên cơ sở đó, kết quả Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh/thành phố luôn bảo đảm trung thực, khách quan, phản ánh đúng tình hình triển khai và những kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo và trong các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính.
Trong quá trình tiến hành rà soát, thẩm định kết quả tự chấm điểm của các bộ, các tỉnh/thành phố để xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Tổ Thư ký, Hội đồng thẩm định thực hiện các bước một cách chặt chẽ, khoa học, có sự trao đổi, thống nhất với các bộ, các tỉnh/thành phố nhằm phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong đánh giá để bảo đảm kết quả đạt được khách quan, công bằng, phản ánh chính xác kết quả cải cách hành chính đạt được.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong quản lý chấm điểm đã giúp công tác tự đánh giá chấm điểm của các bộ, các tỉnh/thành phố được nhanh chóng, thuận lợi, chính xác, thuận lợi cho việc tổng hợp, rà soát, thẩm định của Bộ Nội vụ và các Bộ liên quan được công khai, minh bạch. Công tác điều tra xã hội học lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau về kết quả cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh/thành phố phục vụ cho việc tính toán Chỉ số cải cách hành chính được tổ chức chặt chẽ, hệ thống. Sự đổi mới, tăng cường công tác theo dõi, giám sát của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương đối với quá trình tổ chức điều tra xã hội học đã góp phần làm cho kết quả điều tra xã hội học đạt được có tính khách quan, sát với thực tế.
Bài học kinh nghiệm
Một là, cải cách hành chính nói chung, công tác xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và sự tham gia tuyên truyền, vận động, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các đoàn thể quần chúng. Mặt khác, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ số cải cách hành chính đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính và các nhiệm vụ chính trị được giao. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị đối với quá trình triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính.
Hai là, xác định các mục tiêu cải cách hành chính mang tính định lượng với mức độ phù hợp, thiết thực để bảo đảm tính khả thi. Trên cơ sở đó, xây dựng các tiêu chí, tiêu chí thành phần, chỉ tiêu của Chỉ số cải cách hành chính phù hợp, đánh giá toàn diện chất lượng cải cách hành chính và kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Ba là, quá trình tổ chức triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính nhà nước phải gắn với tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các bộ, ngành, địa phương. Phân công rõ trách nhiệm và có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện xác định Chỉ số cải cách hành chính.
Bốn là, tăng cường công tác truyền thông về ý nghĩa của Chỉ số cải cách hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân, tổ chức và xã hội. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai việc xác định Chỉ số cải cách hành chính. Chú trọng việc đánh giá, biểu dương những cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt và có hình thức xử lý nghiêm đối với các cá nhân, đơn vị vi phạm.
Định hướng xác định Chỉ số cải cách hành chính đến năm 2030
Thứ nhất, việc triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính phải bảo đảm đánh giá một cách hệ thống, chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính hàng năm của các bộ, ngành, địa phương, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong theo dõi, đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính giai đoạn từ năm 2021 trở về trước. Nghiên cứu mở rộng đối tượng đánh giá Chỉ số cải cách hành chính đối với các bộ, cơ quan ngang bộ: Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ trên cơ sở làm rõ nội dung, nhiệm vụ thống nhất của các cơ quan trong thực hiện cải cách hành chính, đồng thời bảo đảm tính đặc thù của mỗi cơ quan.
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm tính ổn định trong đánh giá cải cách hành chính từ nay đến năm 2030. Việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương phải bám sát nội dung Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, phản ánh những nội dung cốt lõi, trọng tâm của cải cách hành chính trên từng lĩnh vực. Các tiêu chí, tiêu chí thành phần tập trung chủ yếu phản ánh kết quả, tác động của cải cách hành chính, dễ lượng hóa, tính toán, phân biệt, so sánh và bảo đảm tính bền vững trong quá trình theo dõi, đánh giá.
Thứ ba, tiếp tục kết hợp phương pháp đánh giá bên trong (đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các bộ, cơ quan, địa phương hàng năm thông qua báo cáo) và phương pháp đánh giá bên ngoài (thông qua điều tra khảo sát các nhóm đối tượng liên quan đến cải cách cách hành chính), trong đó khuyến khích, mở rộng đối tượng, số lượng điều tra xã hội học, nâng cao tỷ trọng điểm đánh giá từ bên ngoài thông qua điều tra xã hội học các nhóm đối tượng để vừa bảo đảm tính khách quan, đa chiều, vừa bảo đảm tính chủ động của các cơ quan trong việc theo dõi, đánh giá. Đổi mới công tác điều tra xã hội học các nhóm đối tượng phục vụ xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Thay thế dần phương pháp phát phiếu điều tra xã hội học trực tiếp hiện nay sang khảo sát trực tuyến, sử dụng tiện ích mạng xã hội, các thiết bị di động để bảo đảm việc khảo sát được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, khách quan, hiệu quả. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ cùa cơ quan hành chính nhà nước, coi Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính là một nội dung quan trọng trong đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các địa phương.
Thứ tư, gắn kết chặt chẽ việc theo dõi, đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm với việc triển khai xây dựng, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về cải cách hành chính, chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị; đồng thời, thông qua Chỉ số cải cách hành chính, góp phần hình thành, củng cố, hoàn thiện hệ thống dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về vai trò, ý nghĩa của Chỉ số cải cách hành chính nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong tham gia đánh giá cải cách hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc sử dụng, khai thác thông tin từ Chỉ số cải cách hành chính phục vụ cải thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Gắn kết chặt chẽ giữa đánh giá Chỉ số cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong cải cách hành chính.