An Giang: Nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư

Năm 2021, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh An Giang tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét, các nhiệm vụ trọng tâm được tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Tỉnh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, tập trung vào các giải pháp nâng cao Chỉ số CCHC (PAR-INDEX), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xếp hạng mức độ chính quyền số của các cơ quan nhà nước tỉnh An Giang (ICT Index), Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI); tập trung gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư.

Trong năm 2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực, nỗ lực tham mưu triển khai thực hiện hoàn thành 72/72 nhiệm vụ theo Kế hoạch CCHC năm của UBND tỉnh, đạt 100%.

Các cấp, các ngành đã chủ động trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tập trung thực hiện tốt cơ chế một cửa trong việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC); chủ động xây dựng, ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công; thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tạo nguồn kinh phí tăng thu nhập cho cán bộ, công chức; huy động được nguồn lực củng cố, bổ sung thiết bị thực hiện đề án chính quyền điện tử, tiếp tục nâng cấp phần mềm quản lý văn bản, điều hành bảo đảm  theo dõi được luồng xử lý văn bản và tăng cường tích hợp ứng dụng chữ ký số trên phần mềm; xây dựng môi trường hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả, đảm bảo đồng bộ.

Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh An Giang

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc thực hiện việc tổ chức chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính, việc tiếp công dân và các nhiệm vụ chuyên môn thực hiện liên tục, không bị gián đoạn.

Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị. Trong đó, chú trọng tăng cường kiểm tra đột xuất, tập trung vào các vấn đề liên quan đến tiến độ kết quả thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao và xử lý các vấn đề sau kiểm tra, kiên quyết xử lý cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra sai phạm.

Khai trương Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC huyện An Phú

Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, giai đoạn 2021 – 2030, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình CCHC tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2030 (Quyết định số 3037 /QĐ-UBND, ngày  21/12/2021 của UBND tỉnh) và cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 803 /KH-UBND, ngày 23/12/2021 CCHC năm 2022 gồm 8 lĩnh vực với 80 nhiệm vụ, trong đó: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: 20 nhiệm vụ; cải cách thể chế: 4; cải cách TTHC: 5; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: 9; cải cách chế độ công vụ: 8; cải cách tài chính công: 8; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số: 23; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 3 nhiệm vụ.

Mục tiêu cụ thể CCHC tỉnh An Giang trong năm 2022

– Phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên. 100% TTHC trả kết quả đúng hạn. 98% người dân được hỏi hài lòng về kết quả giải quyết TTHC và hài lòng với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

– Phấn đấu 50% hồ sơ giải quyết trực tuyến và 100% dịch vụ công (đủ điều kiện) cung cấp trực tuyến mức 4. Tích hợp 70% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

– Phấn đấu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 20% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh, xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

– Hệ thống báo cáo được kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

– Nâng cấp, hiệu chỉnh, bổ sung Phân hệ theo dõi nhiệm vụ UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao, kết nối tích hợp với Phân hệ theo dõi nhiệm vụ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, bảo đảm hiển thị theo thời gian thực.

– Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh cấp tỉnh (PCI) phấn đấu trong nhóm 10/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số đo lường sự hài lòng (SIPAS) phấn đấu trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

6 nhóm giải pháp cho CCHC tỉnh An Giang trong năm 2022

Một là, tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện CCHC từ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Hai là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Ba là, bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho CCHC.

Bốn là, tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Năm là, đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; thường xuyên đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, khoa học và công nghệ trong thực hiện từng nội dung CCHC.