Quận Thốt Nốt: Phát triển từ lợi thế về vị trí và giao thông

(Quanlynhanuoc.vn) – Thốt Nốt là quận cửa ngõ phía tây bắc của thành phố Cần Thơ, với tổng diện tích 12.202,40 ha. Quận nằm kế cận 3 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang, có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông thủy, bộ. Đây là những lợi thế vô cùng lớn để quận đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ – thương mại.
Cầu Vàm Cống nối TP Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp qua địa bàn quận Thốt Nốt.

Với vị trí địa lý thuận lợi đã tạo điều kiện cho quận thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp phụ trợ như: xay xát, linh kiện, cơ khí,…; hình thành dịch vụ kho vận – logistic, chợ chuyên doanh lúa gạo… Từ đó, tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, như: quảng cáo, đóng gói, đào tạo nghề, tài chính – ngân hàng, xử lý chất thải, giao thông đường thủy, bến bãi, vận chuyển hàng hóa,…

Quận Thốt Nốt có hệ thống sông rạch thuận lợi giao thông thủy, phát triển du lịch sông nước.

Hiện nay, quận Thốt Nốt đang trên đà xây dựng diện mạo đô thị mới, vì vậy, nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai thực hiện trên địa bàn. Đặc biệt, nhờ việc phát huy tiềm năng, thế mạnh cùng việc nêu cao tinh thần cầu thị và những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của lãnh đạo quận, bức tranh thu hút đầu tư vào quận Thốt Nốt đã có sự chuyển biến tích cực với nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Hiện nay, quận đã xúc tiến kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội qua các dự án: Cảng Tân Cảng, Khu đô thị mới Hoàng Gia, Khu đô thị mới hai bên đường Nguyễn Thái Học, Khu đô thị mới tại phường Thới Thuận, Khu Công nghiệp Thốt Nốt,… cùng một số điểm chợ được nâng cấp, mở rộng. Qua đó, đem lại hiệu quả rất lớn trong việc nâng cao cuộc sống của người dân, tạo động lực thúc đẩy Thốt Nốt phát triển trở thành một trong những quận vững mạnh, giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Điển hình là khu công nghiệp (KCN) Thốt Nốt với diện tích quy hoạch 600 ha, được chia làm 02 phân kỳ. Hiện phân kỳ I đã thu hút 13 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư gần 2.443,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm trên 8.880 lao động.

Cảng thủy nội địa Tân Cảng Thốt Nốt

Cảng Tân cảng Thốt Nốt đã đưa vào hoạt động từ cuối năm 2015 có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 2.000 tấn, sà lan 1.000 tấn có vai trò thu gom, tập kết, thông quan hàng hóa, xếp dỡ container hàng xuất khẩu, trọng tâm là ngành hàng gạo, thủy sản, thức ăn gia súc,… của thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Đồng thời, cung cấp dịch vụ logistics trọn gói cho tuyến đường thủy nối liền đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và các cảng nước sâu như: Cái Mép – Thị Vải cũng như liên tuyến Cam-pu-chia. Hiện tại, nhà đầu tư đang xin tiếp tục đầu tư mở rộng trên khu đất hơn 05 ha.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ

Chặng đường phía trước mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới; song với những kết quả đã đạt được trong năm 2020 cùng với những giải pháp, định hướng đúng đắn của Ban lãnh đạo quận, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân sẽ là tiền đề vững chắc để Thốt Nốt thực hiện thắng lợi các kế hoạch, nhiệm vụ đề ra trong năm 2021 với chủ đề năm “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội; đảm bảo an ninh trật tự; cải thiện đời sống Nhân dân”. Từ đó, xây dựng quận Thốt Nốt trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, vững bước trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Một góc đô thị phường Thốt Nốt được xây dựng sáng, xanh, sạch, đẹp.